Nghệ sĩ Chí Linh: Trăn trở viết và dựng vở sử Việt

Nghệ sĩ Chí Linh: Trăn trở viết và dựng vở sử Việt

17/07/2022
748 Lượt xem

(CL) – Nghệ sĩ Chí Linh luôn trăn trở về đội ngũ kế thừa, không chỉ diễn viên mà còn với cả lực lượng tác giả, đạo diễn sân khấu cải lương

Phóng viên: Vừa làm đạo diễn vở “Lan Lăng Vương nhập trận khúc” của tác giả trẻ Yến Ngân, mở đầu cho xu hướng làm live show bằng vở tuồng của nghệ sĩ trẻ, ông có xem đây là sự đột phá?

Nghệ sĩ CHÍ LINH: Nghệ sĩ trẻ Hoàng Hải cũng vừa làm chương trình kỷ niệm “10 năm với đam mê”, lỗ vốn do mức đầu tư lớn dù vé bán kín rạp, song bù lại là diễn viên trẻ được vào các vai có sức nặng. Lâu nay Hoàng Hải chỉ diễn vai tính cách, vai phụ, không ai dám giao vai chính nên việc em tự làm chương trình và đầu tư cho mình một vai chính rộng đất diễn là hết sức chính đáng. Tôi không cho đó là cú đột phá mà thấy hào hứng khi khán giả còn thương sàn diễn cải lương tuồng cổ, còn đến xem và ủng hộ diễn viên trẻ. Càng vui hơn khi 2/3 khán giả là giới trẻ.

Theo ông, có ổn không khi sàn diễn cải lương tuồng cổ cứ viết và dựng các vở dựa theo tích truyện Tàu, ca diễn theo phong cách Hồ Quảng?

Thực tế, để viết và dựng vở chính sử Việt khó như “mò kim đáy biển”. Nhiều tác giả lão làng đã ra đi, tác giả trẻ thì chưa đủ trình độ để viết. Sai sử, hư cấu không hợp lý, phá hỏng tư tưởng của câu chuyện theo kiểu phải đủ “hỷ, nộ, ái, ố”, rất khó.

Chắc chắn là không ổn khi sàn diễn cứ dùng kịch bản cũ, diễn theo tuồng tích Trung Hoa. Tuy nhiên, để có được nguồn kịch bản sử Việt dựng đúng phong cách tuồng cổ như: “Câu thơ yên ngựa”, “Tô Hiến Thành xử án”, “Bão táp Nguyên Phong”, “Bức ngôn đồ Đại Việt”… không phải chuyện đơn giản. Để nuôi sống nhân viên cũng như diễn viên quần chúng, một đoàn xã hội hóa như Chí Linh – Vân Hà phải chọn cách “lấy ngắn nuôi dài”. Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, khán giả quay lại rạp, thích xem cải lương tuồng cổ với những vở cũ hoặc viết mới theo phong cách tuồng cổ thì chúng tôi phải đáp ứng. Về lâu dài thì phải tính khác.

Nghệ sĩ Chí Linh: Trăn trở viết và dựng vở sử Việt - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Chí Linh trong một vai diễn cải lương tuồng cổ. (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)

Ông có thể nói gì về dự án mới của sân khấu Chí Linh – Vân Hà? Việc “tính khác” đó có khả thi?

Liên hoan Sân khấu cải lương toàn quốc 2022 sẽ diễn ra vào tháng 11 tại TP HCM. Tôi và vợ (nghệ sĩ Vân Hà – PV) đang đầu tư một kịch bản sử Việt để diễn viên trẻ của đoàn dự thi. Với vai trò đạo diễn, tôi còn dàn dựng một số trích đoạn để các diễn viên tham gia Cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang 2022.

Hai nghệ sĩ Dương Kim Tiến và Nguyễn Văn Hợp cũng đặt hàng tôi dàn dựng một vở tuồng sử Việt, sau thành công của nhóm nghệ sĩ xã hội hóa này với vở “Thủy chiến” – nói về trận thắng lịch sử trên sông Bạch Đằng của Ngô Quyền. Tôi thật sự hào hứng và cảm nhận các diễn viên trẻ rất nỗ lực, tạo dựng niềm tin về việc sẽ có nhiều vở diễn, trích đoạn sử Việt hay để phục vụ công chúng.

Sàn diễn cải lương của các đơn vị xã hội hóa đang gặp nhiều khó khăn, ông đề xuất điều gì?

Giá thuê rạp tăng cao. Dựng một vở diễn với riêng 3 suất tổng dượt, phúc khảo và công diễn đã tốn hàng chục triệu đồng nhưng vé thì không thể tăng giá. May mà chúng tôi được thuê điểm tập với giá hỗ trợ, còn nếu thuê rạp sẽ khiến tổng chi phí dựng vở tăng rất cao. Đây là bài toán khó. Sở Văn hóa – Thể thao TP HCM cần tiếp sức để nghệ sĩ chúng tôi có điều kiện làm những vở đúng định hướng.

Theo nghệ sĩ Chí Linh, bài học quý nhất của nghệ sĩ là thấy được thất bại của mình qua vai diễn. “Điều giá trị nhất để nghệ sĩ trưởng thành chính là lời phê bình từ sự thương yêu của công chúng. Khán giả không ghét bỏ mà luôn muốn nghệ sĩ tiến bộ hơn. Ai suy nghĩ được điều này sẽ là một nghệ sĩ giỏi ở tương lai” – ông nhìn nhận.


5/5 - (4 bình chọn)
Nguồn bài viết: Người Lao Động

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *