Nghệ sĩ hải ngoại chung tay giữ nghề

Nghệ sĩ hải ngoại chung tay giữ nghề

29/08/2016
1229 Lượt xem

(CLV) – Dù làm gì, biểu diễn ở đâu, nghệ sĩ hải ngoại cũng đều có ý thức giữ gìn, phát triển những bộ môn vốn là vốn quý của dân tộc như cải lương, hát bội…

Nghệ sĩ sân khấu định cư tại Mỹ sống rải rác khắp nơi, tập trung nhiều nhất ở quận Cam, miền Nam California. Nghệ sĩ ở quận Cam cũng thường “bay sô” sang các khu vực khác như Seattle, Taxas, Atlanta… Tuy nhiên, dù biểu diễn ở đâu, họ cũng đều có ý thức giữ gìn, phát triển những bộ môn vốn là vốn quý của dân tộc như cải lương, hát bội…

Luôn tự hào về cải lương

Chúng tôi bùi ngùi đứng trước những tấm pa nô quảng cáo được đặt ở các nhà hàng Việt ở Mỹ. Các sô diễn của nhiều tháng cứ dán chồng lên nhau. Nghệ sĩ dù sống bằng nghề nào, dù ngày ngày làm việc ở hãng xưởng thì vẫn đều nỗ lực không ngừng để theo đuổi sân khấu.

Nghệ sĩ hải ngoại chung tay giữ nghề - ảnh 1

Các nghệ sĩ hải ngoại trong chương trình “Cải lương tôi yêu”

Ở Atlanta – thủ phủ của tiểu bang Georgia, cũng là thành phố phát triển mạnh nhất sau Thế vận hội 1996 – có 2 nghệ sĩ gạo cội của sân khấu cải lương đang sinh sống. Đó là “nữ hoàng kiếm hiệp” – NSƯT Mỹ Châu và NSƯT Phương Hồng Thủy. Phải đổi 2 chuyến bay từ San Jose đến Las Vegas rồi mới tới Atlanta, tôi được Lê Đạt – ông bầu trẻ chuyên đứng ra tổ chức các sô cải lương tại Atlanta, đón. Từ sân bay, anh đưa tôi đến nhà “nữ hoàng kiếm hiệp”. Bà vẫn như ngày nào, chu đáo và niềm nở trong giao tiếp.

Nghệ sĩ hải ngoại chung tay giữ nghề - ảnh 2

Đông đảo khán giả tại Atlanta đến xem chương trình “Cải lương tôi yêu” do Lê Đạt, Hồng Vân và Bảo Châu tổ chức

Dù rời xa sân khấu đã nhiều năm nhưng NSƯT Mỹ Châu vẫn đặt ra cho mình một nguyên tắc: Luôn giữ hình ảnh đẹp trong mắt công chúng. Do vậy mà chiếc máy ảnh của chúng tôi bị vô hiệu hóa. Toàn bộ hình ảnh chúng tôi có được về Mỹ Châu đều chụp bằng máy của bà. “Xin lỗi, đó là cách tốt nhất để tôi kiểm tra những bức ảnh trước khi gửi đến công chúng từng yêu mến mình” – NSƯT Mỹ Châu giải thích. Bà nhiệt tình đưa chúng tôi đi ăn tối, uống cà phê trên tòa nhà cao 72 tầng của Atlanta.

Tuy sống khép kín nhiều năm qua nhưng mỗi câu chuyện NSƯT Mỹ Châu kể đều toát lên niềm tự hào về nghệ thuật cải lương. Đây là nghề mà mẹ đã chọn và bà đã không hối tiếc, dấn bước và nổi danh, trở thành một cô đào tài sắc vẹn toàn, có hàng trăm vai diễn tạo dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng.

Nghệ sĩ hải ngoại chung tay giữ nghề - ảnh 3

Tác giả cùng NSƯT Mỹ Châu và ê-kíp thực hiện chương trình “Cải lương tôi yêu” tại Atlanta – Mỹ Ảnh: Minh Hy

NSƯT Mỹ Châu sang Mỹ định cư cùng chồng là nghệ sĩ Đức Minh từ năm 2002. Sau khi chồng qua đời vì căn bệnh gan, bà ít tiếp xúc với đồng nghiệp. “Tôi không lui tới các nơi tổ chức biểu diễn vì nhiều năm qua đã từ chối lời mời của các bầu sô. Tôi không dám nói mình bỏ nghề mà chỉ là dừng lại để khán giả luôn nhớ về những vai diễn tôi đã cống hiến bằng thái độ trọng thị mà mình đã dành cho sân khấu cải lương” – NSƯT Mỹ Châu tâm sự. Bà đưa tôi xem những hình ảnh của các vai diễn xưa, những dấu ấn đẹp mà hễ nhắc đến tên Mỹ Châu, khán giả nhớ ngay. Nhiều người đến giờ vẫn còn nhớ đến cô đào chuyên ca dây kép, từ đó trong giới mới có cụm từ “dây đờn Mỹ Châu” trứ danh cho tới ngày nay.

Nghệ sĩ hải ngoại chung tay giữ nghề - ảnh 4

Nhà báo Thanh Hiệp và Lê Đạt chụp ảnh lưu niệm với NSƯT Mỹ Châu trên tòa nhà cao 72 tầng của thành phố Atlanta

Năm vừa qua, thực hiện di nguyện của nghệ sĩ Đức Minh, NSƯT Mỹ Châu đã đi sang nhiều tiểu bang trên đất Mỹ để thăm các nghệ sĩ từng có nhiều kỷ niệm trong nghề với vợ chồng bà như: Thành Được, Minh Cảnh, Phượng Liên, Văn Chung… Tất nhiên, ở những cuộc gặp ấy, cải lương và làm gì để giữ gìn, phát huy bộ môn nghệ thuật này luôn là đề tài hàng đầu.

“Tôi luôn tự hào về sàn diễn cải lương vì đã cho khán giả rất nhiều tác phẩm ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi trung hiếu, tiết nghĩa… Những bài học giáo lý đó luôn thấm sâu vào máu thịt người Việt nên cho dù ở bất cứ nơi nào, nghe một bài vọng cổ, một giai điệu ngũ cung là thấy được gần hơn với quê nhà” – bà bày tỏ.

NSƯT Mỹ Châu đã dành lời khuyên đối với Lê Đạt khi chúng tôi chia tay bà: “Làm nghệ thuật cải lương phải thật nghiêm túc”.

Dành trọn trái tim

Chúng tôi cũng có dịp đến thăm vợ chồng NSƯT Phương Hồng Thủy và gặp hai cô gái cùng tổ chức sô “Cải lương tôi yêu” với Lê Đạt, đó là Hồng Vân và Bảo Châu. Hồng Vân chính là con gái của NSƯT Phương Hồng Thủy.

Nghệ sĩ hải ngoại chung tay giữ nghề - ảnh 5

NSƯT Phương Hồng Thủy và con gái – Hồng Vân

Tuy không nối nghiệp mẹ nhưng Hồng Vân là một nhà tổ chức uy tín. Hồng Vân ý thức rõ việc làm thế nào để đưa đến kiều bào tại Mỹ những đêm diễn mang tính chuyên nghiệp. Sau chuyến lưu diễn tại Úc thành công đầu năm 2016, bộ ba này đã tổ chức chương trình “Cải lương tôi yêu” tại TP Atlanta.

Nghệ sĩ hải ngoại chung tay giữ nghề - ảnh 6

Nhà báo Thanh Hiệp và NSƯT Mỹ Châu tại Atlanta – Mỹ

Khán giả kiều bào tại Atlanta đã được thưởng thức một chương trình sân khấu chất lượng, mang nhiều cảm xúc cho những bạn trẻ lớn lên trên đất Mỹ. Lê Đạt, Hồng Vân và Bảo Châu đã mang luồng gió mới đến cho khán giả Atlanta và các vùng lân cận. Có người phải lái xe hơn 4 giờ để đến xem “Cải lương tôi yêu”. Nhiều khán giả đã qua Mỹ hơn 30 năm nay, lần đầu tiên được xem một chương trình đúng nghĩa cải lương, họ cảm thấy không bõ công dù sau đó về tới nhà là 4 – 5 giờ sáng.

Nghệ sĩ hải ngoại chung tay giữ nghề - ảnh 7

Nhà báo Thanh Hiệp và NSƯT Phương Hồng Thủy tại Atlanta – Mỹ

NSƯT Phương Hồng Thủy cho biết có những khán giả đến xem và khóc vì gặp lại những nghệ sĩ mà họ yêu mến như: Phượng Liên, Ngọc Đáng, Thanh Thanh Tâm, Ngọc Huyền, Linh Tâm, Vũ Luân, Mai Thế Hiệp…; các nhạc sĩ cổ nhạc: Hoàng Phúc, Nhất Lang, Hoàng Ân…

“Không khí khán giả tại Atlanta thật sự làm chúng tôi xúc động. Con gái của chị Phương Hồng Thủy dù không theo nghề diễn của mẹ nhưng vẫn dành trọn trái tim cho cải lương. Cô đã cùng các bạn mình giữ ngọn lửa yêu cải lương truyền đến khán giả kiều bào ở tiểu bang Georgia” – NSƯT Vũ Luân nhìn nhận.

Được làm nghề, dù lỗ vẫn vui

Hồng Vân bày tỏ: “Với nền kinh tế thị trường như hiện nay, sự du nhập của nhiều loại hình giải trí đã khiến giới trẻ dần xa rời văn hóa dân tộc. Thế nhưng, mọi thứ vẫn còn đó. Nghệ thuật cải lương vẫn chinh phục được người trẻ tại Mỹ nếu được đầu tư. Dù sau những suất diễn, chúng tôi thua lỗ mỗi người hơn1.000 USD nhưng rất vui vì được làm nghề nghiêm túc”.

Hồng Vân và bạn bè cô vẫn khao khát tổ chức nhiều chương trình “Cải lương tôi yêu” để không phụ lòng mong mỏi của kiều bào xa quê.


5/5 - (1 bình chọn)

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *