Nghệ sĩ Minh Cảnh – “Hoàng đế cơ hàn”

Nghệ sĩ Minh Cảnh – “Hoàng đế cơ hàn”

Chưa phân loại
31/07/2018
552 Lượt xem

Mê vọng cổ, chắc chắn không ai không say tiếng hát của nghệ sỹ Minh Cảnh, xuất hiện trên sân khấu cải lương miền Nam từ thập niên 60 của thế kỷ trước. Ông là một nghệ sĩ bậc thầy đã sáng tạo ra trường phái ca hơi dài khi vô câu vọng cổ bằng những nét rất đặc trưng mà không có một nghệ sỹ nào có thể đạt được.

Mắc bệnh hiểm nghèo, ông đã xin qua Mỹ định cư, chữa bệnh suốt 13 năm qua. Mãi đến ngày cuối tháng 5/2018, khi đã 81 tuổi, ông mới có dịp về thăm đất mẹ. Thời gian thăm quê không nhiều, ông vẫn thu xếp để tham gia đêm diễn của học trò mình là NSƯT Minh Minh Tâm tại Nhà Văn hóa Thanh niên (TP Hồ Chí Minh)…

Từ cậu bé bần hàn trở thành kép chánh cải lương

Ông tên thật là Nguyễn Văn Cảnh, sinh năm 1938 tại Chợ Lớn. Thân phụ ông gốc Quảng Bình vào Sài Gòn đạp xe xích lô, làm tài xế taxi nuôi gia đình. Mẹ ông buôn gánh bán bưng. Nhà đông con nên cuộc sống rất khó khăn. Lên 11 tuổi, Minh Cảnh về sống với bà ngoại và dì ở đường Nguyễn Thiện Thuật, quận 3. Hồi nhỏ, ban ngày ông đi bươi rác lượm ve chai, bịch ni lông, giấy vụn đem bán.

Tối đến, Minh Cảnh lấy chuối chiên, bánh cam mang đi bán dạo. Mỗi khi nghe máy hát dĩa nhà giàu trên phố mở Út Trà Ôn, sầu nữ Út Bạch Lan hát là Minh Cảnh thấy chân bị níu lại không muốn đi. Nghe riết thành quen, thuộc bài rồi nghêu ngao hát theo. Khoảng 4 năm sau, Minh Cảnh theo cha về sống bên đường Phạm Thế Hiển, quận 8. Ngay góc đường có ông thợ hớt tóc tên Hai Sĩ kiêm nghề dạy đờn ca nên Minh Cảnh được ông nhận dạy hát.

370b1e93 9793 4d23 a7f8 0c0661aedb9d

Dịp giỗ tổ sân khấu cải lương 12/8 âm lịch năm 1960, Minh Cảnh vẫn đang bán dạo bánh ú gần rạp hát Aristo trên đường Lê Lai, sát ga xe lửa Sài Gòn (gần chợ Bến Thành ngày nay). Do quen biết nhạc sỹ Văn Được nên Minh Cảnh được dự ké “lễ giỗ” và ăn cúng tổ cùng các nghệ sĩ gánh hát Kim Chung.

Tuy đã 22 tuổi, nhưng do vóc dáng gầy gò, ốm nhom nên mới nhìn ai cũng nghĩ “cậu bé” chỉ 13-15 tuổi là cùng. Trong buổi tiệc, nghệ sĩ Văn Được giới thiệu Minh Cảnh ca 6 câu vọng cổ bài “Lá thư người chiến sỹ”, Văn Được đàn violon, Ngọc Sáu đờn cò, Bảy Trạch đờn kìm. Mọi người vỗ tay khen ngợi rần rần. Ai cũng khen “cậu nhóc” là một giọng ca tiềm năng. Minh Cảnh được giới thiệu cho ông bầu gánh Kim Chung và bắt đầu sự nghiệp ca hát.

Thời gian đầu, Minh Cảnh một đêm kiếm được 40 đồng và ký được contrat (hợp đồng) 20.000 đồng trong 2 năm. Các vở diễn Minh Cảnh được tham gia như: “Nghệ sĩ mù đất Hà Tiên”, “Phù Kiều Trường Hận”, “Tiếng cười Bao Tự”, “Tuyết phủ chiều đông”, “Chiều thu sầu ly biệt”… đều khiến khán trường không còn chỗ trống.

Qua sự kèm cặp của những người thầy Hai Sĩ, Văn Được và Bảy Trạch, Minh Cảnh xuất hiện trên sân khấu lấp lánh hào quang với giọng ca luyến láy, mượt mà với số tiền cát-sê cao ngất ngưởng khiến nhiều người phải mơ ước.

“Hoàng đế vọng cổ” vẫn muôn thuở bần hàn

Sân khấu cải lương vào thời này đã có sự soán ngôi, nhường ngai. Một lớp nghệ sỹ mới xuất hiện như những ngôi sao sáng: Hữu Phước, Hùng Cường, Dũng Thanh Lâm, Minh Cảnh, Út Bạch Lan, Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Lệ Thủy, Thanh Nga, Mỹ Châu, Minh Phụng, Thanh Thanh Hoa… Minh Cảnh không được học hành nhiều nhưng lại có một kiểu ca rất lạ. Công chúng đang muốn một sự tân tiến, muốn thoát khỏi lối ca diễn cổ điển, nên Minh Cảnh trở thành sự lựa chọn hàng đầu.

Năm 1961, Minh Cảnh lên ngôi “Hoàng đế” từ bài vọng cổ “Tu là cội phúc”, tiếp sau đó là hàng loạt bản ca cổ do soạn giả Viễn Châu soạn lời như: “Võ Đông Sơ”, “Mưa trên phố Huế”, “Lương Sơn Bá”, “Sầu vương ý nhạc”, “Lưu Bình – Dương Lễ”, “Lòng dạ đàn bà”, “Em bé đánh giày”, “Chuyến xe lam chiều”, “Đời mưa gió”, “Ni cô và Kiếm sĩ”, “Trái sầu riêng”…

Hai năm sau, ông lập ra đoàn Kim Chung 2. Ông bầu kiêm kép chánh Minh Cảnh lại tỏa sáng rực rỡ với những vở tuồng cải lương: “Bên cầu vọng thê”, “Manh áo quê nghèo”, “Bích Vân cung kỳ án”, “Trinh nữ lầu xanh”, “Lời thơ trên huyết”…

Đặc biệt, trong “Quán gấm đầu làng” (chuyện Lưu Bình – Dương Lễ), Minh Cảnh bứt phá với câu vọng cổ hơi dài ca một mạch 53 chữ, đặt dấu ấn đầu tiên cho ca vọng cổ hơi dài đến nay. Giờ đây, trên sân khấu cải lương có những “bản photo” của nghệ sĩ Minh Cảnh như các nghệ sỹ: Giang Châu, Châu Thanh, Phượng Hằng, Bình Trang, Cẩm Tiên…

Nghệ sỹ Minh Cảnh thời trẻ.

Nghệ sỹ Minh Cảnh thời trẻ.

Sau năm 1975, khán thính giả vẫn còn nghe Minh Cảnh với một số bài tân cổ giao duyên rất ấn tượng như: “Cánh chim trên biển”, “Rẻ mạ đầu mùa”, “Bông điệp Sài Gòn”, “Đám cưới trên đường quê hương”, “Bông súng trắng”, “Cây trứng cá sau vườn”, “Người mẹ thời loạn”, “Quán nửa khuya”, “Đoạn cuối tình yêu”, “Chuyến xe lam chiều”, “Cô lái đò”, “Thuyền hoa”, “Rước tình về với quê hương”, “Cánh cò và dòng sông”, “Thuyền hoa”, “Tình nước”, “Chín dòng sông hò hẹn”…

Sự nghiệp của Minh Cảnh bị “gãy gánh” giữa đường từ lúc ông biểu diễn màn bay lượn trong vở “Kiếm sĩ dơi” tại Bình Dương. Thời đi hát, vì cạnh tranh, Minh Cảnh từng bị kẻ xấu thuê côn đồ chặn đường đánh trọng thương, nên ông đã học võ phòng thân. Em út của ông (nghệ sỹ Minh Cảnh Em) kể lại, ông dành khá nhiều thời gian luyện võ nghệ, thọ giáo các cao thủ nhiều môn phái Thất Sơn (An Giang), Bình Định, Thiếu Lâm…

Nhờ vậy, các thế võ, múa quyền của Minh Cảnh rất công phu. Đoàn hát của ông biểu diễn các tuồng cổ sử, kiếm hiệp luôn được khán giả nồng nhiệt đón nhận. Ông từng có hàng chục lần nhã nhặn lễ phép với kẻ quấy rối, nhưng khi cần thì ra tay trừng trị thích đáng. Có người biết điều đã thành tâm nhận lỗi.

Có giai thoại kể lại, tướng cướp nổi tiếng Điền Khắc Kim không chỉ là người say mê giọng ca của Minh Cảnh mà còn rất phục về võ thuật, đã tìm mọi cách làm quen, kết bạn với Minh Cảnh. Minh tinh màn bạc Hồng Kông, diễn viên võ thuật Khương Đại Vệ nổi danh từ thập niên 60, khi sang Sài Gòn xem Minh Cảnh diễn hát và múa võ đã cảm phục kết thân giao. Nhưng đôi khi là nghiệp, trong một pha đóng kiếm sĩ dơi bay lượn, ông bị đứt dây, rơi xuống sân khấu tưởng chừng như tuyệt mạng, phải chữa trị rất lâu.

Từ cõi chết trở về, ông bầu kiêm kép chánh Minh Cảnh lâm vào cảnh túng quẫn, không còn tiền đong gạo, trả lương cho nghệ sĩ đoàn Kim Chung 2. Cuộc đời đã từng cho ông bao nhiêu thứ thì giờ đây lại lấy sạch hết. Minh Cảnh thường vào vai những nhân vật bất hạnh, cô đơn, bần hàn, tử vì đạo, chết vì tình, sống quân tử… như: Trần Tự Tâm (Máu nhuộm sân chùa), Bách kiếm Vương Hồ Vũ (Mùa thu trên Bạch Mã Sơn), Thái Điền kiếm sĩ (Dốc sương mù), Cao Nguyên Bình (Đêm lạnh chùa hoang) hay như các nhân vật trong “Đạo đời hai ngả”, “Lưu Bình”, “Võ Đông Sơ”, “Tô Vũ chăn dê”… Cuối đời nghệ sĩ, phận ông không khác gì vai diễn. Rời sân khấu, ông quay về Long Xuyên, Sóc Trăng, Cà Mau mở quán nhậu hát cho nhau nghe, hát show đám cưới, đám ma suốt một thời gian dài, lận đận mưu sinh.

Ông còn là người thầy, tạo ảnh hưởng cho loạt nghệ sĩ sau này thành danh trên sân khấu, lấy nghệ danh có tên ông như: Minh Minh Cảnh, Minh Cảnh Em, Minh Minh Tâm, Minh Tiểu Cảnh, Minh Long Cảnh, Tuấn Cảnh, Minh Cảnh Hưng, Cảnh Minh, Cảnh Thăng, Cảnh Hiếu… Nghệ sĩ Minh Cảnh chung sống với nghệ sĩ Kiều My, có 5 người con, trong đó Nhật Sơn và Kiều Nhi theo nghề. Hiện ca sĩ Kiều Nhi đã chấm dứt sự nghiệp ca hát, theo chồng sang Mỹ định cư. Nhật Sơn thì thiệt mạng trong một án mạng thương tâm.

Sau 13 năm xa Tổ quốc, nghệ sĩ Minh Cảnh xúc động: “Tôi về nước đúng sự kiện 100 năm sân khấu cải lương. Đời người có mấy ai được diễm phúc này. Chỉ mong được gặp lại bạn bè đồng nghiệp, khán thính giả thân thương. Con chim xa xứ như tôi thèm được bay về tổ ấm”.

Nam Yên


Đánh giá bài viết

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *