Nghệ sĩ muốn thay đổi quy chế xét danh hiệu

Nghệ sĩ muốn thay đổi quy chế xét danh hiệu

Chưa phân loại
11/09/2019
696 Lượt xem

“Tôi không rành về thủ tục để có ý kiến. Tôi chỉ mong làm sao (việc xét tặng danh hiệu nghệ sĩ – PV) cho công tâm, làm sao xét hồ sơ cho rõ ràng, để nghệ sĩ được an tâm, an lòng”, Nghệ sĩ Nhân dân Minh Vương chia sẻ sau lễ phong tặng danh hiệu nghệ sĩ lần thứ 9.

NSND Minh Vương và NSND Thanh Tuấn từng trượt danh hiệu nhiều lần vì sự cứng nhắc của hội đồng. Ảnh: Ngọc Thắng

NSND Minh Vương và NSND Thanh Tuấn từng trượt danh hiệu nhiều lần vì sự cứng nhắc của hội đồng. Ảnh: Ngọc Thắng

Dìu nghệ sĩ đi nhận giải

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành hẳn một phần phát biểu tại lễ trao tặng danh hiệu hôm 29.8 vừa qua tại Nhà hát Lớn để nhắc tới tâm sự của Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Trần Hạnh. Thủ tướng đã xúc động trước tâm sự của ông Hạnh, một người làm nghề không vì danh hiệu mà vì đam mê, và không phụ lòng mong muốn của khán giả. Có lẽ chính vì thế, không bao giờ ông Hạnh tìm cách để được danh hiệu NSND. Danh hiệu đến với ông rất muộn, ở tuổi 90. Quan trọng hơn, nếu không có sự “xé rào quy chế” mà Chính phủ đã làm, ông cũng không đủ tiêu chuẩn để trở thành NSND.

Nhưng không chỉ ông Hạnh cười vui khi mà chân đã run rẩy, phải có người dìu đi nhận danh hiệu, trong đợt xét tặng này, nghệ sĩ nam cao tuổi nhất là NSND Đường Tuấn Ba, 92 tuổi; nghệ sĩ nữ cao tuổi nhất là NSND Phó Thị Đức (Kim Đức) cũng 88 tuổi. Hai nghệ sĩ Minh Vương và Thanh Tuấn cũng không còn khỏe mạnh như xưa. Các ông không thể đi nhanh và luôn tựa vào nhau khi ra Hà Nội nhận danh hiệu. Nghệ sĩ Phạm Ngọc Hướng (Nhà hát Ca múa nhạc VN) cũng phải có người dìu lên nhận giải.

Nghệ sĩ muốn thay đổi quy chế xét danh hiệu1

NSND Trần Hạnh phải có người dìu đi nhận danh hiệu. Ảnh: Trinh Nguyễn

Vợ ông Hướng, NSƯT Vũ Dậu, cũng chia sẻ về việc chồng mình nhận danh hiệu quá muộn màng. Ông Hướng đủ huân, huy chương nhưng bị… quên. “Họ bảo là về hưu rồi thì không làm hồ sơ nữa, nhưng chú (ông Hướng – PV) bảo không phải như thế, người ta chết rồi nhà nước còn truy tặng cơ mà. Chắc thấy thế là sai nên người ta lại làm hồ sơ”, bà Vũ Dậu nói.

Trong khi đó, NSND Nguyễn Văn Hải, Đoàn kịch Công an nhân dân, cho rằng: “Nhiều nghệ sĩ ra đi rồi mới được truy tặng. Nên nếu có sửa nghị định phong tặng danh hiệu cũng sửa kịp thời đi. Những người 90 tuổi mới nhận thì thương. Đáng lẽ phải động viên họ sớm hơn”. Ông Hải cũng nhận danh hiệu trong đợt 9 này.

“Cộng gộp” giải thưởng phải xem xét lại

Nghệ sĩ muốn thay đổi quy chế xét danh hiệu2

NSND Kim Đức, nữ nghệ sĩ cao tuổi nhất được phong tặng danh hiệu năm nay

NSND Minh Vương, người vừa được phong tặng trong đợt này, là trường hợp “oan điển hình” của việc ốp cứng quy chế xét tặng. Hàng chục năm chấm Giải thưởng cải lương Trần Hữu Trang, hơn chục năm chấm Chuông vàng vọng cổ, học trò của ông đã thành NSND rồi mà ông vẫn chưa. Trong khi đó, không chỉ tài năng, ông còn tham gia Đoàn văn công Giải phóng, đi biểu diễn phục vụ bộ đội, đã hát không lấy tiền để xây dựng 50 căn nhà ủng hộ người nghèo.

NSND Trọng Trinh, Đài truyền hình VN, lại muốn nói tới sự đa dạng của hoạt động văn hóa văn nghệ, nó khiến quy chế cứng trở nên vô cảm. “Một chị phát thanh viên từ khi tôi còn nhỏ, những năm chiến tranh chị ấy đọc rất hay trên Đài tiếng nói VN. Khi nói thì cả hội đồng ai cũng đều biết chị ấy cả. Rất hiếm người có giọng đọc hay và lôi cuốn thính giả như vậy. Nhưng xét người ta như thế nào, vì người ta chỉ có bằng khen thôi chứ không có huân huy chương. Đấy là cái mà chúng ta còn lệ thuộc vào quy chế”, ông Trọng Trinh nói.

Việc cộng các giải thưởng phải xem xét lại, vì giải thưởng đâu phải vật chất mà có thể chia nhỏ. Người ta không thể đem 10 cái bằng lớp 1 để cộng lại thành bằng và nói tôi tốt nghiệp lớp 10 được

Một nghệ sĩ nhân dân

NSND Bùi Trung Anh, Nhà hát Kịch VN, cũng cho rằng tiêu chuẩn về huy chương hay tỷ lệ phiếu 90% của hội đồng xét tặng danh hiệu còn cứng. “Ngay nhà hát tôi cũng có nhiều người xứng đáng nhưng đúng đợt hội diễn họ lại không tham gia vào đúng vở được giải. Nhiều lần như thế thì họ sẽ trở nên thiệt thòi. Mà đấy mới chỉ là trong một cơ quan thôi. Nhưng cũng tiêu chí đó lại vẫn có thể lách được”, “bố Sơn” của Về nhà đi con nói.

“Cú lách” mà NSND Bùi Trung Anh nói đến, được một NSND (đề nghị giấu tên) gọi thẳng là việc xét cộng gộp giải thưởng. Theo quy định, nghệ sĩ tham gia tiết mục hoặc vở diễn được một số giải thưởng do Bộ hay Hội tổ chức cũng được quy đổi thành huy chương. Mức quy đổi khá khác nhau, tùy hạng mục. Chẳng hạn, nhạc công tham gia tiết mục được giải của hội diễn, liên hoan do Bộ VH-TT-DL hay ngành nào đó tổ chức, có thể quy đổi thành 1/4 huy chương vàng. Diễn viên múa, hát chính trong tiết mục được giải tại chương trình, hội diễn, liên hoan cũng được quy đổi thành 1/3 huy chương. Trong khi các chương trình, hội diễn, liên hoan có chất lượng không cao lên nhưng lượng người có huy chương vẫn tăng. “Việc cộng các giải thưởng phải xem xét lại, vì giải thưởng đâu phải vật chất mà có thể chia nhỏ. Người ta không thể đem 10 cái bằng lớp 1 để cộng lại thành bằng và nói tôi tốt nghiệp lớp 10 được”, NSND này bày tỏ.

Không nên “cứng hóa” việc đếm huy chương

NSND Quang Vinh, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT-DL), cho biết sắp tới Cục cũng sẽ tham gia góp ý kiến về việc sửa đổi nghị định xét tặng danh hiệu. Khi đó, Cục có hướng đề nghị không nên “cứng hóa” quá việc đếm huy chương. “Tôi nghĩ nên phối hợp và huy chương không phải số 1. Thực tế hiện nay huy chương chỉ là một tiêu chí. Tuy nhiên, do người xét duyệt chỉ mải miết nghĩ đến chuyện huy chương trong khi nó còn điều kiện khác, như điều kiện nhận thức chính trị; điều kiện về gây ấn tượng, sức lan tỏa, cống hiến nhân dân, đồng nghiệp ngưỡng mộ”, ông Vinh nói. Cũng theo ông Vinh, tỷ lệ phiếu 90% của hội đồng xét tặng danh hiệu là quá cao và nên thay đổi.

Trinh Nguyễn


Đánh giá bài viết

Bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *