Nghệ sĩ Phượng Mai vẫn bền bỉ với nghề

Nghệ sĩ Phượng Mai vẫn bền bỉ với nghề

11/05/2016
819 Lượt xem

(CLV) – Ký ức về sân khấu và tình cảm khán giả trong nước chính là động lực để NS Phượng Mai yêu nghề cho đến ngày hôm nay

Nghệ sĩ Phượng Mai vẫn bền bỉ với nghề - ảnh 1

NS Phượng Mai

“Phụ nữ tuổi về chiều dễ tăng cân ngoài mong muốn, nhưng với nghệ sĩ diễn tuồng cổ như thế hệ của tôi, thì đóng vai đào võ đòi hỏi tập luyện hăng hái cho dáng vóc cân đối. Việc chạy gối, đi xuyến, múa thương, múa giáo cũng là cách để vận động thể hình. 62 cân không để vượt quá con số này, là một nghị lực đối với tôi” – NS Phượng Mai tâm sự.

Thật ra đối với các nghệ sĩ xa quê, nghệ sĩ Phượng Mai là một trong những nghệ sĩ hải ngoại bền bỉ với nghề. Lúc nào chị cũng nhận học trò để truyền đạt kinh nghiệm. Nghệ sĩ Bích Thảo là học trò của chị đã nỗ lực cùng thầy diễn tròn vai Trưng Nhị, bên cạnh thầy mình – Trưng Trắc trong vở “Trưng Nữ Vương”, được khán giả kiều bào yêu mến.

Ký ức về sân khấu và tình cảm khán giả trong nước chính là động lực để NS Phượng Mai yêu nghề cho đến ngày hôm nay: “Nhớ da diết ánh đèn sân khấu và thèm được diễn lại những vở tuồng ca ngợi lịch sử dân tộc” – chị tâm sự.

Nghệ sĩ Phượng Mai vẫn bền bỉ với nghề - ảnh 2

NS Phượng Mai

NS Phượng Mai vẫn còn lưu giữ những hình ảnh đẹp về quê hương, thiên nhiên và con người Việt Nam. Bằng chứng trong ngôi nhà chị ở tại miền nam California – Mỹ, vẫn treo đầy hình ảnh quê hương, với cánh diều, vườn hoa, những đàn bướm lượn. Chị theo chồng sang Tây Đức định cư năm 1979. Tưởng từ lúc đó chị đã “sang ngang” với một nghề mưu sinh trên đất khách. Nhưng, niềm đam mê sân khấu đã không bỏ chị ra đi, nó đã kéo chị đứng dậy, bước đến gần hơn với sân khấu. Ban đầu chị chuyển sang hát tân nhạc, chọn dòng nhạc mang âm hưởng dân ca để còn gắn bó phần nào với cải lương. Rồi thỉnh thoảng chị “bay sô” đến những vùng có đông người Việt định cư và đứng ra tổ chức những sô cải lương tuồng cổ. Mô hình đó một thời đã gặt hái hiệu quả, khi chị và một số nghệ sĩ đã dàn dựng những trích đoạn đề cao tinh thần trung, nghĩa, tiết, lễ và rất được kiều bào hưởng ứng.

Rồi từ khi thị trường vidéo cải lương trong nước nở rộ, người trong giới thấy Phượng Mai là người đầu tiên về nước xin phép Bộ VH-TT cho tái dựng những tác phẩm cải lương tuồng cổ mang tính kinh điển. Để qua những sản phẩm đó chị đã góp phần giới thiệu với khán giả nước ngoài bộ môn tuồng cổ mang nét đặc trưng riêng của Việt Nam. Trong nhiều chuyến về nước gần đây, chị đã dựng các vở: “Vụ án Hồng Phi”, “Nỗi oan hoàng hậu”, “Thập nhị quả phụ chinh tây”, “Áo người Trinh nữ”…và đặc biệt là chương trình vidéo kỷ niệm 45 năm gắn bó với thế giới màn nhung của chị, do Hãng phim Cần Thơ sản xuất.

Nghệ sĩ Phượng Mai vẫn bền bỉ với nghề - ảnh 3

NS Phượng Mai và diễn viên hài Trường Giang

Chưa hết, Phượng Mai còn xung phong tham gia biểu diễn gây quỹ từ thiện ủng hộ trẻ em nghèo hiếu học do Hội chữ thập đỏ TPHCM tổ chức tại Nhà hát Bến Thành và rạp Thủ Đô.

Có thể nói, đối với khán giả yêu sân khấu cải lương tuồng cổ, ai cũng biết Phượng Mai còn có biệt danh Tiểu Lăng Ba. Chị kể trong dòng tự sự: “Ngày xưa, khi lên 9, lên 10. Tôi đã sớm bộc lộ niềm say mê sân khấu. Khi lớn thêm vài tuổi, tôi được bà ngoại là nghệ sĩ Cao Long Ngà cho theo bang Hoa thế hệ. Bà ngoại nhận thấy tôi nhanh chóng chứng tỏ khả năng đóng những vai đào võ và nhất là những vai giả trai, nên bà đã dìu dắt và tạo cơ hội để tôi kế nghiệp. Năm 1997, khi về nước tham dự chương trình sân khấu cứu trợ đồng bào các tỉnh miền Nam bị cơn bão số 5 hoành hành, tôi đã diễn vai Đào Tam Xuân và Lưu Kim Đính. Cho đến hôm nay, những điệu bộ và đường nét biểu diễn mà tôi đã học từ bà ngoại tôi, dường như vẫn nhớ như in trong trí” – chị kể.

Hiệu quả sáng tạo bền bỉ một phần là nhờ vào quá trình rèn luyện của bà ngoại chị dành cho cô cháu gái. Bây giờ chị xa bà, tôi mới thấy đáng quý khoảng thời gian được học nghề ấy. Mỗi lần về Việt Nam là chị về thăm lại khu nhà xưa, vẫn luôn nghĩ bà ngoại mình còn sống trong mái ấm của con cháu. “Tình thương của ngoại và của má đã giúp tôi ý thức rõ hơn tấm lòng hy sinh vì các con. Bây giờ đi đâu xa là tôi nhớ da diết các con mình. Hai người con của tôi tuy đã lớn, nhưng lúc nào cũng muốn ở bên cạnh mẹ. Năm ngoái, tôi có đưa hai con về thăm quê hương, cả hai đã hiểu hơn về quê hương.

Tuy lớn lên trên đất khách nhưng tâm hồn của các con tôi lúc nào cũng nhớ về quê nhà. Thảo Sương đã theo nghề hát của tôi trở thành ca sĩ, còn cậu út sau khi tốt nghiệp đại học môn tin học, đã đi làm. Tôi rất hạnh phúc vì các con của mình biết quý trọng đạo đức và nhân nghĩa của người Việt Nam, nhất là yêu nghệ thuật dân tộc. Tôi luôn dạy các con phải biết giữ gìn những nét đẹp truyền thống của sân khấu và cội nguồn luôn là nơi lưu giữ tiếng thơm cho nghề. Tuy ở cách xa một đại dương nhưng tâm hồn của người Việt ở hải ngoại đều hướng về quê hương. Riêng với giới nghệ sĩ thì đó là đất mẹ thiêng liêng, nơi mang lại nguồn sáng tạo vô biên cho nghề hát” – chị nói.

Nghệ sĩ Phượng Mai vẫn bền bỉ với nghề - ảnh 4

NS Phượng Mai và Bích Thảo trong vở Trưng nữ vương

NS Phượng Mai không quên xuất hát tại rạp Quốc Thanh năm 1978, lúc Sở VH-TT đã chọn chị đóng vai Thái hậu Dương Vân Nga phục vụ nghệ sĩ 24 đoàn nghệ thuật các tỉnh về TP tham dự đại hội sân khấu. Phong cách diễn xuất của chị thời đó có nét diễn rất giống cố nghệ sĩ Thanh Nga, nhưng trong sáng tạo, nhất là trong cách ca chị đã gieo vào lòng người xem và bạn bè đồng nghiệp dấu ấn tinh tế về một Dương Vân Nga mang nặng trên vai nặng nước tình nhà. Chị tâm sự:“Hồi xưa tôi rất thích cách diễn xuất chân phương của chị ba Thanh Nga. Mỗi tối, chị Nga thường đem những kinh nghiệm ca diễn để trao đổi với tôi. Một lần tôi vào hậu trường lúc chị Nga đang diễn vở Thái hậu Dương Vân Nga, chị kêu vào đến gần và tặng một đôi nheo mắt, đó là vật kỷ niệm vô giá đối với tôi. Đó là cái tình chân thật của chị ba Thanh Nga vì người nghệ sĩ khi thác đi thì để lại tiếng thơm cho đời, danh tiếng đó được các thế hệ lưu truyền sẽ tạo thành tiếng thơm chung cho nghề”.


Phượng Mai dốc sức với cải lương ở hải ngoại

(CLV) – Phượng Mai đã dàn dựng và công diễn vở cải lương “Mê Linh định quốc” (tác giả Trần Nhật Phong) tại tiểu bang California – Mỹ tối...

Chuyện Phượng Mai dạy cải lương cho người Mỹ

(CLV) – Trong số những nghệ sĩ định cư ở hải ngoại, nghệ sĩ Phượng Mai là người truyền nghề cho nhiều diễn viên trẻ đến với sân khấu...

5/5 - (2 bình chọn)

Bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *