Nghệ sĩ Thanh Hằng – Kiếp tằm phải nhả tơ!

Nghệ sĩ Thanh Hằng – Kiếp tằm phải nhả tơ!

Chưa phân loại
25/05/2017
577 Lượt xem

Dù xa xứ, nghệ sĩ Thanh Hằng vẫn gắn bó với sàn diễn, khao khát quảng bá nghệ thuật cải lương truyền thống đến kiều bào

Định cư ở Úc hơn 20 năm, nghệ sĩ Thanh Hằng cũng không ít lần về nước. Lần này, chị trở lại quê hương với mong muốn thực hiện những chuyên đề cải lương chất lượng, ghi hình rồi mang sang Úc giới thiệu với kiều bào tại đây. Lâu nay, Thanh Hằng vẫn gắn bó với sân khấu cải lương, mang nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với khán giả kiều bào, dốc sức chăm lo Tổ nghiệp!

“Nâng niu” nghiệp diễn

Kiếp tằm suốt đời vẫn phải nhả tơ, với nghệ sĩ như Thanh Hằng, được diễn trên sân khấu, phục vụ khán giả dù bất cứ đâu cũng là niềm vui không gì sánh được. Vì thế, ở nước Úc xa xôi, chị vẫn tất bật với nghiệp diễn, giữ lửa cho các nghệ sĩ đàn em, duy trì hoạt động nghệ thuật và qua đó cũng giúp khán giả kiều bào tiếp cận nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Những gì Thanh Hằng làm được không chỉ nhận sự khen ngợi từ khán giả mà cả những người trong nghề. NSND – nhạc sĩ Thanh Hải từng chia sẻ: “Tôi sang Úc lưu diễn nhiều lần, biết đến “cái nôi” cải lương của cộng đồng người Việt tại Úc. Thanh Hằng đóng góp không ít cho “cái nôi” đó cũng như giữ lửa đam mê cho nhiều nghệ sĩ trẻ để họ phấn đấu gắn bó với sàn diễn”.

Nghệ sĩ Thanh Hằng

Nghệ sĩ Thanh Hằng

Để tiếp tục chăm lo Tổ nghiệp, Thanh Hằng quyết tâm thực hiện dự án tái dựng những kịch bản cải lương kinh điển, cụ thể là những tác phẩm của cố soạn giả – NSND Viễn Châu và cố soạn giả Trần Hữu Trang tại Việt Nam. Sau đó, chị thu hình lại và sản xuất dưới định dạng DVD, mang sang Úc giới thiệu với khán giả kiều bào.

Bốn chị em (từ trái sang): Thanh Ngân, Thanh Ngọc, Thanh Hằng và Ngân Quỳnh

Bốn chị em (từ trái sang): Thanh Ngân, Thanh Ngọc, Thanh Hằng và Ngân Quỳnh

“Tôi muốn thông qua các ấn phẩm này, giới trẻ Việt Nam sinh ra và lớn lên tại Úc sẽ hiểu hơn về văn hóa, con người Việt Nam. Những vở kinh điển như “Đời cô Lựu”, “Tô Ánh Nguyệt”, “Tình mẫu tử”, “Hai chiếc ngai vàng”… đều ca ngợi trung hiếu tiết nghĩa, đạo lý uống nước nhớ nguồn, thích hợp để quảng bá. Các nghệ sĩ trẻ trong nước khi được kêu gọi cũng dốc sức đồng hành cùng tôi, thật sự rất vui! Năm 2015, có dịp sang Mỹ thăm cha, ông cũng như tôi, hăng hái với các chương trình dạy ca cổ, đờn ca tài tử cho cộng đồng người Việt tại đây. Thật hạnh phúc khi hai thế hệ nếu cộng lại cũng đã hơn 100 năm ăn cơm Tổ vẫn đam mê được cống hiến và được khán giả đón nhận” – Thanh Hằng thổ lộ.

Lần nào về nước, đến thăm các nghệ sĩ tuổi xế chiều tại Khu Dưỡng lão Nghệ sĩ TP HCM, Thanh Hằng cũng mang nhiều món quà kiều bào gửi tặng. Đó là thuốc, quần áo, thực phẩm, có khi là tiền chị đi hát rồi gom góp mang về. Vẫn giản dị và nhanh nhẹn, chị chạy xe máy, trưa nắng chở đầy thực phẩm đến thăm họ rồi cùng ca hát và khóc… Những giọt nước mắt nửa mừng nửa tủi vì phải sống xa nhau, lâu ngày mới được tụ hội.

Thanh Hằng tâm sự với chất giọng ngọt ngào nhưng chứa đựng nhiều sự từng trải rằng chị rất nâng niu nghiệp diễn bởi không hát, không diễn chẳng biết làm gì khác. “Khi quyết định theo chồng sang Úc định cư, tôi tự hỏi mình sẽ làm gì để phụ chồng nuôi con? May thay, cộng đồng bên đó đa số đều là người miền Tây sang định cư nên yêu thích cải lương. Và rồi, tôi may mắn được tiếp tục làm kiếp tằm nhả tơ, góp phần nhỏ bé của mình vào việc đưa nghệ thuật cải lương tiếp cận với kiều bào nhiều hơn” – Thanh Hằng cho biết. Chị kể thêm rằng không được cọ xát sàn diễn nhiều như lúc ở trong nước nhưng cuối tuần tham gia diễn vài trích đoạn hoặc ca vài bài vọng cổ cũng đủ khiến chị ấm lòng. Nhiều kiều bào có người thân thích học ca cổ, tìm đến Thanh Hằng học nghề. Một số em tự nguyện theo nghề hát, có sô là hăng hái tham gia, vai gì cũng nhận, miễn là được nghe tiếng đàn, tiếng ca và cảm nhận Tổ nghiệp luôn hiện diện ở bất cứ nơi nào có người Việt trên trái đất này.

Không còn cô độc

Giới mộ điệu cải lương mỗi khi nhắc đến Thanh Hằng không ai không biết đó là cô gái xinh đẹp, có giọng ca ngọt ngào và lối diễn xuất cuốn hút. Đặc biệt, Thanh Hằng sinh ra và trưởng thành trong đại gia tộc Hai Núi, Tư Hélène, 1 trong 5 đại gia tộc nghệ sĩ có nhiều đóng góp cho nền sân khấu nước nhà. Bà ngoại của Thanh Hằng là cố nghệ sĩ Tư Hélène cùng thời với cố nghệ sĩ Phùng Há, Năm Phỉ, Bảy Nam … Bà chuyên đóng vở cải lương được chuyển thể từ tác phẩm văn học phương Tây. Mẹ Thanh Hằng là cô đào Kim Hoa, nổi tiếng với sở trường đa dạng: đào thương, đào lẳng, đào độc, hài.

Vốn là “con nhà nòi”, Thanh Hằng tiếp cận nghệ thuật từ khi còn nhỏ và thành danh cũng rất sớm. Chị được khen ngợi nhiều ở lối diễn xuất nội tâm, nhập vai tự nhiên, không gò bó. Đặc biệt, cách diễn bằng ngôn ngữ hình thể của chị rất tốt, nhất là đôi mắt có hồn, góp phần không nhỏ giúp chị biểu đạt cảm xúc chân thật, ấn tượng. Chính đôi mắt giúp Thanh Hằng hóa thân tốt vai hiền, vai ác lẫn vai lẳng chỉ bằng một cái liếc sắc như dao hay một chút chuyển động con ngươi đưa đẩy. Nhờ sự đa dạng trong diễn xuất, Thanh Hằng được các đạo diễn sân khấu như: Huỳnh Nga, Đoàn Bá, Trần Ngọc Giàu đánh giá là cô đào “rộng đường xài”. Những vai diễn trong các vở: “Duyên kiếp”, “Tướng cướp Bạch Hải Đường”, “Xử án Bàng Quý Phi”, “Gia tài của mẹ”… là dấu ấn không thể quên trong cuộc đời nghệ thuật của Thanh Hằng.

Đánh giá về diễn xuất của Thanh Hằng, NSND Ngọc Giàu từng nói: “Thanh Hằng diễn tinh tế vì biết quan sát cuộc sống, đúc kết thành chất liệu đưa yếu tố đời thường vào nhân vật, khiến cho nhân vật thật hơn. Tôi có kỷ niệm diễn chung với cô ấy trong vở “Gia tài của mẹ”, Hằng có nhiều ý tưởng phản biện lại với đạo diễn, giúp cho tuyến nhân vật phát triển ấn tượng”. NSƯT Vũ Linh nhận định chính sự từng trải đời thực giúp nữ nghệ sĩ này có nhiều vốn sống. Thanh Hằng còn dốc sức chỉ dạy cho đàn em, không giấu nghề, xứng đáng là viên ngọc quý của gia tộc có truyền thống theo nghề diễn.

Thanh Hằng tâm sự chị có trí nhớ tốt, bất cứ lời thoại văn học nào nghe thoáng qua cũng biết đó là vở gì, tác giả nào. Do vậy, khi xem lại các tiết mục thi Trần Hữu Trang hoặc giải Chuông vàng vọng cổ, chương trình “Ngân mãi chuông vàng” qua mạng, chị phát hiện ngay những thí sinh nào quên thoại, tự “bịa” lời để diễn hoặc diễn cương không tuân thủ kịch bản. Và trong những lần về quê hương, gặp nghệ sĩ trẻ, chị đều khuyên nhủ, chỉ dẫn tránh tình trạng quên thoại, diễn cương.

Từng trải qua đau khổ do hôn nhân đổ vỡ nhưng cuối cùng hạnh phúc cũng tìm đến chị, Thanh Hằng không còn chịu cảnh đi hát về lầm lũi khóc một mình trong đêm. Chị tìm được một nửa yêu thương và theo chồng sang Úc. “Tôi ra đi cũng là vì tương lai của các con bởi nếu ở quê nhà, tôi sẽ theo đoàn rày đây mai đó, bỏ bê con cái. Các con tôi sẽ như mẹ, khổ một đời vì không tìm được hạnh phúc. May là ông xã tôi cảm thông nghề diễn, các con tôi cũng trân quý công việc của mẹ. Cả nhà vẫn dành thời gian để đi cùng tôi đến điểm diễn, phụ giúp công việc hậu trường. Nhờ vậy, tôi bớt những nỗi nhọc nhằn, không còn thấy mình cô độc” – Thanh Hằng trải lòng.

Mong ước được diễn cùng gia đình

Nghệ sĩ Thanh Hằng có 3 em gái đều theo nghệ thuật: Thanh Ngọc, Ngân Quỳnh và Thanh Ngân. Thanh Hằng thuộc lớp nghệ sĩ cải lương đầu tiên trưởng thành sau ngày thống nhất đất nước. Chị được trao giải Trần Hữu Trang đợt đầu cùng với: Vũ Linh, Tài Linh, Thanh Thanh Tâm, Cẩm Thu, Phương Hồng Thủy. Tên tuổi Thanh Hằng sáng chói suốt những năm 1990 cho tới đầu những năm 2000. Thanh Hằng thổ lộ hiện chị có một mong ước là thực hiện đêm chuyên đề sân khấu có sự tham gia của gia đình gồm cha, mẹ: Hương Huyền – Kim Hoa và 3 em gái.

theo Người lao động


Đánh giá bài viết

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *