Nghệ sĩ Thanh Hằng: Lòng an nhiên khi trở về quê hương

Nghệ sĩ Thanh Hằng: Lòng an nhiên khi trở về quê hương

Chưa phân loại
12/02/2019
546 Lượt xem

Dù hình ảnh không còn rực rỡ như thời hoàng kim của hơn chục năm trước, nhưng với nghệ sĩ Thanh Hằng, hạnh phúc đến muộn vẫn rất đáng trân trọng.

Tha hương suốt 15 năm

Thanh Hằng là một trong những nghệ sĩ cải lương nổi tiếng cùng thời NSƯT Vũ Linh. Chị đoạt huy chương Vàng giải Trần Hữu Trang năm 1991 với vở Truyền thuyết về tình yêu. Năm 1997, chị tiếp tục đoạt giải Mai vàng với vở Duyên kiếp của soạn giả Hoàng Song Việt. Không chỉ vậy, Thanh Hằng còn tham gia đóng phim và ghi hình các băng đĩa hài rất ăn khách vào thập nhiên 90.

Thanh Hằng hạnh phúc khi được hát trên quê hương.

Thanh Hằng hạnh phúc khi được hát trên quê hương.


Tuy nhiên, năm 2001, cô đào đắt show nhất nhì thời điểm đó bất ngờ buông bỏ công danh để sang Australia, chọn cuộc sống bình lặng nhưng hứa hẹn tương lai tốt đẹp cho các con. Chị ra đi lặng lẽ, không chia sẻ với ai. Điều này khiến không chỉ khán giả mà bầu show cũng bất ngờ.
Thanh Hằng bộc bạch: “Tôi nghĩ nếu mình cứ đi hát suốt thì không thể lo cho các con ăn học tốt. Vì theo nghề hát quá sớm, từ lúc còn bé xíu đã mê làm diễn viên nên việc học chữ của tôi không thành. Và bây giờ, tôi thấy mình đã chọn đúng khi các con tôi đang học hành rất tốt. Suốt 15 năm tạm dừng sự nghiệp để lo cho gia đình, có thể tôi đúng với bản thân, gia đình nhưng lại không đúng với khán giả đã yêu thương mình”.
Nói về những ngày đầu trên đất khách, Thanh Hằng cho hay, khác biệt về ngôn ngữ, cách sinh hoạt đến lối sống khiến chị hụt hẫng. “Tôi phải là tấm gương cho các con của mình thấy rằng mẹ của nó cũng biết chịu thương, chịu khó. Do đó khi các con nhận thức được điều này, tôi rất mừng”, nghệ sĩ Thanh Hằng nói.
Ban đầu, Thanh Hằng dành thời gian để học ngoại ngữ và lái xe hơi để có thể giao tiếp cũng như chủ động đi lại. Nữ nghệ sĩ xúc động: “Nhớ lại khoảng thời gian ấy, tôi vẫn còn thấy nhói trong lòng. Chân ướt chân ráo nơi quê người, tiếng Anh không biết, lái xe cũng không, suốt ngày tôi chỉ quanh quẩn nơi góc nhà, chỉ biết đưa con đi học rồi về lo cơm nước nội trợ. Nhiều hôm tôi chỉ biết giấu chồng con, chạy vô nhà tắm khóc cho thỏa nỗi nhớ nhà, nhớ quê. Suốt 8 tháng trời, từ 67kg tôi sụt xuống chỉ còn 49kg”.
“Một thời gian sau, nhờ có chút khả năng nấu nướng nên tôi chọn công việc này trước tiên. Mỗi ngày tôi nấu ba món, để vào hộp rồi tự lái xe đi giao đến các gia đình, mỗi tuần 6 buổi. Với mỗi gia đình như vậy, tôi được khoảng 70 USD. Ngoài việc lãi chút ít, gia đình tôi cũng có thêm phần thức ăn nên đỡ tốn kém tiền đi chợ. Nhưng làm việc này cực lắm, tôi phải đi chợ, nấu ăn rồi tự dọn dẹp một mình. Có ngày nấu 10 phần, có ngày lên gấp đôi. Thời gian đầu tôi chưa quen đường nên rất khó khăn”, Thanh Hằng kể.
Bươn chải được một thời gian, bệnh đau lưng do làm nhiều việc nặng khiến Thanh Hằng phải bỏ việc. Rồi cũng giống như nhiều phụ nữ Việt tại nước ngoài, chị theo học nghề làm móng có bằng chính thức sau đó 6 tháng. May mắn khi chủ cửa hàng nơi nghệ sĩ Thanh Hằng đến làm việc là một khán giả mến mộ, nên chị được giao chức quản lý. Tại đây, dù trách nhiệm là trông nom cửa hàng nhưng nữ nghệ sĩ vẫn phải tự tay làm móng cho khách và đảm nhận cả việc lau chùi toilet như các đồng nghiệp chứ không hề được ưu ái hơn.
Tưởng chừng căn bệnh đau lưng trước đây hết hẳn, nhưng làm móng được một năm thì bệnh cũ tái phát khiến Thanh Hằng thậm chí đau đớn hơn nhiều lần. Sau đó, Thanh Hằng chuyển sang làm việc tại một quán nước giải khát do người em kết nghĩa làm chủ. Và tại đây, cơ duyên tái ngộ nghệ thuật của Thanh Hằng mở ra sau cuộc gặp gỡ đầy bất ngờ với danh hài Hoài Linh.
Khi chứng kiến cảnh đàn chị phải làm những công việc trái nghề quá vất vả ở xứ người, Hoài Linh ngỏ ý mời Thanh Hằng về Việt Nam tiếp tục làm nghệ thuật. “Lúc đó, tôi cũng đắn đo nhiều lắm. Tôi đã ra đi nhiều năm, bản thân và gia đình đã thay đổi. Liệu khán giả còn nhớ, còn thương mình không? Nhưng được sự ủng hộ của các con, nay đã lớn khôn, được học hành đàng hoàng. Thế là tôi quyết định trở về quê hương để được hát, được sống cho chính mình”, Thanh Hằng chia sẻ.
Thanh Hằng đi qua sóng gió suốt 15 năm tha hương xứ người.

Thanh Hằng đi qua sóng gió suốt 15 năm tha hương xứ người.

Sống cho mình và vì quê hương

Nhìn lại quãng thời gian xa rời sân khấu, Thanh Hằng cho hay: “Tôi gần như quên nghề nghiệp của mình từ những chuỗi ngày sống tha hương. Mỗi sáng lo cho các con đến trường, thi thoảng đi hát ở chùa. Nghệ danh Thanh Hằng chỉ được nhắc đến khi ai đó gọi tên, và trong tiềm thức, tôi bất chợt nhớ mình đã từng tạo ra hào quang”.
“Mười mấy năm sống “giả” với chính mình, tôi nhớ cải lương da diết nhưng rất ít nghe. Vì nghe xong là không làm được gì. Mỗi lần đi ra cửa hàng, nghe những chỗ bán băng đĩa phát cải lương là tôi bỏ đi ngay. Vậy đó, chứ lâu lâu vẫn lén mở xem, thấy kịch bản nào hay khi kết thúc thì nước mắt lại tuôn. Nhiều lúc, tôi muốn bỏ hết tất cả để trở về, về với anh em, với sân khấu. Nhưng nghĩ đến con, mọi giấc mộng của tôi đều tan biến. Mỗi lần như thế, tôi lại mất đến mấy ngày chỉ để hết cơn buồn”, Thanh Hằng chia sẻ.
Quay về nước hoạt động nghệ thuật trở lại sau 15 năm định cư tại Australia, niềm vui lớn nhất của nữ nghệ sĩ là được khán giả trong nước yêu mến và đón nhận. “Tôi về nước sau ngần ấy năm cũng giống như lá rụng về cội, nước chảy về nguồn vậy. Tôi rất hạnh phúc khi vẫn được mọi người nhớ đến. Có lẽ do thời đại ngày nay công nghệ tinh vi, dù tôi ở nước ngoài nhưng các đài Việt Nam vẫn chiếu những vở tuồng cải lương xưa có sự tham gia của mình, trên mạng cũng có rất nhiều”.
Nghệ sĩ cải lương Thanh Hằng hào hứng nói thêm: “Nếu như trước đây, khán giả yêu mến mình thuộc đối tượng trung niên đến các cụ già thì sau khi ngồi ghế nóng các chương trình truyền hình, tôi thấy mình cũng rất được lòng những bạn trẻ. Mỗi năm đã có bao nhiêu nghệ sĩ, chương trình xuất hiện. Còn tôi đã vắng bóng đến 15 năm nên khi trở về, cảm giác rất ngỡ ngàng và lo sợ. Nhưng có lẽ do Tổ nghiệp còn thương nên tôi được khán giả dang rộng vòng tay đón chào”.
Trong những chương trình Thanh Hằng tham gia gần đây, chị đã khóc rất nhiều. Chị bảo, những giọt nước mắt ấy nhiều ý nghĩa lắm, khóc vì mừng bởi thế hệ trẻ vẫn còn nhớ cải lương, khóc vì ao ước một lần được đứng trên sân khấu cùng với các em để hát và truyền lửa cho họ, nối lại nhịp cầu đã gãy bấy lâu. Cô đào Thanh Hằng giờ đã hơn 50 tuổi, một quãng thời gian đẹp đã qua như cái chớp mắt. Giờ đây, nữ nghệ sĩ vẫn còn ngồi hàng đêm để ghi hình các chương trình truyền hình.
Nhưng chị nói, không biết 1-2 năm nữa sẽ như thế nào vì trong người có rất nhiều bệnh. “Tôi không sợ bệnh tật, chỉ sợ cái viễn cảnh không còn được gặp khán giả nữa khiến bản thân chùng mình. Đời nghệ sĩ mà, còn nỗi buồn nào hơn khi phải xa lìa sân khấu, khán giả. Cảm giác ấy gấp trăm ngàn lần nỗi đau da thịt. Tôi chỉ xin được chết trên sân khấu ở Việt Nam như trả hết món nợ mà Tổ nghiệp, ông bà, cha mẹ đã cho. Còn thân xác, xin được trả về với các con, bởi đâu có gì quý hơn tình mẫu tử. Còn nếu ngày nào đó, tôi chết trên sân khấu hải ngoại thì chắc chắn linh hồn sẽ trở về với Việt Nam, với khán giả ở quê hương mình, tôi chắc chắn như thế”, nữ nghệ sĩ thở dài chia sẻ.

Hà Nhân

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số Tết


Đánh giá bài viết

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *