Nghệ sĩ Trinh Trinh: Giá trị cuối cùng là hạnh phúc gia đình

Nghệ sĩ Trinh Trinh: Giá trị cuối cùng là hạnh phúc gia đình

03/06/2017
860 Lượt xem

(CLV) – Hai tháng tuổi, Trinh Trinh đã phải ngủ dưới gầm sân khấu để chờ mẹ – nghệ sĩ Xuân Yến – diễn. Năm tuổi, bé Trinh Trinh được ra sân khấu đám cưới để í ới bài hát góp vui. Tám tuổi, cô bước lên màn ảnh rộng với vai Phù Đổng Thiên Vương.

Ở tuổi 11, Trinh Trinh đã khắc dấu tên mình vào nghiệp tổ của gia đình qua vai Nghi Xuân trong phim Phạm Công Cúc Hoa. Mười tám tuổi, khi hóa thân thành nữ tướng Bùi Thị Xuân (Thanh gươm và nữ tướng) cô đã đoạt huy chương vàng giải Trần Hữu Trang. Năm 2007, cô lại giành giải A tài năng trẻ toàn quốc… Những gì Trinh Trinh đạt được khiến nhiều người có cảm giác con đường lao động nghệ thuật của người nghệ sĩ này dường như thẳng tắp…

Nghệ sĩ Trinh Trinh

Nghệ sĩ Trinh Trinh

Thế nhưng, cô kể, cha cô – nghệ sĩ Hữu Cảnh và mẹ là những người phản đối nhiều nhất việc cô bỏ học giữa chừng để theo nghiệp tổ của gia đình. Câu nói ba mẹ luôn dành cho các con mình, nhất là “bé móm – Trinh Trinh”: cứ học đi, theo chi cái nghề quá bạc! Cũng phải thôi, bởi ông bà bầu đoàn An Giang – Khánh Hồng (ba mẹ của Trinh Trinh) dù rất yêu nghề, đã sống cả đời với nghề nhưng ngày ngày bà vẫn phải cặm cụi đun bếp nấu khoai lang, độn mì gói cho cả nhà ăn; ông thì còng lưng trên chiếc yamaha xịt khói mù trời chạy từ Lâm Đồng, Bình Thuận về lại Sài gòn để vay nợ trả lương cho anh em nghệ sĩ trong đoàn. “Suất nào cũng lỗ, cứ lỗ hoài, khiến ba suy nhược thần kinh kéo dài đến mức phải đi cấp cứu. Năm đó, tôi vừa học xong lớp 7”, Trinh Trinh nhớ lại. Dù được nhà trường chiếu cố cho nợ tiền học phí, được cô giáo, bạn bè đến tận nhà động viên… nhưng nợ thì phải trả mà tiền bán vé số, bán khoai của mấy chị em không đủ giúp mẹ chi tiêu hàng ngày, lấy đâu ra trả nợ. “Rồi căn nhà duy nhất ở đường Yersin, Q.1, mẹ cũng bán để chữa chạy cho ba mà chẳng thấm vào đâu. Cả nhà đùm túm nhau về ngoại, sống chung với cậu, dì. Khi về đây, may mắn, tôi được các dì Bạch Lựu, Bạch Lê khuyến khích phát huy năng khiếu và thuyết phục mẹ”. Trinh Trinh kể: “Cuối cùng ba mẹ thấy con mình mê hát quá… cũng đã bằng lòng. Tôi chính thức bước vào con đường ca hát cải lương khi vừa xong học kỳ đầu năm lớp 8 với kinh nghiệm một năm vừa bán vé số vừa đạp xe đi tập tuồng ở nhóm Đồng Ấu của cậu ruột là nghệ sĩ Bạch Long”.

Không theo nghề thì thôi, nhưng khi đã chọn, ba mẹ Trinh Trinh muốn con phải hết lòng với nghề. Đến giờ, khi đã được khán giả mến mộ với những vai hát để đời như Lý Thần Phi (Bích Vân Cung kỳ án), Thượng Dương Hoàng Hậu (Câu thơ yên ngựa), Đoàn Hồng Loan (Tô Hiến Thành xử án), Phi Giao (xử án Phi Giao), Bùi Thị Xuân (Thanh gươm và nữ tướng) theo Trinh Trinh, là nhờ sự hỗ trợ rất nhiều của gia đình, nhất là mẹ cô, người nghệ sĩ tâm huyết với nghề, truyền dạy hết lòng cho thế hệ đi sau. Nhắc vai diễn Phi Giao đầy ấn tượng của mình, đôi mắt cô không giấu được niềm tự hào và lòng biết ơn của mình đối với mẹ. Cô nói, người dạy cô giỏi vũ đạo là nghệ sĩ Thanh Tòng – cậu ruột, nhưng người giúp cô lột tả được tận ngọn ngành tâm lý một vai diễn chính là mẹ, người có một kỹ năng phân tích nhân vật rất hay.

NSƯT Kim Tử Long và bà xã Trinh Trinh đang có một cuộc sống hạnh phúc

NSƯT Kim Tử Long và bà xã Trinh Trinh đang có một cuộc sống hạnh phúc

Tình yêu nghề hát đã đưa cha Trinh Trinh đến con đường tán gia bại sản, khiến ông buồn đến nỗi mỗi lần bật tivi lên, thấy đang hát cải lương là vội bật sang kênh khác. Ông buồn vì không thấy mình trên màn ảnh, cái nỗi buồn của một người vẫn còn yêu nghề đến đứt ruột, nát gan mà lại bị loại khỏi nghề vì bệnh tật. Không muốn con gái theo cái nghề mà cuối đời thường gắn với chữ bạc, nhưng khi biết con mình đi thi giải này giải nọ, ông vẫn đau đáu trông chờ một kết quả tốt đẹp, vẫn lo lắng, hỏi thăm chuyện chuẩn bị vở tuồng, trang phục, tinh thần… Khi nghe con gái được xướng tên vinh danh, ông không kềm được những giọt nước mắt hạnh phúc. Cho đến giờ, ba mất đã gần chục năm, nhưng mỗi lần nhắc đến ông, nghệ sĩ Trinh Trinh vẫn nhớ như in lời cha dạy: muốn làm gì thì làm, nhưng luôn phải nghĩ đến cái hậu về sau. Trinh Trinh tự nhận, mình giống ba hơn mẹ: ít nói nhưng nói thẳng. Khi nói thẳng thì thường… thua thiệt, nhưng thà thua thiệt mà nhẹ cái đầu, còn hơn chiến thắng mà đau cả đời. Ngày xưa, cô từng “ganh tị” vì sao có quá nhiều sân khấu kịch, sân khấu nào cũng đầu tư một khán phòng tươm tất, sạch sẽ, còn cải lương thì chỉ có mỗi cái rạp, đã vậy chuột chạy lung tung trong khán phòng. Ngày xưa cô cũng chăm sóc cho tên tuổi của mình để được bằng chị bằng em; còn bây giờ, cô lùi lại một cách… bình thản, với tâm thế của một người hiểu được giá trị cuối cùng của một đời người: đó là hạnh phúc gia đình!

Tiếng “gia đình” nghe đơn giản nhưng rất thiêng liêng. Đó là chốn bình yên, là nơi quay về ấm áp. Ở đó, chỉ có những người yêu thương nhau, sẵn sàng hy sinh và tha thứ cho nhau. Đó là nơi khi ba bệnh, mẹ đã đón xe buýt lên tận Bình Triệu để xuống tóc cầu nguyện cho ba sớm khỏe lại. Là nơi lúc túng quẫn, mấy chị em tự thấy mình có trách nhiệm, có nghĩa vụ dẹp bỏ mặc cảm để bung ra ngoài bán vé số, bán khoai mì giúp gia đình vượt qua nghèo khổ… Bây giờ, còn bước được ra sân khấu là còn được tổ đãi, dù sân khấu có khi chỉ là sân đình, sân chùa mỗi lần lễ hội Kỳ Yên. Theo nghề cũng là duyên, hạnh phúc cũng là duyên. Trinh Trinh vẫn không muốn trở thành người vợ với tiêu chuẩn hiện đại có danh tiếng ngoài xã hội, có những đột phá để bứt lên giành sự bình đẳng theo nghĩa số học. “Không cần giàu sang, chỉ cần ai đó yêu mình, thấu hiểu, sẻ chia để chung tay làm nên một mái ấm như bố mẹ là Trinh sẵn lòng theo chàng về dinh”. Ba năm trở lại đây, nghĩ được vậy nên bé Móm thấy mình thoải mái, vui vẻ. Sáng sáng cô thức dậy dọn dẹp của nhà, chiều chiều chở mẹ chạy quanh thành phố ngắm nghía trời mây. Tối có sô thì đi diễn, không lại rủ mẹ ra gánh bún mắm quen thuộc bên hông chợ Bến Thành… làm một tô!

Nguyễn Thiện


5/5 - (1 bình chọn)

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *