Nghệ sĩ Trung Thảo – "nhà sư" thanh thản

Nghệ sĩ Trung Thảo – "nhà sư" thanh thản

Chưa phân loại
15/04/2019
555 Lượt xem

Nét đẹp thanh thoát, làn da hồng hào, đi đứng khoan thai, Trung Thảo là một gương mặt mà nhiều đạo diễn tìm đến khi cần vai nhà sư. Anh không cố tình nhưng tự tâm sinh tướng mạo, chẳng cần diễn nữa
Trên sân khấu tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP HCM) đêm 13-1, người xem đã lặng đi khi nhân vật Lý Huệ Tông trong “Dấu ấn giao thời” bước vào cõi chết. Màu áo trắng ngần của ông bỗng nhẹ như đám mây bay khỏi chính trường điên đảo, bay khỏi cuộc tình cay đắng, bay khỏi thế giới hận thù… Người của một ngàn năm trước sao nay lại quá gần, quá thương, quá nghẹn ngào tiếc nhớ. Nghệ sĩ sắm vai Lý Huệ Tông đêm ấy chính là Trung Thảo.

Vai diễn để đời

Lý Huệ Tông đã sống cách nay cả ngàn năm bỗng hiện về đẹp đến não lòng. Cuối cùng, ông mất vợ, mất ngai vàng và mất cả mạng sống cũng do Trần Thủ Độ. Vậy mà, hình như ông không hề oán trách, có chăng chỉ là lúc đầu, khi bản năng sinh tồn quẫy đạp. Rồi ông nhận ra đó là cách để Trần Thủ Độ chèo chống giang sơn trước nạn ngoại xâm, đó là cách để Trần Thủ Độ chuyển giao đế chế mà không cần đụng tới nhiều giáo gươm, nhiều sinh mạng. Lý Huệ Tông hy sinh để bao người còn được sống, bảo vệ và dựng xây đất nước. Lý Huệ Tông buông tay, nhẹ nhàng nói lời tử biệt, phất tay áo như một cánh bướm đã tan giấc mộng hồ điệp, hóa mây trắng hòa vào cõi vĩnh hằng. Ông thanh thản đi xa mà người xem rơi nước mắt, trĩu cả tâm tư.
Người xây nên một Lý Huệ Tông như thế đầu tiên là tác giả Triệu Trung Kiên, anh đã sâu sắc viết nên kịch bản “Dấu ấn giao thời”, sau đó là nghệ sĩ Trung Thảo của Nhà hát Trần Hữu Trang. Trung Thảo quá dịu dàng nhân ái, với 10 năm trường chay tịnh đủ để làm nên một thần sắc nhà sư ngoài đời. Nét đẹp thanh thoát, làn da hồng hào, đi đứng khoan thai, Trung Thảo là một gương mặt mà nhiều đạo diễn tìm đến khi cần vai nhà sư. Anh không cố tình nhưng tự tâm sinh tướng mạo, chẳng cần diễn nữa.

Trung Thảo trong vở “Trung thần”

Trung Thảo trong vở “Trung thần”


Vậy mà khó ngờ khi anh nhận đóng vai Tả quân Lê Văn Duyệt trong vở “Trung thần”, một tướng quân danh tiếng của đất Gia Định xưa, võ công tuyệt đỉnh, trí tuệ phi thường, trung nghĩa vẹn toàn, dũng cảm, không sợ cường quyền. Bảo vệ dân, bảo vệ vùng đất mới phía Nam, ông sẵn sàng chống lại triều đình tham ô, nhu nhược. Một nhân vật như thế làm sao rơi vào tay một nghệ sĩ dịu dàng như Trung Thảo?
Quả là một hóa thân xuất sắc từ một tài năng vũ đạo. Trung Thảo nổi tiếng về vũ đạo và gần 20 năm nay anh đi dạy vũ đạo cho Trường Sân khấu Điện ảnh TP HCM, Trường Múa TP HCM và các đơn vị khác. Anh có bằng cao đẳng và đại học về diễn viên, đạo diễn, lẫn biên đạo múa. Nhìn anh tạo hình trên sân khấu mới rung động làm sao, đẹp từ cách xoay người, múa gươm, thương trong tay tạo một vòng sáng lung linh; những bộ chân, bộ tay có khi dũng mãnh, có khi mềm mại uyển chuyển, như gió, như sóng, tỏa vào sàn diễn một năng lượng mê hồn. Đó cũng là sức hút của cải lương cổ trang, khi người nghệ sĩ kết hợp võ thuật cùng nghệ thuật. Bên trong con người thanh thoát kia không ngờ có một sức mạnh lạ kỳ. Sức mạnh từ cơ bắp để chịu được trọng lượng của vũ khí và các động tác cơ thể. Sức mạnh từ nội tâm để đồng cảm với nhân vật tướng quân. Lê Văn Duyệt đã ngã xuống nhưng những tràng pháo tay vang lên và nước mắt của khán giả lại rơi.
Trung Thảo trong vở “Dấu ấn giao thời”

Trung Thảo trong vở “Dấu ấn giao thời”

Hạnh phúc muộn màng mà đầy đặn

Trung Thảo nói mình không hề may mắn, trong lúc bạn bè và thế hệ đàn em đều đoạt huy chương vàng Trần Hữu Trang thì anh cứ rớt lên rớt xuống. Thậm chí, anh đạo diễn vở cho đàn em đi thi thì 5-6 bạn đều có huy chương Tài năng trẻ, qua mặt “ông thầy”. Vậy mà Trung Thảo không buồn, cứ đi thi tiếp, vì vui, mê nghề, muốn được thể hiện cái gì đó mới mẻ trên sân khấu chứ không phải chỉ mong có giải. Ngay cả đóng một vai nhỏ xíu trong vở, anh cũng không nề hà. Cuối cùng, anh cũng toại nguyện. Những huy chương vàng từ cuộc thi Tài năng trẻ, Liên hoan Sân khấu toàn quốc, Liên hoan Múa dồn dập bay về, thêm hai vai diễn để đời liên tiếp trao tay. Sắp tới, Trung Thảo sẽ nhận danh hiệu NSƯT. Hạnh phúc muộn màng nhưng đầy đặn, Trung Thảo mỉm cười.
Mà Trung Thảo lúc nào cũng mỉm cười. Bạn bè nhiều lần hỏi: “Mày không lo sao? Cái chuyện đáng lo quá trời, sao thấy mày cười hoài vậy?”. Anh đáp: “Lo cũng đâu giải quyết được gì. Cười một chút để có sức mà… lo”. Đời người ai không có lúc ngặt nghèo, gian truân nhưng cái cách Trung Thảo đối diện xem ra cũng thanh thản tựa thiền sư. Anh nói: “Cái được lớn nhất đời tôi là được học với những thầy cô giỏi, được sống với nghề và được mọi người yêu mến. Những khó khăn rồi sẽ trôi qua”.
Trung Thảo mê những tìm tòi mới lạ. Anh đã can thiệp vào trang phục của Lý Huệ Tông. “Khi ngài bị ép đi tu, trở thành Huệ Quang thiền sư, lẽ ra phải mặc áo vàng hoặc áo nâu của nhà chùa nhưng tôi đã chọn màu áo trắng. Bởi màu ấy mới phục vụ cho tâm lý và tính cách của nhân vật. Rõ ràng là khán giả chấp nhận. Nhiều người nhắn tin: “Mai diễn phải mặc áo trắng tui mới đi coi nha”. Mấy khán giả khác thì tự vẽ hình tôi trong vai Huệ Quang thiền sư và Lê Văn Duyệt đem tặng. Nhận quà mà lặng cả người. Cải lương còn sống trong lòng người ta như thế”.
Sắp tới, Trung Thảo sẽ có một tìm tòi mới nữa, tha hồ cho anh thể nghiệm. Đó là vai chính trong vở cải lương “Nhật thực” do đạo diễn Nguyên Đạt đầu tư, sẽ tham dự Liên hoan Sân khấu Thể nghiệm quốc tế tại Hà Nội. Trung Thảo vừa ca hát vừa vũ đạo liên tục khoảng một giờ rưỡi, vì thật ra vở chỉ có một nhân vật mà thôi, các nhân vật khác chỉ điểm xuyết. Ngoài Trung Thảo, trộm nghĩ khó có thể tìm được người nào đủ sức diễn như thế. Trailer đã xuất hiện, đẹp hớp hồn, hứa hẹn những tâm sức và thử thách mà Trung Thảo và đạo diễn thích đối đầu. Chỉ đơn giản, “cải lương không nên giẫm chân tại chỗ, nó cần thổi thêm sức sống của thời đại” – Trung Thảo ước mơ như thế.

Bài và ảnh: HOÀNG KIM


Đánh giá bài viết

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *