(CLV) – Ông là ngôi sao sáng trên sân khấu cải lương, nhiều năm liền được bạn đọc Báo Người Lao Động bình chọn giải Mai Vàng. Trên sân...
Nghệ sĩ Vũ Linh trong ký ức người ở lại
(CLV) – Nhiều nghệ sĩ đàn em nhớ sinh thời, “ông hoàng cải lương” Vũ Linh nghiêm khắc, cẩn trọng trong nghề, từng phạt học trò quỳ vì quên bài, diễn sai.
Cây đại thụ của nghệ thuật tuồng cổ qua đời ở tuổi 65 tại nhà riêng, sau thời gian mắc ung thư, ngày 5/3. Linh Tâm – bạn diễn gắn bó với ông cả trên sân khấu lẫn cuộc sống – tưởng nhớ: “Anh thường nói: ‘Ông Tổ cho ta nghề hát, đừng đem cái duyên đó đi kinh doanh mà phải dành trọn cho sân khấu’. Suốt đời, anh cống hiến trọn trái tim một nghệ sĩ chân chính, chưa từng vướng điều tiếng”.
Linh Tâm, Vũ Linh gắn bó nhau như hình với bóng trong gần 100 video cải lương. Linh Tâm thường đóng vai phản diện, sở khanh trong khi đàn anh gắn với các vai thư sinh, hiền lành, được khán giả yêu mến. Nghệ sĩ nhớ khi diễn vở Giũ áo bụi đời, có cảnh nhân vật của Linh Tâm lôi Vũ Linh xềnh xệch dưới đất. Lúc ấy, Vũ Linh dặn đàn em phải diễn như thật, đừng ngại làm đau ông. Kính nể con người, nhân cách Vũ Linh, anh đổi nghệ danh ban đầu từ Phương Tâm thành Linh Tâm, đặt tên con trai là Võ Vũ Linh Thanh (nghệ danh Linh Tý).
Nghệ sĩ Kim Tử Long cho biết người trong nghề thường gọi Vũ Linh thân mật là “anh Năm”. Khi ông nổi tiếng trong làng cải lương, Kim Tử Long chỉ là một cậu học sinh. Sau khi vào nghề, anh luôn ước mơ một ngày được hát chung với thần tượng. Vở đầu tiên cả hai diễn cùng là Ngai vàng và tội ác.
Với Kim Tử Long, Vũ Linh được sinh ra để hát tuồng cổ nhờ sắc vóc, thanh âm, vũ đạo hoàn hảo, được mệnh danh “ông hoàng cải lương Hồ Quảng”. Những vai diễn như Lương Sơn Bá, Ngô Phù Sai, Hào Trinh… đã tạo nên một hiện tượng sân khấu không thể thay thế. “Tôi coi Vũ Linh là tượng đài về tài năng, cách làm nghề. Tôi không thể quên khoảnh khắc anh xuất hiện trên sân khấu với vai Phi Cát, vở Truyền thuyết tình yêu. Khi ánh đèn chiếu rọi khuôn mặt, Vũ Linh đẹp như một pho tượng. Tôi học hỏi từ anh từ cách hóa trang, vẽ mắt, thể hiện biểu cảm, vũ đạo”, Kim Tử Long nói.
Trích đoạn “Hàn Mặc Tử” (soạn giả Viễn Châu) – Vũ Linh hát khi tái xuất hiếm hoi trong show “Kiếp cầm ca” của nghệ sĩ Hồng Nga tại TP HCM hồi tháng 4/2022. Video: Mai Nhật
Theo nghệ sĩ, thời hoàng kim của cải lương những năm 1990, Vũ Linh được khán giả yêu mến cuồng nhiệt. Anh từng chứng kiến nhiều fan đòi tặng quà, hột xoàn cho đàn anh ngay trên sân khấu. Nhiều ngày, ông không kịp nghỉ ngơi, chạy sô liên tục.
Ngoài đời, nghệ sĩ được bạn bè nhận xét hòa đồng, thân thiện, hay giúp đỡ mọi người. Thanh Điền nói ông đến với cải lương trước nhưng không nổi tiếng như đàn em. Cả hai chưa từng diễn chung nhưng mỗi lần đi lưu diễn ở các tỉnh miền Tây, ông cảm nhận đàn em là người tử tế, biết kính trên nhường dưới. “Vũ Linh biết nâng đỡ đàn em, hỗ trợ bạn diễn của mình như Tài Linh, Thoại Mỹ, Phương Hồng Thủy, Thanh Thanh Tâm”, Thanh Điền cho biết.
Đạo diễn Thanh Hiệp nói Vũ Linh thích giúp đỡ mọi người, hay tham gia các chương trình từ thiện, luôn dành một khoản hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn. Mỹ Uyên nhớ một lần đến thăm nhà ông, nghệ sĩ khoe được khán giả tặng 3.000 USD. Ông hỏi chị có thiếu tiền tiêu xài không, ông sẽ tặng lại. Ông luôn tâm niệm “có cho có nhận”, thường nhắc nhở đàn em giữ gìn đạo đức nghề nghiệp. “Anh Linh nói dù có thành công trong nghề, nghệ sĩ không được phép ngừng học hỏi, trau dồi kỹ năng. Tôi luôn ghi nhớ và áp dụng điều đó trong suốt con đường diễn xuất của mình”, Mỹ Uyên nói.
Ông là người đưa đò tâm huyết, truyền thụ tình yêu hát tuồng cho nhiều thế hệ trẻ. Năm 2010, ông làm loạt chương trình cải lương xã hội hóa, nâng đỡ tên tuổi của nhiều cô đào như Tú Sương, Quế Trân, Bình Tinh, Hồng Phượng, Trinh Trinh… Đạo diễn Thanh Hiệp nhớ ông có tài thị phạm, luôn dốc sức hướng dẫn từ ánh mắt, điệu bộ, vũ đạo, võ thuật, cách diễn nội tâm, hóa trang. Ông hay nói không muốn tận hưởng “lộc trời” cho không mà muốn đem “lộc nghề” truyền lại thế hệ sau.
Vũ Linh nghiêm khắc với bản thân và học trò. Ông luyện tập chăm chỉ, chưa từng đi muộn, quên lời khi diễn. Kim Tử Long nhớ có lần, cả hai mặc áo giáp, phơi nắng vài tiếng đồng hồ, mồ hôi ướt cả áo trong để quay video ở Long Hải (Bà Rịa – Vũng Tàu). Từng diễn chung Vũ Linh vở Lôi vũ, Mỹ Uyên nhớ lại: “Chỉ cần một biểu cảm khuôn mặt không đúng, anh Linh yêu cầu mọi người diễn đi diễn lại khi nào ra chất mới thôi”.
Ông đặt yêu cầu cao nên dễ nổi nóng, thường la rầy khi học trò lơ là, diễn chưa tới. “Anh ấy mắng không phải tỏ vẻ mà thể hiện một thái độ làm nghề nghiêm túc, cầu thị và nhiệt tâm. Được người có nghề như anh chỉ ra những sai sót là một điều may mắn”, Kim Tử Long nói. Đạo diễn Thanh Hiệp nhớ có lần ông bắt một nghệ sĩ không thuộc bài, diễn sai phải quỳ gối.
Với đạo diễn Huỳnh Thanh Nguyên, Vũ Linh là thần tượng suốt thời thơ ấu. “Giờ đây, nghệ sĩ Vũ Linh đã về với đất mẹ, không còn vướng bận những nỗi đau trần thế, một vì sao sáng đã vụt tắt trên bầu trời sân khấu”, đạo diễn thương tiếc.
(CLV) – Nghệ sĩ Vũ Linh từng được xưng tụng “ông hoàng tuồng cổ”, “thần tài sân khấu”, bởi chỉ cần tên ông trên băng rôn, vở hút hàng...
Bài viết khác
Bình luận
Bài viết nổi bật
-
Tây Thiên Vũ Khúc
26/05/2023.126617 -
30 nghệ sĩ nổi tiếng tham gia MV ca cổ “Sài Gòn, ngày vui trở lại” của NSƯT Hữu Quốc
11/09/2021.98752 -
Vũ Luân: 2 lần định kết hôn bất thành và cuộc sống độc thân tuổi 51
10/07/2023.95541 -
Phương Cẩm Ngọc đạt nhất tuần đầu tiên Sao Nối Ngôi mùa 4
04/04/2019.93973
Trả lời