Nghèo nàn không gian mỹ thuật sân khấu

Nghèo nàn không gian mỹ thuật sân khấu

Chưa phân loại
22/06/2020
568 Lượt xem

Ở một trung tâm văn hóa lớn của cả nước lại không có thế hệ họa sĩ, nhà thiết kế sân khấu kế thừa là đáng báo động

Mới đây, tại đại hội cơ sở Chi bộ Thiết kế mỹ thuật thuộc Hội Sân khấu TP HCM, giới thiết kế sân khấu gồm những nhà thiết kế mỹ thuật nổi tiếng đã phản ánh thực tế mỹ thuật sân khấu tại TP HCM nhiều năm qua rơi vào tình trạng yếu kém. Nhiều nguyên nhân và giải pháp được đưa ra nhưng viễn cảnh cứ mù mịt.

Bục, bệ, bàn ghế… có tuổi thọ trên 10 năm

Theo đạo diễn – NSND Trần Minh Ngọc, sân khấu của TP HCM vẫn chỉ là những sàn diễn cố định vài chục mét vuông từ đầu đến cuối vở diễn với những tấm rèm, cánh gà cố định, bục, bệ, bàn ghế cũ hàng chục năm. Tất tần tật xài chung cho tất cả các loại hình nghệ thuật từ cải lương, kịch nói, hát bội… Ngay cả đến các thao tác kỹ thuật như tắt đèn, chuyển cảnh thay đổi không gian, hầu hết các rạp, các sàn diễn sân khấu của ta vẫn thô sơ, lạc hậu. “Tôi đi dựng vở và đi duyệt phúc khảo vở, cứ thế phông màn kéo ra kéo vào, lên xuống vài tấm vải cũ mèm, dựng lên vài bục gỗ, panô di động với chất liệu ván ép sờ đến là nát, vải và nhựa chảy xệ… Cũng có lúc rạp bấm nút bằng công tắc điện nhưng phông có lúc bị kéo lên quá nhanh, muốn chuyển cảnh trong một đoạn nhạc đã định mà mọi thứ cứ diễn ra từ từ… Nghệ sĩ biểu diễn toát mồ hôi, còn khán giả thì cười vui, thông cảm” – vị đạo diễn 84 tuổi lắc đầu.

Nghèo nàn không gian mỹ thuật sân khấu - Ảnh 1.

Cảnh trí trong vở cải lương “Giấc mộng đêm xuân” của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang do đạo diễn – NSND Trần Ngọc Giàu dàn dựng

Họa sĩ Lê Văn Định nêu một thực trạng đau lòng là tất cả sân khấu kịch nói, cải lương tại TP HCM đều có những bục, bệ, bàn ghế trên 10 năm: “Vẫn từng ấy số bục, bệ, bàn ghế, có khác chăng là tấm khăn trùm lên, rồi được đẩy ra, đẩy vào các vở diễn. Đạo diễn có nhiều ý tưởng, họa sĩ cũng tương tác để ý tưởng đó bay bổng nhưng rồi nhà đầu tư lắc đầu không chi tiền, thế là vẫn phải xài đồ cũ”.

Họa sĩ Trịnh Thiên Tài – nhà thiết kế tài hoa, chuyên thiết kế cho các sân khấu cải lương – nói: “Mọi thiết kế không gian cho một tác phẩm đều bị cắt xén. Hiện nay, màn ảnh Led lấn át cảnh trí, không gian mỹ thuật vốn là sự sáng tạo của đội ngũ thiết kế từ hơn 100 năm hình thành, phát triển sân khấu cải lương.

Còn nhà sản xuất bảo không phải do họ không đầu tư mà do đơn vị cho thuê mặt bằng sân khấu không cho mang quá nhiều cảnh trí, bục, bệ vào để phòng cháy nổ, bởi kho chứa thường quá nhỏ. Đành phải chịu xài đồ cũ từ năm này qua năm khác.

NSND Trần Minh Ngọc cho rằng trang trí sân khấu tại TP HCM là đơn điệu và lặp lại chính mình một thời gian quá dài. Một đội ngũ họa sĩ thiết kế sân khấu quá mỏng chỉ đếm trên đầu ngón tay, thế mà họ vẫn không sống nổi với nghề, bởi điều kiện đầu tư của sân khấu ngày càng xem nhẹ cảnh trí, khiến cho lực lượng này không thể phát huy hết sức sáng tạo của họ. “Nếu so sánh với sân khấu các nước tiên tiến trên thế giới, chúng ta phải chấp nhận một thực tế là sân khấu của các rạp hát tại TP HCM hôm nay quá cũ kỹ, nghèo nàn và lạc hậu về mọi phương diện kỹ thuật, từ ánh sáng, âm thanh đến công tác hậu đài, chuyển cảnh. Trong khi người ta đang bàn đến việc xây dựng thành phố thông minh, hiện đại, mà nhà hát của một trung tâm văn hóa lớn nhất nước lại phải thực hiện các yêu cầu tối thiểu về thao tác, phối hợp trên sân khấu đều bằng thủ công” – NSND Trần Minh Ngọc bức xúc.

Xóa sổ chuyên ngành mỹ thuật sân khấu

Đó là thông tin khiến giới chuyên môn ngỡ ngàng. Họa sĩ Lê Văn Định cho biết khoa đào tạo chuyên ngành mỹ thuật sân khấu của Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh TP HCM năm nay không tuyển sinh. “Có ý kiến cho rằng đại học mỹ thuật sẽ cung cấp lực lượng này cho sân khấu. Xin thưa đừng có mơ, với cách đầu tư cho mỹ thuật sân khấu như thế thì làm sao họ đủ thu nhập để sống chết với sân khấu. Mỗi thiết kế của tôi cho một vở hiện nay giá chỉ 3 triệu đồng” – họa sĩ Lê Văn Định chua xót.

Đạo diễn – NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, khẳng định: “Thiếu lực lượng thiết kế mỹ thuật sân khấu là một lỗ hổng lớn hiện nay. Việc xóa sổ ngành đào tạo này của Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh TP HCM là điều đáng báo động. Thiết kế mỹ thuật sân khấu là một bộ phận không thể tách rời của nghệ thuật sân khấu – bao gồm kịch bản, đạo diễn, âm nhạc, múa, ánh sáng, âm thanh… Trong mối quan hệ tổng hòa đó, chức năng của người họa sĩ thiết kế mỹ thuật và người đạo diễn gắn bó với nhau, tạo nên nghệ thuật xử lý không gian sân khấu với các thủ pháp gợi tả, hiện thực, ước lệ, tượng trưng… làm cho vở diễn đạt hiệu quả về nội dung và hình thức. Nếu xem nhẹ khâu này, hình thức bị nghèo nàn, đó cũng là nguyên nhân khán giả không đến xem ở nhà hát, ở rạp”.

Đa số người trong và ngoài giới sân khấu đều nhận định sân khấu Việt Nam nói chung, trong đó có mỹ thuật sân khấu, nếu không được “công nghiệp hóa”, “hiện đại hóa” thì sẽ lạc hậu và tiếp tục tụt hậu xa hơn so với sân khấu trong khu vực.

Khó có tác phẩm “thật và đẹp”

Giới chuyên môn cho rằng sân khấu khó có thể vực dậy nếu xem nhẹ hình thức thể hiện mà yếu tố mỹ thuật và thiết kế của họa sĩ là bộ phận quyết định sự đổi mới của một tác phẩm “thật và đẹp”.

Ngay TP HCM, khi xây dựng các rạp, nhà hát, cơ quan quản lý cũng phải tính đến nhân lực tiếp quản công việc thiết kế. Đạo diễn – NSND Trần Minh Ngọc nói: “Không có đội ngũ làm nghề từ các khâu chế tác này, nhà hát có hiện đại cũng phí phạm vì không biết cách sử dụng”.

Lo lắng của những người cả đời tâm huyết với mỹ thuật sân khấu về thế hệ họa sĩ kế cận đầy nội lực như niềm kỳ vọng đáng lưu tâm.

Bài và ảnh: Thanh Hiệp


Đánh giá bài viết

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *