Người đồng hành với sân khấu cải lương
Hầu hết khán giả yêu mến bộ môn cải lương, hẳn không ai không biết đến Minh Vương- người sở hữu giọng ca rất đặc biệt, từng có nhiều vai diễn rất hay, được khán giả ưu ái gọi là “Ông Hoàng cải lương”. Nhưng trên hết, NSND Minh Vương là người yêu cải lương tha thiết.
Đoạt giải Khôi nguyên từ năm 14 tuổi
Minh Vương tên thật Nguyễn Văn Vưng, sinh năm 1949 tại Cần Giuộc (Long An). Gia đình có 7 anh em. Từ năm mới lên 10 tuổi, cậu bé Vưng đã theo gia đình lên Sài Gòn lập nghiệp, theo học trung học buổi sáng, chiều về đi vớt bọ gậy mang bán làm thức ăn cho cá ăn để kiếm thêm chút tiền phụ giúp cha mẹ. Do ở gần nhà thầy nhạc Bảy Trạch (cầu chữ Y, quận 8) nên Vưng thường hay qua xem thầy dạy và có nhã ý muốn được thọ giáo. Nhận thấy Vưng có giọng ca thiên phú nên thầy Bảy Trạch đồng ý dìu dắt anh. Khi các cô chú, anh chị đang tập tuồng, Vưng luôn say mê theo dõi thầy chỉ dạy, quan sát kỹ lưỡng cách diễn, cách ca của những bậc đàn anh, đàn chị. Năm 1963, khi mới tròn 14 tuổi, cậu bé Vưng tham gia dự thi và đã đoạt giải cao nhất cuộc thi Khôi Nguyên vọng cổ, được ông bầu Long của gánh hát Kim Chung thông qua sự giới thiệu của thầy Bảy Trạch mời ký hợp đồng. Song mới tham gia được gần 1 năm, Vưng bị bệnh rụng tóc nên phải nghỉ ở nhà chữa bệnh. Qua năm sau, bệnh thuyên giảm nhiều nên anh xin quay trở lại đoàn hát, đồng ý nhận bất cứ vai diễn nào với tâm niệm “Có công mài sắt có ngày nên kim”.
Năm 1967, Vưng được ông bầu Long giao đứng tên làm kép chánh, lúc này anh vừa tròn 18 tuổi. Cùng thời điểm này, ông bầu Long quyết định lấy nghệ danh mới cho Nguyễn Văn Vưng là Minh Vương. Từ năm 1971 trở về sau, giọng ca và lối diễn xuất của Minh Vương được đông đảo khán giả đón nhận, hoan nghênh cũng như được nhiều hãng băng đĩa chú ý mời ghi âm, ghi hình. Cùng năm này, anh còn được mời đóng phim điện ảnh “Sám hối” cho một hãng phim tư nhân.
Giọng ca Minh Vương mang một dấu ấn riêng biệt. Cứ mỗi lần ông cất tiếng hát, không biết bao trái tim xốn xao, lay động trước làn hơi đầy đặn trước chất giọng “kim pha đồng” của ông. Hầu hết dân trong nghề đều cho rằng rất hiếm có một nghệ sĩ cải lương nào sở hữu một trong những chất giọng hiếm với âm lực vừa cao, vừa thanh trong như Minh Vương.
“Ông Hoàng cải lương”
Sau khi đã trở thành “giọng ca vàng” của các đoàn hát một số các hãng băng đĩa, Minh Vương lại tìm cách sáng tạo để phải khác biệt với chính bản thân mình. Ông không ca theo khuôn mẫu có sẵn, mà thường “để dành” nhiều chữ ở cuối câu rồi sau đó ca nhanh để dứt câu. Lối ca này đặt ra những thách thức rất cao với người nghệ sĩ. Bởi nếu không thật chắc nhịp, thiếu tinh tế trong cách ngắt câu, ngắt từ, lối ca theo cách này cũng dễ gây khó chịu cho người nghe và xem ra tạo thành một hiệu quả ngược! Và với cách thức sáng tạo ấy, nghệ sĩ Minh Vương đã để lại khá nhiều dấu ấn trong hàng loạt vở diễn trước 1975: “Máu nhuộm sân chùa”, “Mùa xuân ngủ trong đêm”, “Đêm lạnh chùa hoang”, “Kiếp nào có yêu nhau”, “Tâm sự loài chim biển”, “Người tình trên chiến trận”, “Đời cô Lựu”, “Đường gươm Nguyên Bá”…
Trong số đó, có những vai diễn cho đến nay nhiều khán giả vẫn cho rằng vẫn chưa có nghệ sĩ nào có thể thay thế hoàn toàn được so với nghệ sĩ Minh Vương. Sang năm 1972, Minh Vương cùng vợ thành lập Đoàn Cải lương Việt Nam lưu diễn ở nhiều nơi cho đến ngày miền Nam giải phóng. Sau này, Minh Vương đầu quân làm diễn viên của cho Đoàn Cải lương Sài Gòn, Đoàn Văn công Thành phố Hồ Chí Minh và lưu diễn nước ngoài. Anh tiếp tục chinh phục khán giả bằng giọng ca đặc biệt của mình qua một loạt các vở như “Rạng ngọc Côn Sơn”, “Tái sanh duyên”, “Tấm lòng của biển”, “Tiêu Anh Phụng”, “Tô Ánh Nguyệt” và hàng nghìn bản ca cải lương đơn lẻ hoặc ca chung với các nghệ sĩ danh tiếng khác như Lệ Thủy, Bạch Tuyết, Phượng Liên, Thanh Sang, Minh Phụng, Minh Cảnh, Thanh Kim Huệ, Mỹ Châu, Út Bạch Lan…
Năm 2007, Minh Vương được phong tặng cho danh hiệu NSƯT, và năm nay ông trở thành NSND.
Không gì ngăn nổi đam mê cải lương
Năm 2011, nghệ sĩ Minh Vương bất ngờ mắc phải căn bệnh suy thận hiểm nghèo, bị đau đớn có lúc tưởng chừng không thể tồn tại được trên đời khiến ông rơi vào tuyệt vọng. Ban đầu, ông chỉ uống thuốc duy trì cho đến khi chân bị phù phải chuyển qua chạy thận 3 lần/tuần tại bệnh viện. Từ cơ duyên bệnh tật này, ông tình cờ gặp được giáo sư Trần Ngọc Sinh- nguyên Trưởng khoa Ngoại tiết niệu, Bệnh viện Chợ Rẫy. Trong một lần khảo sát, lấy thông tin những người suy thận về nhóm máu, nguyện vọng được ghép tạng người bệnh, ông được hướng dẫn điền vào những câu hỏi rồi quay về trong quên lãng. Nào ngờ, lá phiếu khảo sát ấy là chiếc bùa nhiệm màu giúp cho Minh Vương cải tử hoàn sinh khi có được một chàng trai 37 tuổi kém may mắn đồng ý hiến ghép thận và nghệ sĩ Minh Vương luôn cho rằng ông “đã một lần nữa sinh ra từ ca ghép thận đó”.
Hiện ở độ tuổi 70, lại mang trong người tàn tích căn bệnh hiểm nghèo, tuy vậy nghệ sĩ Minh Vương vẫn luôn đồng hành với sân khấu cải lương. Ông vẫn tiếp tục xuất hiện trên sân khấu cho dù tần suất thấp hơn nhiều so với ngày trước. Đầu tháng 1/2019, ông có mặt trong Chương trình 100 năm sân khấu cải lương tại phố đi bộ Nguyễn Huệ và sau đó lại hiện diện trong Hội đồng nghệ thuật chung kết xếp hạng tìm kiếm tài năng Chuông vàng vọng cổ 2019 của Đài Truyền hình TP HCM HTV. Khi được Nhà nước xét trao tặng cho danh hiệu NSND, ông tâm sự: “Là một nghệ sĩ hoạt động sân khấu lâu năm và được phong tặng danh hiệu cao quý như vậy thật không có gì vui và hạnh phúc nào bằng”.
* Ngày 29/8 năm nay, trong Lễ trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú lần thứ 9 tại Thủ đô Hà Nội, có nhiều tên tuổi các thế hệ nghệ sĩ rất được hâm mộ. Họ là những người đã đem hết tài năng, sức lực của mình cống hiến cho nền nghệ thuật nước nhà. Trong số báo đặc biệt kỷ niệm 72 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, xin được trân trọng giới thiệu 3 trong số những gương mặt tiêu biểu ấy. Đó các NSND Minh Vương, Thanh Tuấn, Trần Hạnh- những gương mặt “gạo cội” được nhiều người mến mộ.
*Một số danh hiệu và giải thưởng của NSND Minh Vương
– Khôi nguyên vọng cổ (năm 1964).
– Diễn viên sân khấu được yêu thích nhất sau 10 năm giải phóng do báo Tuổi Trẻ bình chọn (năm 1985).
-Danh ca vọng cổ được yêu thích nhất do báo Sân khấu TP HCM tổ chức (năm 1990).
-Giải nam – nữ diễn viên cải lương đóng chung được yêu thích nhất (cùng với nghệ sĩ ưu tú Lệ Thủy) do báo Sân khấu TP HCM tổ chức (năm 1992).
-Danh hiệu NSƯT (năm 2007).
-Danh hiệu Kỷ lục Guinness Việt Nam năm 2008 dành cho cặp đào kép đóng chung lâu năm và ăn ý nhất (cùng NSƯT Lệ Thủy).
-Danh hiệu NSND (năm 2019).
Như Quỳnh
Bài viết khác
Bình luận
Bài viết nổi bật
-
Tây Thiên Vũ Khúc
26/05/2023.130179 -
30 nghệ sĩ nổi tiếng tham gia MV ca cổ “Sài Gòn, ngày vui trở lại” của NSƯT Hữu Quốc
11/09/2021.98784 -
Vũ Luân: 2 lần định kết hôn bất thành và cuộc sống độc thân tuổi 51
10/07/2023.95578 -
Phương Cẩm Ngọc đạt nhất tuần đầu tiên Sao Nối Ngôi mùa 4
04/04/2019.94021
Để lại một bình luận