Nhạc sĩ mù Văn Bền – người cống hiến thầm lặng cho cải lương

Nhạc sĩ mù Văn Bền – người cống hiến thầm lặng cho cải lương

09/12/2015
864 Lượt xem

(CLV) – Gần 70 tuổi, người học trò của đệ nhất danh cầm Văn Vĩ vẫn lặng lẽ đào tạo học trò và đóng góp cho những hoạt động thiện nguyện.

Trong những buổi diễn văn nghệ hàng tháng tại Viện Dưỡng lão Nghệ sĩ, TP HCM, khán giả thường thấy một nhạc sĩ mù ngồi khuất trong hậu trường, lặng lẽ đàn cho các nghệ sĩ hát trên sân khấu. Đó chính là nhạc sĩ Văn Bền, một trong các học trò xuất sắc của đệ nhất danh cầm khiếm thị Văn Vĩ – người giúp giọng ca Út Bạch Lan tỏa sáng trên sân khấu và tạo ra các tiết mục ăn khách cùng thời.

Văn Bền sinh năm 1945, bị khiếm thị từ nhỏ do di chứng của bệnh đậu mùa. Năm 12 tuổi ông theo học đàn với thầy Văn Vĩ. Không hề có bất cứ nguyên tắc nhạc lý nào, thầy giáo truyền nghề cho ông bằng cách đàn trước, ông nghe âm thanh rồi mò mẫm mô phỏng lại trên đàn của mình. Cuộc đời lấy đi của ông đôi mắt nhưng bù lại cho ông đôi tai có khả năng thẩm âm rất chuẩn xác.Với những bài vọng cổ khó, người sáng mắt phải học đến một tháng, còn ông chỉ mất nửa tháng để luyện tập. Cũng do bị mù mà quá trình học của nhạc sĩ bị gián đoạn bởi không phải lúc nào người nhà cũng có điều kiện chở ông qua nhà thầy Văn Vĩ luyện tập. “Tôi phải mất 7 đến 8 năm mới học xong những bài vọng cổ phổ biến. Năm 20 tuổi tôi chính thức đàn cho các nghệ sĩ hát trên sân khấu”, nhạc sĩ cho biết.

Nhạc sĩ Văn Bền với chiếc guitar phím lõm đã gắn bó với ông nhiều năm. Ảnh: Hoàng Phố.

Nhạc sĩ Văn Bền với chiếc guitar phím lõm đã gắn bó với ông nhiều năm. Ảnh: Hoàng Phố.

Văn Bền đã trưởng thành qua nhiều đoàn hát nổi tiếng của thế kỷ trước như Thanh Bình – Kim Mai, Huỳnh Long, Bông Sen, từng đàn cho các danh ca Út Trà Ôn, Minh Vương, Thiên Kim, Diệu Hiền… Năm 1966, ông ngừng tham gia các đoàn hát, chính thức trở thành thầy dạy ca và đàn cho nhiều thế hệ nghệ sĩ cải lương sau này. Lý do là các đoàn hát lưu diễn tỉnh nhiều quá, mắt ông lại kém nên đi lại khó khăn.

Nghệ sĩ mù không nhớ đã hướng dẫn đàn, ca cho bao nhiêu học trò. Có thời điểm số lượng học trò một khóa lên tới vài trăm người. Trong số đó, có nhiều nhạc sĩ khiếm thị thành danh sau này như Văn Tâm, Văn Chánh, hiện giảng dạy tại Cao đẳng Nghệ thuật TP HCM. Cách dạy của ông cũng giống thầy Văn Vĩ ngày trước. Ông đàn làm mẫu, trò đàn theo, thầy nghe rồi nhận xét. Một học trò của ông, tên Hiền, ngoài 50 tuổi, nói: “Tôi theo học thầy Bền gần 20 năm tuy không thường xuyên. Thầy có ngón đàn độc và tai nghe nhạc rất tinh tường. Tuy không nhìn thấy nhưng nghe qua âm thanh, thầy biết học trò sai chỗ nào, cần sửa chỗ nào”. Còn nghệ sĩ Hồng Liên của đoàn Trần Hữu Trang chia sẻ: “Tôi chỉ theo học thầy trong 6 tháng nhưng nhờ đó mà được vững nhịp ca như ngày hôm nay”.

Văn Bền cho biết, ông không có bí quyết nào ngoài việc đem hết khả năng, kinh nghiệm ra truyền cho học trò. “Muốn học trò ra nghề được, mình phải dạy thật tình, dạy kỹ lưỡng, sửa giọng, sửa tiếng cho từng người. Mất thời gian, công sức một chút nhưng các em ra nghề sẽ vững vàng và có chỗ đứng trên sân khấu”.

Nhạc sĩ Văn Bền dạy học trò tại tư gia. Ảnh: Hoàng Phố.

Nhạc sĩ Văn Bền dạy học trò tại tư gia. Ảnh: Hoàng Phố.

Khi cải lương ở thời kỳ đỉnh cao, thù lao đi dạy của thầy Văn Bền có thể nuôi sống cả gia đình gồm vợ và ba người con. Những năm gần đây, số lượng học viên giảm. Ngoài học viên lâu năm và ổn định, mỗi khóa học (kéo dài 3 tháng) hiện chỉ có chừng 10 đến 15 trò. Với mức học phí 300 nghìn đồng một tháng, thu nhập của nhạc sĩ dao động từ 3 – 4 triệu đồng, cùng 150 nghìn đồng tiền trợ cấp từ Ban ái hữu hội nghệ sĩ TP HCM. Số tiền này được dùng chi phí cho tiền chữa bệnh dạ dày, thấp khớp của nhạc sĩ và tiền sinh hoạt của hai cha con. Hiện nhạc sĩ sống cùng con trai út, vợ ông đã mất cách đây nhiều năm, hai con lớn lập gia đình và ra ở riêng.

Gần 70 tuổi, sức khỏe không cho phép, nhạc sĩ Văn Bền không còn dạy được nhiều như trước, thi thoảng con trai vẫn phụ giúp ông dạy học trò. “Tôi không lấy học phí cao vì những người yêu vọng cổ giờ ít lắm, họ đến học là có tâm rồi. Thành công lớn nhất của tôi là ba đứa con đều theo nghiệp cha, đứa đi hát, đứa đi đàn. Tôi không mong gì hơn được trao truyền cổ nhạc cho thế hệ sau”, nhạc sĩ tâm sự.

Hơn 40 năm qua, không chỉ âm thầm đào tạo nhiều lớp nghệ sĩ vọng cổ, nhạc sĩ Văn Bền còn đóng góp tiếng đàn vào các phong trào văn nghệ địa phương. Ông luôn là người lặng lẽ ngồi sau cánh gà, đàn cho các thành viên đội văn nghệ quận 4 trong các kỳ hội diễn văn nghệ cấp thành phố. Văn Bền cũng là nhạc sĩ được địa phương chọn mặt gửi vàng tham gia tranh giải trong các cuộc thi đờn ca tài tử miền Đông Nam bộ và luôn giành được giải cao.

Được vinh danh trong nhiều cuộc thi, nhưng ông không nhận phần thưởng về mình mà nhường thành tích cho tập thể. Trong ngôi nhà nhỏ, ông chỉ treo đàn và những tấm ảnh cũ, mọi bằng khen, giấy khen ghi nhận thành tích, ông đều gửi treo trên văn phòng Ủy ban quận với suy nghĩ, thành tích là của tập thể chứ không phải cá nhân mình.

Dù đời sống không mấy khá giả, nhạc sĩ Văn Bền vẫn nhận đào tạo miễn phí học trò nghèo, phần lớn là các em thiếu nhi. Hiện có gần 10 em được ông dạy miễn phí tại nhà. Với học trò nào ông cũng dành sự tận tâm như nhau. “Các em nghèo không có tiền trả học phí tôi vẫn nhận dạy. Họ có lòng yêu nhạc cổ là tôi mừng”, nhạc sĩ cho biết.

Nhạc sĩ Văn Bền (phải) và con trai út đàn trong hậu trường sân khấu của Viện Dưỡng lão Nghệ sĩ vào ngày 15 hàng tháng. Ảnh: Cải lương Việt Nam.

Nhạc sĩ Văn Bền (phải) và con trai út đàn trong hậu trường sân khấu của Viện Dưỡng lão Nghệ sĩ vào ngày 15 hàng tháng. Ảnh: Cải lương Việt Nam.

Ngày 15 mỗi tháng, Văn Bền lại cùng con đến Viện Dưỡng lão Nghệ sĩ biểu diễn miễn phí cho đồng nghiệp, những người cùng đứng chung sân khấu với ông ở thời kỳ đỉnh cao của cải lương. “Tôi cũng là nghệ sĩ nghèo, không có nhiều tiền đóng góp thì góp chút tài mọn qua tiếng đàn nhằm đem niềm vui đến những đồng nghiệp một thời”, nhạc sĩ tâm sự.

“Thầy còn kêu gọi học trò mỗi tháng cố gắng sắp xếp thời gian đến Viện Dưỡng lão Nghệ sĩ ca hát và đóng góp chút tiền có thêm chi phí sinh hoạt cho các nghệ sĩ. Tôi quý thầy là ở việc làm thầm lặng ấy”, một học trò khác của nhạc sĩ Văn Bền kể lại.

Ở tuổi thất thập, nghệ sĩ mù không mong gì hơn ngoài niềm vui hàng ngày được trò chuyện, giao tiếp với học trò và đồng nghiệp: “Còn sống, tôi còn dạy, vì lời ca, tiếng đàn ăn vào máu thịt mình rồi”.


5/5 - (5 bình chọn)

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *