Nhớ ông hoàng cải lương

Nhớ ông hoàng cải lương

03/05/2023
942 Lượt xem

(CLV) – Khi đề cập đến những nam nghệ sĩ của nghệ thuật Cải lương, không thể không nhắc đến tên tuổi cố Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Vũ Linh. Ông là một ngôi sao của sân khấu Cải lương ở thập niên 80 – 90 thế kỷ trước. Ông là nghệ sĩ đứng trên sân khấu thanh sắc vẹn toàn, mẫu mực về phong cách ca ngâm và diễn xuất; được giới nghề và công chúng “tâm phục”, “khẩu phục” về tài năng toàn diện.

Ngọt ngào ký ức

Giới mộ điệu Cải lương trong thập niên 80 và 90 thế kỷ XX khi nhắc tới NSƯT Vũ Linh sẽ nhớ tới một gương mặt thư sinh, chất giọng trầm ấm và một phong thái diễn xuất đĩnh đạc, rất nghệ sĩ mà cũng rất đời thường. Tên khai sinh của NSƯT Vũ Linh là Võ Văn Ngoan, ông sinh năm 1958, mất ngày 5 tháng 3 năm 2023 vì bạo bệnh. Hơn 60 tuổi đời, quá sớm để mọi người phải tiễn biệt ông. Nhưng không vượt qua được bệnh tật, NSƯT Vũ Linh đã buông bỏ trần gian để bắt đầu một cuộc viễn du khác.

Nhớ ông hoàng cải lương - Ảnh 1

NSƯT Vũ Linh. Ảnh: Đại Nam Production

Cậu bé Võ Văn Ngoan sinh ra và lớn lên trong gia đình không mấy khá giả ở Sài Gòn, lại đông anh em. Dù gia đình không có truyền thống nghệ thuật nhưng cậu bé Ngoan và hai người em thứ 6 và thứ 7 của mình (sau này là NS Tiểu LinhNS Hồng Nhung) đều được cha mẹ cho theo nghiệp diễn Cải lương. Năm 13 tuổi, ông thọ giáo danh cầm Văn Vĩ học ca cổ nhạc, sau đó lại được thầy Minh Tơ truyền nghề. Khi ở đoàn Hoa Anh Đào của bà bầu Kim Chưởng, ông được đặt nghệ danh Vũ Linh, được mẹ nuôi là cố NS Trương Ánh Loan và chị nuôi là NSƯT Diệu Hiền kèm cặp thêm về nghệ thuật diễn xuất và ca ngâm. Nhờ vậy mà Vũ Linh thành đạt, vinh quang.

Trong sự nghiệp, NSƯT Vũ Linh thành công với nhiều vai diễn trong các vở Cải lương từ màu sắc hương xa, cho đến tâm lý xã hội và đặc biệt là các vở tuồng cổ như: “Xa phu đi sứ“, “Trảm Trịnh Ân“, “Xử án Bàng Quý Phi”, “Xuân về trên đỉnh Mã Phi”, “Ngọn lửa Thăng Long”, “Dương Quý Phi”, “Tần Thủy Hoàng”, “Gánh cải Trạng Nguyên”, “Phạm Công – Cúc Hoa”, “Thoại Khanh – Châu Tuấn”… Cũng bởi khán giả quá thần tượng nên hầu như suốt chặng đường nghệ thuật, trên sân khấu cũng như trên màn ảnh video, ông thường được nhà sản xuất và các đạo diễn phân công thủ vai chính. Mỗi vai một vẻ, in đậm cá tính riêng, số phận riêng. NSƯT Vũ Linh bao giờ cũng làm cho nhân vật của mình đẹp hơn, ấn tượng hơn, không đơn điệu và nhàm chán.

Có lẽ sự thành công nằm ở ngay chính con người ông. Một phần do dáng vẻ bên ngoài: thư sinh, điềm đạm, chững chạc. Một phần do ông đã trải qua những năm tháng tập luyện nghề khá công phu, từng chịu mọi thử thách gian truân nên rất hiểu và đồng cảm với cuộc sống cũng như tâm lý, tính cách các nhân vật mà ông từng thể hiện.

Nhận xét về NSƯT Vũ Linh, NSƯT Mỹ Châu từng nói: “Vũ Linh là một nghệ sĩ quá đỗi thông minh, nhạy bén sân khấu. Một tính cách ở Vũ Linh tôi rất mến đó là tính nghiêm túc trong khi tập cũng như khi bước ra sân khấu“. NS Tài Linh – người bạn diễn ưng ý nhất của ông đã tâm sự: “Anh Vũ Linh ngoài tình đồng nghiệp, còn là người thầy nâng đỡ, dìu dắt Tài Linh khi thể hiện những vai diễn khó. Tài Linh khâm phục đức tính cần mẫn, yêu nghề, biết yêu thương đồng nghiệp của Vũ Linh“. NSƯT Diệu Hiền đánh giá: “Vũ Linh ca diễn rất chắc. Không diễn bằng kỹ xảo, bằng thủ thuật, mà diễn bằng nội tâm, sống hết mình với cảm xúc của nhân vật“.

Trong cuộc sống, NSƯT Vũ Linh đôi khi cũng đa sầu đa cảm, nhưng cuối cùng vẫn quay lại với việc thật hàng ngày, với con người hiền hậu và chân thực của mình, biết nể trọng người đi trước, biết chia sẻ với đồng nghiệp, biết yêu thương nâng đỡ thế hệ tiếp nối nghệ thuật Cải lương. Nhờ vậy mà đi đến đâu cũng được giới đồng nghiệp dành cho ông sự trân trọng tài năng của một “vì sao” trên sân khấu và họ thường gọi ông với danh xưng trìu mến là “Anh Năm”, “Cậu Năm”.

NSƯT Vũ Linh còn được biết tới như một gương mặt ấn tượng của làng Cải lương video. Ông xuất hiện trên màn ảnh với những nhân vật như chỉ dành cho mình. Có thể kể đến như các vai diễn: Lương Sơn Bá thư sinh trong vở tuồng “Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài”, một Nguyễn Địa Lô uy nghi trong “Bức ngôn đồ Đại Việt”, một Ngô Phù Sai sắc sảo trong “Tây Thi gái nước Việt”, một Phạm Công tội nghiệp trong “Phạm Công – Cúc Hoa”…

Cả ở sàn diễn sân khấu lẫn phim truyện video, NSƯT Vũ Linh luôn dồn hết sức mình cho từng vai diễn. Bằng lối ca – diễn chân phương, mộc mạc, không khoa trương, ông thực sự sống với nhân vật, truyền đến khán giả cảm xúc chân thành trước vẻ đẹp tâm hồn của vai diễn, khiến công chúng đồng cảm với số phận nhân vật.

Khi sân khấu là thánh đường

Ấn tượng độc đáo của NSƯT Vũ Linh là ca trong tuồng, kỹ thuật ca ngâm, với làn hơi truyền cảm; từng số phận, tính cách nhân vật được ông thể hiện hết sức tinh tế. NSƯT Vũ Linh sắp nhịp rất hay, cái hay của ông là chẻ nhịp chớ không chẻ chữ làm nát văn của tác giả. Những lời ca có các dấu: “sắc”, “hỏi”, “ngã” thường được ông thể hiện giọng “gió” rất chín, rất ngọt; dấu “huyền” ông ca đầy đặn, độ trầm vang, ấm rõ ràng. Kỹ thuật ca, phong cách diễn xuất, cho đến những động tác vũ đạo dường như hòa quyện vào nhau.

Nhớ ông hoàng cải lương - Ảnh 2

Nghệ sĩ Vũ Linh và Tài Linh. Ảnh: Minh Hoàng.

Điều đặc biệt nữa ở NSƯT Vũ Linh là khi diễn xuất với bất kỳ cô đào nào dù lớn tuổi, hay nhỏ tuổi hơn, hoặc cùng trang lứa thì cặp đôi trên sân khấu đó đều tỏa sáng, thăng hoa. Nói cách khác là càng thêm nổi tiếng. Từ các nghệ sĩ đi trước như: Diệu Hiền, Ngọc Đáng, Mỹ Châu, Phượng Liên, Lệ Thủy, Kiều Phượng Loan, Bạch Lê, Thanh Thế, Kim Thủy; cho đến Tài Linh, Thanh Thanh Tâm, Phương Hồng Thủy, Ngọc Huyền, Thanh Hằng, Thanh Ngân, Tú Sượng, Thoại Mỹ, Trinh Trinh, Bình Tinh… Tất cả tạo nên một vẻ đẹp sân khấu, đậm chất Cải lương rất mực thước, đầy sang trọng.

Với Vũ Linh, sân khấu Cải lương là thánh đường, là niềm đam mê, một thứ nghiệp không dứt ra được. Sinh thời, ông từng nói: “Trong nghiệp diễn xuất, phải diễn mà như không diễn. Người nghệ sĩ phải làm sao để khi mình không khóc mà khán giả lại khóc, mình không cười mà khán giả lại cười. Đó mới là nghệ sĩ thành công”.

NSƯT Vũ Linh và đồng nghiệp đã bền bỉ dưới ánh đèn sân khấu, đã rong ruổi dọc suốt chiều dài đất nước, đã đi qua những nhọc nhằn, những chật vật đời thường bằng niềm đam mê của tuổi trẻ, bằng sự khát khao cống hiến nghệ thuật và bằng cả tình yêu, sự háo hức của người hâm mộ. Thời điểm sân khấu Cải lương khó khăn, khi đời sống con người có nhiều nhu cầu thực tế khác, thì những giá trị tinh thần bị xem nhẹ, bởi vậy, những người nghệ sĩ thế hệ ông đã phải chịu quá nhiều gian nan để trụ lại với nghề.

Gian khổ vậy, nhưng ông vẫn yêu nghề như tín đồ. Chính những lúc như thế thì niềm đam mê sân khấu lại trỗi dậy trong NSƯT Vũ Linh càng mãnh liệt. Chương trình “Người đưa đò” do ông tự đầu tư thực hiện thời gian qua là một minh chứng cho sự đam mê “cháy bỏng” của chàng kép đẹp sân khấu Cải lương. Và suốt cuộc đời, tình yêu ấy luôn rực cháy trong ông, giúp ông vượt qua những khó khăn của cuộc sống, vượt lên những thử thách của nghề nghiệp. Tình yêu ấy giúp ông hoàng Cải lương chăm chút cho từng nhân vật, từng cảnh quay. Tình yêu ấy giữ cho ông lòng hăng hái, luôn nhiệt huyết với nghề.

Sống mãi trong hồi ức đồng nghiệp và khán giả

Thời gian gần đây vì sức khỏe giảm sút, NSƯT Vũ Linh phải chia tay sân khấu. Có biết bao vai diễn dành cho ông, riêng ông, chỉ có ông… Vậy mà! Ông đi vào cõi vĩnh hằng để lại nỗi tiếc thương vô hạn cho người thân, khán giả và đồng nghiệp. Thế nhưng, hình ảnh và những câu chuyện cảm động về NSƯT Vũ Linh vẫn không phai trong hồi ức của đồng nghiệp và giới mộ điệu Cải lương. Làm sao có thể quên được ông hoàng Cải lương Vũ Linh với những vai diễn “để đời” của ông. “Cái đẹp cứu rỗi thế giới” – những người tốt đã làm cho đời tốt hơn, đẹp hơn và như vậy NSƯT Vũ Linh vẫn sống mãi trong lòng khán giả và người hâm mộ.


Đánh giá bài viết
Nguồn bài viết: Công an nhân dân

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *