Nhớ về giải Thanh Tâm

Nhớ về giải Thanh Tâm

Chưa phân loại
03/03/2019
555 Lượt xem

Trong suốt chặng đường 100 năm, có một dấu son mà với giới mộ điệu cải lương dường như ai ai cũng biết. Đó chính là giải thưởng Thanh Tâm do nhà báo Trần Tấn Quốc thành lập, với 2 giải thưởng chính là giải Diễn viên triển vọng và giải Diễn viên xuất sắc.
Từ năm thứ hai, giải Thanh Tâm đã trở thành giải thưởng tập thể của những nhà báo, soạn giả và những nghệ sĩ tiền phong sân khấu, vinh danh những diễn viên sân khấu cải lương trong độ tuổi từ 13 – 21.

Giải thưởng của sự bất ngờ

Đã bước vào tuổi 73 nhưng nét tinh anh vẫn còn hiện rõ trong đôi mắt của NSƯT Ánh Hồng, hiện đang sống cùng chồng tại TP Tân An, tỉnh Long An. Đặc biệt, khi nhắc về giải Thanh Tâm, trong đôi mắt kia lại xôn xao niềm vui ngày cũ.
Bà kể lại rành rẽ, trong nỗi vui lại xen một chút bồi hồi. Vào năm 1962, sau khoảng 5 tháng ở Đoàn Thúy Nga, cô đào Ánh Hồng chuyển sang Đoàn Kim Chưởng. Chính thời gian này, bà được mến mộ qua hàng loạt vở tuồng của soạn giả Thu An như Ảo ảnh Châu Bích Lệ, Hai chiều ly biệt, Nhặt lá rừng thu…
Một đêm cuối năm 1962, diễn xong tuồng Hai chiều ly biệt ở rạp Bình Dân (Sa Đéc, Đồng Tháp), 2 cô đào Ánh Hồng và Ngọc Hương dự tính về ngủ, giữ sức cho buổi tập sáng mai. Lúc đó, ký giả Huỳnh Công Minh vào rủ 2 người đi ăn khuya. Được sự cho phép của bà bầu Kim Chưởng, Ánh Hồng và Ngọc Hương rời đoàn.
Đang ăn giữa chừng, ký giả Huỳnh Công Minh bảo: “Bây giờ, tôi nói với 2 vị biết nha, đúng sáng ngày mai phải bắt xe đò về Sài Gòn, đến tòa soạn gặp Ban báo chí và bác Trần Tấn Quốc. Hai đứa bây được giải Thanh Tâm rồi!”.
“Khi biết tin, cả tôi và Ngọc Hương đều rất vui nhưng bất ngờ nhiều hơn. Bởi đâu ai mà ngờ hai chị em hát chung một đoàn mà cùng đoạt giải một đợt”, nghệ sĩ Ánh Hồng bồi hồi nhớ lại.
Không riêng gì đào Ánh Hồng mà những nghệ sĩ từng nhận giải Thanh Tâm hầu hết ai cũng đều bất ngờ. Trong bài trả lời phỏng vấn của Báo Sân khấu TPHCM vào năm 1991, nghệ sĩ Thanh Sang cũng kể lại kỷ niệm nhận giải Thanh Tâm với cùng cảm giác.

NSƯT Ánh Hồng - chủ nhân của giải Thanh Tâm 1962 - hiện đang sống cùng chồng tại TP Tân An (Long An)

NSƯT Ánh Hồng – chủ nhân của giải Thanh Tâm 1962 – hiện đang sống cùng chồng tại TP Tân An (Long An)


Theo lời kể của nghệ sĩ Thanh Sang, một ngày nọ, soạn giả Hoa Phượng vỗ vai ông và hỏi: “Mày biết mày được giải Thanh Tâm hay chưa?”. Lúc đó, nghệ sĩ Thanh Sang hỏi lại: “Thiệt không anh?”. “Thiệt chứ sao chơi!”. “Hoa Phượng trả lời và… tôi phát run!”, nghệ sĩ Thanh Sang nhớ lại.
Sở dĩ những nghệ sĩ có chung cảm giác bất ngờ khi hay tin mình được nhận giải Thanh Tâm bởi với lòng đam mê, người nghệ sĩ khi lên sân khấu chỉ biết hết mình cho nhân vật, ai cũng sợ vì một lý do nào đó mà phụ lòng khán giả. Như rất đông nghệ sĩ cải lương thời bấy giờ, những nghệ sĩ trẻ chỉ biết diễn, hoàn toàn không nghĩ đến một ngày mình được giải Thanh Tâm.
Ngoài ra, chính tiêu chí chấm giải cũng làm nên sự bất ngờ. Điều này được thể hiện tại một trong 8 điều lệ chính của giải: “Phận sự của Ban tuyển chọn là tuyển lựa nghệ sĩ son trẻ có nhiều triển vọng nhất trong năm để trao giải. Cuộc tuyển chọn chia làm 2 giai đoạn: vòng loại và chung kết”.
Ở vòng loại, bằng cách bỏ thăm để chọn 2 nghệ sĩ nhiều thăm vào chung kết (cũng có thể có đến 3 hay 4 nghệ sĩ được vào chung kết vì có sự đồng thuận số thăm). Vòng chung kết không bỏ thăm mà phải cho điểm từ phương diện một, dựa vào 4 tiêu chuẩn: ca, diễn, sắc vóc, đạo đức. Đặc biệt, việc bỏ thăm và cho điểm đều theo thể thức kín, kết quả chỉ Ban tuyển chọn biết với nhau, còn người ngoài tuyệt đối không hề hay biết.

Bệ đỡ cho những tài năng tỏa sáng

Giải Thanh Tâm được bắt đầu từ năm 1958, người đầu tiên nhận được giải thưởng cao quý và uy tín này là NSƯT Thanh Nga. Trong vòng 10 năm, đã có 24 diễn viên đoạt giải Triển vọng và 6 diễn viên đoạt giải Xuất sắc. Vào năm 1967, giải Thanh Tâm kết thúc với 4 người được trao trong năm đó, gồm: Bảo Quốc, Mỹ Châu, Phương Bình và Ngọc Bích.
Từ năm 1991, giải thưởng Trần Hữu Trang ra đời, được xem như sự tiếp nối của giải Thanh Tâm nhằm ủng hộ, nâng đỡ và khẳng định những tài năng trẻ của sân khấu cải lương.
Về sau còn có những giải thưởng dành cho giới không chuyên như Chuông vàng vọng cổ, Bông lúa vàng, Đường tới danh ca vọng cổ. Chỉ có điều, nếu giải thưởng Thanh Tâm đậm nét và chói sáng bao nhiêu thì những giải thưởng sau này lại nhạt nhòa bấy nhiêu.
Thêm vào đó, sau giải thưởng Thanh Tâm, nếu những nghệ sĩ từng đoạt giải tiếp tục nỗ lực không ngừng để xứng đáng với giải thưởng mà mình nhận được, thì những nghệ sĩ đoạt các giải thưởng sau này lại không có được tinh thần ấy.
Và có một thực tế, nhắc đến giải Thanh Tâm, khán giả lập tức nhớ đến những cái tên như Thanh Nga, Hùng Minh, Tấn Tài, Diệp Lang, Thanh Sang, Mỹ Châu… Còn những người đoạt các giải thưởng sau này, kể cả quán quân, dần dần trở nên mất hút theo thời gian!
Năm 1964, có 3 ứng cử viên sáng giá cho giải Thanh Tâm là Thanh Sang, Lệ ThủyThanh Nguyệt. Theo quy định, nghệ sĩ được giải Thanh Tâm phải có tổng số điểm cao hơn chúng bạn và tổng số điểm này phải trên trung bình. Nguyên tắc của giải là có một nam một nữ. Vì có điểm trung bình đứng sau Lệ Thủy, nên năm đó may mắn đã không mỉm cười với cô đào Thanh Nguyệt.
Theo chia sẻ của NSƯT Thanh Nguyệt, việc chưa được xướng tên tại giải Thanh Tâm năm 1964 cũng làm bà buồn một chút khi đi xem bạn mình diễn trong đêm trao giải.
Nhưng nhờ đó, bà có thêm động lực phấn đấu để sang năm 1965 đã thực sự tỏa sáng với một loạt tuồng như Con gái nữ thần, Mặt trời đêm, Thiên hạ đệ nhất kiếm, Song long thần chưởng. Trong đó, vở Song long thần chưởng là vở kiếm hiệp đầu tiên và cũng là vở đầu tiên ghi dấu ấn tên tuổi Thanh Nguyệt ở vai chính.
Trước đó, Thanh Nguyệt được biết đến là một nghệ sĩ đa năng, thành công ở nhiều vai đào thương, đào võ, vai mụ… Đặc biệt, nhiều vai không phải vai chính như vai cô Ba, cô gái ế chồng đỏng đảnh trong vở Kiếp chồng chung; vai bà Mười trong vở Người không cô đơn nhưng Thanh Nguyệt vẫn tạo được sự thích thú bất ngờ cho khán giả. Trong đó, chỉ là vai phụ trong vở Quỷ bảo, nhưng Thanh Nguyệt đã diễn xuất sắc, nhờ đó có tên trong trong tốp 3 giải Thanh Tâm năm 1964.
Nhắc về giải Thanh Tâm nhận được năm 18 tuổi, NSƯT Thanh Nguyệt không giấu được xúc động dù rất nhiều năm tháng đã trôi qua: “Đó là một vinh dự rất lớn lao, không ai có thể tưởng tượng được. Khi công bố lên, tôi như người trên mây, không ngờ mình lại được giải. Hạnh phúc lắm!”.
Nói về hậu giải thưởng, NSƯT Thanh Nguyệt cho biết: “Tất nhiên, sau giải Thanh Tâm thì những vai diễn của mình phải đầu tư, phải hay hơn. Mình không thể ngủ quên trên hào quang của mình, mà phải tiến tới, không tự mãn, tự kiêu được”.
Người viết có may mắn được gặp và trò chuyện với nghệ sĩ Mỹ Châu – một trong 4 người cuối cùng nhận giải Thanh Tâm, trong một lần bà trở về Việt Nam. Nhờ đó có thể hiểu vì sao những nghệ sĩ cải lương ngày trước được yêu mến và trọng vọng.
Theo nghệ sĩ Mỹ Châu, ngày đó cứ 3 ngày tập một vở tuồng, dài từ 40-50 trang. Các diễn viên thường tập miệt mài từ sáng đến 12 giờ trưa, bụng đói meo nhưng ai cũng vẫn tươi cười, không than vãn. “Trước đây mọi người tập tuồng vui lắm. Không phải như bây giờ tập tuồng mà thiếu người này người kia. Ngày xưa một vở tuồng hát tới 3 năm nên mỗi lần tập vở mới tôi mừng lắm vì được hát vở mới. Khán giả đến hoài, một ngày hát 2-3 suất không đó!”, nghệ sĩ Mỹ Châu kể lại.
Dẫu chỉ là hồi ức của một số nghệ sĩ nhưng khán giả vẫn có thể biết được tầm vóc cũng như sức ảnh hưởng của giải Thanh Tâm. Một khi giải thưởng tạo được uy tín và danh giá, chắc chắn giải thưởng đó sẽ được xưng tụng và nhớ đến, dẫu có bao nhiêu tháng ngày trôi qua. Và giải Thanh Tâm là một giải thưởng như vậy.

HỒ SƠN


Đánh giá bài viết

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *