Những câu chuyện về hoà hợp: Kỳ cuối: “Tự tình quê hương”

Những câu chuyện về hoà hợp: Kỳ cuối: “Tự tình quê hương”

29/05/2021
1283 Lượt xem

(CLV) – Cách đây chừng 20 năm, việc các nghệ sỹ hải ngoại và trong nước cùng đứng chung một sân khấu là điều hiếm thấy bởi những quan điểm chính trị, những điều tế nhị cùng nhạy cảm…

Ca sỹ – Doanh nhân Quang Thành sinh năm 1970, khi chỉ mới hơn 5 tuổi đã mồ côi cha. Cha Quang Thành là một trường hợp khá đặc biệt, trước năm 1975 ông là cai ngục tại Côn Đảo. Sau ngày đất nước thống nhất, ông bị bắt giam rồi mất tích. Trong hoàn cảnh khó khăn như thế, một mình mẹ Thành phải bươn chải để nuôi anh em Thành ăn học. Thành học giỏi nhưng vì lý lịch gia đình nên có một thời Thành không thể thi vào đại học. Từ những công việc như chạy hàng, buôn bán vải, làm đại lý bán hàng… Quang Thành đều trải qua. Vì thế, khi trúng tuyển và được nhận vào học tại Nhạc viện TPHCM, Quang Thành đã là một doanh nhân trẻ. Vì yêu âm nhạc, Quang Thành vẫn chọn con đường theo học Nhạc viện.

Kỳ cuối: “Tự tình quê hương” ảnh 1

Ca sỹ Quang Thành

Tốt nghiệp Nhạc viện và sang Mỹ định cư từ năm 2002, tại đây Quang Thành mới hiểu những khó khăn của các nghệ sỹ trong nước khi ra nước ngoài biểu diễn. Thời điểm đó, Chính phủ Việt Nam đã có nghị quyết 36 về Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài với việc triển khai những chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Thế nhưng, nhiều thành phần bất đồng chính kiến tại nước ngoài cũng có những phản ứng, chống đối lại Nghị quyết đó. Chính vì thế, tại nhiều nơi trên đất Mỹ, những nghệ sỹ trong nước sang trình diễn đều gặp phải sự chống đối của những thành phần trên. Thậm chí ngay giữa các nghệ sỹ cũng bị chia rẽ nên các chương trình âm nhạc thường xuyên xảy ra mâu thuẫn: Khi một chương trình có nghệ sỹ trong nước tham gia thì có rất nhiều nghệ sỹ hải ngoại sẵn sàng tẩy chay và ngược lại. Thậm chí, các thành phần chống đối còn ép buộc nhiều nghệ sỹ phải thể hiện sự ủng hộ cho họ. Vì mưu sinh, đã có những nghệ sỹ phải chấp nhận làm theo. “Tôi thấy tại nhiều chương trình, các nhà tổ chức đã gặp khó khăn vì những bất đồng đó. Thậm chí có những chương trình phải huỷ bỏ. Nhưng thiệt thòi nhất là khán giả khi họ không được nghe, được xem những nghệ sỹ họ yêu mến chỉ vì một nhóm người quá khích. Qua tìm hiểu, tôi thấy dù có những chính kiến riêng nhưng 2 bên vẫn có thể gặp nhau vì vẫn có điểm chung”. Ca sỹ Quang Thành cho biết.

Theo Quang Thành, điểm chung của mọi người ở hải ngoại là nỗi niềm mong nhớ về quê hương đất nước. Bỏ qua các chính kiến, các chương trình nghệ thuật mang đậm dấu ấn của đất nước, của dân tộc vẫn luôn được mọi người yêu thích. Nhưng khó nhất là cách tổ chức cho phù hợp. Quang Thành đã đi tìm và nhận thấy có một chương trình nghệ thuật vẫn được khán giả yêu mến, ít gặp phải sự chống đối trên đất Mỹ: Đó là cải lương. Những nghệ sỹ như Minh Vương, Lệ Thủy, Ngọc Giàu, Bạch Tuyết vẫn được các bầu show mời đi Mỹ lưu diễn. Tuy không gặp sự chống đối nhưng đa số các nghệ sỹ cải lương thường chỉ hát ở các chương trình nhỏ lẻ ở các nhà hàng, tiệc cưới… chứ không có sân khấu lớn như ở Việt Nam. Và từ thực tế đó, Quang Thành đã khảo sát và lựa chọn cách tiếp cận với khán giả hải ngoại qua chương trình cải lương mang tên Tự tình quê hương. “Chương trình đầu tiên do tôi tổ chức vào năm 2005 do NSND Bạch Tuyết mở màn diễn ở sân khấu lớn tại Mỹ thu hút rất nhiều nghệ sỹ tham gia mà không gặp sự chống đối nào. Sân khấu chật kín khán giả, vở diễn cải lương kết hợp với phần ca nhạc mang chủ đề về quê hương đất nước nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của khán giả. Và từ đó cứ 3 tới 6 tháng, tôi lại tổ chức show diễn Tự tình quê hương, đưa nhiều nghệ sỹ Việt Nam nổi tiếng tới Mỹ biểu diễn cùng các nghệ sỹ hải ngoại. Các chương trình Tự tình quê hương của chúng tôi không gặp sự chống đối vì chính khán giả đứng ra bảo vệ chúng tôi bởi họ cho rằng: Chống Tự tình quê hương là chống lại nghệ thuật của dân tộc, của quê hương”.

Quang Thành thừa nhận, để nghệ sỹ trong nước có thể đứng chung với nghệ sỹ hải ngoại trên 1 sân khấu thì điểm chung giữa họ là cùng hướng tới quê hương. Văn hóa nghệ thuật luôn trường tồn và phát triển, đặc biệt là văn hoá mang đậm bản sắc dân tộc Việt. “Có thể trong cuộc sống mỗi người còn có những bất đồng, những chính kiến riêng, nhưng với đất nước, với quê hương thì mọi người đều chung một nỗi niềm. Bất đồng có thể thay đổi, chỉ có văn hóa, bảo tồn văn hóa, tôn vinh những giá trị văn hoá đời sống dân tộc mới mãi tồn tại. Và khi cùng nhau tôn vinh những giá trị văn hóa dân tộc, họ đã đứng cùng với nhau”- Quang Thành nói thêm. Từ Tự tình quê hương, Quang Thành mạnh dạn làm thêm các show khác như Hồn Việt, Tình khúc vượt thời gian… để tôn vinh văn hóa Việt trên đất Mỹ. Các nghệ sỹ trong nước và hải ngoại đã bước ra khỏi quá khứ, cùng nhau hợp sức để tỏa sáng, tôn vinh văn hóa nghệ thuật. Cũng từ thành công của Tự tình quê hương ở hải ngoại, Quang Thành đã đưa Tự tình quê hương trở về với quê hương để các nghệ sỹ Việt Nam và hải ngoại cùng tôn vinh nhưng giá trị văn hoá dân tộc tại chính quê hương. Tự tình quê hương đã trở thành cầu nối cho các nghệ sỹ Việt Nam ra nước ngoài biểu diễn cũng như tạo điều kiện cho các nghệ sỹ hải ngoại về lại với quê hương. Nhiều nghệ sỹ qua các chương trình đã dần thay đổi thái độ, bỏ qua bất đồng chính kiến ngày trước và chỉ tập trung hoạt động nghệ thuật.

“Các vong linh đều là những người con của quê hương Việt Nam và đã gửi tấm thân của mình tại mảnh đất Côn Đảo. Các ca sỹ ở hải ngoại, ở trong nước sẽ nắm tay nhau để cùng hát. Hát cho những vong linh cùng nghe vì chúng tôi tin rằng ở một nơi nào đó, linh hồn những người đã khuất cũng đang nắm chặt tay nhau, cùng phù hộ cho đất nước phát triển”. – Quang Thành nói

Trở lại với câu chuyện về người cha, suốt bao năm trời gia đình Quang Thành vẫn miệt mà đi tìm hài cốt cha nhưng không thấy. Rồi một lần, có một người bạn đã gọi cho Quang Thành. Quang Thành bay vội về, tìm đến Côn Đảo. Quang Thành kể: “Đó là năm 2017, tại Côn Đảo bạn tôi hướng dẫn cho chúng tôi tìm được mộ của cha tôi, ông được chôn trong một ngôi mộ ở đó. Tôi không muốn tìm nguyên nhân vì sao cha mất bởi chiến tranh và sự loạn ly mà cha tôi cũng chỉ là một nạn nhân. Sau 42 năm tìm kiếm trong tuyệt vọng, gia đình tôi đã tìm thấy cha. Mẹ tôi cũng muốn cha nằm đó và mẹ nói sống trong cuộc đời không nên mang theo những oán hờn trong người”.

Giờ đây mỗi lần trở về Việt Nam, Quang Thành đều ghé Côn Đảo, thăm cha và thăm cả những người đã từng đứng 2 bên bờ chiến tuyến. Quang Thành mơ ước sẽ làm một đêm nhạc tại đây, để cho các vong linh cùng được nghe những ca khúc đẹp tươi của một đất nước thống nhất.

T.T


Đánh giá bài viết

Bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *