Nỗ lực đào tạo nhân lực cho nghệ thuật cải lương

Nỗ lực đào tạo nhân lực cho nghệ thuật cải lương

25/01/2021
715 Lượt xem

(CLV) – Là trường duy nhất ở ĐBSCL đào tạo bậc cao đẳng và trung cấp chuyên ngành Diễn viên sân khấu kịch hát (Diễn viên cải lương), Trường Cao đẳng Văn hóa – Nghệ thuật Cần Thơ đã vượt qua nhiều khó khăn để đào tạo nhân lực, giúp phát triển và bảo tồn nghệ thuật dân tộc. “Ít nhưng thành công” – nỗ lực của nhà trường đã chắp cánh cho nhiều nghệ sĩ thành danh trên sân khấu cải lương.

Vở diễn “Cơn mê cuối cùng” do sinh viên, học sinh Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Cần Thơ biểu diễn.

Vở diễn “Cơn mê cuối cùng” do sinh viên, học sinh Trường Cao đẳng Văn hóa – Nghệ thuật Cần Thơ biểu diễn.

Mới đây, vở cải lương “Cơn mê cuối cùng” (tác giả: Ngọc Linh, chuyển thể: Hoàng Song Việt) do các sinh viên, học sinh Trường Cao đẳng Văn hóa – Nghệ thuật Cần Thơ biểu diễn mang đến cho khán giả nhiều cảm xúc. Ðây là vở diễn tốt nghiệp của em Nguyễn Xuân Pháp, sinh viên cao đẳng ngành Diễn viên cải lương và thi hết môn Kỹ thuật biểu diễn, Biểu diễn nhạc cụ của một số em khác. Với sự hỗ trợ của giáo viên, một sân khấu cải lương đúng nghĩa với đạo cụ, cảnh trí đầy tính thẩm mỹ; âm nhạc, ánh sáng hòa quyện… làm nên một không gian nghệ thuật hấp dẫn. Ðặc biệt, sự say sưa, nhập tâm vào vai diễn của các em sinh viên truyền được cảm xúc cho người xem. Dĩ nhiên, sẽ còn đôi chỗ vấp váp, song, tình yêu cải lương, sự nghiêm túc trong làm nghề đã bù đắp.

Nguyễn Xuân Pháp từng là học viên cao học Kinh tế nhưng vì đam mê cải lương, em đã đăng ký học trung cấp Diễn viên cải lương và liên thông lên bậc cao đẳng. Vai diễn cậu Út khù khờ, tếu táo mà nhân hậu trong vở “Cơn mê cuối cùng” đánh dấu buổi thi tốt nghiệp đầy ấn tượng của em. Hay với các em thi hết môn trong vở diễn như Hồng Toán, Tú Hảo… mỗi người một màu sắc, tạo cho người tâm huyết với nghệ thuật cải lương kỳ vọng về đội ngũ kế thừa. Em Mai Tú Hảo, sinh viên năm 2 ngành Diễn viên cải lương, chia sẻ: “Từ đam mê thuần túy, khi vào học, em được các thầy cô dạy kỹ thuật biểu diễn, kỹ năng sân khấu, cách truyền tải cảm xúc cho người xem… Từ đó em càng thêm yêu cải lương nhiều hơn”.

Tiến sĩ Trần Văn Nam, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Cao đẳng Văn hóa – Nghệ thuật Cần Thơ, cho biết: Cái khó lớn nhất trong đào tạo ngành Diễn viên cải lương là thiếu nguồn để tuyển. Mỗi năm học nhà trường chỉ tuyển được khoảng 10 em, cả bậc trung cấp và cao đẳng. Tuy nhiên, nhà trường xác định đây là ngành học quan trọng trong bảo tồn truyền thống, bản sắc văn hóa Nam Bộ nên luôn được nâng chất, duy trì. “Ít nhưng thành công” là điều mà Tiến sĩ Trần Văn Nam khẳng định khi nhắc về quá trình đào tạo nhân lực cải lương vừa qua. Các thế hệ học sinh, sinh viên của trường đã đạt nhiều thành tích đáng kể như Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ nhân Ưu tú, Giải thưởng Trần Hữu Trang, Chuông vàng vọng cổ, Liên hoan cải lương toàn quốc… và là nguồn nhân lực cơ bản ở các đơn vị nghệ thuật chuyên và không chuyên khắp ÐBSCL và Nam Bộ. “Nhà trường thành công và các em thành danh”, Tiến sĩ Trần Văn Nam đúc kết.

Ông Trần Bảng, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Sân khấu, cho biết: Các em khi đăng ký vào học sẽ được tuyển chọn theo các tiêu chí: chất giọng, năng khiếu diễn xuất, ngoại hình, tiết tấu… Tuy nhiên, do số lượng thi tuyển ít nên việc tuyển chọn chỉ là tương đối, các thầy cô sẽ dốc sức đào tạo và bồi đắp cho các em. Có 4 nội dung chính khi học ngành Diễn viên cải lương là kỹ thuật biểu diễn, giọng ca, vũ đạo và hóa trang.

Chính sự đào tạo bài bản, xuyên suốt đã giúp đào tạo ra những nghệ sĩ giỏi nghề, có kiến thức. Nghệ sĩ Hồng Toán từng là diễn viên của một đoàn văn công chuyên nghiệp nhưng vì muốn trau dồi nghề nghiệp nên cô đăng ký học cao đẳng ngành Diễn viên cải lương và có buổi thi hết môn xuất sắc trong vở “Cơn mê cuối cùng” vừa qua. Hồng Toán cho biết: Trước giờ cô yêu cải lương và diễn cải lương chủ yếu là niềm đam mê, bản năng và học hỏi theo kiểu truyền nghề. Vậy nên cô muốn được học trong trường lớp thêm để hiểu sâu, hiểu rõ về nghề.

Ðể động viên các em sinh viên, học sinh, mỗi đợt thi tốt nghiệp, hết môn, nhà trường đã hỗ trợ phần lớn kinh phí, tạo mọi điều kiện để các em dựng vở dự thi. Ðiều này khá hiếm ở các trường đào tạo nhân lực nghệ thuật. Cũng do ít sinh viên, học sinh nên thầy cô dạy rất kỹ, chẳng nề hà thời gian lên lớp mà hướng tới mục tiêu “đạt thì thôi”. Em Nguyễn Xuân Pháp, người vừa thi tốt nghiệp cao đẳng Diễn viên cải lương, nói: “Thầy cô có khi dạy cả ban đêm, buổi trưa để tụi em nắm vững kiến thức và còn quan tâm đến việc tập luyện, bổ túc kỹ năng cho tụi em”.

Tiến sĩ Trần Văn Nam cho biết: Thời gian tới, nhà trường sẽ tăng cường giảng viên để làm tốt hơn nữa công tác đào tạo lĩnh vực sân khấu nói chung, cải lương nói riêng. Quan tâm quảng bá, tư vấn tuyển sinh và hơn hết vẫn là nâng cao chất lượng giảng dạy. Ðây cũng là nỗ lực của nhà trường trong bảo tồn di sản dân tộc.

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH


5/5 - (2 bình chọn)

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *