NSND Lệ Thủy: Mỗi vai diễn là Cánh én ngày xuân

NSND Lệ Thủy: Mỗi vai diễn là Cánh én ngày xuân

26/01/2016
669 Lượt xem

(CLV) – Không biết có phải như lời soạn giả Kiên Giang lúc còn sống đã nói, muốn nghe hơi hưởng ngày xuân thì nhìn nụ cười của NSND Lệ Thủy. Quả nhiên bà là một cô đào thương tài danh của Sân khấu cải lương Nam bộ, hội đủ 5 yếu tố: Thanh – Sắc – Đức – Tài và nụ cười duyên ơi là duyên.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, cho đến mùa xuân này chị vẫn luôn tạc vào lòng công chúng những dấu tượng đẹp về nhân cách sống và những sáng tạo mộc mạc, song nó dát vàng cho các vai đào chánh mùi mẫn trên sàn diễn.

Vốn là cô đào hái ra tiền cho nhiều đại ban cải lương, chị từng ví là cặp “Bão biển” trên sân khấu Kim Chung V khi sánh bước với NSƯT Minh Phụng, rồi sau đó với NSƯT Minh Vương. Huy chương vàng Thanh Tâm năm 1964 trao cho chị và danh hiệu NSND thuộc về chị là hai cột mốc quan trọng nhất trong sự nghiệp nghệ thuật của một nghệ sĩ chân chính.

Ngày xuân mạn đàm về những số phận nhân vật làm nên kỳ tích đáng nhớ trong lòng khán giả về NSND Lệ Thủy, âu cũng là mang mùa xuân về trong niềm thương mến mà công chúng luôn dành cho chị và sàn diễn cải lương.

Tô Ánh Nguyệt chia sẻ nỗi lòng khán giá

Hơn nửa thế kỷ đứng trên sân khấu, NSND Lệ Thủy như là cô đào ngoại lệ của quy luật thời gian, với nét duyên sân khấu mặn mà, chân phương, mộc mạc, kết hợp cùng giọng ca đậm chất thổ pha kim ngọt ngào vẫn làm mê mẩn lòng khán giả mộ điệu cải lương. Chị như cánh én mùa xuân đem lại cho khán thính giả những trải nghiệm đáng quý về cuộc sống thông qua vai diễn của chị.

Trong sự nghiệp có hàng trăm số phận nhân vật, có thể nói, tất cả đều là những vai diễn in đậm trong tâm trí khán giả tri âm như: Tây Thi (vở Tây Thi), Dương Quý Phi (vở Dương Quý Phi), Chiêu Quân (vở Chiêu Quân cống Hồ), Thiên Kiều (vở Thiên Kiều công chúa), Châu Long (vở Lưu Bình Dương Lễ), Lan (vở Lan và Điệp), Diệu (vở Nửa Đời Hương Phấn), Mai Đình (vở Hàn Mạc Tử), Liên (vở Cô gái bán sầu riêng), Lan (vở Tình Mẫu Tử)…

Nhưng vai Tô Ánh Nguyệt (vở cùng tên), Hồ Bảo Xuyên (Đêm lạnh chùa hoang), Xuân vở Gánh hát đêm xuân), Lỗ Tứ Phượng (vở Lôi Vũ) là 4 vai diễn đáng nhớ nhất.

Theo tôi Tổ nghiệp đã đãi ngộ chị để có vai cô Nguyệt “kiên cường và bản lĩnh”, sống trong đau khổ nhưng luôn ý thức vươn tới bằng nghị lực chống lại định kiến xã hội bất công thời đó. Dù không được lên xe hoa, được chọn người mình yêu, nhưng cô Nguyệt đã dám sanh con, giữ lại giọt máu tình yêu của mình.

Đức tính dám hy sinh hạnh phúc riêng vì người khác, chấp nhận những thiệt thòi đã là nét chấm phá lớn nhất trong tác phẩm Tô Ánh Nguyệt của tác giả Trần Hữu Trang, mà công lao dàn dựng, thêm thắt nhiều tình tiết để kịch bản sâu sắc hơn là do NSND Diệp Lang.

Chính vì đi vào khai thác chiều sâu tâm lý của vai Nguyệt, mà những đắng cay trong cuộc đời cô Nguyệt ngời sáng một tâm hồn cao thượng, vị tha khiến khán giả mê đắm vai diễn này của NSND Lệ Thủy.

“Khi tập vai Tô Ánh Nguyệt cũng là lúc tôi sinh con trai út được 2 tháng. Tình mẫu tử thiêng liêng với chính đứa con ruột đã hòa quyện vào vai diễn tạo nên hiệu quả tuyệt với cho sự nghiệp của tôi. Điều đặc biệt là vở diễn này có rất nhiều nam khán giả đến xem, nhớ những ngày tết có người đi xem liền hai suất, vẫn ngồi ở hàng ghế đó, và đến cảnh tôi trao con thì anh ấy khóc ròng.

Qua mấy chị soát vé tôi biết anh khán giả đó có tâm trạng đau khổ khi không cưới được người mình yêu, mà đứa con rơi ngoài giá thú của anh, đến nay vẫn chưa được gặp mặt. Vai nguyệt của tôi đã tìm được sự chia sẻ, giúp cho nhân vật Nguyệt đi vào lòng khán giả một cách bền bỉ” – NSND Lệ Thủy đã tâm sự.

Như cánh én ngày xuân

Trên 40 năm rồi, vậy mà mỗi lần nhắc đến vai Hồ Bảo Xuyên quận chúa trong vở cải lương Đêm lạnh chùa hoang, khán thính giả lại yêu say đắm mối tình của người con gái Mông Cổ trót yêu chàng trai đất Hán.

Nỗi niềm của nàng quận chúa cô tình vướng vào tình yêu ngang trái qua giọng ca trong trải, ngọt ngào của chị đã khắc sâu vào tâm trí khán thính giả cho đến ngày nay. Và như những cánh én ngày xuân, chị đã sống trọn vẹn trong vòng tay nhiều thế hệ người yêu cải lương chỉ nhắc đến nhân vật này qua những băng đĩa phát hành thì nhắc ngay đến NSND Lệ Thủy.

Tôi nhớ khi lập đoàn Sân khấu vàng, chị đề nghị dựng lại vở Đêm lạnh chùa hoang của soạn giả Yên Lang, thì trong hai ngày 20 và 21-8-2009, khán giả ùn ùn đến xem. Vở chỉ diễn vài xuất nên người xem đến với tâm trạng phấn khởi, vì họ biết không thế xem thêm những suất diễn nữa với thế hệ nghệ sĩ đã trên U60.

Tinh thần làm việc nghiêm túc của nhiều nghệ sĩ tham gia khi đó rất đáng ghi nhận. khán giả đã đến rạp Hưng Đạo và mang về được cảm xúc bâng khuâng, say mê nhân vật quận chúa của cải lương thời vàng son ngày nào.

Cảm xúc đáng quý ấy có được phần nhiều nhờ vào nhân vật mà NSND Lệ Thủy đã thể hiện. Chị rất tôn trọng một vai diễn làm nên tên tuổi của mình nên chăm chút, tỉ mỉ và dồn hết tình cảm cho nhân vật Hồ Bảo Xuyên.

Còn một nửa cánh én đã làm nao lòng công chúng, đó là Lỗ Tứ Phượng trong vở Lôi Vũ. Số phận này đau đớn bao nhiêu, thì tiếng ca của nhân vật làm say mê lòng người đồng điệu. thời đó tôi đến xem, tới cảnh ngôi nhà Chu Phác Viên trở thành một địa ngục khi chính ông gây ra tội ác cho gia đình mình. Diễn vai này NSND Lệ Thủy khóc nhiều, nhưng đêm nào về đến nhà chị cũng vui mừng vì tình cảm khán giả đầy ắp.

Riêng với cánh én Xuân trong vở Giấc mộng đêm xuân, đã thật sự tạo nên những cung bậc yêu thường khi mùa tết năm đó công chúng đến rạp Hưng Đạo để cùng ăn tết với nghệ sĩ. Chúng tôi nhớ khi đó khán giả đến xem mùng ở rạp Hưng Đạo, mua vé gần như kín chổ, rồi lì xì cho nghệ sĩ, chúc tết cho công nhân hậu trường.

Gánh hát đêm xuân suất nào đóng màn cũng trễ, nhưng khán giả dường như không muốn ra về. Họ yêu say đắm nhân vật cô đào Xuân của vở diễn, vì lúc đó dù sức khỏe đã yêu, nhưng NSƯT Minh Phụng vẫn lên sàn diễn, đóng hai cảnh đầu vai Tuấn, hai cảnh sau do NSƯT Minh Vương diễn.

“Tôi khó thể là con én mang mùa xuân, nếu Sân khấu vàng thời đó không có sự hỗ trợ đắc lực của đồng nghiệp. Anh Minh Vương, anh Minh Phụng, Bảo Quốc, Hùng Minh, Tuấn Thanh, Phú Quý, chị Thanh Nguyệt, Kim Ngọc, cháu Thanh Thanh Tâm…. Tất cả đã cùng tôi mang lại mùa xuân cho sàn diễn mang tên Sân khấu vàng” – chị tâm sự, đôi mắt cứ nhìn xa xăm như muốn níu kéo lại khung trời mùa xuân của những ngày diễn vở Gánh hát đêm xuân.

Năm nay khó có thể nói trước việc Sân khấu vàng sẽ tái ngộ khán giả, tuy nhiên sự phấn khởi của sàn diễn mùa xuân đã khiến NSND Lệ Thủy kỳ vọng trong năm 2016 chị và anh Minh Vương sẽ tổ chức vài suất diễn tái ngộ khán giả dưới thương hiệu Sân khấu vàng, để cùng làm việc thiện.

“Đó là điều tôi mong mỏi khi các em nghệ sĩ của nhiều thế hệ sẽ cùng đồng hành với chúng tôi” – chị nói như lời gửi gắm chân thành dành cho sự nghiệp nghệ thuật mà mùa xuân không bao giờ già trong đời người nghệ sĩ.


5/5 - (4 bình chọn)

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *