NSND Ngọc Giàu: "Cười phải trí tuệ mới gọi là cười"

NSND Ngọc Giàu: "Cười phải trí tuệ mới gọi là cười"

Chưa phân loại
02/10/2017
517 Lượt xem

Báo NLĐ khởi đăng loạt bài trò chuyện với NSND Ngọc Giàu. Bà luôn trăn trở về sự nghiệp nghệ thuật và những dự đoán đối với xu hướng phát triển của sân khấu sàn diễn – truyền hình. Những suy nghĩ của bà còn chen vào đó phận đời, phận nghiệp mà bà đã trải nghiệm.
nsnd ngoc giau cuoi phai tri tue moi goi la cuoi
Phóng viên: Từ hơn 5 năm qua, cứ mở truyền hình lên người xem lại gặp ngay những chương trình giải trí đủ thể loại từ ca hát, nhảy múa, tấu hài đến thi người mẫu, thi vận động, thi tìm kiếm tài năng… Tỉ lệ thuận với sự ra đời của các chương trình giải trí này là sự chỉ trích, bất bình của dư luận về độ nhàm chán, đôi lúc nhảm ở một số chương trình. Bà có thấy điều đó?
NSND Ngọc Giàu: Báo chí phản ảnh và bà con khán giả xem truyền hình đều thấy. Những chương trình đạt được thành tựu tốt sẽ tiếp tục sống năm thứ hai, thứ ba, còn một số chương trình mất tiêu, có nghĩa là nó bị đào thải. Xu thế người xem ngày nay chuộng ngồi trước màn ảnh, hoặc xem lại những chương trình tích hợp vào máy điện thoại di động. Theo tôi trên xu thế phát triển đó thì sẽ có những cái chưa đạt như mong muốn. Cái gì quá nhiều đến mức bị lạm dụng sẽ dẫn đến tác dụng phụ. Những chương trình game show cũng như những viên “thực phẩm chức năng” mang lại cho người tiêu dùng sự bổ dưỡng, nhưng uống thuốc thì phải có những tác dụng phụ, tùy theo thể trạng của mỗi người. Điều tôi thấy và tiếc là giá như từ đòn bẫy của “cơn sốc” game show, người làm nghề nghĩ đến việc góp phần vực dậy sàn diễn đang đìu hiu thì hay biết bao.

NSND Ngọc Giàu ngồi "ghế nóng" chường trình "Cười xuyên Việt"

NSND Ngọc Giàu ngồi “ghế nóng” chường trình “Cười xuyên Việt”


Bằng cách nào có thể vận dụng hiệu ứng game show để vực dậy sàn diễn, cụ thể ở lãnh vực hài và cải lương?
-Theo tôi đó là hiệu ứng “quen mặt” của khán giả. Các game show mang yếu tố tuyển chọn tài năng của làng hài, rõ là có hiệu ứng rất tốt. Nhưng sau mỗi mùa lại bị mất hút do sàn diễn không khai thác thí sinh đoạt giải, có quá nhiều quán quân nhưng rồi sau một năm rộ lên thì các em chìm. Các nhà sản xuất và nhà đài đã không vận dụng ưu thế này để xây dựng những kịch mục biểu diễn nhằm cuốn hút khán giả đến rạp. Sàn diễn cải lương cũng vậy, sau những chương trình “Sao nối ngôi”, “Làng hài mở hội”, “Đường đến danh ca vọng cổ”…đã thiếu sự chăm chút để các em đoạt giải có thể đứng trên sàn diễn, thể hiện những vai diễn khó, được trao truyền kinh nghiệm từ thế hệ đi trước. Với tôi đó là một thiệt thòi. Tôi cũng như ca sĩ nhí Phương Mỹ Chi, từ năm 10 tuổi đã kiếm tiền cho cha mẹ, phụ nuôi các anh chị em trong gia đình. Nên, tôi thấu hiểu khao khát được cháy hết mình với những vai diễn hay, chứ không chỉ xuất hiện đơn điệu trong các chương trình ca nhạc truyền hình, hoặc làm khách mời xuất hiện cho “đủ tụ”. Chính vì thế mà khán giả nhìn vào đánh giá, quán quân mà như vầy sao, diễn ngày càng dở tệ hơn khi đoạt giải. Hậu quả là mất hút trong tâm tưởng người xem.
NSND Ngọc Giàu và danh hài Hoài Linh

NSND Ngọc Giàu và danh hài Hoài Linh


Thế nhưng đâu phải “quán quân” nào cũng chịu học. Khi các gương mặt trẻ được trao giải trong một số game show thì đã xuất hiện quá nhiều điều tiếng về đạo đức, về cách tiếp thu ý kiến đóng góp, thậm chí suy nghĩ mình là ngôi sao nên dễ gì chịu sự tác động của người khác?
-Điều này phải chê trách những nhà sản xuất, nhà đài và đội ngũ biên tập, kể cả những ngòi bút của các trang báo điện tử đã thổi phồng quá mức những hạt nhân mới chớm nở trên bầu trời nghệ thuật. Là người lớn, tôi đứng ở vị thế bao dung, khuyên nhủ hơn là chê trách. Tôi nhớ hồi đó anh ba tôi, dù không hiểu gì về nghề của tôi nhưng khi thấy tôi có biểu hiện so đo, phân bì với một chị đồng nghiệp khi chị ấy mặc chiếc áo dài đẹp hơn, anh đã tát vào mặt tôi một cái đau điếng và dạy rằng: “Mày ra sàn diễn hát hay hơn người ta, chứ đừng có ham đẹp hơn người ta”. Tôi ôm mặt khóc, nhưng lời dạy đó theo tôi đi đến hơn nửa thế kỷ qua. Các em quán quân ngày nay cũng vậy, tự mãn vì quá nhiều lời khen. Từ một tên tuổi chẳng ai biết tới, qua một đêm tràn ngập những lời ca tụng, hỏi sao mà không “sang chảnh”. Tôi lại nhớ lời của tác giả Lê Duy Hạnh, ông nói thế này: Một nghệ sĩ ngôi sao đôi lúc mượn cái lưng người khác để đứng lên chụp một bức ảnh, sau đó quên mất lời cảm ơn cái lưng đã khom xuống cho mình đứng lên. Rồi sự nghiệp và những thất bại sẽ dạy các ngôi sao để họ tỏa sáng một cách xứng đáng.
NSND Ngọc Giàu và NS Vũ Luân, Trinh Trinh trong vở "Mẹ mãi trong đời con"

NSND Ngọc Giàu và NS Vũ Luân, Trinh Trinh trong vở “Mẹ mãi trong đời con”


Từ khi rộ lên đến nay có thể kể ra đến hơn 30 game show truyền hình có yếu tố hài, tiêu biểu như: “Ơn giời cậu đây rồi”, “Thách thức danh hài”, “Người bí ẩn”, “Hội ngộ danh hài”, “Chết cười”, “Hội quán tiếu lâm”, “Danh hài đất Việt”, “Cười xuyên Việt”, “Làng hài mở hội”, “Diêm vương xử án”, “Bí mật đêm Chủ nhật”, “Song đấu”, “Đại náo thành Takesi”… Nhưng điểm lại phần lớn game show có hài ít nhiều đó có những yếu tố phản cảm nặng nề. Bà đã từng ngồi ghế giám khảo “Cười xuyên Việt”. Bà nhận xét thế nào về hiệu quả của việc tạo tiếng cười trên màn ảnh qua các game show?
-Đã gọi là sân chơi truyền hình thì hài hay bi đều phải tuân thủ nguyên tắc cuộc chơi. Giám khảo cũng là một trong những vai trò tương tác làm nên sô truyền hình. Tôi cho rằng một vài chương trình đã nỗ lực trong việc tìm kiếm kịch bản và có bàn tay đạo diễn để làm tốt hiệu ứng tiếng cười. “Nhảm” ở đây chính là sự cẩu thả do quá nuông chiều một vài ngôi sao, dẫn đến việc quay trễ, quay khuya, thử hỏi với cơ thể mệt nhoài thì làm sao nghệ sĩ có được năng lượng để sáng tạo, dẫn đến nói những điều không thể kiểm soát. Hiệu quả tiếng cười phải có sự tập dợt, sự thẩm thấu và trên hết là có được những sáng tạo đồng điệu. Tiếng cười mỹ học khác với tiếng cười sinh học. Câu thoại mang tính bông đùa dễ quên, còn ngôn ngữ hài xuất phát từ tình huống đắc địa sẽ khiến khán giả nhớ mãi. Tôi rất công tâm khi ngồi ghế giám khảo, nếu điều gì đó không hay, gây phản cảm thì tôi sẽ không tán đồng việc cho điểm cao để nhằm vớt vát do quen biết. Tôi chấm điểm theo nguyên tắc: “Cười phải trí tuệ mới gọi là cười”.
NSND Ngọc Giàu và nhà báo Thanh Hiệp trong chương trình live show của bà

NSND Ngọc Giàu và nhà báo Thanh Hiệp trong chương trình live show của bà


Kỳ tới: “Tôi còn nặng nợ khán giả”
Bài và ảnh: Thanh Hiệp


Đánh giá bài viết

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *