NSND Ngọc Giàu: "Tôi còn nặng nợ với khán giả"
Chưa phân loại
02/02/2018
693 Lượt xem
Bà luôn khao khát được hóa thân vào những vai diễn mới, góp phần cùng với thế hệ diễn viên trẻ mang lại giá trị cao đẹp cho nghệ thuật cải lương
Phóng viên: Từ sau live show kỷ niệm 70 tuổi đến nay, bà có dự định sẽ thực hiện live show mới?
NSND Ngọc Giàu: Tôi chưa thể nói trước điều này, vì còn quá nhiều dự tính. Tuy nhiên, mình phải nỗ lực không ngừng. Tôi nhớ năm tôi 45 tuổi, lúc đó tôi đến nhà của NSND Thành Tôn – thân sinh của NSƯT Thành Lộc, trên tay mang theo giỏ trái cây, xin được thọ giáo ông, để ông dạy tôi diễn chỉ một vai Triệu Tử Long trong tác phẩm sân khấu hát bội “Triệu Tử Long đoạt ấu chúa”. Ông cười gật đầu. Tôi mừng lắm. Nhưng sau đó chưa kịp lên sàn ngày nào thì ông lâm bệnh. Lúc đó, Thành Lộc nói chắc mong ước của tôi được thọ giáo NSND Thành Tôn khó thực hiện bởi vì các bác sĩ chuyên khoa nói sức khỏe của ông không cho phép dạy học trò. Vì khi ông đã nhập thần thì sàn diễn hay sàn tập đều hút hết sức lực của ông. Chính vì thế tôi tiếc hùi hụi. Nhưng sau đó nghệ sĩ Bạch Long trấn an: Nếu chị cho phép em sẽ truyền lại những kinh nghiệm mà em có được từ sự dìu dắt của ba, của cậu Khánh Hồng, Minh Tơ để chị có thể diễn vai Triệu Tử Long. Thế là tôi có được duyên may để diễn vai này trong chương trình từ thiện khi ca sĩ Ái Vân về Viêt Nam biểu diễn cùng tôi và Châu Thanh. Sắp tới, nếu có được duyên may tôi sẽ học tiếp những vai diễn mới của sân khấu tuồng cổ và sẽ thực hiện live show tuổi 72.
Cuộc sống của bà hiện nay như thế nào? Bà đã có cháu ngoại và vẫn thường xuyên sang Mỹ du lịch để thăm cháu?
Cháu tôi nay đã lớn, rất thông minh và dễ cưng. Tôi gần như năm nào cũng sang thăm cháu. Con gái tôi đã có ý định sẽ làm thủ tục để bảo lãnh cha mẹ sang định cư tại Mỹ, nhưng tôi chưa có ý định ra đi, vì khán giả trong cũng như ngoài nước đều còn yêu mến tôi, khi nào còn sức khỏe thì còn gắn với sân khấu. Sức khỏe của tôi hiện nay rất tốt. Vẫn mỗi ngày tham gia với các chương trình biểu diễn. Mừng là khán giả vẫn còn thương mến nên đi diễn ở đâu cũng được yêu cầu thể hiện lại các vai diễn nổi tiếng như: Bảy cán vá (vở “Đời cô Lựu”), Thị Lộ (vở “Rạng ngọc Côn Sơn”), bà mẹ du kích (vở “Hòn đảo thần vệ nữ”), Mẹ Đốp (vở “Thị Mầu lên chùa”), bà mẹ (vở “Tình mẫu tử”)…Tôi còn nặng nợ khán giả lắm, chưa thể nghĩ đến chuyện cho riêng mình.
Rất nhiều nghệ sĩ thuộc thế hệ của bà đã bắt đầu viết hồi ký, lưu lại những trang viết về cuộc đời, sự nghiệp và cuộc sống của một nghệ sĩ nổi tiếng. Bà có dự định sẽ thực hiện quyển tự truyện về cuộc đời mình?
Có rất nhiều lời mời từ nhiều nhà xuất bản. Tuy nhiên tôi chưa nhận lời bởi tôi không thích nói về mình quá nhiều. Báo chí, truyền hình và rất nhiều phương tiện công nghệ đã từng làm những lát cắt về cuộc đời của tôi, nên khi muốn tổng hợp một cách chặt chẽ thì phải có thời gian. Mà tôi thì quá nhiều việc để làm cho những chương trình biểu diễn hiện nay nên chưa nói trước điều này. Tuy nhiên, nếu có viết thì tôi chỉ muốn nói về cha mẹ mình. Ông bà là tấm gương rất lớn đối với cuộc đời tôi. Nếu không có ba tôi thì không có một nghệ sĩ Ngọc Giàu như ngày nay. Mẹ tôi cũng tần tảo nuôi dạy các con, mang lại cho tôi nhiều bài học quý giá về nhân cách sống. Trong hồi ký nếu có viết, tôi sẽ nói về thầy mình, cố NSND Bảy Bá, tức soạn giả Viễn Châu, ông là một người dát vàng cho cả một thế hệ nghệ sĩ sân khấu cải lương mà báo giới gọi là thế hệ vàng, để mỗi người có cơ hội thăng tiến.
Bà luôn mang lại tiếng cười cho khán giả, với nét diễn duyên dáng, đầy ngẫu hứng. Theo bà cách diễn gây cười cho khán giả đối với thế hệ của bà khác với thế hệ ngày nay như thế nào?
Chúng tôi hồi xưa diễn đều dựa theo kịch bản, bám chặt tình huống mà tác giả đã viết rồi sau đó mới xin thầy tuồng, tức đạo diễn ngày nay chấm phá những nét sáng tạo mới nhằm làm dày hơn tính tư tưởng của câu chuyện. Ngày nay nhu cầu khán giả cần sự đổi mới về hình thức cũng như nội dung. Khán giả tinh tế lắm khi tiếp cận trang mạng xã hội mỗi ngày và dung nạp quá nhiều thông tin, do đó cách diễn chọc cười nếu không mang tầm bao quát sẽ khó tìm được sự đồng cảm. Bởi khi bung miếng “nội bộ” tức chỉ vài người biết, thì coi như toàn bộ khán giả không cười. Cái hay của nghệ sĩ hài chính là tạo được sự bao quát, mang tính đối thoại để có được những thông điệp đưa ra cho người xem, họ cùng đánh giá, nhận xét và cùng biểu hiện sự đồng cảm qua tiếng cười, tiếng pháo tay.
Thế hệ của chúng tôi ngày xưa có kép độc Hoàng Giang, ông diễn tinh tế lắm. Mỗi buổi sáng sớm ông đọc báo, nghe đài, đang biết mọi người quan tâm điều gì, tối vào diễn ông chêm vài câu chế giễu có liên quan đến vấn đề đó, tức thì khán giả cười và nhớ đến ông. Vì tiếng cười ông có trách nhiệm, phê phán nhưng có sự góp ý, để người được nhắc nhở thấy sai mà vui vẻ sửa đổi. Tương tự, thầy tôi – soạn giả Viễn Châu, sáng ông ra vỉa hè uống cà phê, nghe lóm bà con chòm xóm đang quan tâm điều gì, hễ đụng đến vấn đề an sinh, phê bình điện lực, cấp nước hoặc mấy ông hàng xóm nuôi chó để mất vệ sinh chung quanh khu xóm, thì ngay lập tức ông có bài vọng cổ hài nhắc nhở ngay để đời sống cộng đồng ngày càng tốt đẹp hơn. Hiện nay một số diễn viên hài không đủ trình độ để biến những cái khái quát đó thành những vấn đề chọc cười mang yếu tố xây dựng, nên đã sà đà vào việc đem những chuyện nội bộ của làng hài ra để chế giễu, hoặc phát ngôn thiếu kiểm soát gây phản cảm với khán giả.
Bài và ảnh: Thanh Hiệp
Bài viết khác
Bình luận
Bài viết nổi bật
-
Tây Thiên Vũ Khúc
26/05/2023.130223 -
30 nghệ sĩ nổi tiếng tham gia MV ca cổ “Sài Gòn, ngày vui trở lại” của NSƯT Hữu Quốc
11/09/2021.98791 -
Vũ Luân: 2 lần định kết hôn bất thành và cuộc sống độc thân tuổi 51
10/07/2023.95586 -
Phương Cẩm Ngọc đạt nhất tuần đầu tiên Sao Nối Ngôi mùa 4
04/04/2019.94028
Để lại một bình luận