NSƯT Khôi Nguyên và nhà văn Nguyễn Xuân Đức qua đời

NSƯT Khôi Nguyên và nhà văn Nguyễn Xuân Đức qua đời

Chưa phân loại
21/06/2020
582 Lượt xem

NSƯT Khôi Nguyên mất do ung thư tụy. Trong khi đó, gia đình của nhà văn Nguyễn Xuân Đức cho biết ông qua đời lúc 21 giờ ngày 20-6 tại nhà riêng ở TP Đông Hà, Quảng Trị do bị ngã.

Chị Nguyễn Minh Hiếu – con gái NSƯT Khôi Nguyên – cho biết cha chị đã ra đi thanh thản bên vợ và con cháu vì căn bệnh ung thư tụy. Ông trút hơi thở cuối cùng lúc 4 giờ ngày 20-6, thọ 77 tuổi.

NSƯT Khôi Nguyên và nhà văn Nguyễn Xuân Đức qua đời - Ảnh 1.

NSƯT Khôi Nguyên và nhân vật trong phim “Chạy án”

Phát hiện căn bệnh ung thư tụy giai đoạn cuối cách đây 2 tháng, NSƯT Khôi Nguyên được vợ và các con luân phiên chăm sóc tại nhà riêng ở Hà Đông (Hà Nội).

NSƯT Khôi Nguyên sinh năm 1943, bén duyên với cải lương từ năm 16 tuổi. Ông là nghệ sĩ trực thuộc Nhà hát Cải lương Trung ương (nay là Nhà hát Cải lương Việt Nam), tham gia nhiều vở diễn như: “Sứ giả của tình yêu”, “Khi thành phố lên đèn”, “Đôi dòng sữa mẹ”… Năm 1992, ông được phong tặng danh hiệu NSƯT. Năm 2000, ở tuổi 57, ông bắt đầu đến với phim truyền hình sau khi tham gia các phim như: “Chạy án”, “Bí thư tỉnh ủy”, “Bác cả người sung sướng”, “Tình yêu không hẹn trước”…

NSƯT Thanh Thanh Hiền xúc động kể trong sự nghiệp của mình, chị có kỷ niệm khó quên với NSƯT Khôi Nguyên, đó là tham gia vở “Sứ giả của tình yêu”, đây là vai diễn “để đời” làm nên thương hiệu “Khôi Nguyên” của ông trên sân khấu cải lương.

NSƯT Khôi Nguyên và nhà văn Nguyễn Xuân Đức qua đời - Ảnh 2.

Bức ảnh quý của NSND Triệu Trung Kiên khi mẹ của anh – NS Mai Phương và cố NSƯT Khôi Nguyên (người thứ hai từ phải sang) chụp chung với NSƯT Thanh Thanh Hiền trong chuyến lưu diễn phục vụ bộ đội

Công tác ở nhà hát một thời gian, NSƯT Khôi Nguyên chuyển sang công tác quản lý. Ông có thời gian 4 năm đi giảng dạy tại Khoa Kịch hát Dân tộc, Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội.

NSND Triệu Trung Kiên – giám đốc Nhà hát cải lương Việt Nam – còn giữ bức ảnh kỷ niệm của gia đình. Trong ảnh là Cố NSƯT Khôi Nguyên (Vai Tuấn Sinh), bên trái là mẹ của anh – NS Mai Phương – vai Công chúa Hạnh Nguyên, hai nhân vật chính trong vở diễn nổi tiếng “Khúc hát tình đời”, một tác phẩm suất sắc của đạo diễn NSND Nguyễn Ngọc Phương.

“Trong ảnh là chuyến lưu diễn của Nhà hát Cải lương Trung ương phục vụ cán bộ chiến sĩ biên giới những năm 80 của thế kỷ trước. Phía ngoài cùng bên phải là ngôi sao cải lương Thanh Thanh Hiền khi chị mới đầu quân về Nhà hát. NSƯT Khôi Nguyên đã cống hiến cả đời cho sân khấu cải lương, tinh thần lao động nghệ thuật của ông là tấm gương lớn cho thế hệ diễn viên hôm nay” -NSND Triệu Trung Kiên nói.

* Trong khi đó, gia đình của nhà văn Nguyễn Xuân Đức cho biết ông qua đời lúc 21 giờ ngày 20-6 tại nhà riêng ở TP Đông Hà, Quảng Trị do bị ngã.

NSƯT Khôi Nguyên và nhà văn Nguyễn Xuân Đức qua đời - Ảnh 3.

Nhà văn Nguyễn Xuân Đức

Nhà văn Nguyễn Xuân Đức siinh năm 1947 tại Vĩnh Hòa, Vĩnh Linh, Quảng Trị. Năm 1965, ông tham gia tiểu đoàn 47 quân địa phương Vĩnh Linh, chiến đấu tại Quảng Trị. Năm 1979, ông theo học Trường Viết văn Nguyễn Du khóa đầu tiên, sau đó chuyển về công tác tại Đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị cho đến khi giải ngũ năm 1990 với cấp bậc trung tá. Sau khi giải ngũ, ông về địa phương, công tác tại Sở Văn hóa và Thông tin tỉnh Quảng Trị với cương vị phó giám đốc sở.

Từ năm 1995-2006, ông là Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin tỉnh Quảng Trị, Tổng Thư ký Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Trị.

Nhà văn Nguyễn Xuân Đức nhận Giải thưởng Nhà nước năm 2007 cho cụm tác phẩm: “Người không mang họ”, “Cửa gió”, “Tượng đồng đen một chân”. Riêng tác phẩm “Người không mang họ” được đạo diễn Long Vân dựng thành phim.

Tiểu thuyết “Cửa gió” là tác phẩm nổi tiếng của ông, để lại trong lòng người đọc rất nhiều tình cảm về cách viết, cách đặt suy gẫm của chính ông vào từng số phận nhân vật. Ngoài ra, ông viết một số tác phẩm khác: “Hồ sơ một con người”, “Những mảnh làng”, “Tổ quốc”, “Người mất tích”, “Bến đò xưa lặng lẽ”.

Trong sự nghiệp sáng tác, ông đã đạt được một số giải thưởng văn học như: Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam cho tiểu thuyết “Cửa gió”, Giải thưởng văn học Bộ Nội vụ cho tiểu thuyết “Người không mang họ”, Giải A cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam 2002-2004 cho “Bến đò xưa lặng lẽ”.

Ở sân khấu, ông là ngòi bút sắc bén, có nội lực, ông là tác giả của nhiều kịch bản được đưa lên sàn diễn thành công như: “Người mất tích”, “Chứng chỉ thời gian”, “Đợi đến bao giờ”, “Đám cưới li biệt”, “Cuộc chơi”, “Cái chết chẳng dễ dàng gì”, “Ám ảnh”, “Chuyện dài thế kỷ”, “Đối mặt”, “Kìa bên ngõ xa”…

Ông nhận nhiều giải thưởng sân khấu như: Giải thưởng Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam năm 1995 cho kịch bản “Cuộc chơi”, Giải thưởng cuộc vận động viết về chiến tranh cách mạng, Giải thưởng Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Huy chương vàng Hội diễn sân khấu kịch nói toàn quốc với “Cái chết chẳng dễ dàng gì”, “Chuyến tàu tốc hành trong đêm” nhận Giải thưởng Kịch bản sân khấu năm 2007.

Thanh Hiệp (ảnh do gia đình nghệ sĩ cung cấp)


Đánh giá bài viết

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *