NSƯT Phương Hồng Thuỷ: Cuối đời vẫn có người trầm ngâm một góc nghe mình ca

NSƯT Phương Hồng Thuỷ: Cuối đời vẫn có người trầm ngâm một góc nghe mình ca

Chưa phân loại
14/11/2017
650 Lượt xem

Một chiều tháng 6, trong góc quán trà nho nhỏ giữa Sài Gòn, nụ cười giòn giã của NSƯT Phương Hồng Thuỷ vẫn đều đặn vang lên. Mặc cho ngoài trời mưa như trút nước thì trong này, Phương Hồng Thuỷ vẫn cứ ung dung kể chuyện đời…
Câu chuyện mà Phương Hồng Thuỷ kể bây giờ đã khác: “Thôi đừng nhắc đến những điều buồn của ngày xưa. Ngày xưa thì xa lắm, bây giờ Phương Hồng Thuỷ đã vui hơn, cười nhiều hơn, có một tổ ấm trọn vẹn rồi”, chị nói.
Bỗng chốc kịch bản mà người viết chuẩn bị để “làm khó” Phương Hồng Thuỷ buộc phải thay đổi, nhưng may thay cô đào có đôi má tròn trĩnh ngày nào lại tiết lộ những niềm vui sống hoàn toàn mới mà chị gọi “cuộc đời như giở sang trang”. Dẫu đôi lần, Phương Hồng Thuỷ có thoáng buồn khi vô tình gợi lại chuyện cũ nhưng mọi thứ qua đi rất nhanh, bởi lẽ chị luôn tâm niệm: “Cuộc sống này ngắn ngủi lắm, dù có gì buồn lo hãy cứ nhớ rằng không sao đâu, mọi chuyện rồi sẽ qua…”.
nsut phuong hong thuy cuoi doi van co nguoi tram ngam mot goc nghe minh ca

Ước được lần nữa diễn cùng Vũ Linh, Ngọc Huyền, Tài Linh…

Tôi không phải là người thích nói chuyện cũ nhưng hay nhìn lại để biết mình đã đi qua được những gì. Không phải nhìn lại để tiếc nuối, để hằn học ai cả vì kỷ niệm đẹp hay không cũng thành hành trang để mình bước tiếp.
Nhiều lúc ai hỏi vở diễn nào nhớ nhất, tuồng nào thích nhất, tôi nhớ đến chú Diệp Lang. Ngày đó tập Lan và Điệp cho tôi, chú khen giọng tôi chân chất, mà mới 26, 27 tuổi được khen nó sướng vô cùng. Sau này, hễ ai nhắc đến bài vọng cổ Lá trầu xanh của cố soạn giả Viễn Châu, là khán giả nhớ ngay tới mình, cũng vui lắm!
Tôi từng hát với nhiều người nhưng hợp ý nhất có lẽ với Vũ Linh, anh Hoàng Tuấn (đã mất), anh Ngân Dương ở đoàn Đồng Nai… Hầu như ai tôi cũng hát, tôi không chê ai vì ai cũng cho mình kỷ niệm đẹp khi đứng chung sân khấu.
Nghĩ lại thời ca sĩ của tôi hồi trước không có kiểu fan như bây giờ, mấy cô chú thương nhau lắm! Hồi xưa mình đi đoàn tỉnh nên có dịp về thành phố, tôi đến sân khấu cải lương 284, Sài Gòn 1, Sài Gòn 2, Trần Hữu Trang… xem để học hỏi nhau chứ hồi xưa khó có cơ hội đó. Bây giờ về nước tôi cũng đến sân khấu Thành Lộc, Hữu Châu, kịch Hoàng Thái Thanh, Minh Nhí, đi coi phim của Hồng Ánh, Mai Thế Hiệp, mới đây là xem Xóm trọ 3D của nghệ sĩ Hồng Vân làm.
nsut phuong hong thuy cuoi doi van co nguoi tram ngam mot goc nghe minh ca 1
Nhắc lại 6 huy chương vàng Trần Hữu Trang 1991 có tôi, Vũ Linh, Thanh Hằng, Thanh Thanh Tâm, Ngọc Huyền, Tài Linh, nhiều lúc nghĩ trước khi nằm xuống muốn hát với bộ 6 này nhưng khó tụ họp quá. Năm này không được thì năm sau gặp lại thử một lần rủ 6 người đi khắp thế gian coi sao.
Đối với tôi bây giờ tôi không nề hà gì, mình vẫn đi đi về về, vẫn mang quốc tịch Việt Nam, mình vẫn nói được tiếng Việt, vẫn ầu ơ ví dầu tiếng ca của mình nên hễ có ai bảo Thuỷ ơi, giúp cho vai già hay giúp vai này vai kia, tôi sẵn sàng.
Sau giải thưởng Trần Hữu Trang 1991, còn nhiều gương mặt cũng đạt được giải thưởng đó nhưng để cùng nhau làm nên một sân khấu sạch và đẹp như thánh đường hồi xưa thì mọi người phải hạ bớt cái tôi của mình để cùng hợp lại. Nhưng cũng không trách được, thời buổi bây giờ, nhiều chuyện thay đổi khiến cho việc gặp nhau cũng khó. Cải lương không chết nhưng giữ cải lương lại đúng chất một thánh đường như hồi xưa thì thật giống câu “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Rạp Hưng Đạo hồi xưa làm tôi tiếc lắm mỗi khi nhớ lại, còn giờ không được vậy, nhưng có sân khấu để hát vẫn hơn.
Đợt này về, tất tả nhiều nơi nhưng không phải đi diễn mà tôi đi thăm lại bạn bè cũ. Chưa bao giờ tôi cảm thấy bị hụt hẫng như lúc này. Mình về mình thăm những người bạn, người thân nhưng mang cảm giác thời gian họ sống không còn nhiều, rồi nghĩ lại chuyện 6 huy chương vàng, bây giờ người bệnh, người ở xa cũng khó gặp, nên nhiều khi muốn cũng không hát được.
nsut phuong hong thuy cuoi doi van co nguoi tram ngam mot goc nghe minh ca 2
Tôi cũng nghe nhiều người ngỏ ý hỏi sao mình không xuất hiện tại các chương trình gameshow để được khán giả quan tâm nhưng tôi lắc đầu nguầy nguậy. Tôi sợ lắm, không dám ngồi đâu!.
Tôi không biết sao nhưng thời đi học người lớn cũng dạy cho mình “tiếng chào cao hơn mâm cỗ”, nhưng để được mọi người nể trọng thì mình phải như thế nào đã. Cỡ tôi mà ngồi chấm tôi không dám, thí dụ làm khách mời ngồi nói đôi ba tiếng để khuyến khích các em đi đến cái nghề này thế nào, đạo đức phải sao… thì được, chứ ngồi chấm điểm thì tôi không dám.
Tôi sợ nhiều thứ nhưng cứ nôm na tôi thấy mình chưa bằng ai, cỡ tôi cũng còn phải học hỏi, không muốn lao ra để rồi nhận “gạch đá”. Nhiều khi chương trình làm mình bị “ảo” lúc nào không hay, số điểm trong một đêm thi không nói lên được hết tất cả, tài năng mình nếu có thì khán giả họ sẽ tự công nhận chứ không bị phụ thuộc vào số điểm hay nhóm người “ảo” nào đó. Như “Sầu nữ” Út Bạch Lan, “Cải lương chi bảo” Bạch Tuyết, nghệ sĩ Mỹ Châu, Lệ Thuỷ, Minh Vương, Minh Phụng… cất tiếng ca lên là mọi người nhận ra ngay vì có bản sắc riêng, còn bây giờ nhiều giọng na ná nhau quá. Nói ra sợ giận nhưng mà cũng phải nói thôi.

Alo, bạn sao rồi, có khoẻ không đó?

Tôi thích cuộc đời mình nhẹ nhàng nên đi đâu lâu lâu, tôi cũng gọi về nói: “Ông xã ơi, tôi mong xong việc để về với cái cốc của tôi ông ơi”. Ở nhà riêng bên Mỹ, ông xã làm cho tôi phòng riêng để thờ cha mẹ, thờ Phật nên xong việc tôi chỉ muốn về đó để tâm được an. Mình đi đi về về nhưng muốn nhẹ như mây vậy.
Như nhiều phụ nữ đã có gia đình khác thì niềm vui bây giờ của tôi là con cái trước, sau đó mới đến chồng. Con gái bây giờ đã lớn, đã đi làm, thỉnh thoảng cũng cùng với mẹ đi chùa, thành ra cảm giác vui. Hồi xưa tôi “sến” lắm, đặt tên cho con gái tôi chọn chữ Hồng, ba nó lót chữ Thanh, nên thôi gộp lại thành đám mây vừa hồng, vừa xanh trên trời – Nguyễn Thanh Hồng Vân.
nsut phuong hong thuy cuoi doi van co nguoi tram ngam mot goc nghe minh ca 3
Tôi hay khuyên con gái là đừng lấy chồng sớm, đừng lập gia đình sớm. Cha mẹ cho mình đi học, ra trường được đi làm công việc yêu thích thì mình làm, như con trai thì có danh, còn nữ thì khi nào đi làm cảm thấy chính chắn thì mới tiến tới, không thì khổ lắm!
Có một điều đơn giản là bạn đừng tin tình yêu là có thật ở trên đời, tình yêu chỉ có trong một khoảng thời gian nào đó thôi. Tình yêu màu hồng nhưng cũng là màu tím, xám, đen nữa. Thời gian khi yêu nhau, khi chuẩn bị cưới, khi cưới rồi thì chỉ vui 3 năm đầu, qua 3 năm đó rồi sẽ khác. Mình đi qua được từng giai đoạn đó trong cuộc đời thì sẽ trở thành bạn đời, thành tri kỷ, tri âm, nhưng hiếm lắm.
Ông trời không lấy đi của ai thứ gì, lấy đi thứ này sẽ cho lại thứ khác, giống như ông trời không cho tôi cuộc hôn nhân hạnh phúc thì bù lại cho tôi đứa con gái hiếu thảo. Tôi không trách ai vì đến giờ này mỗi người đã có hạnh phúc riêng cho mình, bắt đầu trang mới của cuộc đời.
Đứa con gái bây giờ đã có gia đình, lớn rồi nhưng hay tâm tình với tôi lắm. Lâu lâu, tôi gọi: “Alo, bạn sao rồi, có khoẻ không đó?” là con gái cười khúc khích. Nghĩ lại hồi nhỏ, nó thích hát, đòi tôi tập trích đoạn Lan và Điệp suốt mà tôi cấm nó hát, cấm theo nghiệp sân khấu vì nghề này vui nhưng khổ, tôi trải đủ rồi tôi biết. Nhiều khi thấy tội nó, mỗi lần tôi đi diễn về nghe tiếng xe là nó lật đật tắt máy vô ngồi học, mà nó “diễn” vậy thôi chứ tôi biết học gì được nữa, mới hát xong mà. Nó thích Lan và Điệp nhưng mà tập hát được thì khó, lâu lâu ngân vài câu thì được chứ theo thì tôi không cho. Đến bây giờ tôi cũng không hối hận với quyết định của mình.
Bây giờ tôi có cái vui khác là con gái với 2 người bạn của nó lâu lâu hay tổ chức chương trình Cải lương tôi yêu ở Atlanta. Vậy là tôi rủ thêm anh em đồng nghiệp bên đó làm đêm cải lương xôm tụ mọi người. Tôi không cho nó theo nghề nhưng chắc nó ăn cơm cải lương riết rồi giờ nó trả lại, thấy cũng mừng, cũng vui.
nsut phuong hong thuy cuoi doi van co nguoi tram ngam mot goc nghe minh ca 4

Đến cuối cuộc đời, vẫn có người trầm ngâm một góc sân khấu nghe tôi ca

Với người hiện tại, chúng tôi sống hạnh phúc nhưng như hạnh phúc của những người bạn, thành ra rất đẹp. Nhiều khi lên sân khấu, mình biết ở góc đó có người đứng chờ, mình yên tâm mình hát. Vậy là đủ rồi.
Gặp được ông xã cũng là duyên trong chuyến đi đến một ngôi chùa ở Atlanta, ổng là người lái xe chở tôi, cô Út Bạch Lan, cô Sáu Giàu đến đó. Trên đường trở về thì gặp tai nạn giao thông với xe hàng chạy cùng chiều, may mắn là mọi người trên xe đều không sao mặc dù đầu xe cũng nát hết rồi. Từ lúc đó, tôi với ông xã cũng hỏi thăm qua lại đôi ba câu rồi anh rước mình đi khi nào không hay. Nghĩ lại mắc cười, khi cưới tôi, ông xã không biết gì về tôi cả. Anh ấy thích nghệ sĩ Thoại Mỹ đó chứ, vì xem phim Nguyệt huyết có Thoại Mỹ đóng, nhưng cuối cùng cái gì của mình thì là của mình, không chạy đâu được.
Hồi đó, để nhận lời anh, tôi hơi chần chừ vì tuổi tác chênh nhau, tôi hơn ông xã 4 tuổi. Mà ngộ, tôi ghét người hút thuốc lại gặp ổng hút thuốc, ghét người nói nhiều thì ổng nói rất nhiều. Nhưng được bù qua sớt lại, ông xã rất tâm lý, chu toàn mọi chuyện. Hồi đó còn mẹ, mẹ hiền lắm, thấy con gái nào giờ sống như vậy nên cho phép, con gái tôi cũng ủng hộ. Lúc về chung một nhà, tôi chỉ có một điều kiện duy nhất là cho tôi đi đi về về, vì lúc quyết định đi là mình phải tạm gác nghề nghiệp nên thời điểm đầu thấy người chông chênh.
nsut phuong hong thuy cuoi doi van co nguoi tram ngam mot goc nghe minh ca 5
Cũng như nhiều cặp đôi khác, vợ chồng nào cũng không tránh khỏi những cự cãi, giận hờn nhưng theo tôi đừng bao giờ đặt cái tôi lớn, vì mình cũng đang có nhiều khuyết điểm. Một người vợ đi hát suốt không chăm lo cho gia đình, người ta cũng phiền chứ, sao người ta không nói trong khi mình lại chắp nhặt những chuyện lặt vặt? Có gì cũng chia sẻ hết với nhau một cách thẳng thắn, cuộc sống đừng im lìm vì im lìm sẽ xa nhau nhanh lắm!
Đừng trói buộc bất cứ điều gì, nắm tay nhau thật chặt thì một chút cũng buông ra, thương nhau cho lắm ôm nhau thì cũng đến lúc phải buông ra. Như việc nắm cát trong tay, càng chặt thì càng vơi, nên tôi xác định sống trên đời này không ràng buộc thứ gì của mình cả để được nhẹ lòng. Chúng tôi sống với nhau bằng câu: “Chỉ cần bà nắm tay tôi/ Bao nhiêu cay đắng cuộc đời tôi lo/ Chỉ cần ông cứ hẹn hò/Hoàng hôn bến cũ, con đò có tôi“.
Đàn ông có thể đi khắp nơi nhưng hãy cho họ có cái nhà để mà về, cuối cùng họ có người chờ đợi để về chăm lo. Người đầu tiên để tôi nấu chén cơm cho người đó ăn, vào năm tôi 42 tuổi, là ông xã đó. Năm 42 tuổi tôi mới biết nấu mâm cơm trọn vẹn. Má tôi mà tôi còn chưa nấu. Có tuổi tác vậy chứ tôi cũng mới tập tành làm vợ thôi, còn lọng ngọng lắm!
Bên đạo, pháp danh của tôi là Thường Nhàn, nên có lẽ vì vậy cuộc sống của tôi bây giờ êm đềm, an nhàn. Nói ra sợ sến nhưng sáng nào tôi cũng pha cà phê cho ông xã đi làm. Lúc anh đi rồi mình ngủ nướng chút cũng được, hoặc là dậy pha ly cà phê thưởng thức, làm vườn, đọc sách…
nsut phuong hong thuy cuoi doi van co nguoi tram ngam mot goc nghe minh ca 6
Cuối cuộc đời có người bạn đời đi chung đường với mình, sẵn sàng mang đôi giày cho mình, nhìn thấy phía trước có cát đá sẵn sàng dắt mình đi qua, sẵn sàng đứng một góc nghe mình hát, với tôi vậy là đủ lắm rồi.
Trong nghề của tôi càng trải qua nhiều đau khổ càng hát hay, nhiều bài ca hoà quyện với tâm trạng rồi nghệ sĩ cứ vậy mà hát như điên, chứ cuộc đời toàn niềm vui thì bạn sẽ hát dở, mà phải là dở… “ve sầu” mới đúng.
Cuộc trò chuyện kết thúc khi cơn mưa ngoài trời cũng vừa dứt, Phương Hồng Thuỷ lại “đi tìm” những người bạn một thời để thăm nom, an ủi. Sau một thời gian dài, rồi những cuộc hội ngộ đáng buồn khi điểm hẹn lại ở bệnh viện, nhưng chị vẫn cười, một nụ cười tươi và nói với lại rằng: “Không sao đâu, mọi chuyện rồi sẽ qua…”.

Diễm Mi


Đánh giá bài viết

Bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *