NSƯT Quang Khải và duyên nợ với cải lương

NSƯT Quang Khải và duyên nợ với cải lương

Chưa phân loại
27/12/2019
555 Lượt xem

Nếu yêu thích và dõi theo những bước đi của cải lương Việt Nam những năm gần đây, hẳn khán giả không xa lạ với NSƯT Quang Khải (trong ảnh) – gương mặt trẻ đảm nhận nhiều vai diễn nặng ký trong các vở gây tiếng vang thời gian qua của Nhà hát Cải lương Việt Nam. Anh để lại dấu ấn với ngoại hình sáng, giọng ca ngọt, ấm và lối diễn chân thực, giàu xúc cảm.

NSƯT Quang Khải

NSƯT Quang Khải

NSƯT Quang Khải sinh năm 1979 trong một gia đình nông dân nghèo ở Nghệ An. Là anh cả của ba người em nhỏ, Khải sớm phải làm quen với việc đồng áng, cả việc đi bán kem, giao bánh mì… để phụ giúp bố mẹ. Quang Khải tâm sự, người gieo duyên, cũng là người thầy đầu tiên dạy anh những nốt nhạc, bài ca cải lương là chú út. Chú vốn là nghệ sĩ thuộc Ðoàn cải lương Bông sen trắng. Nhiều buổi tối tranh thủ thời gian rảnh, Khải lại được theo xem chú diễn. Với cậu bé vốn quen cuộc sống lấm luốc ruộng đồng, những lần được thư giãn cùng lời ca, điệu đàn dung dị của đoàn cải lương tỉnh hay của các đoàn diễn từ phía nam ra là những phút giây giải trí quý giá nhất, để rồi tình yêu với cải lương cứ thế lớn dần lên. Học hết phổ thông, Khải vốn định theo học chụp ảnh để có thể trang trải cuộc sống, hỗ trợ bố mẹ nuôi các em, nhưng được sự động viên từ gia đình, anh ghi danh vào Khoa Kịch hát dân tộc, Trường đại học Sân khấu – Ðiện ảnh Hà Nội

Tốt nghiệp loại xuất sắc, Quang Khải được nhận về đoàn hai – Nhà hát Cải lương Việt Nam. Ðam mê đã có “đất” để nuôi dưỡng, nhưng anh không ngờ rằng đi theo nghiệp cải lương là đối mặt bao thách thức khó khăn. Một mình nơi đất khách quê người giữa lúc cải lương đất bắc thưa vắng khán giả, gánh nặng cơm áo gạo tiền từng có lúc nặng trĩu trên đôi vai nghệ sĩ, nhất là thời điểm anh lập gia đình và sinh con. Có những lúc Quang Khải phải lăn lộn với đủ thứ nghề như dẫn chương trình đám cưới, làm kỹ thuật âm thanh, hướng dẫn viên du lịch… Năm 2010, Quang Khải chuyển sang công tác tại đoàn một – Nhà hát Cải lương Việt Nam, được trực tiếp làm việc với NSND Triệu Trung Kiên (hiện là Quyền Giám đốc Nhà hát) khi đó là Trưởng đoàn. Anh cho rằng, đây là một trong những may mắn lớn trong cuộc đời nghệ thuật của mình. Với Quang Khải, đạo diễn Triệu Trung Kiên không những là một người anh lớn mà còn là người thầy đã truyền ngọn lửa nghề đầy nhiệt huyết cho anh, giúp anh trưởng thành hơn về phong cách và tư duy làm nghề. Ðể rồi sau hơn 10 năm gắn bó với nghiệp cải lương, năm 2012, lần đầu Quang Khải mới tham dự Liên hoan Cải lương toàn quốc tại Ðồng Nai bằng vai nam chính trong vở Mê cung. Từ đây, Huy chương vàng vở diễn và Huy chương vàng cá nhân đã mang đến nhiều động lực để Quang Khải thêm tự tin khẳng định mình ở nhiều vở diễn gây tiếng vang sau đó như: Chuyện tình Khau Vai (năm 2013), Mai Hắc Ðế (năm 2014), Hừng đông (năm 2015), Vua Phật (năm 2016), Ni sư Hương Tràng (năm 2017), Thầy Ba Ðợi (năm 2018)… Hầu như ở vở diễn nào, Khải cũng được “chọn mặt gửi vàng” để thể hiện những nhân vật lớn. Càng xem, người ta càng thấy một Quang Khải say nghề, ca ngọt hơn, diễn tình hơn và đẳng cấp hơn.

Nghệ sĩ Quang Khải chia sẻ, được hóa thân thành những nhân vật lớn là may mắn nhưng cũng là áp lực không nhỏ với diễn viên. Bởi diễn thế nào cho ra phong thái, cốt cách của nhân vật lịch sử là cả thách thức lớn. Bên cạnh tìm hiểu những nguồn tài liệu, anh cùng ê-kíp thực hiện luôn cố gắng tìm ra nhiều kênh để có cái nhìn chân thực nhất cho từng vai diễn. Lần vào vai chàng Ba trong Chuyện tình Khau Vai, Khải đã tìm đến tận xã Khau Vai để được nghe những câu chuyện liên quan. Hay khi vào vai Phật hoàng Trần Nhân Tông, anh đã nhiều lần tìm đến các nhà sư của Thiền viện Trúc Lâm để nghe giảng đạo, để hiểu hơn phong thái, khí chất của bậc chân tu đắc đạo… Quang Khải nhớ mãi thời điểm năm 2015, để thể hiện tròn vai nhân vật Mai Hắc Ðế trong vở diễn cùng tên mang đi tham dự Liên hoan Cải lương toàn quốc, anh phải tìm mọi cách để tăng cân cho ra vóc dáng một anh hùng vạm vỡ. Vừa kết thúc liên hoan đã phải vào vai Phật hoàng Trần Nhân Tông trong Vua Phật, anh vội ép cân về như cũ để thể hiện cho ra phong thái nhà sư. Thời điểm đóng Vua Phật, Quang Khải đang là gương mặt nghệ sĩ khá đắt “sô” ở nhiều sự kiện, ê-kíp sáng tác cũng đã lên phương án hóa trang, nhưng anh vẫn quyết tâm xuống tóc để tự mang đến cảm giác trọn vẹn nhất cho mình khi vào vai nhà sư. Quang Khải là thế, lúc nào cũng cầu toàn, hết mình và chỉn chu trong từng vai diễn, cho nên mỗi lần xuất hiện là một lần anh để lại ấn tượng. Và khán giả yêu mến anh còn bởi bên cạnh những vai diễn lớn, Quang Khải không ngần ngại xuất hiện với cả những vai diễn nhỏ, trong đó có cả những vai phản diện để thử thách bản thân…

Năm 2019, Quang Khải đã vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu NSƯT. Ðây là phần thưởng xứng đáng cổ vũ người nghệ sĩ tiếp tục dấn thân, cống hiến cho nghề nghiệp. Mới đây, anh được phân công đảm nhận vị trí Phó đoàn phụ trách Ðoàn thể nghiệm Nhà hát. Bên cạnh vai trò truyền lửa nghề cho các đồng nghiệp, NSƯT Quang Khải cùng ban lãnh đạo Nhà hát đang trăn trở bài toán làm thế nào để có những vở diễn được đầu tư nhiều hơn, để sân khấu cải lương được liên tục sáng đèn, để anh chị em nghệ sĩ yên tâm cống hiến cho nghiệp cải lương…

TRANG ANH


Đánh giá bài viết

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *