NSƯT Quế Trân khóc nghẹn trong lễ mừng thọ kép độc Nam Hùng
(CLV) – Chào mừng kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương, hòa vào không khí nhớ ơn những bậc tiền nhân, các nghệ sĩ đã tổ chức lễ mừng thọ NSƯT Nam Hùng 82 tuổi vào tối 8-1.
Nghệ sĩ Quế Trân không cầm được nước mắt khi nhớ về một vai diễn để đời của nghệ sĩ Nam Hùng. Đó là vai Đổng Trác trong vở “Phụng Nghi Đình”, mà lúc đó cha của NSƯT Quế Trân là NSND Thanh Tòng đóng vai Lữ Bố.
“Tôi khóc vì bỗng dưng nhìn bác Nam Hùng, tôi nhớ đến ba tôi. Đó là tác phẩm mà các ông đã đổ nhiều tâm huyết để tạo dựng và tạo được tiếng vang lớn cùng sự ngưỡng mộ của khán giả. Hồi đó cô Tô Kim Hồng đóng vai Điêu Thuyền, đã tạo nên làn sóng hâm mộ cải lương tuồng cổ. Bác Nam Hùng là bậc trưởng thượng và là vốn quý của sân khấu cải lương. Nghệ sĩ chúng tôi tề tựu mừng thọ bác Nam Hùng, kính chúc bác dồi dào sức khỏe, luôn là điểm tựa vững vàng cho thế hệ diễn viên trẻ” – NSƯT Quế Trân bày tỏ.
Các nghệ sĩ có mặt trong lễ mừng thọ 82 tuổi của NSƯT Nam Hùng đều bày tỏ tấm lòng ngưỡng mộ quá trình phấn đấu và lao động nghệ thuật không ngừng của ông.
“Tôi gọi NSƯT Nam Hùng là anh hai, vì trong nghề ông là người đi trước, khai phá một trào lưu diễn kép độc mùi. Nghệ thuật cải lương thời hưng thịnh đã từng có cặp kép song hành, làm nóng sàn diễn là NSND Út Trà Ôn – NSƯT Hoàng Giang, một kép chánh và một kép độc, thì tiếp nối sau thế hệ tiền bối đã có NS Thành Được – NSƯT Nam Hùng, một kép đẹp được mệnh danh là “ông hoàng sân khấu” và một kép độc đẹp trai, diễn giỏi, có giọng ca mùi là Nam Hùng. Ông còn biết đánh võ, múa kiếm, tạo nên huyền thoại qua nhiều vai diễn để đời” – NS Quốc Nhĩ nhắc lại trong niềm tự hào.
NS Bình Tinh – đại diễn gia tộc Huỳnh Long, một trong 8 gia tộc sẽ được tôn vinh trong đêm 13-1 tại chương trình Vinh danh nghệ thuật cải lương tròn 100 tuổi do TP HCM tổ chức ở phố đi bộ Nguyễn Huệ – thổ lộ: “Tôi học được ở bác Nam Hùng nhiều bài học quý. Mỗi vai diễn, mỗi tính cách đều tạo được ấn tượng đẹp. Tôi thích nhất vai thầy Đề (“Ngao Sò Ốc Hến”), vai Chu Phác Viên (“Lôi vũ”), Lữ Bố (“Lữ Bố hí Điêu Thuyền”)… Những năm sau này, khi không còn tham gia biểu diễn thường xuyên do sàn diễn gặp nhiều khó khăn, bác Nam Hùng tích cực tham gia hoạt động của Ban Ái hữu Hội Sân khấu TP HCM, chăm lo sức khỏe, bảo hiểm y tế cho nhiều nghệ sĩ già yếu, neo đơn. Tấm lòng của bác đáng quý, là tấm gương sáng cho thế hệ nghệ sĩ chúng tôi”.
NSƯT đạo diễn Ca Lê Hồng nhắc đến giai đoạn ông về Đoàn 284, cùng với NSND Diệp Lang làm nên những giá trị tuyệt vời cho sàn diễn cải lương với những tác phẩm đỉnh cao như: “Áo cưới trước cổng chùa”, “Thiên Kiều công chúa”, “Lôi Vũ”… NSƯT Thanh Nguyệt thì nhắc đến những kỷ niệm khi cùng ông đi lưu diễn phục vụ bộ đội ở biên giới Tây Nam, rồi ra thủ đô vinh dự biểu diễn phục vụ Đại hội Đảng.
NSƯT Hùng Minh, soạn giả Đăng Minh, NSƯT Lê Tứ… đã dành nhiều lời chúc tốt đẹp đến “ông hoàng kép độc” của sân khấu cải lương. “Cải lương xuất phát từ quần chúng nhân dân, bất kể gặp trở ngại nào cũng sống trong lòng công chúng. Ở tuổi xưa nay hiếm để được tồn tại, nhìn thấy các diễn viên trẻ tiếp nối với nghề, tôi vô cùng hạnh phúc” – NSƯT Nam Hùng tâm sự.
Bài và ảnh: Thanh Hiệp
Bài viết khác
Bình luận
Bài viết nổi bật
-
Tây Thiên Vũ Khúc
26/05/2023.126617 -
30 nghệ sĩ nổi tiếng tham gia MV ca cổ “Sài Gòn, ngày vui trở lại” của NSƯT Hữu Quốc
11/09/2021.98752 -
Vũ Luân: 2 lần định kết hôn bất thành và cuộc sống độc thân tuổi 51
10/07/2023.95541 -
Phương Cẩm Ngọc đạt nhất tuần đầu tiên Sao Nối Ngôi mùa 4
04/04/2019.93973
Trả lời