NSƯT Thanh Nam: Không có ngôi sao, cải lương dễ “chết”

NSƯT Thanh Nam: Không có ngôi sao, cải lương dễ “chết”

17/09/2018
6333 Lượt xem

(CLV) – Danh hài Thanh Nam nhiều ngày qua rời Kiên Giang đi về giữa TP HCM và Long An để “ngồi ghế nóng” Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018. Dịp này, ông đã trải lòng với những suy nghĩ của một danh hài được đông đảo khán giả yêu thích.

* Phóng viên: Điều gì khiến ông trăn trở, dù ngồi xem liên hoan vốn là ngày hội của giới nghệ sĩ cải lương nhưng ít thấy ông cười?

– NSƯT Thanh Nam: Tôi không vui nổi khi nghĩ về phận mình. Từ tháng 2 năm nay, tôi đã chính thức nghỉ hưu, không còn là nghệ sĩ của Đoàn Cải lương Nhân dân Kiên Giang, không còn là trưởng đoàn. Nhìn tiền đồ của sân khấu cải lương hôm nay, tôi thật sự không khỏi chạnh lòng.

NSƯT Thanh Nam: Không có ngôi sao, cải lương dễ chết - Ảnh 1

NSƯT Thanh Nam

Có thể nói, liên hoan năm nay có nhiều cải tiến trong cách tổ chức, những cam kết để sự đổi mới từ cách chấm giải, nhận xét, đánh giá sẽ hướng tới chất lượng chung của vở diễn, vai diễn. Nhưng nói thẳng một điều mà nhiều khi trong ngày hội vui của giới nghệ sĩ người ta thường né tránh, đó là sân khấu cải lương đã đi tới ngõ cụt.

* Ngay lúc cả nước có hai sự kiện lớn: 100 năm sân khấu cải lương và Ngày truyền thống sân khấu VN gần đến, ông có nghĩ về nguyên nhân?

  • Bệnh nhiều, dồn thuốc nhiều nhưng rồi vẫn triền miên khó thoát khỏi bệnh. Lâu nay ai cũng nói sàn diễn cải lương có chết thì chỉ ở đô thị, nơi có nhiều lựa chọn giải trí nên khán giả không đến rạp. Nhưng xin thưa, hiện ở các tỉnh, thành miền Tây, mảnh đất nuôi sống cải lương, nhiều người cũng đã quay lung với bộ môn này. Diễn phục vụ theo chỉ tiêu của nhà nước khán giả còn không xem, nói chi đến bán vé.

Buồn khi nói thẳng điều này dù đang chào đón hai sự kiện kể trên nhưng không nên che dấu, ngụy biện, mà cần nói ra để nhìn thấy đâu là nguyên nhân. Tôi cho rằng chính vì không có chiến lược cứu cải lương như lộ trình thầy thuốc cứu bệnh nhân qua từng giai đoạn nên dẫn tới nguy cơ lờn thuốc.

NSƯT Thanh Nam: Không có ngôi sao, cải lương dễ chết - Ảnh 2

NSƯT Thanh Nam, Quế Trân và nhạc sĩ Văn Môn tại Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018

* Trước khi trách người thì nên tự trách mình. Ông thấy mình đụng phải hạn chế nào khiến cơ chế hoạt động của cải lương miền Tây đi vào ngõ cụt?

  • Tôi luôn tự hào là người xé rào mà làm. Hồi nào tới giờ, chỉ tiêu của nhà nước yêu cầu mỗi đoàn phải diễn phục vụ từ 50 đến 100 suất trên khắp địa bàn các ấp, xã, huyện thị, để tạo công ăn việc làm cho đoàn, đồng thời phục vụ bà con nông dân. Nhưng từ năm 2006, tôi đã nhìn ra lỗ hổng của việc làm kém hiệu quả này. Có nhiều suất diễn bà con nông dân không xem, chỉ lèo tèo vài ba chục người, rồi nghệ sĩ cứ hát, cứ diễn, hết thì cuốn đồ về, còn không ai xem thì cũng chẳng ảnh hưởng gì vì đã lãnh lương theo cơ chế.

Tôi phá rào, xin được tài trợ thêm ngân sách để tăng cường ngôi sao. Phải có ngôi sao thì bà con mới hứng thú đến xem, hiệu quả hoạt động mới thực sự đúng nghĩa. Ở trên không rót thêm kinh phí thì tôi gom ba, bốn suất lại thành một suất thật mạnh. Thà diễn ít mà suất nào cũng đông.

Cụ thể sau liên hoan, hội diễn, tôi đi xin tiền tài trợ 200 triệu đồng mỗi đợt, đưa cả đoàn lên thuê Nhà hát Lớn TP HCM để diễn phục vụ khán giả đô thị. Đó là vở “Dòng nhớ”. Anh em nghệ sĩ hớn hở lắm, vì được đứng trên sân khấu sang trọng ca diễn, vị thế nghề nghiệp cũng tăng. Từ đó tôi đề xuất hướng giải quyết để cứu cải lương khi nó mới chớm bệnh. Nghĩa là phải có yếu tố ngôi sao. Bỏ qua yếu tố này, cải lương sàn diễn chết.

NSƯT Thanh Nam: Không có ngôi sao, cải lương dễ chết - Ảnh 3

NSƯT Thanh Nam, Lê Chức, Thanh Tuấn và đạo diễn Quốc Khánh (Đoàn cải lương Hương Tràm) tại Liên hoan Cải lương 2018

* Nhưng để đào tạo ngôi sao và khiến họ gắn bó với đoàn hát của địa phương là vấn đề nan giải?

  • Phải học cách ông bà bầu xưa, cưng ngôi sao vì họ là nguồn sáng mang lại hiệu quả cho đoàn hát. Ta cứ kêu gọi chung chung, mà ngôi sao thì có một thời, ai mà hy sinh để uống nước lã đi hát với mình?

* Bây giờ nhìn rõ những hạn chế đó, không lẽ ông bỏ mặc nghề nghiệp của mình, bỏ mặc chiếc nôi nghệ thuật cải lương nuôi ông biết bao năm?

  • Tôi nghẹn lời. Cái nghề mình nâng niu không thể vì những hệ lụy đó mà cam chịu. Tôi nghỉ hưu nhưng sẽ không rời trận địa. Sắp tới tôi sẽ chính thức đề xuất lên UBND Kiên Giang cho thành lập đoàn cải lương xã hội hóa của tỉnh. Tôi sẽ “đứng mũi chịu sào”, quy tụ lực lượng sao, tăng cường yểm trợ cho dàn diễn viên trẻ của tỉnh. Vì theo chủ trương, nhà nước sẽ sáp nhập các đoàn hát về trung tâm văn hóa. Tỉnh nào có đoàn cải lương cũng đều rầu rĩ khi nghe tin này. Và đó là lý do vì sao năm nay Bến Tre, Tây Ninh đến giờ chót không tham gia liên hoan. Tính tôi hễ nói là làm và làm cho đến chết, chứ không chỉ nói cho có.

Làm cải lương theo kiểu danh hài Thanh Nam

Lập đoàn cải lương tư nhân mang tên mình, NSƯT Thanh Nam cho thấy nếu biết làm, cải lương tỉnh lẻ vẫn sống được Đến Kiên Giang đúng mùa...

Đánh giá bài viết
Nguồn bài viết: Người Lao Động

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *