Sáng 22-6, NSND Thanh Tuấn đã có cuộc giao lưu với diễn viên trẻ do HTV tổ chức nhằm vận động họ tích cực tham gia các cuộc thi...
NSƯT Thanh Tuấn từ thợ đan ghế mây thành danh ca vọng cổ
(CLV) – Danh ca Thanh Tuấn không quên cái thưở hàn vi khi còn là anh thợ đan ghế mây
Phóng viên: Khán giả yêu mến tiếng hát của NSƯT Thanh Tuấn với phong cách ca vọng cổ luyến láy, ngân nga mượt mà, truyền cảm, cho đến hôm nay gần chạm tuổi 70, ông vẫn được yêu mến mỗi khi xuất hiện trên sân khấu với các bài ca cổ quen thuộc: “Chuyến xe Tây Ninh”, “Nhớ Nha Trang”, “Cô gái tưới đậu”, “Dòng sông quê em”… Cuộc sống của ông hiện nay như thế nào khi gần như ông chỉ xuất hiện với các chương trình ca cổ?
NSƯT Thanh Tuấn: Không riêng gì tôi, các nghệ sĩ cùng thời với tôi giờ chỉ đếm từng suất diễn với chương trình ca cổ hoặc trích đoạn cải lương. Thèm lắm những suất diễn nguyên vở tuồng với sự hóa thân vào nhân vật. Tôi có may mắn là nhiều bài ca cổ “ruột”, nên đi đến đâu, biểu diễn văn nghệ từ khóm ấp cho tới huyện lỵ, thị trấn bà con cô bác đều yêu cầu ca những bài vọng cổ quen, nên có thu nhập mà trang trải cho cuộc sống, vẫn làm trụ cột đối với gia đình. Tổ nghiệp thương nên từ khi tôi không còn làm quán với chương trình ca cổ, không phải uống quá nhiều bia mỗi tối vì chiều lòng khán giả tới ủng hộ quán của mình, nên sức khỏe rất tốt. Mỗi đêm vẫn có sô ca vọng cổ kiếm tiền chợ. Được biết, ông dự tính sẽ thực hiện chương trình live show kỷ niệm 50 năm dấn thân nghiệp cầm ca. Đêm diễn này có gì “bật mí” với khán giả hâm mộ danh ca Thanh Tuấn? Mọi thứ đều trong vòng phác thảo, tuy nhiên sẽ có hai phần, giới thiệu những bài vọng cổ mới do chính tôi sáng tác và giới thiệu một số trích đoạn cải lương mà khán giả yêu mến tôi khi diễn với NSND Lệ Thủy, NS Phượng Liên, NSND Bạch Tuyết, NSƯT Mỹ Châu, Thanh KIm Huệ, NS Thanh Hằng, NSƯT Phương Hồng Thủy, Thoại Mỹ, Ngọc Huyền, Cẩm Tiên,…
Nhưng điểm nhấn của chương trình chính là tôi cảm ơn đời đã cho tôi bước khởi đầu gian khó, để từ một anh thợ đan ghế mây khi vào Sài Gòn lập nghiệp, tôi đã phấn đấu trở thành danh ca vọng cổ được công chúng yêu mến. Quê tôi ở thôn Thủy Triều, xã Phổ Văn, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Cha tôi là cán bộ tập kết. Mang dòng máu yêu văn nghệ từ nhỏ, ở địa phương vào những mùa lễ hội, tôi được chọn tham gia đội ca, sau đó được thu đài Phát thanh Quảng Ngãi. Khi Phổ Văn đón chào lực lượng cách mạng về địa phương, chuẩn bị gầy dựng cơ sở để chống địch, năm đó tôi 13 tuổi, nhờ có vốn ca hát anh được giao nhiệm vụ Đội trưởng đội văn nghệ thiếu nhi và phân đội trưởng cảnh giác địch. Hơn hai năm tôi hoạt động văn nghệ phục vụ đồng bào, chiến sĩ tại quê nhà. Đến năm 1963, miền quê của tôi bị một trận lũ lụt cuốn trôi hết tài sản của nhân dân. Đời sống bà con Phổ Văn đã nghèo càng nghèo hơn. Nhưng nỗi đau lớn nhất là cuộc càn quét của quân địch, lực lượng trung đội của xã lúc đó quá mỏng không đấu lại quân địch vì nhiều chiến sĩ cách mạng ở Phổ Văn đã anh dũng hy sinh. Tôi sẽ đưa không khí hào hùng này vào chương trình với trích đoạn “Tìm lại cuộc đời” mà đạo diễn NSND Huỳnh Nga đã dàn dựng thành công.
Vậy là ông đến với nghệ thuật cải lương một cách rất đặc biệt?
Sau lần tôi và một số đồng đội núp dưới hầm chống giặc ba ngày đêm tại Phổ Văn, sau đó mới tìm đường quay về nhà. Tôi đã được cha mẹ gởi vào vào Sài Gòn vì sợ bị phát hiện. Tại thành phố này, tôi xin được công việc phụ giúp cho một tiệm thuốc bắc trên đường Thuận Kiều, nhưng rồi không thể tồn tại vì tôi không quen mùi thuốc bắc, sau đó tôi chuyển sang nghề đan ghế mây trên đường Vĩnh Viễn (quận 10 ngày nay). Cuộc sống tưởng đã ổn định với công việc này, đến năm 1964 đoàn cải lương Trăng Mùa Thu (bầu Nho) dọn về biểu diễn tại rạp Thủ Đô, lúc đó cặp đào kép chánh là Đắc Thành và Bích Sơn đã thu hút đông đảo khán giả. Tôi đã xin mấy chú hậu đài dẫn vào rạp xem cọp (không mua vé), đêm nào cũng đi xem, rồi mê đắm nghệ thuật cải lương, để từ đó bằng niềm đam mê cộng với quyết tâm phải dấn thân vào sân khấu để đổi đời, thoát khỏi cảnh cơ hàn của một anh thợ đan ghế mây sống xa gia đình, thiếu thốn trăm bề. Thành công của tôi là sự chịu khó. Dân miền Trung vốn dĩ chịu khó, vì sinh ra ở xứ sở quá nghèo nên rất nghiêm khắc với bản thân, cố gắng vươn lên để khẳng định mình. Có lẽ nhờ vậy mà tôi đã đạt thành tựu như tôi mong muốn. Bây giờ mỗi lần đi ngang qua những tiệm bán ghế mây, tôi nhớ da diết cái thời hàn vi của mình. Yêu lắm cái nghề đan ghế mây công phu, vất vả nhưng vô cùng sung sướng khi nhìn thấy sản phẩm của mình tạo ra sau một ngày lao động.
Cho tới hôm nay, vai diễn nào ông cảm thấy thích thú nhất khi nghĩ về nhân vật và sự hóa thân của mình?
Vai anh kép hát Châu Tuấn trong vở “Khúc ly hương” của đạo diễn Minh Hải là vai diễn tôi thích. Cái hay của nhân vật chính là lòng hy sinh cao cả, dám đứng ra nhận cái thai hoang của người mình yêu, để rồi trong cuộc sống tha hương, khi gặp lại cha của đứa bé, nhân vật là người hàn gắn lại vết thương lòng của một gia đình bị chia cắt bởi gia phong, lễ giáo. Tôi học được ở nhân vật này tấm lòng vị tha cao thượng và hết lòng vì tương lai của thế hệ trẻ tiếp nối sân khấu. Anh kép Châu Tuấn sống xa quê hương, nhưng luôn giữ cội nguồn dân tộc, dạy con mình nghề hát. Thích thú hơn khi đây là vở diễn mang tính thể nghiệm do Hội Sân khấu TP HCM chủ trương trong cách dựng, cách ca và quan trọng hơn là trả lại giá trị sáng tạo độc lập cho dàn nhạc cải lương. NSND nhạc sĩ Thanh Hải đã viết riêng một kịch bản dành cho dàn cổ nhạc và đó là mục đích chính của lần dàn dựng vở “Khúc ly hương”, mở đầu cho một công trình mới “Góp phần bảo vệ và gìn giữ cái hồn của nhạc dân tộc”. Tác phẩm thành công đã minh chứng một chân lý, sàn diễn chuyên nghiệp cần sự giao cảm giữa người đàn và người ca. Do đó, rất cần các nghệ sĩ hiểu và có trình độ nhất định về âm nhạc cải lương. Lúc còn trẻ đã có nhiều lần tôi ỷ lại giọng ca, nên về diễn xuất đã có phần chưa đào sâu. Nhưng khi biết lắng nghe ý kiến đóng góp của các bậc tiền bối như thầy Bảy Trạch, thầy Huỳnh Nga, anh hai Diệp Lang, anh Đoàn Bá, thầy Lương Đống… tôi đã nhận ra sự tồn tại vẻ vang của nghề chính là ca và diễn.
Quả thật, ông định hình ngay từ buổi ban đầu đến với sân khấu là một kép ca, nhưng từ sau nhiều vai diễn đi vào nội tâm nhân vật, khán giả đã bắt gặp ở những nhân vật như: đại úy Huy Bình (“Tìm lại cuộc đời”), Chu Văn An (vở cùng tên), Phạm Lãi (“Tây Thi”), A Khắc Chu Sa (“Người tình trên chiến trận”)…cá tính sáng tạo rất riêng. Ông đúc kết được bài học gì qua những vai diễn này?
Tôi thích khám phá cái mới. Để ca diễn tốt phải có thời gian tìm hiểu kỹ về nó, ví như dân ca miền Trung thì phải sâu lắng, miền Nam thì mênh mang, miền Bắc thì thâm thúy, và người hát dân ca, cũng như nghệ sĩ cải lương nói chung khi thể hiện bài bản mỗi miền phải thể hiện đúng phong cách. Vấn đề đặt ra là tự học rồi sàng lọc, không phải ôm hết mọi thứ hay của người khác, rồi bản thân mình chỉ là một bản sao. Tôi ghét nhất là đốt cháy giai đoạn dễ làm cho vai diễn bị hỏng. Phải nuôi cảm xúc lớn dần lên qua từng buổi tập, để truyền đến khán giả tình cảm và nói lên được thân phận nhân vật. Bài học từ nhân vật dành cho tôi chính là sự kiện nhẫn, vì có nó tôi mới thoát khỏi kiếp anh thợ đan ghế mây, để trở thành người nghệ sĩ được công chúng yêu mến.
(CLV) – Tái ngộ khán giả trên sân khấu của Dấu ấn huyền thoại, NSND Thanh Tuấn đưa người mộ điệu trở về không gian thấm màu ký ức,...
(CLV) – Khán giả của chương trình Dấu ấn huyền thoại sẽ được gặp gỡ và lắng nghe câu chuyện về cuộc đời hoạt động nghệ thuật của danh...
Bài viết khác
Bình luận
Bài viết nổi bật
-
Tây Thiên Vũ Khúc
26/05/2023.135308 -
30 nghệ sĩ nổi tiếng tham gia MV ca cổ “Sài Gòn, ngày vui trở lại” của NSƯT Hữu Quốc
11/09/2021.98832 -
Vũ Luân: 2 lần định kết hôn bất thành và cuộc sống độc thân tuổi 51
10/07/2023.95650 -
Phương Cẩm Ngọc đạt nhất tuần đầu tiên Sao Nối Ngôi mùa 4
04/04/2019.94095
Để lại một bình luận