NSƯT Thoại Mỹ kể về nỗi đau khi một bên chân teo nhỏ năm 32 tuổi

NSƯT Thoại Mỹ kể về nỗi đau khi một bên chân teo nhỏ năm 32 tuổi

Chưa phân loại
28/04/2017
652 Lượt xem

“Niềm đam mê nghề là động lực giúp tôi vượt qua tất cả bất hạnh trong đời…”, NSƯT Thoại Mỹ mở đầu câu chuyện về cú sốc khủng khiếp ở tuổi ngoài 30 của mình.

Cuộc đời tôi đoạn trường lắm, nhưng khổ tận cùng tôi vẫn chưa bao giờ có ý nghĩ bỏ nghề hát. Một ngày đang hát tôi thấy cổ mình đau rát, ca một câu vọng cổ mà hư tới 4, 5 chữ.

Tôi đi bác sĩ khám. Họ nói dây thanh quản của tôi có những cục hạt rất to. Cho dù mổ, nó vẫn có nguy cơ mọc lại và khả năng không hát được rất cao.

Đối với một nghệ sĩ cải lương đang được khán giả mến mộ như tôi đó là chuyện đau đớn nhất. Cảm tưởng như cánh cửa sân khấu khép lại ngay trước mắt.

Tôi khóc nhưng tôi không bỏ cuộc. Tôi kiên trì tập vật lý trị liệu để những cục hạt đó nhỏ lại và dần dần tôi hát được trở lại.

Vừa mừng vì lại được đứng trên sân khấu thì tôi bị tai nạn trong một lần tập tuồng. Cảnh đó, tôi phải đánh kiếm và nhảy từ trên cao xuống. Tôi bị té vỡ khớp gối.

Nhưng vì lúc ấy quá nghèo, tôi không có điều kiện điều trị tới nơi tới chốn nên vài năm sau tôi bị chứng teo một bên chân như người sốt bại liệt.

Nghệ sĩ Thoại Mỹ ở tuổi 48 vẫn trẻ trung và xinh đẹp.

Nghệ sĩ Thoại Mỹ ở tuổi 48 vẫn trẻ trung và xinh đẹp.

Bó thuốc một thời gian, tôi vẫn đau nhưng thấy đi được nên chủ quan không tới viện kiểm tra lại. Cứ nghĩ do mình bị chấn thương nên mới vậy. Cơn đau vẫn đến nhưng tôi đều cho qua để tiếp tục đi hát.

Cho tới một ngày, tôi phát hiện ra bắp đùi và bắp chân teo nhỏ lại so với chân bên kia. Đang đứng tôi bị sụm xuống. Nhưng lúc biết thì đã quá muộn.

Tôi hớt hải tới bác sĩ. Họ chụp X-Quang, chụp emprise mới phát hiện ra khớp gối ở chân bị té vài năm trước đã vỡ như một cái gương. Thậm chí bác sĩ không tìm được dây chằng để nối lại.

Tôi ngửa mặt lên trời khóc. Tôi nghĩ sao mình lại bất hạnh đến vậy…

Nhưng rồi trời thương cho tôi gặp được thuốc hay, thầy giỏi. Bác sĩ mổ chân cho tôi, lấy bánh chè tách ra để tái tạo dây chằng và bắt ốc giữ các mảnh vở của khớp.

Sau ca phẫu thuật, tôi đối mặt với một thời gian dài tập luyện vật lý trị liệu. Tập cho cơ nở ra để chân có sức chịu đựng, tập để chân đi không có tật.

Thời gian đầu, thậm chí tôi không nâng được bàn chân lên. Bác sĩ cho tôi tập tạ chân bằng cách để một nắm gạo lên mu bàn chân, dần dần cột nửa lon gạo, rồi một lon, rồi nửa ký rồi một ký…

Vừa tập, tôi vừa phải chạy điện trong 6 tháng liên tục. Sau đó tập đứng trên chiếc bàn không thăng bằng để chân chịu lực cơ thể khi mình gồng lên, kịch cơ chân hoạt động lại…

Nghệ sĩ ưu tú Thoại Mỹ, Ngọc Huyền, Kim Tử Long đang làm giám khảo cuộc thi Đường đến danh ca vọng cổ.

Nghệ sĩ ưu tú Thoại Mỹ, Ngọc Huyền, Kim Tử Long đang làm giám khảo cuộc thi Đường đến danh ca vọng cổ.

Ròng rã ngày này qua ngày khác. Tháng này qua tháng khác suốt mấy năm trời. Cứ mỗi lần nhớ sân khấu, tôi chảy nước mắt. Nhưng mỗi lần như thế, tôi lại có động lực để cố gắng.

Tôi đâu còn sự lựa chọn nào khác ngoài cố gắng tập luyện. Nếu tôi buông xuôi, chữa trị dang dở như lần trước thì rất có thể tôi sẽ không bao giờ được bước chân lên sân khấu nữa.

Thậm chí, suốt quãng đời còn lại tôi phải sống với cái chân bị teo, đi đứng bằng nạng… Nghĩ đến thế, tôi nuốt nước mắt vào lòng, gồng lên tập luyện!

Và cuối cùng tôi đi lại được. Tôi chạy lên sân khấu mà lòng vui như một đứa trẻ có được lâu đài hằng mơ ước. Vui là thế mà nước mắt cứ chảy tràn xuống má không sao ngăn lại được.

Trước tết năm ngoái, tôi đi khám lại chân. Bác sĩ đề nghị tôi mổ thay khớp. Hai khớp gối của tôi vá toàn bộ giống như miếng gương bị vỡ được vá lại bằng băng dính.

Càng ngày khớp càng giòn và có nguy cơ vỡ vụn bất cứ lúc nào vì khô dịch. Nhưng tôi nói, tôi còn đi được, thậm chí vẫn mang được guốc nên không mổ.

Bác sĩ chụp emprise cho tôi xong nói: “Khám cho chị xong, coi hình, tôi không biết sao chị có thể đi lại được”.

Cuộc đời tôi gần như mang chữ bệnh vào người. Tôi mổ không biết bao nhiêu lần. Mổ xoang, mổ ruột, mổ chân…

Nghệ sĩ ưu tú Thoại Mỹ trong đêm giao lưu với khán giả phòng trà WE tối ngày 8-12 (ảnh: Tuổi trẻ)

Nghệ sĩ ưu tú Thoại Mỹ trong đêm giao lưu với khán giả phòng trà WE tối ngày 8-12 (ảnh: Tuổi trẻ)

Sức khỏe của tôi không được như người khác, lại càng không được như ý tôi. Nói đúng hơn, tôi là người không có sức khỏe.

Biết mình như thế nên mỗi đêm diễn, dù diễn không được tôi cũng ráng và chấp nhận mọi rủi ro. Bước lên sân khấu hát, tôi luôn nghĩ như mình đang hát đêm cuối cùng…

Và nếu có kiếp sau, tôi nguyện xin ông Tổ cho tôi được đi hát tiếp.

Nghệ sĩ Ưu Tú Thoại Mỹ tên thật Nguyễn Thị Ngọc Mỹ. Cô bắt đầu đi hát cải lương vào năm 11 tuổi với sự dìu dắt của chị Thoại Miêu và Út Trong là người đã dạy Thoại Mỹ hát cải Lương.

Duyên nghề – Khoảng thập niên 50 của thế kỷ trước, cha mẹ của Thoại Mỹ rời quê hương Quảng Nam – Đà Nẵng vào Sài Gòn lập nghiệp. Cũng chính nơi đây họ đã sinh cô con gái Thoại Mỹ. Nhìn gương mặt xinh xắn như thiên thần của con, cha mẹ cô cẩn thận chọn cái tên Nguyễn Thị Ngọc Mỹ để hy vọng tương lai của con sẽ được tốt lành, hạnh phúc.

Nhà có tới 12 anh, chị em nên cuộc sống gia đình Ngọc Mỹ trở nên chật vật hơn bao giờ hết, cô bé Ngọc Mỹ sớm phải bươn chải với cuộc sống.

Trong sự nghiệp, cô đã có rất nhiều giải thưởng danh giá:

Năm 1990 Thoại Mỹ đoạt huy chương Bạc tại Liên hoan sân khấu toàn quốc, vai Lan trong vở Giũ áo Bụi Đời.

Năm 1992 Thoại Mỹ đạt huy chương Vàng Giải Trần Hữu Trang trong vai Hồng Phụng, tuồng Ngọc Kỳ Lân.

Ðạt huy chương vàng, huy chương bạc giải mai vàng do bạn đọc báo người lao động bình chọn là diễn viên xuất sắc. Diễn thành công nhất là tướng Ngọc Kỳ Lân trong vai nữ soái Hồng Phụng[1].

Năm 1992, là diễn viên được yêu thích nhất do báo Sân khấu và Hội Sân khấu tổ chức trưng cầu ý kiến đọc giả và khán giá.

Năm 1995 Là diễn viên xuất sắc giải Trần Hữu Trang được yêu thích nhất do Báo Sân khấu và Hội Sân khấu tổ chức trưng cầu ý kiến.

Năm 1995 đoạt giải Mai Vàng, vai Võ Tắc Thiên trong vở Thái Bình Công Chúa.

Ngày 12 tháng 09 năm 2003 Huy chương vì sự nghiệp sân khấu.

Năm 2003 Giải mai vàng do báo người lao động bình chọn (vai Lan – Lời Thú Tội Muộn Màng).

Năm 2003 Huy Chương Văn Hóa…..

* Ghi theo lời kể của NSƯT Thoại Mỹ.

theo Trí Thức Trẻ


Đánh giá bài viết

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *