NSƯT Vũ Luân: "Muốn tồn tại, cải lương phải… tiếp thị"

NSƯT Vũ Luân: "Muốn tồn tại, cải lương phải… tiếp thị"

Chưa phân loại
11/10/2018
553 Lượt xem

Đến với khán giả công nhân tại Công ty Pou Yuen – Bình Tân, TP HCM trong những chương trình “Đưa cải lương đến với công nhân”, NSƯT Vũ Luân đã khẳng định cải lương muốn tồn tại phải tiếp thị mạnh mẽ, không thể buông thả mà phải biết lắng nghe.
Các suất diễn giao lưu của NSƯT Vũ Luân bao giờ cũng cầm chân khán giả công nhân ở lại đến cuối chương trình. Anh không chỉ mời công nhân lên sân khấu song ca vọng cổ mà còn lắng nghe phản hồi từ khán giả công nhân qua những sản phẩm nghệ thuật mà nghệ sĩ cải lương đã “sản xuất”.
“Chúng tôi cũng ví như công nhân, muốn sản xuất tốt phải biết cách lắng nghe thị hiếu người tiêu dùng. Tuy nhiên, nghệ thuật khác hàng hóa vì đó là món ăn tinh thần, do vậy rất cần cầu toàn những ý kiến đóng góp, xem khán giả công nhân thích gì, muốn được thưởng thức “món ăn ngon”, nghệ sĩ phải điều chỉnh, phải chế biến cho hợp “khẩu vị” – NSƯT Vũ Luân đã nói, sau khi diễn một lớp vai Vịnh trong vở “Hồn của đá” vừa mang về cho anh HCV tại Liên hoan cải lương toàn quốc 2018 tại Long An.

Lắng nghe ý kiến khán giả công nhân để nâng cao chất lượng sản phẩm là điều mà NSƯT Vũ Luân thường xuyên thực hiện

Lắng nghe ý kiến khán giả công nhân để nâng cao chất lượng sản phẩm là điều mà NSƯT Vũ Luân thường xuyên thực hiện


Trên thực tế, hoạt động tại các rạp hát cải lương không còn xôm tụ như trước. Một số đoàn nghệ thuật quốc doanh vẫn quen làm với cách thích ăn xổi, chưa tạo sự sáng tạo mới cho cải lương.
Từ sau một loạt vở được đánh giá cao khi đưa đến công chúng như: “Hòn vọng phu”, “Tổ quốc nơi cuối con đường”, “Thái hậu Dương Vân Nga”, “Thích khách Tần Thủy Hoàng”, “Lối về”, “Hòn của đá”, “Rạng ngọc Côn Sơn”… đã mở ra một xu hướng mới cho các vở diễn xã hội hóa đi vào đời sống sàn diễn.
“Đó là hiệu ứng của việc chúng tôi lắng nghe ý kiến khán giả, để chọn lựa kịch bản phù hợp với nhu cầu người xem. Còn với khán giả học sinh, sinh viên và công nhân, những sản phẩm đưa lên các trang mạng xã hội cũng cần được chắc lọc, không thể tùy tiện sẽ dẫn đến những hệ lụy nhàm chán.
Chính vì một số game show cứ đưa những trích đoạn quá cũ, không được đầu tư, khiến các bạn trẻ nghĩ cải lương sao mà dở quá” – NSƯT Vũ Luân thẳng thắn thừa nhận sự yếu kém trong khâu biên tập của một số chương trình game show khiến cho nghệ sĩ cải lương bị ảnh hưởng.
NSƯT Vũ Luân và NS Trinh Trinh trong vở cải lương "Hồn của đá" - vai Vịnh mang về cho anh HCV tại Liên hoan cải lương toàn quốc 2018

NSƯT Vũ Luân và NS Trinh Trinh trong vở cải lương “Hồn của đá” – vai Vịnh mang về cho anh HCV tại Liên hoan cải lương toàn quốc 2018


Anh cũng nêu ý kiến, Quỹ hỗ trợ Văn hóa TP HCM cần đầu tư kinh phí cho một số đoàn cải lương xã hội hóa để có thể dàn dựng vở mới mang tính thể nghiệm, khám phá hình thức biểu diễn.
“Điều cải lương cần không phải là ai bỏ vốn ra nuôi sống mà vấn đề quan trọng là đã đến lúc cải lương phải tiếp thị sản phẩm trong cơn chế thị trường. Lâu nay khâu quảng cáo trên các phương tiện thông tin về cải lương không mấy hấp dẫn, lôi cuốn. Do đó, muốn những vở mới tạo sự chú ý, thì mô hình tiếp thị phải được chú trọng.
Làm sao bên cạnh việc dàn dựng cho thật tốt, cải lương cần tự giới thiệu về mình như giới thiệu một sản phẩm mới. Bây giờ đầy đủ công nghệ, ai cũng có trang cá nhân trên diễn đàn mạng, việc tiếp thị hình ảnh nghệ sĩ cần chắc lọc và thông minh” – NSƯT Vũ Luân khẳng định.
NSƯT Vũ Luân, NSND Bạch Tuyết và NS Tú Trinh trong vở "Nhân danh công lý"

NSƯT Vũ Luân, NSND Bạch Tuyết và NS Tú Trinh trong vở “Nhân danh công lý”


Thật vậy, tiếp thị cho sân khấu cải lương dường như chưa được hiểu đúng nghĩa. Ở đây không chỉ đòi hỏi việc quảng cáo bằng băng rôn, tờ bướm chương trình hay những áp-phích dán đầy đường, mà là cách hợp lực của nhiều nghệ sĩ, đồng lòng bỏ chút thời gian tổ chức những buổi giao lưu vào những buổi sáng thứ bảy, chủ nhật hàng tuần để giới thiệu đợt hoạt động mới của mỗi đoàn. Qua đó có sự tương tác trực tiếp trên các trang mạng xã hội.
“Chính cách làm này sẽ xóa dần khoảng cách giữa khán giả với nghệ sĩ, để qua những buổi giao lưu, hỏi đáp những thắc mắc về vở diễn, về vai diễn mới, người nghệ sĩ sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp để hoàn thiện cách diễn và khán giả sẽ đến rạp khi khai trương kịch bản mới.
Riêng về chiến lược phát triển khi cải lương đã được tiếp thị căn cơ là không để các vở mang tính thương mại hóa. Bởi, xét về mặt tồn tại, cải lương luôn mang màu sắc mùi mẫn, bi thương. Có biết bao đoàn cải lương thử nghiệm đẩy nhanh tiết tấu, phá bỏ không gian vốn đã quen thuộc với khán giả cải lương, hậu quả doanh thu kém, chất lượng không như mong muốn.
Ở đây, khâu quan trọng nhất trong việc giữ nhịp độ mùi mẫn cho cải lương chính là dàn nhạc cổ” – NS có vai diễn Lê Quyết để đời – vai diễn đã mang về HCV xuất sắc giải Trần Hữu Trang 2007 đã nói.
NSƯT Vũ Luân, NSND Ngọc Giàu và NS Trinh Trinh trong vở "Mẹ mãi trong đời con"

NSƯT Vũ Luân, NSND Ngọc Giàu và NS Trinh Trinh trong vở “Mẹ mãi trong đời con”

Ý kiến người trong cuộc

NSND Ngọc Giàu: “Nhà nước phải hỗ trợ kinh phí cho các đoàn cải lương xã hội hóa. Vì có được phần kinh phí đó nghệ sĩ mới tập trung sáng tạo những thể nghiệm mới, không sợ áp lực của phòng vé vì đời sống anh em diễn viên đã được quan tâm và ổn định để có thể dồn sức cho sáng tạo”.
NSƯT Trường Sơn: “Dựng vở cũ để tạo sức hút ban đầu, về lâu về dài các đoàn xã hội hóa phải dựng vở mới về cuộc sống đương đại để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người xem. Nếu xét về đồng vốn bỏ ra, thì vở mới rất khó thu hồi và tái sản xuất như vở cũ.
Do tâm lý chung nên hầu hết các đoàn xã hội hóa vẫn chọn kịch bản cũ, vì đỡ mất thời gian tập, yên tâm vì khán giả biết nội dung xem được, còn vở mới mang tính thể nghiệm thì cực kỳ khó bán vé. Tuy nhiên vở mới sẽ dễ dàng tiếp thị và là mảnh đất màu mỡ cho diễn viên trẻ sáng tạo”.
NS Vân Hà: “Cách tiếp thị cho sân khấu cải lương đã có rất lâu, từ thời bà bầu Kim Chưởng, ông bầu Duy Ngọc cho xe chạy rao khắp nơi. Ngày nay khó mà có thể cuốn hút người xem đến với cải lương khi những tờ bướm in lem luốc, áp-phích có dán đầy tường nhưng chữ viết còn sai chính tả, hình ảnh thì đen đúa.
Chưa kể đến việc câu từ, ngôn ngữ tự giới thiệu về mình quá luộm thuộm, dong dài…do đó cải lương khó mà thu hút khán giả. Ngày nay các loại hình ca nhạc, kịch nói có kiểu tiếp thị rất sang trọng, có trình độ trên các trang mạng xã hội đáng để sân khấu cải lương học tập trong cách tiếp thị”.

Bài và ảnh: Thanh Hiệp


Đánh giá bài viết

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *