"Ông bầu" Hoàng Song Việt: "Tôi muốn thay đổi khán giả"

"Ông bầu" Hoàng Song Việt: "Tôi muốn thay đổi khán giả"

Chưa phân loại
14/04/2018
530 Lượt xem

Sáng 30-9, Nhà hát Trần Hữu Trang tổ chức họp báo giới thiệu một chương trình cải lương mới mang tên “Thắp sáng niềm tin”, qui tụ 30 huy chương vàng triển vọng Trần Hữu Trang, với tham vọng đổi mới, không chỉ phong cách dựng – diễn mà còn thay đổi cả… khán giả cải lương.

Những dấu ấn không phai - chương trình có góp tay của Hoàng Song Việt

Những dấu ấn không phai – chương trình có góp tay của Hoàng Song Việt


Chương trình này do một ông bầu trẻ: tác giả Hoàng Song Việt “chủ xị”. Tuổi Trẻ gặp anh vì tham vọng này.
* Trước hết xin hỏi nguyên cớ nào mà đang viết, chuyển thể kịch bản khỏe thân, bỗng dưng anh nhảy sang “làm bầu” vậy? Làm cách nào để anh cân bằng thu chi và đối phó sự “nhức đầu” nhất của cải lương là catsê diễn viên, để chương trình có thể tồn tại, khi có đủ mặt Vũ Linh, Kim Tử Long, Thanh Thanh Tâm, Thoại Mỹ…?

hoang song viet

Bị sốt bại liệt, một chân teo lại từ nhỏ và phải bỏ học khi chưa hoàn thành cấp II, nhưng ngay từ nhỏ đã thuộc nhiều bài bản cải lương, có thể tự viết lời mới, đến nay Hoàng Song Việt đã là một cái tên uy tín, viết khỏe nhất trong hàng các soạn giả cải lương trẻ. “Gia tài” của anh là hàng trăm kịch bản, kể cả video lẫn sân khấu, là tác giả chuyển thể, biên tập chương trình của một hãng băng đĩa lớn.

– Một thời gian dài làm video, tôi nghe nhiều anh chị nghệ sĩ ước là giá ai đó đứng ra tổ chức cho họ hát. Bản thân tôi cũng thích không khí biểu diễn mỗi đêm nên đứng ra làm. “Hội ngộ tài năng” đã tổ chức được sáu chương trình cả thảy. Đó là chương trình mà chúng tôi mời tất cả ngôi sao tham gia, không trừ bất kỳ ai, mục đích là để rạp Hưng Đạo sáng đèn.
Trước khi làm, thỏa thuận với nhau là sau mỗi đêm diễn sẽ trích ra một số tiền hoàn vốn – tái đầu tư, còn lại sẽ công khai ký vào bảng catsê tùy số thu, không bù lỗ, trả thêm. Kết quả là có những đêm Vũ Linh chỉ lãnh 1 triệu đồng, thậm chí 800.000 đồng. Cùng chấp nhận hi sinh với nhau, cho đến nay thì chỉ Song kiếm uyên ương là chưa hoàn vốn, còn mấy vở kia đã có lời.
* Vậy “Thắp sáng niềm tin” sẽ khác gì so với “Hội ngộ tài năng”?
– Đây là một chương trình hoàn toàn khác, sẽ chỉ bao gồm các diễn viên trẻ đoạt giải Trần Hữu Trang từ lứa tuổi Thoại Mỹ trở về sau, với mục đích kế thừa và phát triển cải lương, song song với chương trình “Những dấu ấn không phai” của các nghệ sĩ U-50, U-60 mang tính chất bảo tồn.
Các vở diễn có đề tài đương đại, được viết mới, giao hẳn cho các đạo diễn khai thác yếu tố mới trong dàn dựng, chỉ đạo diễn xuất sao cho các ngôi sao trẻ không chỉ được làm nghề mà còn được xuất hiện với phong cách diễn mới. Đã có bốn kịch bản được chọn triển khai, và trước mắt trong tháng mười chương trình sẽ bắt đầu với hai vở.
* Thực hiện tham vọng đổi mới khán giả cải lương, anh đã gặp phải điều gì?

Chương trình “Thắp sáng niềm tin” sẽ khai trương vào đêm 15-10 tại rạp Hưng Đạo. Đêm khai diễn này sẽ gồm có bốn trích đoạn của bốn vở diễn mới: Cung đàn nào cho em – tác giả Huỳnh Anh, đạo diễn Hoa Hạ; Trời Nam – tác giả Lê Duy Hạnh, đạo diễn Thanh Tòng; Bông ô môi – tác giả Vĩnh Lộc – Hữu Tài, đạo diễn Nguyễn Quân; Ảo ảnh tình – tác giả Hoàng Song Việt, đạo diễn Vũ Minh.

Ngoài ra sẽ có các tiết mục ca lẻ của các HCV triển vọng Trần Hữu Trang từ các đoàn tỉnh tham gia như Hoàng Nhất, Lịch Sử, Hoa Phượng (Cà Mau), Tuyết Ngân (Long An), Duy Thanh (Đồng Nai), Nhơn Hậu (Tiền Giang), Ngọc Trắng, Lam Tuyền, Ngọc Nhung (Cần Thơ)…

– Một thời gian dài làm chương trình tại rạp Hưng Đạo, điều làm tôi đau đầu không phải là nghệ sĩ nữa mà chính là khán giả. Mỗi chương trình có khán giả riêng, nhưng tôi mê nhất chỉ là khán giả của “Những dấu ấn không phai”.
Họ đến với ước muốn gặp lại các ngôi sao một thời: Lệ Thủy, Minh Vương, Diệp Lang… Họ cũng hỏi mua vé tốt, nhưng nếu không có thì sẵn lòng ngồi hàng bên, chứ không như nhiều fan hiện đại, đến trễ, luôn tuyên bố “tui chỉ ngồi hàng 1, hàng 2”, trịch thượng vung tiền mua vé chợ đen, không chịu mua vé trong quầy lại còn nói cạnh khóe nhân viên bán vé.
Sự hâm mộ thái quá nhiều khi cũng dẫn đến những biểu hiện kỳ cục, như chàng kép mà họ hâm mộ phải hát với cô đào A. Hát với đào B thì lập tức đào B ra về sẽ bị một nhóm đứng ngoài chửi đổng. Đào A đang hát cho kép của nhóm này mà cùng nhận lời hát cho nhóm khác thì bị chửi là “đồ phản bội”… Khán giả vào rạp còn ăn quà, đi trễ, tác phong chưa đứng đắn…
* Nhưng vé chợ đen nếu không từ chính mình tuồn ra thì còn ở đâu? Những biểu hiện trên lâu nay ai cũng thấy, muốn khắc phục cũng đành bó tay, nói chi đến đổi mới?
– Lần này chúng tôi sẽ kiên quyết xóa bỏ tệ vé chợ đen bằng cách kiểm soát chặt chẽ số vé mời. Vì là chương trình doanh thu nên sẽ chỉ có vé cho báo đài một suất nhất định, sau đó xóa sổ các dạng vé ưu tiên, kể cả vé cho diễn viên, và ngay cả giám đốc. Sẵn sàng từ chối những khán giả không tuân thủ nội qui khán phòng – mời họ ra ngoài, trong khi cách cổ động trực quan cho vở diễn sẽ khác, nhân viên soát vé sẽ mặc comlê, thắt nơ, điều kiện phục vụ lịch sự hơn hẳn.
Tôi tin rằng khi bước vào một căn nhà sạch sẽ tiện nghi, khách sẽ tự dưng muốn nghiêm chỉnh hơn. Điều này dần dà sẽ làm thay đổi ý thức khi đi xem. Ngoài ra, trong tháng mười hai, chúng tôi sẽ tổ chức 4-6 suất diễn dành cho sinh viên các trường đại học để mời lớp khán giả trẻ, trí thức này đến xem cải lương mới có tiết tấu, diễn xuất, dàn dựng ra sao, hi vọng sẽ tạo thói quen mời gọi họ đến rạp và tạo được một lớp khán giả mới.

HOÀI HƯƠNG


Đánh giá bài viết

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *