Ông hoàng cải lương và mối tình kỳ lạ với cô bán cơm

Ông hoàng cải lương và mối tình kỳ lạ với cô bán cơm

Chưa phân loại
16/05/2017
607 Lượt xem

Rồi dần dà, người ta mới biết, hóa ra lý do để ông vua vọng cổ khoái cơm bình dân, mà chỉ mê đúng cơm của tiệm này, không chỉ là ông có thói quen ăn uống giản dị, mà còn để… ngắm cô con gái duyên dáng của chủ quán cơm.

Nhắc đến nghệ sĩ Út Trà Ôn thì ngay cả người không quan tâm đến nghệ thuật cải lương cũng nghe danh. Út Trà Ôn được vinh danh là “ông vua vọng cổ”, bởi ông không chỉ để lại một gia tài lớn cho nghệ thuật cải lương nước nhà,mà người ta còn nhớ đến ông như một người đàn ông đào hoa nhưng nhất mực thủy chung…

Danh ca nhận thù lao tương đương một lượng vàng

Nghệ sĩ Út Trà Ôn, tên thật là Nguyễn Thành Út, sinh năm 1918 tại Trà Ôn, Vĩnh Long. Sinh ra trong một gia đình bần nông, không dính dáng gì đến đàn ca hát xướng, lớn lên nối tiếp cha mẹ làm ruộng kiếm sống. Nhưng không hiểu sao, trong người nông dân chân chất trẻ tuổi ấy lại âm thầm có dòng chảy nghệ thuật.

Cố NSND Út Trà Ôn

Cố NSND Út Trà Ôn

Chàng trai Mười Út có giọng ca rất hay và mùi mẫn. Ngày ấy, ở làng quê Nam bộ, mỗi khi nghỉ ăn cơm trưa hoặc sau mỗi buổi đồng áng xong hoặc những đêm trăng thanh gió mát, các bạn nhà nông thường quây quần hát vọng cổ cho nhau nghe. Út Mười nổi tiếng trong làng trong xã vì cái giọng hát ngọt lịm, cao vút, mỗi khi cất lên sáu câu vọng cổ là chung quanh phăng phắc lắng nghe. Chính bà con làng xóm là những người đã xúi chàng nông dân Út Mười bỏ làm ruộng đi theo nghiệp ca hát.

Nghe tin có gánh hát ở miệt Sa Đéc đang tuyển chọn đào kép để lập gánh, chòm xóm xúi quá, anh đánh liều đi thi. Người tuyển chọn, ông chủ gánh vừa nhìn thấy mặt chàng Út quê mùa, nông dân liền lắc đầu chê: “Cái thằng này coi tướng xấu quá làm sao làm kép được bây?”.

Thế nhưng, khi Út cất giọng lên thì ông bầu thay đổi hoàn toàn: “Trời, tuy cái mặt nó xấu vậy chứ nó cất giọng lên thì mấy thằng kép đẹp xách dép cũng không bằng!”. Từ đó, anh nông dân Nguyễn Thành Út trở thành kép chính của đoàn.

Nhan sắc không đẹp có thể dùng phấn son tô điểm, còn chất giọng của Út, thì quả là vật báu của đoàn hát Tiến Hóa. Nhờ có Út mà đoàn hát danh tiếng lên vùn vụt, đêm diễn nào cũng chật kín khán giả, bầu tha hồ đếm tiền mỏi tay.

Rồi anh nông dân Nguyễn Thành Út càng ngày càng nổi tiếng, các ông bầu đoàn lớn săn đón để mời anh về thủ kép chính trong đoàn mình. Năm 1937, Mười Út được người quen giới thiệu với đài phát thanh Sài Gòn và từ đó chính thức có nghệ danh Út Trà Ôn, ghép từ cái tên Út và xứ sở Trà Ôn quê ông.

Đào hoa nhưng chung thủy

Danh tiếng, tài hoa là vậy, giọng ca hay diễn ngọt là vậy, nên chuyện Út Trà Ôn được nhiều cô gái say mê, thầm yêu trộm nhớ là chuyện không lạ. Nhưng Út Trà Ôn lại được tiếng là người đàn ông nhất mực thủy chung. Cả cuộc đời ông chỉ có một gia đình duy nhất, là người vợ mà ông yêu thương và 6 người con.

Là một danh ca, nhưng nghệ sĩ Út Trà Ôn lại gặp vợ – một người phụ nữ bình dân trong hoàn cảnh cũng hết sức… bình dân. Nghệ sĩ nổi tiếng với cát-xê cao ngất, nhưng Út Trà Ôn không phải là khách quen của những nhà hàng đám tiệc sang trọng. Ông vẫn có thói quen hàng ngày lui tới ở một quán cơm bình dân nằm trong hẻm, quán chuyên bán cho sinh viên, công nhân, thậm chí ông còn đăng kí cả cơm tháng.

Cứ mỗi lần Út Trà Ôn đến quán ăn, là trẻ con, người mộ điệu bu chật trước quán để xem mặt ông danh ca thích ăn cơm bình dân. Rồi dần dà, người ta mới biết, hóa ra lý do để ông vua vọng cổ khoái cơm bình dân, mà chỉ mê đúng cơm của tiệm này, không chỉ là ông có thói quen ăn uống giản dị, mà còn để… ngắm cô con gái duyên dáng của chủ quán cơm.

Hồi đó, vợ ông trẻ măng, mặt mũi xinh xắn, tính tình chân chất, thật thà, có lẽ Út Trà Ôn yêu bà là vì thế, dù thế giới chung quanh ông nhiều hoáng nhoáng và không ít mỹ nhân sẵn lòng nâng khăn sửa túi cho ông.

Vợ Út Trà Ôn cũng đáp lại tấm tình ấy, vì bà ngưỡng mộ ông đã từ lâu qua băng, đĩa, đến khi gặp lại ngỡ ngàng thấy một Út Trà Ôn không “già” như giọng ca, không cao sang như tưởng tượng mà lại rất gần gũi, ăn nói có duyên…

Lấy nhau về, bà cùng ông đi qua bao vinh quang cũng như trắc trở của nghề hát. Trong kí ức những người con của Út Trà Ôn, hình ảnh người cha giữa vòng vây người hâm mộ, được các cô gái xúm xít chung quanh xin chữ kí, bắt tay, thậm chí ôm chầm lấy là không ít.

Và để có được một Út Trà Ôn thủy chung nhất mực với gia đình, phải kể đến sự khéo léo, ứng xử tuyệt vời của vợ Út Trà Ôn. Chưa bao giờ bà tỏ ra ghen với những bóng hồng chung quanh ông. Thậm chí, có người con gái đứng cạnh vồ vập, muốn lôi kéo sự chú ý của Út Trà Ôn, bà cũng chỉ mỉm cười độ lượng.

Con cái trong nhà cũng kể, chưa bao giờ thấy má ghen ba, kể cả khi bao nhiêu cuộc điện thoại nặc danh nói xằng bậy, những lá thư tình gửi liên tiếp đến nhà, má cũng coi như không. Vững chãi, thong thả, bản lĩnh là những gì con cái Út Trà Ôn nhớ về má mình.

Thực ra, đâu phải bà không biết ghen, đã yêu thì phải có ghen tuông. Nỗi lòng của bà, chỉ có một lần bà bộc bạch trước đám đông: “Ớt nào mà ớt chẳng cay nhưng đã chấp nhận làm vợ nghệ sĩ thì không ghen. Bí quyết của tôi là giữ vững uy tín cho chồng, vì thần tượng của mọi người cũng chính là thần tượng của tôi!”. Chính Út Trà Ôn cũng nhiều lần nói về vợ mình, là người “nổi tiếng không biết ghen”.

Vợ chồng họ cũng đã dìu nhau bước qua những ngày khốn khó của nghệ thuật cải lương. Khi mà các sân khấu ít sáng đèn, nhiều đêm, người nghệ sĩ vang bóng một thời đã trắng đêm vì buồn cho nghệ thuật cải lương, cho thân phận mình, thì chính người vợ là người rơi những giọt nước mắt chia sẻ cùng chồng.

Trong những ngày gia đình gian khó, Út Trà Ôn không có nhiều vai diễn, vợ Út Trà Ôn đã phải tần tảo gánh gồng kinh tế của gia đình. Nhưng Út Trà Ôn, lại cũng rất đàn ông và tự trọng. Ông luôn nói rằng, khán giả còn thương thì không lo đói. Tôi sẽ gánh việc nhà, bà chỉ việc lo săn sóc dạy dỗ các con…

Sáu mươi tuổi, Út Trà Ôn còn lục tục dắt con gái Bích Phượng lên kí hợp đồng với đoàn cải lương ở Tây Ninh để con nối nghiệp mình. Nhưng rồi lận đận, vướng nhiều ghanh ghét đấu đá, chị không theo nghề được khiến Út Trà Ôn buồn suốt một thời gian dài.

Để rồi, khi Bích Phượng xuất hiện trên truyền hình với chất giọng dân ca mượt mà, ông đã mừng rơi nước mắt, vì dù không hát cải lương thì cũng là theo nghệ thuật, cũng nối nghiệp nhà.

Năm 1997, Út Trà Ôn được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân đợt 4 và huân chương Vì sự nghiệp sân khấu vì những đóng góp của ông cho nghệ thuật cải lương. Ông ra đi năm 2001. Nhưng tài hoa và đức thủy chung thì sống mãi trong kí ức của những người mộ điệu, những người thân yêu.

Theo Trân Trân – PLVN


Đánh giá bài viết

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *