Sàn diễn cải lương: Thi dồn dập, tài năng “chín ép”

Sàn diễn cải lương: Thi dồn dập, tài năng “chín ép”

Chưa phân loại
06/11/2020
559 Lượt xem

(CLV) – Không tạo được chuẩn mực trong các cuộc thi, diễn viên tranh tài ở sàn diễn cải lương chỉ đạt chất lượng “chín ép”

Bên cạnh việc tạo sự phong phú, hào hứng cho sàn diễn cải lương thông qua hàng loạt cuộc thi liên tục được tổ chức, vẫn còn nỗi lo về thực lực của thí sinh (TS) dự thi. Chính mật độ tổ chức dày đặc, dồn dập các cuộc tranh tài đã phần nào bộc lộ những bất cập về chất lượng TS.

Đầu tư cập rập, sản phẩm kém

Cuộc thi “Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang năm 2020” vừa khép lại sau 4 đêm chung kết. Từ ngày 25-11, cuộc thi “Tài năng trẻ diễn viên sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2020” sẽ được tổ chức tại tỉnh Cà Mau và hàng loạt cuộc thi như: “Chuông vàng vọng cổ”, “Bông lúa vàng”, “Ai rành sáu câu”, “Tài tử miệt vườn”… được tổ chức liền kề nhau. Chính điều này dẫn đến việc tuyển chọn tài năng sân khấu bị “chín ép” một cách uổng phí.

Các cuộc thi thường nhằm phát hiện, tôn vinh tài năng sân khấu nhưng thực tế, để đầu tư, rèn luyện, tạo điều kiện để tài năng phát triển thì phải cần thời gian, môi trường. Tuy nhiên, có diễn viên và người không chuyên nhầm lẫn về điều này, họ quan niệm khi được phát hiện, tôn vinh tại một cuộc thi tài năng thì họ mặc nhiên có tài năng và cứ thế bước vào con đường chuyên nghiệp. Hào quang chiến thắng dễ khiến người tham dự các cuộc thi ảo tưởng.

Các cuộc thi được tổ chức dồn dập đã khiến TS không có thời gian đầu tư cho tiết mục, sản phẩm dự thi kém hiệu quả, một số bê vai diễn từ cuộc thi này sang cuộc thi khác, kịch bản cũ, vai diễn với cách ca, xử lý giống nhau. Tại cuộc thi “Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang năm 2020”, TS Hải Yến dự thi vai Lý Chiêu Hoàng (trích đoạn “Đêm cuối Lý Chiêu Hoàng”) mà cô đã tranh tài tại cuộc thi “Tài năng trẻ diễn viên cải lương và dân ca kịch năm 2017” do Cục Nghệ thuật Biểu diễn tổ chức tại Đồng Nai. Năm nay, đến với cuộc thi Trần Hữu Trang, cả 2 vòng sơ tuyển – chung kết, Hải Yến cũng dự thi với vai Lý Chiêu Hoàng. Điều này cho thấy sự nghèo nàn trong việc chọn vai diễn cũ để tranh tài.

NSƯT Lê Nguyên Đạt từng nói nhiều diễn viên dự thi với một trích đoạn, có thể đoạt HCV, HCB nhưng khi rời cuộc thi, được phân vai diễn mới trong một vở diễn thì họ hoàn toàn không kham nổi. Chưa kể đến việc đề tài lịch sử trong cuộc thi “Tài năng trẻ diễn viên cải lương và dân ca kịch năm 2017” chiếm hơn 70% trong số tiết mục của 73 TS tham dự. Điều này dẫn đến một bất cập, một số vai diễn như: Trần Thặng (trích đoạn “Kẻ sĩ Thăng Long”); Bùi Thị Xuân (trích đoạn “Nữ tướng Bùi Thị Xuân”); Võ Thị Sáu (trích đoạn “Người con gái Đất Đỏ”), Trần Thủ Độ (trích đoạn “Đời luận anh hùng”)… đã được quá nhiều TS chọn thi, cho thấy họ không tìm được vai diễn mới, “đồ” lại những sáng tạo của người đi trước vì không có thời gian đầu tư.

Sàn diễn cải lương: Thi dồn dập, tài năng chín ép - Ảnh 1.

Diễn viên Hải Yến ba lần dự thi với vai Lý Chiêu Hoàng

Hấp lực của danh hiệu

Sau hàng loạt cuộc thi dành cho diễn viên cải lương, những hạn chế cũng được chỉ ra như: Không ít TS ca chênh đàn, rớt nhịp, non giọng, đuối hơi, động tác vũ khô cứng, vụng về khi di chuyển trên sân khấu, sử dụng đạo cụ luộm thuộm… Có diễn viên mang cả đồng hồ, dây chuyền hiện đại khi vào các vai diễn lịch sử. Có cả trường hợp công chúa, hoàng hậu mặc váy ngắn để lòi giày cao gót hay sắm vai công tướng, quan hầu nhưng lại mang giày… bata.

Chính sự thiếu tôn trọng nghề của diễn viên từng đoạt giải các cuộc thi đã dẫn đến việc ý thức làm nghệ thuật kém. NSND Trần Minh Ngọc cho rằng: “Họ được “chín ép” khi đưa đến cuộc thi, miễn sao giành được HCV, HCB, đủ chuẩn để chiếm danh hiệu. Còn nghề nghiệp thì giẫm chân tại chỗ”.

NSND Trần Ngọc Giàu, chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, trong một hội thảo, đã nói sân khấu đang lạm dụng quá nhiều những cuộc thi chỉ để tìm huy chương “săn” danh hiệu, trong khi mục đích là nơi trau dồi nghề nghiệp, khoe tài năng, sáng tạo của nghề. “Nếu đi thi chỉ trông chờ đoạt huy chương mà không có thời gian để đầu tư vai diễn thì loại hình nghệ thuật truyền thống sẽ khó tìm được tài năng thực thụ. Để làm được điều này, chính các đơn vị nghệ thuật và TS tự do phải hết sức tỉnh táo, không vội trong việc “chín ép” diễn viên”.

Cùng quan điểm, NSƯT Ca Lê Hồng khẳng định phải từ thực tế đời sống sàn diễn, các vở diễn phải thể hiện được hơi thở cuộc sống đương đại, khi đó mới lôi cuốn được lớp trẻ. “Nhiều cuộc thi tìm kiếm tài năng sân khấu cải lương chỉ có người trong nghề xem, còn khán giả thì không đến. Và khi giới trẻ không yêu thích, không hiểu được nghệ thuật truyền thống sẽ không tương tác, phản biện dẫn đến diễn viên trẻ đi thi tài năng không ý thức hoàn thiện mình trong từng vai diễn” – đạo diễn Ca Lê Hồng nói.

NSND Giang Mạnh Hà – Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, đơn vị liên kết tổ chức cuộc thi “Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang năm 2020” – đã nói trong cuộc họp báo công bố thể lệ cuộc thi: “Sẽ không có cơn mưa huy chương trong cuộc thi Trần Hữu Trang. Quy chế có 10 HCV, 20 HCB sẽ được trao nhưng nếu diễn viên không đạt chất lượng, hội đồng giám khảo vẫn không trao đúng số lượng huy chương đã dự kiến”.

Rõ là hấp lực của danh hiệu đã lôi kéo một số diễn viên không muốn trau dồi nghề qua các cuộc thi mà chỉ nhắm đến huy chương nhưng bằng vai diễn cũ, vai diễn chưa được đầu tư tương xứng. Thực tế, có quá nhiều diễn viên sau khi đoạt HCV, được trao danh hiệu đã ngủ quên trên chiến thắng. Không có thành tựu sáng tạo mới và hệ quả là sàn diễn cải lương cứ thiếu sức sống.

Chưa cảm nhận đúng về nhân vật

Đến xem các đêm chung kết cuộc thi Trần Hữu Trang, NSƯT Lê Thiện đôi lúc lắc đầu: “Một số diễn viên trẻ vào vòng thi hoàn toàn hỏng về mặt cảm nhận và khai thác hành động, tâm lý nhân vật. Nếu chỉ dừng lại ở việc làm phong trào thì không sao nhưng đã gọi là tìm kiếm tài năng thì phải chuẩn”.

Bài và ảnh: Thanh Hiệp


Đánh giá bài viết

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *