Sân khấu cải lương chuyển dịch để tồn tại

Sân khấu cải lương chuyển dịch để tồn tại

Chưa phân loại
26/02/2019
558 Lượt xem

Muốn tồn tại, sàn diễn sân khấu cải lương của các đơn vị xã hội hóa phải chuyển đổi cách vận hành, phải năng động hơn
Tám đơn vị xã hội hóa của sân khấu cải lương tại TP HCM đã làm nóng sàn diễn đầu năm bởi các dự án tạo phấn khởi cho nghệ sĩ (NS).
Sau thành công của chương trình “Về lại cội nguồn” lần 9, NSƯT Kim Tử Long đã đưa lên sàn tập vở “Chuyện Tấm Cám” của tác giả Nhị Kiều – Kim Mai, sẽ công diễn tối 2-3 tại rạp Công Nhân. NS Bình Tinh – hậu duệ của Đoàn Cải lương tuồng cổ Huỳnh Long – dàn dựng vở “Mai trắng se duyên” của tác giả Bạch Mai, sẽ mở màn biểu diễn tối 10-3, cũng tại rạp Công Nhân.
Sân khấu Kim Ngân (chuyển đổi từ tên gọi Sân khấu Lê Hoàng tại Sân khấu Trung tâm Văn hóa Bình Thạnh) sau suất diễn vở “Thái hậu Dương Vân Nga” tại Hà Tiên cũng đã có kế hoạch dàn dựng các vở mới. Vợ chồng nghệ sĩ Chí Linh – Vân Hà sau thành công của vở “Thu Hương – Đường Tuấn Hổ” đã tập vở “Mắt em là bể oan cừu” cho kế hoạch biểu diễn vào tháng 3 tới.

Tú Sương và Lê Tứ trong vở cải lương kinh điển “Máu nhuộm sân chùa” (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang)

Tú Sương và Lê Tứ trong vở cải lương kinh điển “Máu nhuộm sân chùa” (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang)


Các đơn vị xã hội hóa đang nỗ lực dàn dựng mới các vở diễn đã làm ấm lòng NS đầu năm, bởi nói theo NSND Ngọc Giàu, thường sau mùa diễn Tết, hầu như các sàn diễn đều nghỉ “xả hơi” còn năm nay, cùng nhau làm nóng sàn diễn. Ngay các đoàn của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cũng chọn kịch mục mang tính giải trí để phục vụ khán giả đầu năm như: “Máu nhuộm sân chùa”, “Thanh Xà – Bạch Xà”, “Rể quý”… Đây là điều đáng mừng.
Sân khấu “Thắp sáng niềm tin” của soạn giả Hoàng Song Việt đã tìm được đối tác mới trong việc tái hoạt động với hình thức thể nghiệm sân khấu cải lương, đó là sự vào cuộc của đạo diễn – NSƯT Trung Kiên (Nhà hát Cải lương Việt Nam). “Chúng tôi sẽ tiến tới thành lập sân khấu thể nghiệm cải lương với hình thức dàn dựng mới. Vở “Chuyện tình Khâu Vai” sẽ là vở diễn mở màn cho kế hoạch này, sau đó là một kịch bản nói về chính nghề nghiệp của NS hôm nay do tôi sáng tác, soạn giả Hoàng Song Việt chuyển thể. Chúng tôi đặt kỳ vọng vào sự cải tiến mới với hình thức biểu diễn hướng đến khán giả trẻ, đặt ra những vấn đề khán giả quan tâm” – NSƯT Trung Kiên cho biết.
Soạn giả Hoàng Song Việt cho biết thêm âm nhạc cải lương và kịch bản sân khấu là 2 khâu được đổi mới trong thể nghiệm. Đội ngũ diễn viên gắn bó với sàn diễn thể nghiệm này cũng là những người thích cái mới, khai thác triệt để cách ca diễn như: Quế Trân, Lê Tứ, Võ Minh Lâm… Trong kế hoạch cũng sẽ có sự đóng góp của các NS cải lương miền Bắc, họ sẽ vào Nam cùng ca diễn các vở thể nghiệm với NS phía Nam.
Hết cái thời cứ gom NS lại diễn sự kiện vài suất, công sức đổ ra như nước trôi sông. “Nếu không thấy day dứt với nghề, không tìm được sự đối thoại với khán giả, cải lương sẽ không tìm được khán giả trẻ” – PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái nói.
Bà cho rằng mục đích thể nghiệm sân khấu cải lương của Hoàng Song Việt – Trung Kiên chính là nắm bắt được xu hướng đổi mới chính sàn diễn đã quá cũ sau 100 năm. Công thức dàn dựng và cách đặt vấn đề trong kịch bản, cách kể chuyện với âm nhạc được đầu tư mang tính sáng tạo sẽ là nền tảng để các đơn vị nghệ thuật tham khảo. “Phải làm như cách mở đường tìm hướng đi mới cho nghề để không hổ thẹn sau một thế kỷ điều gì cần bảo tồn, điều gì cần đổi mới cho cải lương” – NSND Lệ Thủy nhấn mạnh.
Bà cũng kỳ vọng có làn gió thật sự trong công cuộc chuyển dịch của cải lương, không để sàn diễn này cứ tụt hậu mãi.

Tư duy sáng tạo cần bổ sung

Không gian cải lương cũng cần phải có cái nhìn rạch ròi từ cách đổi mới trong nghệ thuật ca diễn. Việc Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) trong tháng 3 sẽ mở lớp tập huấn cho diễn viên trẻ cải lương, mời các đoàn xã hội hóa trong Nam tham gia là một cách để tiếp cận xu thế đổi mới trong cách diễn xuất, dàn dựng. Tư duy sáng tạo của diễn viên cải lương là vấn đề cần bổ sung vào thời điểm toàn cầu đang được tác động bởi công nghệ 4.0. Nếu NS cải lương không tự đặt mình vào vị thế mới để có thể tương tác thì đó là một thiệt thòi.

Bài và ảnh: Thanh Hiệp


Đánh giá bài viết

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *