Sân khấu cải lương được mùa

Sân khấu cải lương được mùa

02/02/2023
315 Lượt xem

(CLV) – Nhiều sàn diễn cải lương đang sáng đèn với các vở: “Văn võ kỳ duyên”, “Ngọc Kỳ Lân”, “Quan Hợi làng Te”, “Hoa Mộc Lan tùng chinh”, “Dạ cổ hoài lang”…

Tối 1-2, vở cải lương tuồng cổ “Tô Hiến Thành xử án” đã công diễn tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Trước đó, tối 31-1, vở “Người đối diện lương tâm” (đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu) cũng thu hút đông khán giả.

“Đo ni đóng giày” vai diễn

Ngoài Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, sân khấu của các đoàn Huỳnh Long, Sen Việt, Chí Linh – Vân Hà, Vũ Luân… cũng thu hút đáng kể người xem.

Nhiều khán giả mê cải lương xưa đã chọn vở “Người đối diện lương tâm” (hay còn gọi là “Ông cò quận 9”) và hài lòng khi nghe NSƯT Trọng Phúc, NSƯT Ngọc Đợi, nghệ sĩ Kim Luận… ca vọng cổ. Khán giả mê phong cách tuồng cổ với vũ đạo đẹp mắt, kết hợp võ thuật điêu luyện đã trầm trồ trước sự thể hiện của NSƯT Ngọc Huyền, nghệ sĩ Bình Tinh trong vở “Ngọc Kỳ Lân”.

Sân khấu cải lương được mùa - Ảnh 1.

Một cảnh trong vở “Người đối diện lương tâm” của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang

Thành công vừa kể trên là do các nghệ sĩ gạo cội cùng các nghệ sĩ trẻ đã có sự chuẩn bị chu đáo trước khi bước lên sân khấu, đặc biệt sự thăng hoa của một số vai diễn đã được “đo ni đóng giày” từ những đạo diễn tâm huyết.

Khán giả nhận thấy rất rõ ở nỗ lực của các nghệ sĩ trẻ như: Lê Trung Thảo, Điền Trung, Lê Thanh Thảo, Đoàn Minh, Kim Luận, Kim Thùy, Nguyễn Văn Khởi, Diễm Thanh, Lâm Minh Nghiêm, Hoàng Hải, Minh Trường, Nhã Thi… Theo các nhà chuyên môn, đã có sự chuyển giao giữa thế hệ nghệ sĩ và cả ở công tác đạo diễn.

Bên cạnh những diễn viên trẻ đang dần thu phục khán giả, một thế hệ đạo diễn trẻ của sân khấu cải lương cũng đang khẳng định năng lực như: Phan Quốc Kiệt, Lê Nguyên Đạt, Lê Trung Thảo, Nguyễn Minh Trường, Vũ Luân, Vũ Trần, Mai Thắm…

“Đã qua rồi cái thời mạnh ai nấy làm, chính sự đoàn kết, gắn bó giữa khối công lập và xã hội hóa đã giúp cho sàn diễn cải lương khởi sắc” – NSƯT Ca Lê Hồng nhận xét.

Hướng đến những câu chuyện đương đại

Để sàn diễn cải lương tiếp tục hoạt động phong phú hơn nữa, theo NSƯT Ca Lê Hồng, cần đổi mới ở hình thức biểu diễn, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến với công nghệ 3D tái hiện bối cảnh sinh động, cải tiến phương thức biểu diễn sao cho khán giả trẻ thích thú.

NSND Thanh Hải thì cho rằng cải lương muốn đổi mới phải từ cái gốc âm nhạc, muốn hấp dẫn khán giả trẻ hiện nay thì phải đẩy nhanh tiết tấu, giai điệu âm nhạc phải theo kịp thời đại, ca từ được chăm chút, đề tài kịch bản phải hướng đến những câu chuyện đương đại nhưng giàu chất văn học.

NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, cho biết: “Để sàn diễn cải lương không thụt lùi, cần phải có sự đầu tư tới nơi tới chốn từ khâu kịch bản và dàn dựng. Cũng cần xác định được phân khúc thị phần khán giả thích vở theo phong cách nào để đáp ứng”.

“Để có nguồn kịch bản mới mang đậm hơi thở cuộc sống, phản ánh trăn trở, khát vọng của người dân TP HCM, từ giữa năm 2022, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đã tổ chức đặt hàng nhiều tác giả, hứa hẹn sẽ có thêm nhiều kịch bản hay để công diễn phục vụ người dân trong năm nay” – ông Phan Quốc Kiệt, Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, thông tin.

Giá vé xem cải lương cũng là điều mà các nhà chuyên môn hết sức quan tâm. Nếu Nhà hát Thanh Niên (tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP HCM) giá vé cao nhất chỉ 500.000 đồng/vé; các sàn diễn khác do mức đầu tư cao nên giá vé thấp nhất cũng phải 1,5 triệu đồng/vé. Soạn giả Hoàng Song Việt đề xuất nhà nước có thể xem xét cơ chế hỗ trợ giá vé, giúp các sân khấu đủ sức sáng đèn để phục vụ công chúng.


5/5 - (1 bình chọn)

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *