(CLV) – “Mê Đê” – tác phẩm bi kịch cổ đại Hy Lạp nổi tiếng lần đầu tiên được thể hiện bằng ngôn ngữ cải lương trên sân khấu...
Sân khấu truyền thống: Hy vọng xen lẫn băn khoăn
(CLV) – Đời sống sân khấu thật sự sôi động trở lại sau thời gian vắng lặng vì dịch bệnh COVID-19 với sự xuất hiện của một loạt Liên hoan, cuộc thi… trên toàn quốc. Những huy chương, giải thưởng đã được trao cho các tập thể, cá nhân cũng như tác phẩm xứng đáng. Tuy nhiên, những vấn đề còn tồn tại của sân khấu cũng đã được chỉ ra từ các cuộc thi này…
Rộn ràng sân chơi
Mới đây nhất, “Liên hoan các trích đoạn hay nghệ thuật sân khấu toàn quốc 2023” (diễn ra từ ngày 20/5 đến ngày 1/6) tại Hà Nam đã được Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Hà Nam tổ chức. Liên hoan thu hút sự tham gia của hơn 500 nghệ sĩ đến từ 32 đoàn nghệ thuật sân khấu truyền thống chuyên nghiệp công lập và các đơn vị hoạt động theo mô hình xã hội hóa. Khán giả theo dõi liên hoan đã có cơ hội được thưởng thức 106 trích đoạn ở các thể loại: tuồng, chèo, cải lương, dân ca kịch, kịch nói, xiếc…
Kết thúc liên hoan, 54 Huy chương Vàng, 60 Huy chương Bạc đã được trao cho các nghệ sĩ. Bảy trích đoạn xuất sắc thuộc về “Những vì sao không tắt” (Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Hà Nam), “Sóng hận Lục Đầu Giang” (Nhà hát Tuồng Việt Nam), “Oan khuất một thời” (Nhà hát Chèo Hà Nội), “Chôn hề” (Nhà hát Chèo Ninh Bình), “Cúc ơi” (Liên đoàn Xiếc Việt Nam), “Đêm trắng” (Nhà hát kịch Việt Nam), “Dòng sông đỏ” (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang).
Trước đó, “Liên hoan Chèo toàn quốc” (diễn ra từ ngày 12/10 đến 28/10/2022) cũng được tổ chức tại Hà Nam. Liên hoan đã quy tụ 1.500 nghệ sĩ, diễn viên của 16 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp từ Trung ương đến địa phương với 27 vở diễn. Liên hoan là sự kiện quan trọng với những nghệ sĩ đang từng ngày, từng giờ gìn giữ phát huy vẻ đẹp của sân khấu chèo trong đời sống, là sân khấu để thể hiện tài năng, sức sáng tạo và khát khao cống hiến của các nghệ sĩ chèo.
Liên hoan chèo kết thúc với 1 giải xuất sắc, 6 huy chương vàng, 6 huy chương bạc và 4 huy chương đồng cho các vở diễn tốt nhất. Trong đó vở diễn xuất sắc thuộc về “Đất liền và biển cả” (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Thanh Hóa). Các vở diễn được huy chương vàng là “Linh từ Quốc mẫu” (Nhà hát chèo Hà Nội), “Vang bóng một thời” (Đoàn Chèo Hải Phòng), “Khóc giữa trời xanh” (Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Hà Nam), “Nguyễn Đình Nghị” (Nhà hát chèo Hưng Yên), “Mật chỉ giữa hoàng cung” (Nhà hát Chèo Quân đội), “Thiên duyên huyền tích” (Nhà hát Chèo Thái Bình).
“Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V” (diễn ra từ ngày 15 đến 26/11/2022) cũng đã quy tụ sự tham gia của 16 đơn vị nghệ thuật trong nước và 5 đơn vị nghệ thuật quốc tế đến từ các nước: Hàn Quốc, Ba Lan, Singapore, Italia, Pakistan với 20 vở diễn, chương trình sân khấu đặc sắc ở nhiều thể loại như kịch nói, cải lương, xiếc, rối… với mục đích tạo ra sân chơi giao lưu nghề nghiệp giữa những người làm sân khấu Việt Nam với các nước trên thế giới, từ đó nâng cao chất lượng nghệ thuật, khuyến khích sự sáng tạo, cập nhật xu hướng thời đại.
Sau 4 năm vắng bóng vì dịch bệnh COVID-19, “Liên hoan cải lương toàn quốc” diễn ra từ ngày 5/11 đến ngày 20/11/222 tại Nhà hát Nghệ thuật Cải lương Long An, tỉnh Long An. Tham gia Liên hoan có 22 đơn vị nghệ thuật cải lương chuyên nghiệp với gần 1.000 nghệ sĩ, diễn viên tham gia trong 27 vở diễn. Bế mạc Liên hoan, Ban tổ chức đã trao 139 huy chương cho vở diễn và các thành phần tham gia vở diễn.
Trước đó, “Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ V” diễn ra vào cuối tháng 9/2022 với sự tham gia của 13 đơn vị nghệ thuật với 13 vở diễn về đề tài Hà Nội. Ngoài các đơn vị nghệ thuật của Hà Nội, Liên hoan còn ghi nhận sự tham gia của các đơn vị nghệ thuật đóng trên địa bàn Thủ đô như Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Chèo Quân đội… cùng những đơn vị xã hội hóa phía Nam và một đơn vị xã hội hóa phía Bắc là Sân khấu Lệ Ngọc. Trước đó, “Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc” cũng đã diễn ra vào cuối tháng 5 tại TP Vinh tỉnh Nghệ An. Liên hoan ghi nhận sự tham gia của khoảng 600 nghệ sĩ đến từ 11 đơn vị tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp trên cả nước với 16 vở diễn (9 vở tuồng và 7 vở dân ca kịch).
Tre đã già, bao giờ măng mới mọc?
Có thể nói, chưa khi nào đời sống sân khấu lại chứng kiến không khí sôi động như thế. Chỉ trong năm 2022 – đầu năm 2023 đã có tới hàng chục cuộc thi, liên hoan nghệ thuật sân khấu với quy mô toàn quốc và quốc tế được tổ chức. Điều này có một phần nguyên nhân vì dịch bệnh COVID-19 nên các Liên hoan bị hoãn, “dồn toa” đến nay. Cùng với hàng trăm tác phẩm ở nhiều thể loại, đề tài khác nhau đã cho thấy những người làm sân khấu vẫn không ngừng cần mẫn lao động sáng tạo. Trong bối cảnh sôi động đó, sân khấu cũng đã chứa đựng những điểm sáng hy vọng.
Tại “Liên hoan các trích đoạn hay nghệ thuật sân khấu toàn quốc 2023”, trong số 106 trích đoạn thì có tới 85 trích đoạn thuộc các loại hình nghệ thuật kịch hát truyền thống. Điều này cho thấy, mặc dù lâu nay, sân khấu kịch hát truyền thống đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong sự cạnh tranh với nhiều loại hình giải trí hiện đại nhưng các nghệ sĩ vẫn nỗ lực vượt khó để duy trì ngọn lửa nghề.
Hay, tại “Liên hoan sân khấu cải lương toàn quốc” với loại hình vốn được cho là thế mạnh của các đơn vị phía Nam thì lần này cũng đã ghi nhận sự nỗ lực của các đơn vị phía Bắc với những đại diện như Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Cải lương Hà Nội, Đoàn Cải lương Hải Phòng, Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Thanh Hóa. Trong số những giải thưởng cao nhất cũng đã gọi tên những đơn vị này.
Ngoài ra, cũng tại Liên hoan này, các vở diễn mang đề tài hiện đại chiếm ưu thế với 16 vở (trong đó, đề tài lịch sử 7 vở và 4 đề tài dân gian). Liên hoan cũng ghi nhận sự tham gia của nhiều diễn viên trẻ với gần 300 diễn viên dưới 35 tuổi (chiếm khoảng 40%). Đây là một tín hiệu vui cho thấy sân khấu truyền thống vẫn có sức hấp dẫn với các bạn trẻ. Từ tình yêu, sự đam mê, các nghệ sĩ trẻ sẽ có ý thức trong việc gìn giữ nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
Tuy nhiên, từ những cuộc thi này, nhiều vấn đề còn tồn tại của sân khấu đã lộ rõ. Đội ngũ tác giả sân khấu hiện tại thiếu về lượng, yếu về chất. Không ít tác giả quen thuộc xuất hiện ở các cuộc thi. Việc có tới 6 trích đoạn “Đôi lứa xứng đôi” (chuyển thể từ tác phẩm “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao) xuất hiện tại “Liên hoan các trích đoạn hay nghệ thuật sân khấu toàn quốc” vừa qua cho thấy sự trùng lặp trong ý tưởng. Điều đó cũng cho thấy, nguồn kịch bản vẫn là một vấn đề của sân khấu hiện nay.
Trong tổng kết của “Liên hoan sân khấu chèo toàn quốc” cũng đã thẳng thắn chỉ ra những vấn đề của loại hình nghệ thuật này như đội ngũ biên kịch chưa có nhiều gương mặt mới, chưa có những tác giả thể hiện được tư duy sáng tạo nổi trội. Cả liên hoan chỉ có 7 tác giả chính chèo. Về góc độ đạo diễn cũng chưa có nhiều gương mặt mới. Vẫn có tình trạng một đạo diễn đảm đương vài ba vở diễn.
Tại “Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc”, NSND Hoài Huệ (nguyên Trưởng Đoàn ca kịch Bài chòi Bình Định) tham gia làm đạo diễn 5 vở và cả 5 vở đều có huy chương. Trong đó vở “Chuyện ngoài chính sử – Làm vua” (Nhà hát Tuồng Việt Nam) giành Huy chương Vàng. Ông đồng thời cũng nhận về giải “Đạo diễn xuất sắc nhất” thể loại tuồng cho vở diễn này. Niềm vui của NSND Hoài Huệ nhưng đồng thời cũng đặt ra trăn trở “tre già măng chưa mọc” của nghệ thuật sân khấu truyền thống hôm nay.
Đặc biệt, ở hầu hết các loại hình vẫn thiếu vắng những tác phẩm đề cập những vấn đề đương đại, những câu chuyện “nóng”, dư luận quan tâm và có tác động nhiều mặt tới đời sống xã hội. Đề tài truyền thống, quen thuộc vẫn xuất hiện khá nhiều tại các liên hoan, hội diễn. Điều đó cho thấy, các tác giả dường như vẫn đang đứng ngoài cuộc và chưa bám sát vào những giá trị đương thời.
Ngoài ra, bên cạnh một số đơn vị nghệ thuật khá năng động, có nhiều đổi mới trong công tác quảng bá để thu hút khán giả, nhất là đối tượng trẻ thì vẫn còn những nhà hát ít có cơ hội “sáng đèn”. Nên tác phẩm hầu như chỉ phục vụ cho việc tham gia Liên hoan, hội diễn, ít có cơ hội đến với khán giả. Điều này không chỉ khiến lãng phí tài năng, công sức của nghệ sĩ mà còn là một thiệt thòi cho đông đảo khán giả.
(CLV) – Năm 2022 là một năm đáng nhớ với “kỷ lục gia” kịch hát Lê Thế Song, bởi anh gặt hái khá nhiều thành công trên cả sân...
Bài viết khác
Bình luận
Bài viết nổi bật
-
Tây Thiên Vũ Khúc
26/05/2023.130170 -
30 nghệ sĩ nổi tiếng tham gia MV ca cổ “Sài Gòn, ngày vui trở lại” của NSƯT Hữu Quốc
11/09/2021.98784 -
Vũ Luân: 2 lần định kết hôn bất thành và cuộc sống độc thân tuổi 51
10/07/2023.95578 -
Phương Cẩm Ngọc đạt nhất tuần đầu tiên Sao Nối Ngôi mùa 4
04/04/2019.94020
Để lại một bình luận