Sâu khấu TP HCM lại đến thời “cháy vé”?

Sâu khấu TP HCM lại đến thời “cháy vé”?

15/12/2022
469 Lượt xem

(CLV) – Dẫu trải qua một năm khó khăn về nhiều mặt, đứng trước nguy cơ đóng cửa, nhưng “làng” sân khấu phía Nam vẫn nỗ lực để cho ra đời những vở diễn chất lượng, hy vọng trở lại thời hoàng kim “cháy vé”.

Vượt khó giữ lửa nghề

Năm vừa qua có thể nói là một năm gian khó với ngành sân khấu TPHCM. Ảnh hưởng do COVID-19 vẫn còn và nhiều khó khăn khác về tài chính, về giảm sút lượng khán giả đã khiến nhiều sân khấu đứng trước nguy cơ đóng cửa. Một số sân khẩu chuyển đổi mục đích, sân khấu kịch Phú Nhuận phải giảm lịch diễn, còn sân khấu Hoàng Thái Thanh phải chuyển đổi hình thức từ diễn theo tuần sang theo mùa…

Sâu khấu TP HCM lại đến thời cháy vé?

Vở diễn mới “Mọi điều ta chưa nói” của sân khấu Hồng Hạc chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Pháp Marc Levy.

Nhưng, bất chấp những khó khăn đang hiển hiện, những người tâm huyết vẫn luôn nỗ lực để giữ lửa nghề, giúp cho sân khấu vẫn sáng đèn và ra mắt nhiều vở diễn chất lượng.

Nổi bật nhất trong “làng” sân khấu TP HCM có lẽ vẫn luôn là Idecaf với các vở diễn luôn “cháy vé”. “Alô, lộ hàng” là vở mới của Sân khấu IDECAF trong năm 2022 do Lê Hoàng biên kịch, NSƯT Thành Lộc dàn dựng. Câu chuyện kịch trong “Alô, lộ hàng” xoay quanh những vấn đề của thế giới showbiz với cách xây dựng thu hút, được khán giả nhiệt liệt mua vé ủng hộ.

Năm 2022 cũng là một năm “vượt khó” của Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM (còn gọi là Nhà hát 5B). Sân khấu nhỏ năm 2022 đã đẩy mạnh hoạt động biểu diễn kịch thiếu nhi vào mỗi sáng cuối tuần. Trong đó, vở diễn mới “Bộ lạc nanh trắng” (tác giả: Vương Huyền Cơ, đạo diễn: Huy Hoàng) đã giúp sân khấu phải tăng thêm suất diễn để đáp ứng công chúng.

Sân khấu Hồng Hạc của nữ đạo diễn Việt Linh – được mệnh danh “sân khấu văn học” cũng là một “hiện tượng” của làng sân khấu phía Nam. Thời gian qua, sân khấu Hồng Hạc xây dựng nhiều tác phẩm được cộng đồng đón nhận như: “Thiên thần nhỏ của tôi”, “Diễn viên hạng ba”, “Eugénie Grandet”, “Thiên Thiên”, “Visa”…

Một dấu ấn tốt đẹp của sân khấu Hồng Hạc năm 2022 là việc ra mắt vở diễn mới “Mọi điều ta chưa nói”, do Việt Linh và Lê Chi Na đạo diễn, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Pháp Marc Levy. Vở diễn ra mắt cùng thời điểm nhà văn sang giao lưu với khán giả Việt Nam, tạo nên một chuỗi sự kiện sôi động, thu hút khán giả.

Năm qua còn có các vở mới như “Mùi của hạnh phúc”(kịch bản: Hoàng Thái Thanh – Nguyễn Thị Minh Ngọc) đến từ sân khấu Hoàng Thái Thanh, “Bật công tắc là yêu” của Lê Hoàng đến từ Sân khấu Sài Gòn phẳng. Đặc biệt là vở kịch lịch sử “Đêm trước ngày hoàng đạo” do các nghệ sĩ Sân khấu Cải lương Đại Việt dàn dựng được công chúng ủng hộ nhiệt liệt.

Cải lương khởi sắc dịp cuối năm

Đến hẹn lại lên, dịp cuối năm là lúc các sân khấu bắt đầu nhộn nhịp trở lại, chuẩn bị sáng đèn, dẫu cho đó là sân khấu vẫn hoạt động thường xuyên hay đang “tạm nghỉ”.

Thời điểm này, Sân khấu Kịch Hoàng Thái Thanh đang tất bật chuẩn bị để ra mắt công chúng buổi Sneak Show Trái tim oan khuất vào những ngày đầu năm mới 2023. Đây là hình thức “chiếu sớm” được áp dụng nhiều trong làng điện ảnh, nay được sân khấu Hoàng Thái Thanh áp dụng như một “chiêu” kích thích trí tò mò của khán giả.

Cạnh đó, các sân khấu Idecaf, Sân khấu nhỏ, Kịch Hồng Vân… cũng đang tất bật dàn dựng những vở diễn mới cũ để trình làng dịp Tết. Đặc biệt là với sân khấu Idecaf, năm qua đã có thêm sự ra đời của một sân khấu khác hướng đến đối tượng giới trẻ, đặt tại Nhà văn hóa Thanh niên, đang tất bật với việc tái diễn những vở kịch kinh điển của Idecaf.

Một điều đáng mừng là Tết năm nay, sân khấu cải lương đang khởi sắc với nhiều vở diễn hay chuẩn bị ra mắt và Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang liên tục sáng đèn. Như ngày 17/12, Nhà hát sẽ diễn vở “Ngai vàng và tội ác”. Vào tối 7/1, cũng tại Nhà hát Trần Hữu Trang sẽ công diễn vở “Loạn thế anh hùng”.

Đặc biệt, công chúng đang chờ đợi vở cải lương dựng lại “Dạ cổ hoài lang” với sự tham gia được dàn nghệ sĩ tài năng: NSƯT Bảo Quốc, NSƯT Vũ Luân, NSƯT Trọng Phúc…. “Dạ cổ hoài lang” phiên bản mới sẽ ra mắt công chúng vào 8/1/2023 tại Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang.

Một vở cải lương cũ được nghệ sĩ Kim Tử Long “làm mới” cũng đang được khán giả chờ đón là vở “Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài” với các nghệ sĩ Ngọc Huyền, Hữu Châu, Bạch Long, Trinh Trinh, Phượng Loan…

Chương trình cải lương tuồng cổ kỷ niệm 55 theo nghiệp hát của nghệ sỹ Bạch Long, với tên gọi “Ăn cơm Tổ, khổ vẫn cười” cũng được tổ chức long trọng dịp đầu năm 2023.

Một năm mới đang đến, các nghệ sĩ sân khấu vẫn tiếp tục giữ lửa nghề, đem lòng nhiệt huyết và tài năng dâng hiến cho khán giả những tác phẩm giá trị. Mong rằng, với một khởi đầu “xôm tụ”, sân khấu TP HCM sẽ có những hy vọng tươi mới cho một năm phát triển.


Làm mới sân khấu từ những thử nghiệm

(CLV) – Sau hơn 10 ngày diễn ra sôi nổi, Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ V-2022 đã để lại dấu ấn từ những thử...

Giỗ Tổ nghề sân khấu: Dặn lòng giữ lấy nếp nhà

(CLV) – Giỗ Tổ sân khấu năm nay diễn ra trong giãn cách xã hội nghiêm ngặt và cuộc chiến chống COVID-19 vẫn còn trong giai đoạn then chốt....

Đánh giá bài viết
Nguồn bài viết: Báo Pháp Luật

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *