Se duyên Chèo và Cải lương: Thử nghiệm mới trong ‘Ngàn năm mây trắng’

Se duyên Chèo và Cải lương: Thử nghiệm mới trong ‘Ngàn năm mây trắng’

Chưa phân loại
12/10/2019
659 Lượt xem

Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần 4 sẽ diễn ra tại Hà Nội (từ 4 – 14.10.2019), với vài chục vở tham dự, từ sân khấu chủ nhà Việt Nam, đến các quốc gia khác trên thế giới.

Với từ khóa trọng tâm là “thử nghiệm”, các vở tham dự cần thử nghiệm mới về các phương diện sân khấu: từ viết kịch, đạo diễn dàn dựng, diễn viên sắm vai nhân vật… cho đến thiết kế mỹ thuật, âm nhạc, phục trang, hóa trang, ánh sáng v.v..

Song, theo tôi (từng ngồi Hội đồng giám khảo Liên hoan lần 3), thì ngôn ngữ mang tính thử nghiệm đặc thù nhất của vở diễn dự Liên hoan, bao giờ và trước hết, phải là ngôn ngữ đạo diễn, dù đạo diễn không lộ diện, buộc phải “chết đi”, để nhường cái diễn cho nghệ sĩ sắm vai kịch trên sân khấu.

Đấy là chỗ giống nhau đầy thú vị và quyến rũ của cả hai sân: sân khấu và sân cỏ, và là ngôn ngữ nghề nghiệp đặc thù của cả đạo diễn sân khấu lẫn huấn luyện viên sân cỏ.

Đạo diễn dùng rối bóng mô tả cảnh chiến trận trên phông hậu

Đạo diễn dùng rối bóng mô tả cảnh chiến trận trên phông hậu

Trung tuần tháng 8.2019, tôi xem vở trước thềm Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm, và thấy ấn tượng nhất về 2 vở phù hợp tiêu chí thử nghiệm của Liên hoan này: vở rối Thân phận nàng Kiều của Nhà hát Múa rối Việt Nam (tôi đăng bài trên Tuổi Trẻ cuối tuần 15.9) và vở Ngàn năm mây trắng, phối hợp giữa Nhà hát Đài tiếng nói Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam và Nhà hát Chèo Việt Nam.

Một. Thử nghiệm kịch thơ mang thông điệp mới về nàng Tô Thị

Nguyễn Thế Kỷ lấy cảm hứng từ huyền thoại của người Việt, về nàng Tô Thị bế con đứng chờ chồng hóa đá, thành Hòn Vọng Phu. Năm 1997, được chiêm bái tượng đài thiên nhiên về nàng Tô Thị “ôm con nàng ngóng chinh phu cuối trời”, hiển thị trên động Tam Thanh, chùa Tam Thanh, nơi địa đầu xứ Lạng, Nguyễn Thế Kỷ đã viết bài thơ Trước nàng Tô Thị, đong đầy tình cảm trong đoạn kết: Mắt còn vời vợi Nam Quan/ Tảo tần bóng núi non ngàn bãi dâu/ Ngàn năm mây trắng trên đầu… Từ đấy, kịch thơ Ngàn năm mây trắng ra đời 2019, với ý đồ thử nghiệm táo bạo về nàng Tô Thị, mang thông điệp mới, ngược hẳn với truyền thống.

Tô Thị trong kịch thơ Nguyễn Thế Kỷ không đứng yên chờ chồng, mà địu con đi tìm chồng.

Sau khi nhận chồng, là nhân vật gánh chèo dựng lại, Tô Thị phát hiện không phải Trần Khôi chồng mình.

Sau khi nhận chồng, là nhân vật gánh chèo dựng lại, Tô Thị phát hiện không phải Trần Khôi chồng mình.

Nhận tin dữ từ người em kết nghĩa huynh đệ với chồng, từ miền biên ải về, báo tin chồng chết, Tô Thị không tin. Nàng quyết tìm chồng, hứa rằng, nếu chồng quả thực đã chết, sẽ gá nghĩa với chàng trai này, như lời chồng gửi gắm. Chàng trai lên đường cùng Tô Thị tìm chồng.

Trải qua bao hy vọng, thất vọng, gian khổ trèo núi vượt đèo, cuối cùng, Tô Thị phát hiện sự thật phũ phàng: người em kết nghĩa đã giết chồng nàng giữa trận tiền biên ải, và trở về đưa tin thất thiệt hòng chiếm đoạt nàng.

Cuối kịch, nhân vật này bị lột mặt nạ, bị rắn thần ăn thịt. Đến đó, Tô Thị mới yên lòng bồng con hóa đá chờ chồng, giữa ngàn năm mây trắng!

Hai. Thử nghiệm mới của hai đạo diễn cùng se duyên Cải lương và Chèo

Câu chuyện của nàng Tô Thị là chuyển động, khác hẳn sự đứng yên vĩnh hằng của Tô Thị – Hòn Vọng Phu, đã bật sáng tư duy đạo diễn của NSND Triệu Trung Kiên (từng dựng 3 vở cải lương từ 3 kịch thơ Nguyễn Thế Kỷ: Chuyện tình Khau Vai, Mai Hắc Đế, Thầy Ba Đợi), đã tự nhiên dẫn dụ Kiên đến ý tưởng pha trộn nhiều loại hình kịch hát dân tộc, đặc biệt Cải lương và Chèo, như ý đồ thử nghiệm mới, về ngôn ngữ dàn dựng.

Trung Kiên đã bàn với NSND Thanh Ngoan về sự se duyên này và cả hai thống nhất đứng tên đồng đạo diễn vở Ngàn năm mây trắng. Thêm nữa, Nhà hát Đài tiếng nói Việt Nam vốn đã ôm chứa hầu hết các loại hình nghệ thuật dân tộc và diễn xướng dân gian, nên hội đủ điều kiện cho cả hai đạo diễn vẫy vùng cộng hưởng về ngôn ngữ dàn cảnh vở Ngàn năm mây trắng…

Đó là nguyên nhân căn bản dẫn tới cuộc hợp hôn chưa từng có giữa Cải lương và Chèo, là hai loại hình kịch hát, vốn khác biệt về cơ địa văn hóa. Cải lương là nghệ thuật con đẻ vùng văn hóa Nam bộ, với số tuổi trăm năm. Chèo vốn là con đẻ vùng văn hóa Bắc bộ, với số tuổi đã ngàn năm.

Trong lịch sử sân khấu, Cải lương Nam bộ đã tiếp biến văn hóa Bắc bộ để thành Cải lương Bắc, còn Chèo thì chưa từng phát triển thành Chèo Nam bộ. Bởi thế, cuộc hạnh ngộ lần đầu giữa Chèo và Cải lương trong Ngàn năm mây trắng phải được coi là thử nghiệm sân khấu sáng giá.

Tô Thị nhận tấm khăn thêu loan phượng tặng chồng, do Trương Lỗ mang về từ chiến trường.

Tô Thị nhận tấm khăn thêu loan phượng tặng chồng, do Trương Lỗ mang về từ chiến trường.

Trước hết, là thử nghiệm của Nguyễn Thế Kỷ, đã táo bạo viết kịch thơ, đẩy nhân vật Tô Thị vào một hành trình tìm kiếm và vỡ lẽ về sự thật: chồng nàng không chết bởi mũi tên hòn đạn của kẻ thù, mà chết vì nhầm tưởng kẻ bất nhân bất nghĩa là người anh em. Vì chàng bị giết, nên không thể ngăn kẻ phản bội tiếp tục dùng thủ đoạn lừa dối để chiếm đoạt nàng Tô Thị, đang ở nhà cùng con thơ vò võ ngóng trông chàng.

Để chuyển hóa hành trình của nàng Tô Thị từ kịch bản phi vật thể lên sân khấu trình diễn hữu thể, đạo diễn Trung Kiên đã nghĩ ngay một ý tưởng khởi đầu: pha trộn không chỉ hai loại hình Cải lương và Chèo, mà còn hòa trộn với Hát xẩm, Hát văn Huế.

Trong lịch sử sân khấu, Cải lương Nam bộ đã tiếp biến văn hóa Bắc bộ để thành Cải lương Bắc, còn Chèo thì chưa từng phát triển thành Chèo Nam bộ. Bởi thế, cuộc hạnh ngộ lần đầu giữa Chèo và Cải lương trong Ngàn năm mây trắng phải được coi là thử nghiệm sân khấu sáng giá.

Và cả hai đạo diễn Trung Kiên và Thanh Ngoan đủ khôn khéo tạo dựng vở diễn, cưu mang được mối lương duyên hi hữu này, từ kịch thơ của Nguyễn Thế Kỷ. Chính Thanh Ngoan và Hoàng Song Việt đã chuyển thể, từ kịch thơ thành một kịch bản sân khấu độc đáo, dung hợp cả 4 loại hình: Cải lương, Chèo, Hát xẩm, Hát văn Huế. Mỗi loại hình vẫn giữ được bản sắc và được pha trộn hài hòa trong tổng thể vở diễn Ngàn năm mây trắng, khiến người xem hài lòng về sự sướng tai và bắt mắt khi thưởng ngoạn.

Như thế, kịch bản chuyển thể đã được cấu trúc hợp lý về không gian, thời gian, với diễn tiến bất ngờ về sự kiện, nhằm vuốt sắc chủ đề: nàng Tô Thị đi tìm sự thật cái chết của chồng, bất ngờ nhận dạng kẻ giết chồng chính là người em kết nghĩa, giết chồng để chiếm đoạt Tô Thị làm vợ.

Tôi đồ rằng, hai đạo diễn Kiên và Ngoan cùng phát hiện bản chất dương tính của cuộc đi tìm của nàng Tô Thị, nên đã gắng nâng tầm vở diễn Ngàn năm mây trắng vươn khỏi vẻ đẹp âm tính của hình tượng “hóa đá chờ chồng”, nhằm đạt tới sự chuyển động dương tính của cuộc đi tìm chồng, thực chất là cuộc tìm kiếm sự thật về tình người, về lòng tin, với nhiều gian nan khổ ải, ít hy vọng, nhiều thất vọng và phải trả giá rất đắt cho sự ngộ nhận…

Và cuộc tìm kiếm này hoàn toàn thích hợp với tính bi kịch đặc hiệu của nghệ thuật Cải lương và sự hài hước, thâm hậu của nghệ thuật Chèo…

Trương Lỗ bị Cô Đồng chỉ đích danh tên giết chồng Tô Thị

Trương Lỗ bị Cô Đồng chỉ đích danh tên giết chồng Tô Thị

Hai đạo diễn đã khéo dựng năm không gian sân khấu dọc theo hành trình của nàng Tô Thị. Mỹ thuật sân khấu được dựng theo chuyển dịch thời gian và không gian, theo nguyên tắc chuyển động vòng tròn của cây đèn cù.

Nhân vật chính Tô Thị khởi đi từ không gian: Gia đàng (Gia đình), mang thuần túy tình điệu cải lương, với 3 vai chính: NSƯT Thu Trang vai Tô Thị, NS Quang Khải vai Trương Lỗ, em kết nghĩa của chồng và NS Tuấn Thanh vai Trần Khôi, chồng nàng Tô Thị. Cả ba vai đều được ba nghệ sĩ cải lương ca và diễn với sự tung hứng uyển chuyển, ngoạn mục.

Các bài bản cải lương được soạn kỹ lưỡng cho từng vai, nhất là trong cảnh phục hiện chiến trường. Nhân vật Trương Lỗ và Trần Khôi cùng ca Xuân tình 4 thật ăn ý. NS. Tuấn Thanh vai Trần Khôi ca vọng cổ thật hay câu 6, “xin hiền đệ hãy thay ta mà gánh vác vuông tròn” đã khiến khán giả nghe hát se lòng.

Ba nghệ sĩ đều được ca những bản cải lương phù hợp tâm trạng bi kịch của cả ba nhân vật. Thu Trang hát rất hay trong diễn xuất đẫm lệ đào thương, với bài bản mang tâm trạng đau thương choáng váng của Tô Thị. Như bản Trường tương tư, Chiêu quân, Vọng cổ câu 15, 16… khiến người nghe chùng lòng trước thân phận chinh phụ của nàng. Và sẵn lòng theo nàng Tô Thị đến không gian thứ hai Phố chợ sơn cước, cùng hy vọng Tô Thị gặp chồng.

Mỗi không gian của Ngàn năm mây trắng đều độc quyền một loại hình nghệ thuật và được hai đạo diễn xâu chuỗi tổng hòa thành vở diễn, nhưng tình điệu xuyên suốt vẫn thuộc về Cải lương.

Đây là không gian khởi đầu đẹp cho sánh đôi Chèo và Cải lương. Gánh chèo cùng tiếng sáo nhị, trống phách rộn ràng diễn xướng dân gian. Nhân vật ông trưởng trò điều khiển gánh hát diễn một tích chèo giúp Tô Thị nhận diện Trần Khôi chồng mình. Nhân vật Tô Thị được Thu Trang ca bản Điệp khúc mùi mẫn, tả diện mạo Trần Khôi: Người hùng anh – Dáng như núi đồi. Mắt như sao trời – giọng vang rền. Trận tiền xông pha – trong giáo gươm.

Không gian này ngập tiếng trống phách yểm trợ bài bản hát chèo đặc thù được cất lên ngọt ngào trong đối thoại với hai giọng hát cải lương điệu nghệ của hai nghệ sĩ sắm vai Tô Thị và Trương Lỗ.

Bên Chèo có đến hơn chục vai chính phụ, cùng dàn đế hùng hậu. Bên Cải lương chỉ hai vai chính, nhưng nghệ sĩ chèo biết điều hòa ca và diễn, làm nền cho hai vai cải lương, đã tô đậm sự thất vọng của Tô Thị, khi thấy Trần Khôi 2 (vai của nghệ sĩ chèo Văn Chương) không phải chồng nàng…

Gánh chèo diễn cảnh Trần Khôi là tù binh phương Bắc, Tô Thị vẫn không nhận đấy là chồng

Gánh chèo diễn cảnh Trần Khôi là tù binh phương Bắc, Tô Thị vẫn không nhận đấy là chồng

Cứ thế, Tô Thị băng qua không gian 3: Thị tứ vùng cao (của hát xẩm pha hề chèo), gặp bà Xẩm (NSƯT Minh Phương thủ vai), hát xẩm rất ngọt, kể về Trần Khôi 3, Tô Thị vẫn bảo: không phải chồng nàng.

Chuyển đến không gian 4: Ngôi đền ẩn hiện trong rừng cây ngút ngàn, thì Tô Thị vỡ òa sự thật: “đệ giết huynh” giữa chiến trường biên ải. Người chỉ ra sự thật chính là nhân vật Cô Đồng (NSƯT. Diệu Hương), đã hát chầu văn Huế thật du dương dịu ngọt, chỉ đích danh kẻ giết chồng Tô Thị là Trương Lỗ.

Không gian chuyển số 5: Rừng sâu núi thẳm. Nhân vật Tô Thị chưa tin lời thần linh, chạy khỏi ngôi đền, ca bản Văn thiên tường và bản Vọng cổ não nùng, kết thúc cuộc đi tìm chồng bằng câu 6 vọng cổ thiết tha, với câu hát cuối xót lòng khán giả: Hồn chàng ẩn thân cùng muôn ngàn cây cỏ, em nguyện đợi chàng dù mãi đến muôn sau…

Mỗi không gian của Ngàn năm mây trắng đều độc quyền một loại hình nghệ thuật và được hai đạo diễn xâu chuỗi tổng hòa thành vở diễn, nhưng tình điệu xuyên suốt vẫn thuộc về Cải lương. Bởi thông điệp vở diễn hướng về bi kịch nhận lầm của nàng Tô Thị. Khi nhận thức được sự thật, Tô Thị đã yên lòng bồng con hóa đá giữa trời xanh mây trắng…

Phải chăng, vở Ngàn năm mây trắng, vì thế, mới là thử nghiệm nghệ thuật thật đáng giá!

Bài: PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái

Ảnh: VOV


Đánh giá bài viết

Bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *