"Thái hậu Dương Vân Nga": Một góc nhìn mới

"Thái hậu Dương Vân Nga": Một góc nhìn mới

Chưa phân loại
07/05/2018
497 Lượt xem

Khai thác triệt để yếu tố chuyển giao quyền lực thuận lòng dân, nêu cao ý chí quật cường trong bảo vệ và xây dựng đất nước của dân tộc ta trong “Thái hậu Dương Vân Nga” là bài học rất có giá trị với đời sống hiện nay
Vở cải lương góp phần chào mừng sự kiện 100 năm sân khấu cải lương Việt Nam, “Thái hậu Dương Vân Nga” (tác giả: Trúc Đường, Chi Lăng, Hoa Phượng), do đạo diễn – NSƯT Hoa Hạ dàn dựng, đã khai diễn tối 6-5 tại Nhà hát Bến Thành (TP HCM), thu hút đông đảo khán giả đến xem, cổ vũ.

Nức lòng người mộ điệu

Trước đây, bản dựng cũ của đạo diễn Chi Lăng chưa đi sâu lý giải mâu thuẫn nội tại khiến các trung thần nhà Đinh xâu xé quyền lực; tập trung khai thác mạnh yếu tố hèn hạ, bán nước cầu vinh của các quan đại thần nhà Đinh, dẫn đến việc hậu duệ của Nguyễn Bặc, Đinh Điền ở Hoa Lư – Ninh Bình lên tiếng khiếu nại về sự hư cấu mà họ cho rằng quá sai lệch này.
Với phiên bản mới, đạo diễn Hoa Hạ phân tích rất kỹ yếu tố dẫn đến sự chia rẽ nội bộ nhà Đinh. Đó là lòng ganh ghét, đố kỵ của một số quan lại trong triều đối với người cầm quân tài ba – Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn. Nhân vật Đinh Điền vì lòng đố kỵ với Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn mà xui cháu mình là công tử Đinh Lăng bắt cóc ấu chúa, để thúc ép Thái hậu chấp thuận việc trao quyền bính lại cho họ Đinh, chứ không để Lê Hoàn nắm giữ. Chính sự ganh ghét, ích kỷ, bè phái, lợi ích nhóm đã dẫn đến triều đình rạn nứt khiến nhà Đinh đứng trước nguy cơ mất nước.

Cảnh trong vở "Thái hậu Dương Vân Nga"

Cảnh trong vở “Thái hậu Dương Vân Nga”


Về mặt diễn xuất, đạo diễn Hoa Hạ kết hợp giữa trình thức diễn xuất và nội tâm nhân vật để các tuyến nhân vật phản diện thể hiện rõ hơn tính cách cầu hòa với giặc không phải vì bán nước cầu vinh mà chính do muốn giành lại quyền lực từ tay Lê Hoàn.
Cảnh Thái hậu độc thoại trước hàng gươm giáo, đạo diễn Hoa Hạ đưa nhóm diễn viên trẻ thể hiện “thiên tử quân” hòa vào lời thoại, tạo hiệu ứng độc đáo cho lớp diễn. Trước đây, cảnh này NSND Bạch Tuyết chỉ diễn với hàng gươm giáo. Đây là cách xử lý thông minh, đề cao cái nhìn vì đại cục của Thái hậu Dương Vân Nga khi quyết định trao long bào cho Tướng quân Lê Hoàn.
Vì thế, vở diễn làm nức lòng khán giả mộ điệu, sống lại tinh thần ái quốc vốn đã sẵn có trong tác phẩm, nay lại được thế hệ diễn viên trẻ thổi vào đó những sáng tạo mang hơi thở cuộc sống.
Lê Hoàn lên ngôi là hợp với lòng dân. Ông đã lãnh đạo nhân dân đánh thắng quân xâm lược phương Bắc và bình loạn giặc Chiêm Thành phía Nam, đem lại thanh bình cho đất nước.
NSƯT – đạo diễn Trần Minh Ngọc nhận xét: “Bản dựng này khai thác triệt để yếu tố chuyển giao quyền lực thuận lòng dân, nêu cao ý chí quật cường trong bảo vệ và xây dựng đất nước của dân tộc ta, một bài học rất có giá trị với đời sống hiện nay”.

Cải lương đúng chuẩn mực

Với thủ pháp dàn dựng luôn làm nóng sàn diễn, đạo diễn Hoa Hạ không sử dụng màn hình LED vốn đã “giết chết” nhiều cảm xúc của khán giả. Chị đã trả về cho cải lương đúng chuẩn mực bằng cảnh trí tuyệt đẹp. Ánh sáng và không gian cảnh trí quyện với phong cách thuần chất chính sử, có dàn nhạc cụ dân tộc yểm trợ đắc lực cho phần ca diễn của nghệ sĩ.
Nhân vật Dương Vân Nga đã được 2 nghệ sĩ thuộc 2 thế hệ trưởng thành sau ngày đất nước thống nhất là NSƯT Phượng Loan và nghệ sĩ Kim Ngân thể hiện. Sức diễn đủ lực của NSƯT Phượng Loan thể hiện qua 2 màn đầu làm khán giả thật sự thổn thức. Chị ca diễn điềm đạm, đầy cảm xúc của một nhân vật quyền uy, lấy nợ nước đặt lên tình nhà. Nét diễn của chị khẳng khái đúng bậc mẫu nghi, quyết “không đem ánh mắt riêng tư mà soi việc của muôn nhà”.
Lợi thế của 2 nghệ sĩ này khi diễn vai Thái hậu Dương Vân Nga là đã có nhiều khuôn mẫu của cố NSƯT Thanh Nga, NSND Ngọc Giàu, NSND Bạch Tuyết…nhưng để vượt qua áp lực đó, họ phải có nét diễn riêng của mình. Ở khía cạnh này, NSƯT Phượng Loan đã làm được, còn Kim Ngân thì chưa.
Khả năng diễn của Kim Ngân có phần chưa mềm mại. Cũng khó trách vì cô vốn lợi thế diễn những vai đào võ của cải lương tuồng cổ, nay phải vào dạng vai diễn đòi hỏi tiết chế tất cả vũ đạo, nhân vật bộc lộ rõ nỗi niềm giằng xé. Dù sao thì Kim Ngân đã không làm hổ danh con gái cố nghệ sĩ Kim Ngọc, nỗ lực tròn vai là một khởi điểm thuận lợi để cô còn vươn xa sau lần thử sức này.
Điều làm khán giả thích thú là sự quy tụ tài năng của nhiều lĩnh vực trong bản dựng mới này. Vai Hiệu Úy Kỳ Hoa của ca sĩ Phương Thanh, Đinh Cử của ca sĩ Quốc Đại, Đinh Điền Quốc Công của diễn viên Đại Nghĩa, Định Quốc Công của diễn viên Xuân Trang, cố mẫu của NSƯT Quỳnh Hương… thể hiện khá tròn trịa.
Phục trang của vở có lẽ còn tranh cãi nhiều. Chỉ tiếc là có nhiều bộ quá cầu kỳ, không phù hợp với bối cảnh triều đình nhà Đinh đang để quốc tang vua Đinh Tiên Hoàng. Việc đạo diễn Hoa Hạ không sử dụng bộ trang phục Phụng bào cho nhân vật Thái hậu Dương Vân Nga được đầu tư hơn 90 triệu đồng vào giờ chót là một quyết định sáng suốt.

Tâm huyết

Việc đầu tư hơn 800 triệu đồng để dựng lại tác phẩm cải lương từng lưu danh với nhiều bản dựng ở thập niên 1980 là việc làm liều lĩnh của nhà tổ chức. Thế nhưng, bằng tâm huyết của mình, đạo diễn – NSƯT Hoa Hạ đã xây dựng cho phiên bản mới nhiều ý tưởng khác lạ, tạo nên giá trị tinh thần đầy kiêu hãnh là điều đáng ghi nhận. Trước hết, đó là lòng tự trọng của người nghệ sĩ đã có 40 năm gắn bó với nghề đạo diễn, nhìn thấy những chuẩn mực của nghề đã bắt đầu “rơi tự do”, do nhiều sự tác động, mà theo chị, nếu không giữ thì có tội với tiền nhân đã dày công khai phá, vun đắp.

Bài và ảnh: Thanh Hiệp


Đánh giá bài viết

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *