Thâm nhập hậu trường thu âm hồi ký Kỳ nữ Kim Cương cùng 3 nghệ sĩ

Thâm nhập hậu trường thu âm hồi ký Kỳ nữ Kim Cương cùng 3 nghệ sĩ

Chưa phân loại
15/09/2020
658 Lượt xem

Sáng 15-9, ba nghệ sĩ tài danh của sân khấu kịch nói TP HCM: NSND Kim Xuân, NSƯT Thành Lộc và NSƯT Hữu Châu đã bắt đầu ngày làm việc đầu tiên tại phòng thu âm của đạo diễn Đạt Phi về hồi ký NSND Kim Cương.

Thâm nhập hậu trường thu âm hồi ký Kỳ nữ Kim Cương cùng 3 nghệ sĩ - Ảnh 1.

Các nghệ sĩ cùng nghe lại đoạn mở đầu của hồi ký KIm Cương do chính bà đọc

Từ sáng sớm, 3 nghệ sĩ đã có mặt, người cầm ly cà phê, người mang theo bánh mì nhưng trên tay họ đều có quyển hồi ký của NSND Kim Cương.

“Cả đêm qua tôi phải đọc đi, đọc lại để đưa vào đó những cảm xúc của mình. Cô hai viết về những nỗi niềm của nghệ sĩ tham gia viết kịch bản, làm công tác biên kịch, tôi cũng cảm thấy có mình trong đó. Đọc hồi ký của cô hai, tôi thấy mình được sống lại cái thời còn gắn bó với sân khấu kịch nói Kim Cương” – NSƯT Hữu Châu nói.

Thâm nhập hậu trường thu âm hồi ký Kỳ nữ Kim Cương cùng 3 nghệ sĩ - Ảnh 2.

NSND KIm Cương trong phòng thu âm

Ba nghệ sĩ đều bày tỏ niềm hạnh phúc khi được tham gia đọc những chương hay nhất trong quyển hồi ký “Sống cho đời, sống cho mình”.

NSƯT Thành Lộc cho biết anh cảm thấy vinh dự vì được người chị lớn trong nghề mời tham gia dự án này. Sự góp giọng của anh trong quyển hồi ký của người nghệ sĩ đã có công mở đường hình thành trào lưu kịch nói miền Nam là một kỷ niệm quý. “Tôi chỉ cần nghe chị ới một tiếng là có mặt, vì chị là người tôi kính trọng trong nghề” – NSƯT Thành Lộc khẳng định.

Một lát cắt nhỏ của hồi ký Kim Cương trong phòng thu do các nghệ sĩ thực hiện sáng 15-9.

Với NSND Kim Xuân, việc thu âm hồi ký của NSND Kim Cương sẽ góp phần mở ra một hướng đi mới trong thời buổi khán thính giả thích nghe vì không có nhiều thời gian để đọc. Cách làm này sẽ mở đường để những nghệ sĩ có thêm thị phần thu âm hồi ký, cũng như các tác giả có thể đầu tư thêm về phần thu âm tác phẩm của mình. Trong thời đại kỹ thuật số hiện nay, trong lúc di chuyển trên xe, trên tàu, thay vì đọc thì nghe và trong cách dàn dựng có những tiếng động, âm nhạc, cách bố cục thật sinh động sẽ làm tăng thêm sức hấp dẫn của hồi ký.

Thâm nhập hậu trường thu âm hồi ký Kỳ nữ Kim Cương cùng 3 nghệ sĩ - Ảnh 4.

NSƯT Thành Lộc và quyển hồi kỳ của NSND KIm Cương

NSND Kim Cương cho biết để thực hiện dự án mới này, bà đã suy nghĩ rất nhiều. Vì ngày nay, phiên bản hồi ký bằng giọng thoại sẽ tiện lợi cho người mộ điệu sân khấu.

NSND Kim Cương đã đọc phần mở đầu của hồi ký với tư cách người dẫn chuyện. Nghệ sĩ lồng tiếng phim nổi tiếng Thy Mai là giọng kể chính. Bên cạnh đó, một số chương trình sẽ do NSND Kim Xuân, NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu đọc.

Thâm nhập hậu trường thu âm hồi ký Kỳ nữ Kim Cương cùng 3 nghệ sĩ - Ảnh 5.

NSND KIm Cương cẩn thận ghi chép lời dặn trong quyển hồi ký để các nghệ sĩ thu âm sáng 15-9

Đạo diễn Đạt Phi đảm nhận phần hậu kỳ và lồng tiếng động, âm nhạc mang âm hưởng dân ca và đặc biệt là bài bản cải lương xưa của nghệ sĩ Năm Phỉ, nghệ sĩ Năm Cần Thơ…

Theo NSND Kim Cương, bà giữ nguyên nội dung như cuốn hồi ký “Sống cho đời, sống cho mình” đã phát hành năm 2016. Bà chỉ chỉnh sửa một lời thoại cho phù hợp với phiên bản audio, trong đó tăng thêm hiệu ứng còn có phần âm thanh sông nước, tiếng máy của những chiếc ghe chở đoàn hát len lỏi trên sông. Bà muốn tái hiện không gian đời nghệ sĩ thập niên 1960-1970.

Thâm nhập hậu trường thu âm hồi ký Kỳ nữ Kim Cương cùng 3 nghệ sĩ - Ảnh 6.

NSƯT Hữu Châu thu âm sáng 15-9 hồi kỳ NSND Kim Cương

NSƯT Hữu Châu tin rằng những ai chưa đọc hồi ký, khi nghe sẽ có thể hình dung về hoạt động nghệ thuật của Kỳ nữ Kim Cương lúc trẻ. Đó là khi bà mới 18 ngày tuổi đã lên sân khấu trong vai con của “Quan Âm Thị Kính”, đến giai đoạn thành danh, sống an nhiên cạnh con cháu. Điều ít ai biết, về vấn đề tình yêu của kỳ nữ trong hồi ký audio này sẽ do đạo diễn Đạt Phi thể hiện.

Buổi làm việc đầu tiên còn mang nhiều cảm xúc khi NSND Kim Cương đặt một chiếc bánh kem ghi dòng chữ “Cảm ơn các em” để tặng 3 nghệ sĩ: Kim Xuân, Thành Lộc, Hữu Châu và đạo diễn Đạt Phi.

Thâm nhập hậu trường thu âm hồi ký Kỳ nữ Kim Cương cùng 3 nghệ sĩ - Ảnh 7.

NSND Kim Cương cắt bánh mời các nghệ sĩ tham gia dự án hồi ký audio của bà

Hồi ký Kim Cương do Phương Nam phát hành gồm bốn phần, mỗi phần có nhiều bài viết.

Phần một mang tên “Tuổi thơ nghiệt ngã” kể về hạnh phúc lẫn cay đắng khi bà cùng cha mẹ – cố nghệ sĩ Bảy Nam và ông bầu Phước Cương – rong ruổi biểu diễn. Phần hai mang tên “Sân khấu và cuộc đời”, giúp khán giả hiểu hơn về một nữ nghệ sĩ kỳ tài. Phần ba – “Những người trong đời tôi” là dịp để Kim Cương nói về cha mẹ, em gái và con trai… Phần cuối cùng – “Sống và yêu” kể về “Tình yêu đầu tiên”, “Người tình duyên phận”, “Cha của con tôi”…

NSND Kim Cương cho biết: “Qua từng trang sách, tôi muốn nêu bật nguyên tắc sống của mình, đó là sống và làm việc không bao giờ nửa vời, đã làm gì cũng hết mình bằng cả trái tim”.

NSND Kim Cương đọc lời mở đầu hồi ký mà bà đã phát hành năm 2016

NSND Kim Cương đọc lời mở đầu hồi ký mà bà đã phát hành năm 2016

NSND Kim Cương sinh năm 1937, được mệnh danh là “kỳ nữ” trong giới sân khấu Việt Nam. Bà được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam vinh danh là “Nghệ sĩ viết nhiều kịch bản kịch nói nhất Việt Nam”.

Bà nổi tiếng qua những vở: “Lá sầu riêng”, “Dưới hai màu áo”, “Trà hoa nữ”… Ngoài thành tựu diễn xuất, Kim Cương còn nổi tiếng với công việc từ thiện. Nhiều năm, bà tổ chức sự kiện “Nghệ sĩ tri âm” quyên góp giúp các nghệ sĩ già yếu, neo đơn, bệnh tật.

Bà còn sáng lập quỹ học bổng mang tên mẹ mình là NSND Bảy Nam nhằm hỗ trợ 30 suất học bỗng mỗi năm cho con em nghệ sĩ hiếu học và nghèo khó.

Tin – ảnh: Thanh Hiệp


Đánh giá bài viết

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *