"Thầy Ba Đợi" – hòa điệu cải lương hai miền

"Thầy Ba Đợi" – hòa điệu cải lương hai miền

Chưa phân loại
20/04/2018
569 Lượt xem

Vở “Thầy Ba Đợi” được xem là công trình kỷ niệm một thế kỷ sân khấu cải lương của nghệ sĩ hai miền Nam – Bắc
Vở “Thầy Ba Đợi” do Nhà hát Cải lương Việt Nam và Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang phối hợp thực hiện, quy tụ đến 60 diễn viên hai miền Nam – Bắc. Trong buổi họp báo tổ chức sáng 19-4 tại TP HCM, hai nhà hát này công bố đây là dự án chung của họ, được thực hiện nhân kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương.

Không chỉ là chuyện tình

Nhạc quan Nguyễn Quang Đại (tên gọi dân gian là thầy Ba Đợi, SN 1855 – không rõ năm mất), được xem là bậc tiền bối đã đặt nền tảng cho việc truyền bá âm nhạc cung đình Huế trên đất Nam Bộ, sau đó cải biên và định hình 20 bài bản tổ trong nghệ thuật đờn ca tài tử. Từ đây, ca ra bộ được phát triển và hình thành sân khấu cải lương.

Nghệ sĩ Quang Khải và bé Kim Thư trong vở "Thầy Ba Đợi" Ảnh: MINH HOÀNG

Nghệ sĩ Quang Khải và bé Kim Thư trong vở “Thầy Ba Đợi” Ảnh: MINH HOÀNG


Đạo diễn – NSƯT Triệu Trung Kiên là người rất tâm huyết, khao khát làm một công trình lớn tưởng nhớ vị Tổ nghiệp đáng kính này. Với sự hỗ trợ đắc lực của tác giả Nguyễn Thế Kỷ, anh nhiều lần vào Nam tìm kiếm tư liệu, lắng nghe những chia sẻ của đồng nghiệp.
NSƯT Triệu Trung Kiên chọn lát cắt kể về giai đoạn thầy Ba Đợi vào Nam, bị giặc Pháp truy đuổi do ủng hộ phong trào Cần Vương. Tại đây, ông đã được con gái quan tổng đốc cưu mang. Mối tình dang dở với nàng tiểu thư hiền thục ấy đã tạo nên số phận của thầy Ba Đợi, để ông rót vào ngón đờn những khúc nhạc bi tráng.
Bối cảnh xã hội miền Nam lúc bấy giờ được tái hiện trong vở diễn để khán giả hôm nay hiểu hơn về những công trạng của ông Nguyễn Quang Đại đối với nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, sau này là sân khấu cải lương.
“Để hình thành kịch bản, tôi và tác giả đã tìm ra những ý tưởng tương đồng. Vở diễn vì thế không mang tính kể lể, ủy mị mà phải tạo được cảm giác thích thú khi lần giở trong quá khứ, bắt gặp chính niềm tự hào của con người ngày nay, cùng chung tay giữ gìn cội nguồn văn hóa, trong đó có sân khấu cải lương” – đạo diễn Triệu Trung Kiên bày tỏ.
Tư liệu về ông Nguyễn Quang Đại rất ít, chỉ có quê quán, năm sinh, sự nghiệp; còn về thân thế, gia đình thì gần như không. Chính điều đó đã khiến tác giả và đạo diễn quyết định sử dụng thủ pháp hư cấu dựa trên những tư liệu có thực để tạo sức hấp dẫn cho vở. Góp sức vào vở diễn này còn có soạn giả Hoàng Song Việt và Phạm Văn Đằng với vai trò chuyển thể cải lương. Thiết kế mỹ thuật là họa sĩ NSƯT Doãn Bằng (Nhà hát Tuổi Trẻ) và đồng đạo diễn với Triệu Trung Kiên là Lê Trung Thảo.

Cùng hướng về Tổ nghiệp

Dù giới nghệ sĩ miền Nam kỳ vọng Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang là đơn vị lĩnh xướng công trình chào mừng 100 năm sân khấu cải lương nhưng “anh cả đỏ” cải lương đất Bắc lại làm công việc vinh danh ông Tổ này. Dù vẫn còn đó nỗi lo sau sự kiện này, sàn diễn cải lương sẽ hiu hắt nhưng trên sàn tập Nhà hát Trần Hữu Trang những ngày qua, gương mặt các nghệ sĩ tham gia ánh lên niềm vui vì có dịp hội ngộ nghệ sĩ hai miền trong một dự án đầy ý nghĩa.
NSƯT Hùng Minh và danh cầm Ba Tu – hai bậc cao niên tham gia vở diễn – xúc động ngồi xem bé Kim Thư (cháu ngoại NSƯT Trường Sơn, thế hệ thứ 6 của đại gia tộc cải lương tuồng cổ Bầu Thắng – Minh Tơ – Thanh Tòng) diễn. “Đây là lần đầu tiên một vở diễn quy tụ lực lượng diễn viên hai miền, với nhiều thế hệ cùng kết hợp. Mặc dù có sự khác biệt trong phong cách biểu diễn của diễn viên hai miền nhưng qua những buổi tập, có thể thấy nghệ sĩ cả nước đều thờ chung một Tổ nghiệp nên hòa điệu rất nhanh” – NSƯT Hùng Minh nhận xét.
Theo NSƯT Thanh Tuấn, trong vở, các nhân vật ở vùng miền nào sẽ dùng ngôn ngữ và hát giọng theo vùng miền ấy. Chẳng hạn, vai chính thầy Ba Đợi được 4 diễn viên cùng thể hiện.
“Đầu tiên là NSƯT Nguyễn Xuân Vinh, quyền Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, đảm nhận hình tượng hương linh ông Đợi ở nghĩa trang, nói giọng miền Nam. Khi câu chuyện được tái hiện, diễn viên Quang Khải thể hiện vai ông Ba Đợi mới ở Huế vào Nam, nói giọng miền Trung. Hai giai đoạn tiếp theo do NSƯT Lê Tứ và tôi đảm nhận sẽ nói giọng miền Nam vì khi ấy, ông Ba Đợi đã hòa nhập với văn hóa Nam Bộ. Chính sự sắp xếp hợp lý này lại làm nên điểm độc đáo cho vở” – danh ca Thanh Tuấn phấn khởi.

Dành cho khách mời, không bán vé

Vở “Thầy Ba Đợi” dự kiến sẽ dài hơn 150 phút, có các diễn viên nổi tiếng hai miền tham gia: NSND Vương Hà, NSND Hoàng Đạt, NSƯT Xuân Vinh, nghệ sĩ Quang Khải, NSƯT Thanh Tuấn, NSƯT Hùng Minh, NSƯT Quế Trân, NSƯT Lê Tứ, NSƯT Hữu Quốc, NSƯT Quỳnh Hương, Võ Minh Lâm, Điền Trung, Trọng Nghĩa
Vở sẽ diễn hai đêm (28 và 29-4) tại Nhà hát Bến Thành (TP HCM) và một suất tại tỉnh Long An, nơi đặt bài vị thờ nhạc sư Nguyễn Quang Đại. Sau đó, vở dự kiến được biểu diễn tại một số tỉnh, thành phía Bắc. Ban tổ chức quyết định không bán vé, chỉ dành cho khách mời.

Thanh Hiệp


Đánh giá bài viết

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *