Thêm động lực giữ gìn văn hóa truyền thống

Thêm động lực giữ gìn văn hóa truyền thống

30/05/2023
696 Lượt xem

(CLV) – Sau hơn 20 năm, Giải thưởng Đào Tấn đã giúp nhiều cá nhân có thêm động lực, trách nhiệm, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống.

Thêm trách nhiệm với nghiệp tổ

Là 1 trong 10 cá nhân nhận Giải thưởng Đào Tấn 2022, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, NSND Trịnh Thúy Mùi cho biết, chúng ta đã có một số giải thưởng cho các bộ môn nghệ thuật: tuồng, chèo, cải lương, ca trù… nhưng mang tính chuyên ngành và địa phương, còn Giải thưởng Đào Tấn mở rộng hơn, cao quý hơn với những người yêu văn hóa dân tộc. Thời gian qua, các cuộc thi rất nhiều nhưng để có riêng phần thưởng cho các tác giả ngành lại rất ít.

Thêm động lực giữ gìn văn hóa truyền thống - Ảnh 1

Nghệ sĩ Bình Tinh và Đoàn Nghệ thuật Cải lương tuồng cổ Huỳnh Long trong hành trình bảo tồn nghệ thuật tuồng cổ. Ảnh: NVCC

Giải thưởng Đạo diễn sân khấu chèo xuất sắc lần này mang lại niềm vui rất lớn cho tôi, ghi nhận cả quá trình lao động với nghề, chuỗi cống hiến của tôi và mỗi nghệ sĩ đoạt giải, chứ không vì riêng tác phẩm nào. Đó là sự thẩm thấu sâu hơn công sức của mỗi người. Qua đây, tôi cũng thấy mình có trách nhiệm hơn, muốn cống hiến nhiều hơn không phải vì giải thưởng mà vì trách nhiệm với nghiệp tổ”, NSND Trịnh Thúy Mùi chia sẻ.

Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm nhận Giải thưởng Đào Tấn 2022 với sân khấu múa rối nước thu nhỏ. Anh là hậu duệ đời thứ 7 trong một gia đình có truyền thống múa rối nước ở làng Rạch, cái nôi rối nổi tiếng ở Nam Định. Cha của anh là nghệ nhân Phan Văn Ngải, tác giả của nhà thủy đình lưu động đang được các nhà hát múa rối nước từ Trung ương đến các địa phương sử dụng.

Vào nghề và luôn trăn trở với nghề, Phan Thanh Liêm nhận ra hạn chế của mô hình sân khấu múa rối nước lớn là cồng kềnh, khó di chuyển, không thích hợp với đoàn biểu diễn ít người. Anh đã mày mò sáng tạo mô hình sân khấu múa rối nước thu nhỏ và cho ra mắt năm 2000. Từ đó đến nay, với sân khấu múa rối nước thu nhỏ cơ động của mình, Phan Thanh Liêm không chỉ dễ dàng lưu diễn trong nước mà còn đi tới hơn 20 nước khu vực châu Á, châu Âu, châu Mỹ, giới thiệu nét độc đáo của văn hóa Việt với bạn bè quốc tế.

Với sân khấu rối thu nhỏ, nghệ sĩ Phan Thanh Liêm còn mở các sân khấu múa rối nước ở nhà riêng và nhiều cơ sở mới tại Hà Nội. Đây không chỉ là nơi biểu diễn rối nước mà còn là hai bảo tàng với hàng trăm nhân vật rối cổ của tiền nhân và các con rối mới do chính anh tạo tác.

Hết lòng vì văn hóa dân tộc

Suốt hơn hai thập kỷ qua, Giải thưởng Đào Tấn ngày càng ghi nhận nhiều hơn các tập thể, cá nhân có thành tích trong bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc nói chung và di sản Đào Tấn nói riêng. Nhà thơ Trần Nhuận Minh được độc giả biết đến bởi những đóng góp lâu dài và bền bỉ trong hơn 60 năm sống và làm việc tại vùng mỏ Quảng Ninh, trở thành một nhà thơ nổi tiếng với 62 tác phẩm đã được xuất bản, gồm nhiều thể loại: thơ, trường ca, văn xuôi, lý luận phê bình, nghiên cứu văn học, sử học. Thơ ông đã được dịch ra 14 thứ tiếng, xuất bản và phát hành ở 18 quốc gia. Ông đã được trao Giải thưởng Nhà nước đợt II năm 2007. Năm 2020, ông được trao Giải thưởng Sông Me Kong.

Ngày 29.5 đã diễn ra Lễ trao Giải thưởng Đào Tấn 2022, tôn vinh 2 tập thể, 10 cá nhân có đóng góp tích cực cho việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Giải thưởng do Viện Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, Tạp chí Văn hiến Việt Nam tổ chức từ năm 2000.

Năm nay, Hội đồng xét tặng Giải thưởng Đào Tấn trao giải cho 3 công trình nghiên cứu lịch sử, văn hóa, văn chương đặc sắc của nhà thơ Trần Nhuận Minh gồm: Thời gian lên tiếng, Đi tìm sự thật và Đối thoại văn chương (đồng tác giả với nhà phê bình văn học người Việt định cư ở Canada Nguyễn Đức Tùng). Các tác phẩm tập hợp những nghiên cứu được đánh giá là công phu, tâm huyết, có nhiều kiến giải mới mẻ, thông minh và đặc sắc mà dư luận ít biết đến của Trần Nhuận Minh.

Nếu Thời gian lên tiếng và Đi tìm sự thật như là hai tập của một công trình nghiên cứu văn hóa và lịch sử, giải đáp có sức thuyết phục một số vấn đề bức thiết đang đặt ra, thì Đối thoại văn chương lại thuyết phục bạn đọc khi mở rộng biên độ về sáng tác, về lao động nhà văn, với độ lùi thời gian hàng trăm năm, khám phá thêm giá trị tư tưởng và thẩm mĩ một số tác giả, tác phẩm tiêu biểu văn học trong nước và nước ngoài. Cả 3 tác phẩm này của nhà thơ Trần Nhuận Minh đều nhất quán và tập trung vào một chủ đề lớn nhất là nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam.

Nghệ sĩ Bình Tinh, Trưởng đoàn nghệ thuật Cải lương tuồng cổ Huỳnh Long, TP. Hồ Chí Minh, lại được ghi nhận với đam mê và tận tụy khôi phục tuồng cổ. Chị là con gái út của nghệ sĩ Đức Lợi và soạn giả Bạch Mai, những nghệ sĩ chủ chốt của Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long. Bình Tinh trưởng thành giữa lúc Huỳnh Long gặp nhiều khó khăn, có lúc phải ngưng hoạt động. Sau nỗi đau tột cùng khi mất đi những người thân là 5 nghệ sĩ gạo cội của Huỳnh Long, chị trở thành trụ cột gánh vác trọng trách vực dậy Huỳnh Long. Bình Tinh cho biết, Huỳnh Long chính là gia sản lớn nhất mà cha mẹ chị để lại.

Với giải thưởng cao quý này, tôi mong được tiếp tục cống hiến, kiên trì dẫn dắt Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long giữ đúng mục đích, tôn chỉ của sân khấu truyền thống. Sắp tới, chúng tôi sẽ dàn dựng những kịch bản dựa theo sử Việt của cố soạn giả Bạch Mai như: Trưng nữ vương, Mặt trời đêm thế kỷ, Anh hùng bán than, Xuân về trên đỉnh Mã Phi… theo hình thức mới, bên cạnh việc diễn lại các vở được yêu mến của sân khấu Huỳnh Long, vừa thỏa mãn thế hệ khán giả trung thành với tuồng cổ, vừa hướng tới thu hút lớp khán giả hôm nay“.


Văn hóa ba miền hội tụ – Kỳ 1: “… Xôn xao câu quan họ”

(CLV) – Vì yêu quê hương, yêu làn điệu quan họ thiết tha, mộc mạc, những liền anh, liền chị xa quê đã cùng nhau thành lập Câu lạc...

Văn hóa ba miền hội tụ – Kỳ 2: Giữ lửa đam mê quan họ

(CLV) – Tại CLB Quan họ Giao Duyên Vũng Tàu, thế hệ đi trước truyền lửa đam mê cho lớp sau, với mong muốn giữ gìn, bảo tồn và...

Văn hóa ba miền hội tụ – Kỳ 3: Nuôi dưỡng dòng chảy cải lương

(CLV) – Tại BR-VT, nhiều CLB cải lương được thành lập, tạo sân chơi cho những người theo đuổi đam mê loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc...

Đánh giá bài viết
Nguồn bài viết: Daibieunhandan.vn

Bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *