Thêm một nghệ sĩ gạo cội của cải lương thời vàng son qua đời

Thêm một nghệ sĩ gạo cội của cải lương thời vàng son qua đời

Chưa phân loại
19/06/2019
571 Lượt xem

Khu dưỡng lão nghệ sĩ TP.HCM lại vừa mới mất đi một nghệ sĩ cải lương gạo cội – một pho lịch sử sống của cải lương vàng son một thuở…
Vào lúc 15g30 ngày 18-6, nghệ sĩ Hoài Dung của Khu dưỡng lão nghệ sĩ đã qua đời tại Bệnh viện Chợ Rẫy, hưởng thọ 82 tuổi. Bà là một tên tuổi lớn ghi tên vào bản đồ cải lương miền Nam với tên mình trong bảng hiệu Đoàn cải lương Hoài Dung – Hoài Mỹ, quen thuộc với khán giả cải lương trước 1975.

Thêm một nghệ sĩ gạo cội của cải lương thời vàng son qua đời - ảnh 1

Nghệ sĩ Hoài Dung thời trẻ.


Nghệ sĩ Hoài Dung tên thật là Phạm Thị Ngọc Dung, sinh năm 1937, tại Vĩnh Long. Gia đình bà có cha là nghệ sĩ đờn ca tài tử Tư Tuất, và nhiều anh chị em đều theo nghề hát, trong đó bà gắn bó với người em gái là nghệ sĩ Hoài Mỹ.
Năm 12 tuổi hai chị em bà lấy nghệ danh là Ngọc Tình, Ngọc Tự rất được khán giả yêu thích qua hai vai diễn Nghi Xuân, Tấn Lực trong vở Phạm Công Cúc Hoa của Đoàn Tỷ Phượng. Vài năm sau, các anh chị em bà theo cha về hát cho Đoàn Phụng Hảo của nghệ sĩ Phùng Há. Bà và em gái được nghệ sĩ Phùng Há nhận làm con nuôi, đặt cho cả hai nghệ danh là Hoài Dung, Hoài Mỹ và trở thành hai đào hát có tiếng lúc bây giờ.
Thêm một nghệ sĩ gạo cội của cải lương thời vàng son qua đời - ảnh 2

Nghệ sĩ Hoài Dung và soạn giả Nguyễn Huỳnh thập niên 1950.


Nghệ sĩ Hoài Dung đã lập gia đình với soạn giả Nguyễn Huỳnh – tác giả của vở cải lương Tướng cướp Bạch Hải Đường nổi tiếng. Sau khi cưới nhau, soạn giả Nguyễn Huỳnh đã lập nên Đoàn cải lương Hoài Dung – Hoài Mỹ cho gia đình làm nghề.
Hoài Dung – Hoài Mỹ là một đoàn hát trung bang, hoạt động mạnh trong thời cải lương hưng thịnh, là cái tên quen thuộc với khán giả cải lương trước 1975. Tại đoàn nhà, nghệ sĩ Hoài Dung càng tỏa sáng hơn trong nhiều vở tuồng của soạn giả Nguyễn Huỳnh như: Tướng cướp Bạch Hải Đường, Hai mảnh Hoa Tiên (viết chung với soạn giả Yên Hà), Công chúa cá, phò mã cùi, Kiếp chồng chung (viết chung với soạn giả Điêu Huyền), Vua mặt sắt, Tình Sơn Nữ, Chiếc nhẫn Kim Cương, Kỳ nữ Hạnh Đào… Nhiều vở cải lương của đoàn Hoài Dung – Hoài Mỹ theo kịch bản của soạn giả Nguyễn Huỳnh vẫn còn được diễn cho đến ngày hôm nay.
Từ năm 1978, sau khi soạn giả Nguyễn Huỳnh qua đời, nghệ sĩ Hoài Dung không hoạt động sân khấu nữa. Gia cảnh bà dần rơi vào khó khăn. Năm 2009, nghệ sĩ Hoài Dung vào sinh sống tại Khu dưỡng lão nghệ sĩ TP.HCM cho đến khi qua đời. Tang lễ của bà được tổ chức tại Khu dưỡng lão nghệ sĩ TP.HCM, và làm lễ hỏa táng vào sáng 20-6.
Bà mất đi, cải lương lại mất đi một nghệ sĩ gạo cội, một pho lịch sử sống của cải lương, người có cả cuộc đời với cả một gia đình gồm cha mẹ, anh chị em, con cháu đều gắn bó, sống trong dòng chảy hưng thịnh rồi suy tàn của cải lương miền Nam.

HÒA BÌNH, ẢNH TƯ LIỆU


Đánh giá bài viết

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *