"Tổ quốc nơi cuối con đường" – Dấu son cải lương

"Tổ quốc nơi cuối con đường" – Dấu son cải lương

Chưa phân loại
19/09/2018
445 Lượt xem

Dựng đề tài lịch sử cận đại nhưng vở cải lương này lại mang tới sự mượt mà, sâu lắng trong cảm nhận của người xem về phần ca diễn của nghệ sĩ
Vở “Tổ quốc nơi cuối con đường”, tác giả: Lê Thu Hạnh, chuyển thể cải lương: Hoàng Song Việt, do đạo diễn Lê Nguyên Đạt dàn dựng, công diễn tại rạp Công Nhân (TP HCM) từ ngày 16-9 với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ tài năng, trong đó có NSND Minh Vương vào vai cụ Nguyễn Sinh Sắc, đã tạo nhiều ấn tượng đẹp với khán giả (vở này vừa tham dự Liên hoan sân khẩu cải lương toàn quốc 2018 tại Long An).
Vở diễn kể câu chuyện về sự kiện lịch sử xảy ra vào năm 1931, người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc bị cảnh sát Anh bắt tại Hồng Kông. Chính quyền Anh định dẫn độ Nguyễn Ái Quốc về Việt Nam giao cho nhà cầm quyền Pháp tại Đông Dương nhưng bị thất bại thảm hại bởi sự giúp đỡ vô tư của bạn bè quốc tế đầy lòng nhân ái dành cho Nguyễn Ái Quốc.

NSND Minh Vương và NSƯT Tấn Giao trong vở “Tổ quốc nơi cuối con đường”

NSND Minh Vương và NSƯT Tấn Giao trong vở “Tổ quốc nơi cuối con đường”


Dựng vở cải lương đề tài lịch sử, nhất là ca ngợi lãnh tụ, luôn là áp lực đối với ê-kíp thực hiện song vở diễn này lại mang tới sự mượt mà, sâu lắng trong cảm nhận của người xem về phần ca diễn của nghệ sĩ.
Vở diễn đã có một cách nhìn rất riêng khi lý giải những uẩn khúc của những con người đã âm thầm giúp đỡ Nguyễn Ái Quốc, dẫu gia đình họ bị liên lụy, bị bắt giam, cũng kiên quyết bảo vệ Người. Chất liệu lịch sử được thể hiện rất tốt. Nhiều đồng nghiệp đánh giá câu chuyện đã chạm tới cảm xúc của người xem qua lối dàn dựng ấn tượng cũng như cách lựa chọn nghệ sĩ vào những vai diễn hay: NSND Minh Vương (Nguyễn Sinh Sắc), NSND Hồng Lựu (Hoàng Thị Loan), NSƯT Thanh Điền (luật sư Loseby), NSƯT Tấn Giao (Nguyễn Ái Quốc), NSƯT Mỹ Hằng (bà Tuệ), NSƯT Hải Yến (bà Rosa), Kim Phương (bà mẹ miền Nam), Tấn Phát (thanh tra Pháp), Bảo Trí (Công tố viên)… Vai diễn đặt đúng người nên đã khai thác tốt hiệu quả về ca diễn.
Đặc biệt, không gian sân khấu được đạo diễn, họa sĩ thiết kế xử lý thành một khối lập phương mang biểu tượng Nam Bộ với hình tượng hoa sen rất độc đáo, tạo nên một không gian rất hiện đại, sang trọng.
Chính những dấu son đó đã giúp cho vở diễn chuyển tải được tinh thần cao quý của vở diễn, đó là khát vọng tìm ra con đường giải phóng dân tộc, mang lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân của nhân vật yêu nước Nguyễn Ái Quốc.

Bài và ảnh: Thanh Hiệp


Đánh giá bài viết

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *