Trước thềm nhận danh hiệu NSND, đạo diễn Triệu Trung Kiên: Tôi có một lòng tin vào sự chấn hưng của nghệ thuật truyền thống

Trước thềm nhận danh hiệu NSND, đạo diễn Triệu Trung Kiên: Tôi có một lòng tin vào sự chấn hưng của nghệ thuật truyền thống

Chưa phân loại
28/08/2019
719 Lượt xem

Trước sự khó khăn của nghệ thuật truyền thống nói chung và nghệ thuật Cải lương nói riêng, NSND Triệu Trung Kiên vẫn không ngừng tìm tòi, sáng tạo để đưa nghệ thuật Cải lương đến với đông đảo khán giả. Anh tin tưởng, nghệ thuật Cải lương cũng như nghệ thuật truyền thống sẽ tiếp tục phát triển, được công chúng yêu mến và tự hào như những giá trị văn hóa quý báu của dân tộc.

Trước thềm nhận danh hiệu NSND- danh hiệu cao quý mà Đảng, Nhà nước ghi nhận và phong tặng cho chặng đường cống hiến của mình đối với nghệ thuật Cải lương, NSND Triệu Trung Kiên đã chia sẻ với Báo điện tử Tổ Quốc những cảm xúc của mình.

NSƯT Triệu Trung Kiên.

NSƯT Triệu Trung Kiên.

+ Chỉ còn chưa đầy 1 ngày nữa, anh sẽ nhận danh hiệu cao quý NSND. Cảm xúc của anh lúc này thế nào?

– Tôi vui và hạnh phúc lắm! Danh hiệu NSND là danh hiệu hết sức cao quý mà có lẽ bất cứ nghệ sĩ nào trong nỗ lực làm nghề của mình cũng mong muốn được Đảng, Nhà nước ghi nhận và phong tặng. Với tôi, đó là niềm hạnh phúc quá lớn lao và niềm vui cứ âm ỉ trong lòng.

Hạnh phúc vì những gì mình cống hiến đã được Đảng, Nhà nước và công chúng ghi nhận. Song tôi cũng nghĩ, khi nhận được danh hiệu, đương nhiên người nghệ sĩ phải nỗ lực hơn nữa để xứng đáng với danh hiệu, không phụ lòng tin của các cấp lãnh đạo, không phụ lòng tin của khán giả, và đặc biệt phải là tấm gương mẫu mực cho các thế hệ đàn em noi theo. Trọng trách sẽ nặng nề hơn, lớn lao hơn! Khi có danh hiệu cao quý này, bản thân tôi sẽ càng phải phấn đấu hơn, nỗ lực hơn, giữ gìn hình ảnh, trau dồi kiến thức… Tất cả mọi thứ phải thực sự xứng đáng với danh hiệu NSND mà Đảng, Nhà nước phong tặng và sự yêu quý của khán giả, nhân dân!

+ Trong làng Cải lương, khi đón nhận danh hiệu NSND anh là một nghệ sĩ trẻ, anh nghĩ gì khi cùng nhận danh hiệu NSND với anh dịp này là các nghệ sĩ gạo cội như Minh Vương, Thanh Tuấn, Thoại Miêu, và cố nghệ sĩ Giang Châu…?

– Những anh, chị nghệ sĩ ấy từng là thần tượng một thời trẻ con của mình. Khi mình còn là đứa trẻ, các nghệ sĩ ấy đã là những ngôi sao sáng chói của nền nghệ thuật Cải lương. Giờ mình lại được phong danh hiệu NSND cùng các anh chị ấy, rất mừng nhưng có một chút chạnh lòng! Nhưng đó cũng là thực tế thôi, do điều kiện và môi trường hoạt động, các anh, các chị là thế hệ vàng của nền Cải lương nhưng do đặc thù hoạt động như không nằm trong các đoàn công lập, không tham gia những hội diễn, hoạt động cá nhân nhiều hơn, nên phần nào những tiêu chí của việc xét tặng danh hiệu chưa chạm được đến các anh các chị. Đó là một thiệt thòi cho các nghệ sĩ.

Nhưng rất may là lần này, Chính phủ có Nghị quyết riêng cho những trường hợp như vậy. Rõ ràng, Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm, đã có ngay biện pháp khắc phục. Hy vọng rằng tình trạng này sẽ luôn được khắc phục trong một vài đợt phong tặng tới. Tuy nhiên, cũng chỉ trong 1 vài đợt tới thôi, vì lứa nghệ sĩ đó, sau khi phong tặng rồi sẽ không còn những nghệ sĩ bị mắc vào những trường hợp như thế nữa.

Các nghệ sĩ trẻ giờ có rất nhiều cơ hội. Ví dụ các nghệ sĩ trẻ của TP Hồ Chí Minh, cơ hội như các nghệ sĩ miền Bắc. Vì các bạn cũng tham gia các đoàn chuyên nghiệp công lập, thứ hai là về quy chế liên hoan hội diễn đã mở ra cho các đoàn tư nhân, chấp nhận các nghệ sĩ tự do, như vậy, tất cả các nghệ sĩ có cơ hội như nhau. Không bị như một số anh chị trong thế hệ vàng nữa. Đó là tồn tại của quá khứ và rất mừng là nó được khắc phục trong vài đợt xét tặng vừa rồi. Tuy nhiên, vẫn còn một số lượng khá đông các anh chị cùng lứa với NSND Minh Vương, Thanh Tuấn… vẫn chưa được nhìn nhận. Hy vọng rằng các đợt xét tặng sau, các cấp lãnh đạo quan tâm lưu ý và cố gắng làm sao để đánh giá được đúng đóng góp của các nghệ sĩ cho nghệ thuật dân tộc.

Ni sư Hương Tràng- một vở diễn lịch sử hấp dẫn của Nhà hát Cải lương VN, do NSND Triệu Trung Kiên làm đạo diễn

Ni sư Hương Tràng- một vở diễn lịch sử hấp dẫn của Nhà hát Cải lương VN, do NSND Triệu Trung Kiên làm đạo diễn

+ Trong bối cảnh nghệ thuật truyền thống nói chung và nghệ thuật Cải lương nói riêng đang hết sức khó khăn, điều ngạc nhiên là anh vẫn hết sức bận rộn với các dự án làm sân khấu của mình. Điều gì khiến anh luôn có động lực sáng tạo như vậy?

– Tình hình sân khấu nói chung, rõ ràng đang ở đỉnh điểm của khó khăn. Nếu hình dung sự thăng trầm của sân khấu giống đồ thị hình Sin thì hiện nay, nó đang ở giai đoạn tiệm cận đáy. Không biết còn khó khăn như thế nào nữa nhưng có thể nói là khó có thể khó khăn hơn được nữa. Theo quy luật thì chạm đáy rồi sẽ đi lên. Đương nhiên đi lên không phải là nhìn nhận duy ý chí mà trên suy luận logic. Trong khó khăn, các cụ nhà ta nói cái khó ló cái khôn. Lực lượng nghệ sĩ vẫn còn rất hùng hậu và rất yêu nghề, những người tâm huyết với nghề đương nhiên sẽ làm mọi cách, vận dụng mọi yếu tố và tài năng của mình để vùng vẫy ra khỏi giai đoạn khó khăn này. Khó khăn là cản trở nhưng đồng thời là cơ hội cho các nghệ sĩ có được sự sáng tạo, có quyết tâm, có lòng yêu nghề.

Trong khó khăn như vậy, nhìn lại lực lượng nghệ sĩ tài năng vẫn còn hùng hậu. Những yếu tố khách quan nằm ngoài ý muốn của con người, có thể mình lực bất tòng tâm nhưng nói tuyệt vọng thì không phải, vẫn có những điểm sáng và chúng tôi vẫn luôn có niềm tin là bằng cách này hay cách khác, bằng nỗ lực cao nhất, bằng quan điểm đúng đắn và phù hợp thì các nghệ thuật truyền thống, trong đó có Cải lương sẽ vượt qua được khó khăn.

Sân khấu cải lương được 100 năm, chèo thì gần 1.000 năm, Tuồng từ thời Trần cũng 600-700 năm. Các loại hình đều có lúc thăng lúc trầm, và bản thân Cải lương khi xuất hiện thì cũng là lúc khó khăn nhất của Chèo, Tuồng. Lúc xã hội đang Tây hóa và hướng ngoại thì các loại hình như Tuồng, Chèo đã gặp rất nhiều khó khăn nhưng nó vẫn tồn tại đến bây giờ. Cho nên, tôi có niềm tin rằng, các giá trị cốt lõi của dân tộc luôn luôn nằm trong tâm khảm mọi người dân và nó sẽ trường tồn khi những người dân ý thức được đúng đắn nghĩa vụ trách nhiệm công dân của mình.

Nhìn ra các nước, công dân của các nước họ luôn tự hào về nền văn hóa của mình. Việt Nam chúng ta có nhiều năm chiến tranh và khó khăn, trong quá trình đổi mới, gặp không ít chông gai nên nhiều khi tâm thức của người dân chưa được ổn định. Nhiều khi còn hồ nghi, nhiều khi chưa tự tin, nhưng trước sau gì, tôi vẫn tin người Việt Nam sẽ nhận ra và có lòng tự tôn, niềm tự hào dân tộc khi nhìn ra quốc tế. Những giá trị truyền thống, niềm tự hào dân tộc là yếu tố trường tồn, nó sẽ được khơi gợi trong mỗi người dân Việt Nam, để người dân Việt nam thấy giá trị của văn hóa truyền thống, trong đó có giá trị của văn hóa nghệ thuật, đó là những giá trị hết sức quý và không thể mai một, không thể quên lãng và sẽ có trách nhiệm để không để nó bị thất truyền.

Tôi có cơ sở để tin điều đó. Sự xuất hiện của Ỷ Vân Hiên và một số công ty sản xuất phục trang cổ giúp tôi củng cố niềm tin. Đã từ lâu, việc làm các trang phục cổ tưởng như không còn sự kế thừa, thất truyền rồi. Các nghệ nhân chuyên làm phục trang cho sân khấu, làm trang phục cổ của các giai đoạn lịch sử Việt Nam đã mất lâu lắm rồi. Và có một giai đoạn không ai theo nữa. Đến bây giờ, tưởng như tuyệt vọng thì lại nảy ra một sự bất ngờ như Ỷ Vân Hiên và một số công ty khác. Các em đều rất trẻ, là lứa 9x, nhưng lại xác định con đường đi hết sức chuẩn xác. Đó là các em phục dựng lại hệ thống phục sức, trang phục cổ của tổ tiên. Các em đều có tư duy nhạy bén, được học bài bản, có phương tiện là 4.0 cho nên các em đã làm được những điều rất bất ngờ. Thông qua các sản phẩm của các em, tôi thấy rất mừng và nể trọng. Đó cũng là báo hiệu rằng trong khó khăn, vẫn nảy ra những điểm sáng. Chúng ta có quyền hy vọng rằng trong tương lai sẽ có một thế hệ con người Việt Nam có đầy đủ tố chất để gánh vác trọng trách phục hưng văn hóa dân tộc, văn hóa nghệ thuật.

Ngàn năm mây trắng, vở diễn mới nhất của đạo diễn, NSND Triệu Trung Kiên có sự hòa trộn giữa Cải lương với nhiều loại hình nghệ thuật dân tộc khác như Chèo, Xẩm, hát Văn...

Ngàn năm mây trắng, vở diễn mới nhất của đạo diễn, NSND Triệu Trung Kiên có sự hòa trộn giữa Cải lương với nhiều loại hình nghệ thuật dân tộc khác như Chèo, Xẩm, hát Văn…

+ Theo NSND Triệu Trung Kiên, con đường để chấn hưng Cải lương cần bắt đầu từ đâu?

– Các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống muốn tồn tại được, muốn thoát qua giai đoạn khủng hoảng, đương nhiên phải có sự chuyển biến, đổi mới, cải cách. Xã hội vận động không ngừng, các giá trị các chuẩn mực đều có biến động. Văn hóa nghệ thuật cũng phải chuyển mình cho phù hợp, cho bắt kịp đời sống và cho nó thỏa mãn được các nhu cầu mới nảy sinh. Cũng có những giá trị bất biến, khuôn vàng thước ngọc, ta xếp nó vào bảo tồn. Nhưng bên cạnh sự bảo tồn đó thì luôn luôn phải có sự phát huy, phát triển để tìm tòi ra cách thức để các loại hình phù hợp với đời sống đương đại. Ví dụ, tôi chắc chắn Tuồng Chèo vài trăm năm trước phải khác bây giờ. Nhưng các loại hình đó, trong quá trình hình thành, phát triển, nó lại gạn đục khơi trong để có sự định hình như hôm nay. Bản thân loại hình truyền thống như vậy, với sân khấu cải cách như Cải lương thì đương nhiên càng cần đổi mới. Đổi mới nhưng không làm mất đi những căn cốt, linh hồn của loại hình. Chính vì vậy, sân khấu Cải lương trong thời gian gần đây đã có sự va đập nội bộ trong quan điểm là đổi mới hay giữ nguyên. Và hầu như các nghệ sỹ đều thống nhất là phải đổi mới thì mới ngõ hầu tìm được lối đi trong tương lai.

Trong thời gian vừa qua, Nhà hát Cải lương VN luôn tiên phong trong đổi mới Cải lương. Đổi mới bằng nhiều cách, tìm nhiều con đường khác nhau, đổi mới trong từng tác phẩm dàn dựng của Nhà hát. Và có thể nói trong 5 năm trở lại đây, rõ ràng đã tạo nên uy tín cho Nhà hát Cải lương Việt Nam, đã tạo được sự yêu mến của các tầng lớp khán giả, kể cả khán giả trẻ. Điều đó chứng tỏ sự đổi mới là cần thiết và đúng hướng.

Vừa rồi, trong vở Ngàn năm mây trắng, là vở kịch hát đậm đặc các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc, nhưng rõ ràng, người ta thấy đó là một tác phẩm sân khấu đương đại. Đương đại trong ngôn ngữ sáng tạo, là tác phẩm của hôm nay chứ không phải là cái gì mô phỏng rập khuôn. Thông qua những buổi diễn đầu tiên, khán giả rất thích thú. Đó là bước đầu trong con đường tìm tòi hướng đi cho sân khấu Cải lương.

+ Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Hà An (thực hiện)


Đánh giá bài viết

Bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *