Tự hào “viên ngọc” cải lương 100 tuổi: Biến nhạc cụ Tây thành guitar cải lương

Tự hào “viên ngọc” cải lương 100 tuổi: Biến nhạc cụ Tây thành guitar cải lương

Chưa phân loại
08/10/2018
548 Lượt xem

(CLV) – Sự có mặt của cây đàn guitar phím lõm trong dàn nhạc cải lương cho thấy bản lĩnh, óc sáng tạo và tài năng của các thế hệ nghệ sĩ trong việc tiếp thụ, chuyển hóa cái của người thành của mình thật là tuyệt vời, đầy tự hào và đáng trân trọng

Đàn guitar phím lõm còn gọi là lục huyền cầm, guitar móc phím, guitar cổ nhạc, guitar vọng cổ, guitar cải lương, guitar Việt Nam…, chưa một cây đàn nào lại mang nhiều tên đến vậy. Và trong lịch sử các loại nhạc khí Việt Nam, cây đàn này có liên quan đến loại hình nghệ thuật vọng cổ và cải lương.

Tự hào viên ngọc cải lương 100 tuổi: Biến nhạc cụ Tây thành guitar cải lương - Ảnh 1.

Nhạc sĩ Kiều Tấn và cây đàn guitar phím lõm. (Ảnh do nhạc sĩ cung cấp)

Nhạc khí truyền thống khó sánh bằng

Từ lúc guitar phím lõm hình thành năm 1936, bước đường để mang tên “guitar vọng cổ” luôn gắn liền với âm nhạc tài tử qua những bài vọng cổ (nhịp 8 và 16): “Văng vẳng tiếng chuông chùa”, “Khóc mồ bạn”, “Sao hôm lốm đốm điểm thưa rồi”, “Thức trót canh gà”, “Đêm khuya trông chồng”, “Tình mẫu tử”, “Tôn Tẫn giả điên”… được thể hiện bởi các danh ca: Tư Sạng, Tư Bé, Hai Đá, Năm Nghĩa, Tám Thưa, Út Trà Ôn…, phổ biến trên các mặt dĩa: Pathé, Béka, Odéon, Asia và được các danh cầm tiên phong thời bấy giờ: Chín Hòa, Ba Cậy, Armand Thiều, Văn Huệ, Mười Út, Bảy Hàm, Ba Xây… chắp cánh chữ đàn với các hệ thống dây: Xề bóp, Sài Gòn, Rạch Giá, Tứ nguyệt.

Khi bản vọng cổ phát triển lên nhịp 32 (năm 1941) và guitar phím lõm cũng kịp định hình với hệ thống dây “lai” (vào năm 1948), cũng như phát kiến thêm dây “ngân giang” (1958) và “bán ngân giang” sau đó (1969), đã cho thấy sức sống của đàn guitar phím lõm luôn song hành với bản vọng cổ và cũng vì vậy nó được mệnh danh là “guitar vọng cổ”. Tạo dấu ấn lớn nhất phải kể đến đệ nhất danh cầm Văn Vĩ.

Nếu như trước đây dàn nhạc tài tử về cơ bản bao gồm 3 loại nhạc khí chính: kìm – tranh – cò thì khi có bản vọng cổ gia nhập vào kho tàng nhạc mục tài tử, với đa dạng nội dung và nhiều cung bậc tình cảm của bản nhạc này, các loại nhạc khí truyền thống khác khó có thể chuyển tải sánh bằng đàn guitar phím lõm.

Bởi ưu thế vượt trội của cây đàn mới mẻ này là có âm vực rộng hơn 3 quãng 8 (hệ thống 4 dây), đặc biệt là có thể mở rộng xuống các âm khu trầm (hệ thống 5 dây, có thể đến 4 quãng 8), điều mà không nhạc khí truyền thống nào có được.

Ưu thế nữa là nhờ có phím gắn theo hệ âm bình quân nên sự chuyền ngón, chạy chữ nhạc rất lưu loát, mượt mà. Vì vậy, guitar phím lõm là nhạc khí duy nhất có khả năng đảm nhận vai trò xen kẽ trong từng 3 công năng trên, tùy thuộc sự ngẫu hứng của người nhạc sĩ.

Mãi đến những năm thập niên 1980, nhất là từ khi Viện Nghiên cứu âm nhạc tại TP HCM tổ chức “Nhạc hội danh cầm”, trong đó mặc nhiên xem guitar phím lõm là một trong những nhạc khí truyền thống và được đưa vào chương trình giảng dạy lớp thể nghiệm Đại học Âm nhạc dân tộc, cây đàn này mới dần dà đường hoàng bước vào hàng ngũ của dàn nhạc tài tử Nam Bộ. Từ đó, guitar phím lõm càng phát huy những ưu thế như đã nói trên.

Tự hào viên ngọc cải lương 100 tuổi: Biến nhạc cụ Tây thành guitar cải lương - Ảnh 2.

Cây guitar phím lõm không thể thiếu trong sinh hoạt đờn ca tài tử Nam Bộ. Ảnh: MINH HOÀNG

Đắc dụng trong dàn nhạc cải lương

Kể từ khi guitar phím lõm mắc theo hệ thống dây “lai” = Lìu – Xàng – Hò – Xê – Líu tức D-G-d-a-d”, cây đàn này cũng chính thức gia nhập vào dàn nhạc cải lương và đã trở nên đắc dụng trong xử lý các tình huống bài bản, âm nhạc của sân khấu.

Đầu tiên, với ưu thế vốn đã vượt trội các nhạc cụ truyền thống về cung phím bình quân, âm sắc, tầm âm và kỹ thuật biểu diễn, trên hệ thống dây “lai” lại có thể giúp người đàn chuyển trở một cách dễ dàng và thuận lợi các loại hò, diễn tấu tốt ở mọi loại bài bản. Đây là công trình tìm tòi, sáng tạo hết sức đáng ghi nhận của các nhạc sĩ sân khấu cải lương thời bấy giờ, điều mà các loại dây trước đó trên guitar phím lõm chưa làm được.

Các nhạc khí truyền thống khác có thể thiếu vắng trong dàn nhạc cải lương nhưng guitar phím lõm điện thì không. Cải lương không thể không có bài vọng cổ, điều này cũng đồng nghĩa với không thể thiếu vắng tiếng đàn guitar phím lõm (điện). Chính vì những lý do trên mà guitar phím lõm còn được mệnh danh là “guitar cải lương”, góp phần quan trọng trong nâng tầm thể hiện cho bản vọng cổ.

Từ một cây đàn “không chính thống” đã nghiễm nhiên trở thành cây đàn thần kỳ, chiếm vị trí chủ đạo trong dàn nhạc cải lương… Tất cả những điều này cho thấy bản lĩnh, óc sáng tạo và tài năng của các thế hệ nghệ sĩ, nhạc sĩ truyền thống người Việt trong việc tiếp thụ, chuyển hóa cái của người thành của mình thật là tuyệt vời, đầy tự hào và đáng trân trọng.

Vươn mình trở thành cây đàn dân tộc

Là một nhạc khí sinh sau đẻ muộn và mang định kiến với nhãn mác “ngoại lai”, guitar phím lõm qua những phát kiến hệ thống dây rất thông minh và phù hợp với từng giai đoạn phát triển đã vươn mình trở nên cây đàn dân tộc để có thể diễn tả tất cả bậc ngũ cung tinh tế, chữ đàn vi diệu trong âm nhạc tài tử và cải lương.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 6-10

Kỳ tới: “Hôn phối” nghệ thuật Đông – Tây

Nhạc sĩ Kiều Tấn


Đánh giá bài viết

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *