(CLV) – Bên cạnh việc thừa nhận bản thân là một người ‘liều’ Hoàng Hải cũng bày tỏ niềm đam mê với cải lương tuồng cổ ấp ủ những...
Văn hóa cải lương Nam bộ cần được quan tâm và nghiên cứu trên phương diện học thuật
(CLV) – Lâu nay, việc bảo tồn và phát huy vốn di sản văn hóa cải lương Nam bộ được chú trọng nhiều trên phương diện sáng tác, biểu diễn nhưng ít được quan tâm trên bình diện nghiên cứu khoa học, tìm hiểu học thuật.
Văn hóa cải lương Nam bộ – Từ đờn ca tài tử đến sân khấu cải lương, từ lý luận đến thực tiễn là quyển sách tập hợp 24 tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia, soạn giả gửi tham dự Hội thảo khoa học quốc gia về văn hóa cải lương Nam bộ, được tổ chức vào ngày 9.3 tới đây tại Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM. Sách do TS Huỳnh Công Tín chủ biên, Đại học Quốc gia TP.HCM tài trợ.
Sách gồm 4 phần. Phần 1 (Tiến trình sân khấu cải lương) có 7 tham luận, nêu bật nghệ thuật cải lương có tiến trình hình thành với một chặng đường khá dài và trải qua từng giai đoạn gắn liền với lịch sử dân tộc. Nó có những tiền đề khá phong phú và cũng không kém phần phức tạp, từ nguồn gốc nhạc cung đình và ca nhạc Huế vào vùng đất mới Nam bộ, rồi hình thành nhạc lễ Nam bộ đến nhạc tài tử Nam bộ; khi có điều kiện quá độ nó phát sinh hình thức ca ra bộ đến hát chập và kết quả cải lương ra đời đầu tiên tại Mỹ Tho vào ngày 15.8.1918 với hình thức ca kịch là sân khấu sàn diễn, gọi là sân khấu cải lương.
Ba tham luận: Từ 20 bản Tổ nhạc tài tử chuyến hóa đến ca kịch cải lương; Sự hình thành và phát triển nhạc tài tử, cải lương Nam bộ; Sự tương tác giữa đờn ca tài tử Nam bộ và sân khấu cải lương Nam bộ nói rõ tiến trình phát triển sân khấu cải lương qua việc chuyển hóa từ nhạc thính phòng đờn ca tài tử đến sân khấu ca nhạc kịch cải lương.
Phần 2 (Đặc trưng văn hóa cải lương) gồm 7 tham luận, khái quát những đặc tính tiêu biểu trong cấu trúc nghệ thuật của loại hình cải lương Nam bộ. Đặc tính tổng hợp thể hiện ở sự kết hợp các thành tố nghệ thuật trên sân khấu cải lương như: kịch, ca nhạc, phục trang, hóa trang, thiết kế sân khấu và đạo cụ; hay sự kết hợp văn xuôi với các loại hình ngôn từ khác trong phương thức biểu diễn. Nghệ thuật cải lương còn thể hiện sự ứng biến và linh hoạt trên các bình diện từ chủ thể sáng tác, biểu diễn, thưởng thức đến sự vận dụng các phương tiện nghệ thuật trên sân khấu. Chất trữ tình trong bài bản, làn điệu lẫn diễn xuất của cải lương là đặc trưng biểu cảm của loại hình nghệ thuật này.
Tham luận Những đặc điểm tiêu biểu của bài vọng cổ nhịp 32 và vọng cổ, bài ca “vua” của nghệ thuật tài tử – cải lương nói đến vai trò chủ lực của bản vọng cổ trên sân khấu cải lương, trong sinh hoạt âm nhạc cộng đồng, xã hội; đồng thời nói rõ tiến trình phát triển của bài Dạ cổ hoài lang, nhịp 2 được phát triển, chuyển hóa thành bản vọng cổ nhịp 4, 8, 16 và định hình ở nhịp 32…
Phần 3 (Tác giả – tác phẩm) có 6 tham luận khẳng định tên tuổi, sự nghiệp của một số soạn giả với những vở diễn có giá trị nội dung tư tưởng, hình thức nghệ thuật, gây được tiếng vang trong nhiều thế hệ quần chúng đam mê sân khấu cải lương. Đó là Trần Hữu Trang, nghệ sĩ cải lương cách mạng; Tiếng hò sông Hậu, vở tuồng tâm lý – xã hội mang đậm chất hiện thực Nam bộ; Tiếng hạc trong trăng, vở cải lương phối hợp hài hòa ca nhạc kịch với chủ đề tư tưởng… Riêng tham luận Nghệ thuật ngôn từ trong sáng tác vọng cổ của soạn giả Viễn Châu cho thấy tài năng viết vọng cổ và tinh thần lao động nghệ thuật miệt mài của NSND Viễn Châu.
Phong trào cải lương ở các địa phương là chủ đề phần 4 của sách, gồm 4 tham luận, trong đó tham luận Những gia đình có đóng góp lớn cho sự nghiệp văn hóa cải lương đề cập đến sự đóng góp của những gia đình cho tiến trình 100 năm sân khấu cải lương, như: gia đình Nhạc Khị, gánh Đồng Nữ Ban, đoàn Việt kịch Năm Châu, đoàn Thanh Minh – Thanh Nga, gia đình chị em Năm Phỉ – Bảy Nam…
Trong tham luận Bảo tồn và phát huy nghề làm trang phục cải lương ở TP.HCM cho thấy TP.HCM là nơi quy tụ hầu hết các cơ sở làm trang phục cải lương; để bảo tồn và phát huy nghề, Nhà nước cần có chủ trương thích hợp; tạo điều kiện liên kết, thiết kế tour du lịch văn hóa đưa du khách đến các phòng trưng bày trang phục tham quan để cổ vũ làng nghề.
Lâu nay, việc bảo tồn và phát huy vốn di sản văn hóa cải lương Nam bộ được chú trọng nhiều trên phương diện sáng tác, biểu diễn nhưng ít được quan tâm trên bình diện nghiên cứu khoa học, tìm hiểu học thuật. Vì vậy Hội thảo khoa học văn hóa cải lương Nam bộ lần này được xem là một đóng góp có ý nghĩa lớn cho việc giữ gìn và nhân rộng những giá trị văn hóa của sân khấu cải lương.
(CLV) – Trước dấu mốc lịch sử 100 tuổi của sân khấu kịch nói Việt Nam, nhìn lại chặng đường đã qua, chúng ta tự hào nhớ ơn các...
(CLV) – Việc dời liên hoan sân khấu cải lương toàn quốc vào năm sau sẽ có thời gian chuẩn bị vở tốt hơn, bảo đảm bảo chất lượng...
Bài viết khác
Bình luận
Bài viết nổi bật
-
Tây Thiên Vũ Khúc
26/05/2023.126617 -
30 nghệ sĩ nổi tiếng tham gia MV ca cổ “Sài Gòn, ngày vui trở lại” của NSƯT Hữu Quốc
11/09/2021.98752 -
Vũ Luân: 2 lần định kết hôn bất thành và cuộc sống độc thân tuổi 51
10/07/2023.95541 -
Phương Cẩm Ngọc đạt nhất tuần đầu tiên Sao Nối Ngôi mùa 4
04/04/2019.93973
Trả lời