Vị đắng đời cha
Tiếng đờn ai oán, dìu dặt vọng về trong đêm thanh vắng. Tiếng đờn vừa lạ vừa quen, đưa hồn về miền ký ức xa xưa nhiều mộng ảo. Có phải chăng đó là tiếng đờn của người xưa vọng về trong thực tại.
Ba mươi hai năm cách biệt, người theo chồng kẻ bỏ xứ mà đi. Hôm nay gặp lại nhau mừng mừng tủi tủi. “Anh” đã già đi nhiều hơn cô nghĩ.
Ngày ấy, Năm Hòa là một người thích đờn thích hát, lang bạt đó đây khắp chốn sông hồ với gói hành trang và cây đàn là bạn. Không đua tranh với đời, không màng danh lợi. Rồi một ngày ông dừng chân trên đất Nam Vang. Được mẹ cô Bảy Hường thương tình đưa ông về dạy đàn dạy hát cho con mình. Tháng ngày gần gũi, cùng nhau dạo những cung đàn du dương trầm bổng, hai người yêu nhau. Nhưng nghịch cảnh trái ngang, dòng đời khắc nghiệt. Gia đình Bảy Hường làm ăn lụn bại, cha cô đã nhận lời cầu thân của cha mẹ Hai Hưng. Vì chữ hiếu cô vâng lệnh mẹ cha xuống thuyền sang bến khác, vùi chôn biết bao hình ảnh đẹp của một mối tình thơ mộng.
Năm Hòa buồn bã rời đất Nam Vang trở về quê cũ, cất một căn nhà nhỏ dưới gốc cây bồ đề, đêm ngày tu niệm vứt bỏ những phiền lụy của cuộc đời. Nhưng căn tu chưa trọn, Năm Hòa nên duyên chồng vợ cùng cô Nhụy – là cô Năm Nhụy hiện giờ. Hai người sống với nhau có sáu người con: năm gái và một trai. Hai cô con gái lớn của ông là Liên và Thanh cũng nối nghiệp cha mình, bỏ nhà đi theo gánh hát, khiến ông Năm phải lo âu sầu khổ.
Cô Bảy Hường sau khi lấy Hai Hưng có được một đứa con. Vì sống với ông không có chữ tình nồng mặn nên giữa đường gãy gánh, dây tơ đứt đoạn. Hai người ly dị hơn mười năm nay, cô về lại quê mẹ cất nhà và ở với cậu con trai tên Thuận. Hôm nay như một định mệnh, cô Bảy và ông Năm lại gặp nhau trên quê hương Hồng Ngự sau hơn ba mươi năm không một chút tin tức. Cái tình ngày xưa nay đã không còn, nhưng họ vẫn xem nhau là tri âm tri kỷ. Tình đồng hương, tình xóm giềng tối lửa tắt đèn có nhau.
Thuận sau khi học xong ngành y trở thành bác sĩ cũng về quê sống luôn với mẹ mình. Từ lúc hai gia đình gặp lại nhau cũng trở nên thân thiết gắn bó. Thuận gặp Hà (con gái thứ tư của ông Năm) anh cảm mến bởi sự dịu dàng chịu thương chịu khó của cô, anh ngỏ ý với mẹ qua thưa chuyện với vợ chồng ông Năm. Mọi chuyện vẫn chưa kịp nói, thì Liên từ Sài Gòn về thưa với cha mẹ có người muốn cưới cô làm vợ. Không ngờ người đàn ông đó là Hai Hưng.
Chuyện ba mươi mấy năm ông đã chôn sâu trong lồng ngực, giờ bị ông Hưng khơi gợi lại làm xáo động cả gia đình. Liên không còn can đảm ở lại nhìn bà Năm đau khổ héo hon vì vết tích tình yêu của cha và cô Bảy bị đào xới bởi người cô muốn cưới làm chồng. Càng không còn mặt mũi nào để nhìn mặt cô Bảy. Liên bỏ nhà trở lại Sài Gòn, để mặt cho người cha già tội nghiệp lúc nào cũng trông ngóng con mình. Nỗi đau đè lấy nỗi đau, bao nhiêu tâm tư trĩu nặng trong lòng nay thành tâm bệnh.
Suốt ba mươi năm, ông luôn ôm trong lòng nỗi hối hận não nề. Vì ngày đó ông có quá nhiều mặc cảm của một người trai không sự nghiệp công danh, ông quyết ra đi để người thương khỏi bận lòng mà cất bước theo chồng. Ngày gặp lại sự hối hận và xót xa càng đè nặng trong lòng khi thấy hạnh phúc cô Bảy giờ như “hồ tan keo rã”, một mình lạnh lẽo trong gió đông.
Sự nghiệp, tình cảm đều thất bại, đến cả làm cha ông cũng thất bại. Mang trong người cái nghiệp cầm ca, bao nhiêu nhiệt huyết và đam mê ông đều truyền dạy cho các đứa con của mình. Nhưng ông lại không muốn con mình đi theo con đường ông đã đi, dù có cấm đoán ngăn cản thì bọn chúng cũng không nghe. Cả cuộc đời ông đã hy sinh vì vợ vì con, đến từng tuổi này muốn mình ích kỷ một lần giữ các con bên cạnh tâm sự những buồn vui của đời nghệ sĩ, vậy mà vẫn không được.
Vì lao tâm lao lực, lại có tuổi ông Năm vốn có bệnh trong người nay bệnh càng nặng thêm, sức khỏe ngày càng yếu như “ngọn đèn trước gió”. Trên giường bệnh, còn những hơi thở cuối cùng ông ôm đàn gảy lại bốn câu lớp ba của Trường Tương Tư, như ôn lại ngón đờn cho đứa con trai của mình ghi nhớ. Tiếng đàn vừa vang lên chưa hết bốn câu dây đàn đã đứt, ông Năm nhắm mắt mà trên tay vẫn còn giữ chặt cây đàn như ôm theo bao nhiêu kỷ niệm cay đắng của đời mình. Cũng là lúc Liên vừa về tới, nhưng ông Năm đã không thể nhìn mặt đứa con ông mong đợi lần cuối nữa rồi. “Ta mang vị đắng trong đời, con não nùng than khóc cha. Cô Hường xót nghĩa tình xưa, đớn đau là thân cô Nhụy tủi buồn nhớ ai.”
“Vị đắng đời cha ôi xót xa
Tóc xanh ngả bạc kiếp phong ba
Thở than, than thở cùng mây gió
Gió hỡi mây ơi thấu hiểu lòng.”
Trả lời