Vĩnh biệt “Đệ nhất đào lẳng” Mai Lan
Con gái của nghệ sĩ Mai Lan – người được mệnh danh là “Đệ nhất đào lẳng” – vừa báo tin bà đã trút hơi thở cuối cùng lúc 6 giờ ngày 21-5 tại nhà riêng, hưởng thọ 75 tuổi
Con gái nghệ sĩ (NS) Mai Lan cho biết nhiều tháng qua, căn bệnh tim và tiểu đường của bà tái phát, tay chân sưng phù, đau nhức. “Sáng hôm nay, tôi định đưa mẹ đi tái khám thì bà đã qua đời” – cô òa khóc.
NSND Ngọc Giàu rất xúc động Khi nghe tin nghệ sĩ Mai Lan qua đời. “Nói đến đào tính cách phải nhắc đến NS Mai Lan vì chị được báo giới Sài Gòn và công chúng phong tặng danh hiệu “Đệ nhất đào lẳng”. Từ năm 1995, sau tai nạn giao thông trong chuyến lưu diễn với Đoàn Văn công TP HCM khiến đôi chân chị không thể đi được, phải rời xa sân khấu. Tôi không cầm được nước mắt khi nghe chị ca vọng cổ và càng thấm thía nỗi niềm của một nghệ sĩ khao khát được cống hiến mà phải rời xa sàn diễn” – NSND Ngọc Giàu chia sẻ.
NS Mai Lan tên thật là Nguyễn Thị Lan, sinh năm 1944, tại Chợ Lớn, từ nhỏ sống trong chùa, kinh kệ công quả. Năm 14 tuổi, cô bé Lan rời chùa, bước ra đời. Năm 1957, Mai Lan quen biết với NS Minh Tài ở đoàn Thúy Nga. Thời ấy, Đoàn Thúy Nga là một “đại ban” hùng mạnh, nổi tiếng với vở cải lương “Khi hoa anh đào nở” – vở hát đã giới thiệu đôi soạn giả trẻ Hà Triều – Hoa Phượng, đồng thời lăng-xê kép trẻ Thành Được.
Tài năng của Mai Lan lọt vào tầm nhìn của bà bầu Thơ, vậy là Mai Lan được mời về đoàn Thanh Minh – Thanh Nga (khoảng năm 1959-1960 ), chưa đầy hai năm rời chùa, bé Lan đã trở thành cô đào trẻ triển vọng.
Cộng tác với đoàn Thanh Minh – Thanh Nga được một thời gian, Mai Lan đến với đoàn Hữu Tâm. Sau đó, đoàn Út Bạch Lan – Thành Được thành lập và Mai Lan được chọn vào vai độc chánh. Vì quen biết Thành Được từ đoàn Thúy Nga, thích giọng ca của Út Bạch Lan từ thời đoàn Thanh Minh – Thanh Nga nên Mai Lan mừng lắm khi có cơ hội hát với thần tượng.
Khi đoàn Hoa Mùa Xuân (sau này đổi thành Dạ Lý Hương) thành lập, Mai Lan được mời về hát với Tấn Tài, Bạch Tuyết, để lại dấn ấn với vai diễn “Kim Hoa bà bà” trong vở “Cô gái Đồ Long” của Hà Triều – Hoa Phượng. Những vai diễn phần nhiều là tuồng cổ trang, kiếm hiệp mở ra một bước ngoặt rất quan trọng, tạo bậc thang mới cho Mai Lan bước lên đỉnh nghệ thuật hát độc lẳng. “Nghệ sĩ đào lẳng” có nhiều đất diễn hơn khi đoàn Dạ Lý Hương với Hùng Cường – Bạch Tuyết và dàn nghệ sĩ hùng hậu như Ba Vân, Thanh Việt, Văn Chung, Tư Rọm, Kim Ngọc, Hồng Nga, Dũng Thanh Lâm, Phương Ánh…, chuyển sang hát cải lương tâm lý xã hội.
Tang lễ của nghệ sĩ Mai Lan được tổ chức tại Chùa Vĩnh Nghiêm, TP HCM. Lễ tẩn liệm được tiến hành lúc 17 giờ 30 phút ngày21-5. Vì các con của bà ở nước ngoài đang thu xếp công việc về thọ tang mẹ nên tang lễ được tổ chức một tuần tại Chùa Vĩnh Nghiêm. Lễ động quan tổ chức lúc 6 giờ ngày29-5, sau đó đưa đi hỏa táng tại Nghĩa trang Bình Dương.
Bài và ảnh: Thanh Hiệp
Bài viết khác
Bình luận
Bài viết nổi bật
-
Tây Thiên Vũ Khúc
26/05/2023.130223 -
30 nghệ sĩ nổi tiếng tham gia MV ca cổ “Sài Gòn, ngày vui trở lại” của NSƯT Hữu Quốc
11/09/2021.98791 -
Vũ Luân: 2 lần định kết hôn bất thành và cuộc sống độc thân tuổi 51
10/07/2023.95586 -
Phương Cẩm Ngọc đạt nhất tuần đầu tiên Sao Nối Ngôi mùa 4
04/04/2019.94028
Để lại một bình luận