Vĩnh biệt ‘Trùm Sò’ – Nghệ sĩ ưu tú Giang Châu
(CLV) – Với nhiều người thế hệ của tôi, vở cải lương Ngao Sò Ốc Hến gắn với ký ức tuổi thơ tươi đẹp. Trong vở ấy, Trùm Sò của Giang Châu duyên và hài đến mức từ đó về sau cứ ai keo kiệt là bị gọi “trùm sò”.
Tôi vẫn nhớ mãi tối thứ bảy và chủ nhật ngày ấy, cả xóm ngồi chật ních bên cái ti vi đen trắng chờ xem cải lương. Ba vở được phát nhiều nhất lúc đó là Tiếng trống Mê Linh, Bên cầu dệt lụa và Ngao Sò Ốc Hến. Những vở khác không có được tần suất phát nhiều như ba vở này.
Đặc biệt Ngao Sò Ốc Hến thì ôi thôi, cứ làm cả xóm cười điên đảo, cười bò càng. Mà lạ, sao xem cả chục lần, hai chục lần, mà vẫn cứ cười được hoài, không hiểu nổi! Trong đó, có một nhân vật hễ cất giọng thì trời đất ơi… nó ré lên, nó kéo dài nhão nhẹt, nó lượn lượn thấy ghét. Ai mà luyện được cái giọng ngộ dữ vậy? Giang Châu chứ ai. Vai Trùm Sò của ông độc đáo nhờ cái giọng kỳ cục đó. Không biết sao ông lại nghĩ ra được kiểu ca diễn quá độc, khiến người ta nhớ ngay, nhớ mãi. Những câu thoại “độc địa” của Trùm Sò đến giờ vẫn được rất nhiều người nhớ như in: “Trai trẻ gì làm biếng quá vậy. Tao đi ăn giỗ cả ngày có mệt mỏi gì đâu”, hay “Im… Mấy người nghèo không được quyền nói, để mấy người giàu người ta nói”…
Trùm Sò theo tôi suốt những năm tháng ấu thơ. Khi lớn lên, tôi vẫn mê mẩn nhân vật này và tội nghiệp cho ông nhà giàu keo kiệt đi hầu quan mà khúm núm ôm chặt đôi guốc sợ để bên ngoài thì bị mất. Tội nghiệp thiệt chứ, bởi cuối cùng Trùm Sò cũng bị bọn quan lại cướp trắng tài sản. Gương mặt ấy nhũn như con mèo mắc mưa, thất thểu rời công đường, để lại một lời châm biếm “Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”.
NSƯT Giang Châu sinh năm 1952 tại Bến Tre. Nhà nghèo, ông đi chăn trâu, làm mướn, rồi quen biết với những người đờn ca tài tử, phát hiện mình có năng khiếu ca hát. Năm 1968, ông theo gánh hát nhỏ, sau đó đầu quân cho đại bang Hương Mùa Thu. Năm 1975, ông về đoàn Sài Gòn 2, nổi lên với nhiều vai diễn.
Ông mất lúc 6 giờ 35 ngày 8.5 tại nhà riêng (Q.Tân Phú, TP.HCM), ở tuổi 68.
Rồi Giang Châu vào vai Thừa trong vở Tiếng hò sông Hậu. Một anh nông dân nghèo khổ, bộc trực, sẵn sàng trả miếng với bọn địa chủ mà đại diện là hội đồng Dư do Nghệ sĩ nhân dân Diệp Lang đóng. Với câu nói cửa miệng “Chết còn sướng hơn!”, Thừa đi vào lòng nhân dân luôn, và từ đó người ta hễ bất nhẫn với chuyện gì thì lại bật ra “Chết còn sướng hơn!”. Nhưng không thể diễn tả được cái giọng của Giang Châu nó hay thế nào, chỉ có 4 chữ mà ông nhấn nhá thiệt lạ.
Thật tình không ai ngờ Giang Châu lại có thể hài duyên đến thế, trong khi ông vừa mới xuất hiện trong vai Trần Hùng trong vở Tìm lại cuộc đời, một thương binh của quân đội Sài Gòn, hận đời, say rượu, ăn nói bạt mạng, đay nghiến người vợ bỏ mình đi lấy Mỹ, bóc trần hậu trường chiến tranh tệ hại với thằng em họ là đại úy Huy Bình. Với cái chân què, cái nạng gỗ, gương mặt râu ria tua tủa, bộ quần áo bèo nhèo, gương mặt bất cần đời…, Giang Châu khắc họa đau đớn những thân phận bị đẩy ra khỏi cuộc sống yên lành, như trái chanh bị vắt hết nước, người ta quăng cái vỏ đi mặc dù cái vỏ ấy vẫn còn quyền sống, quyền yêu.
Ba vai diễn đó đã lẫy lừng suốt nửa thập niên 1970, kéo dài đến hết thập niên 1980. Sau này Giang Châu dù không còn biên chế trong một đoàn cải lương nào nữa nhưng ông đi hát đại nhạc hội thì khán giả vẫn đòi xem lại những nhân vật này.
Tuổi già gian khó
Thập niên 1990, cải lương khó khăn, nhiều đoàn tan rã, Giang Châu đành đi hát đám cưới, đám ma, hát hội chợ, mở quán nhậu để nuôi gia đình. Nhưng khán giả cứ đòi nhậu chung với nghệ sĩ, ông phải bỏ quán. Còn đi hát hội chợ, lô tô thì ông chạnh lòng. Chỉ còn lại hát đám ma là “vui” nhất, vì khi ấy khán giả trầm lặng theo dõi từng lời ca tiếng nhạc, nghệ sĩ bỗng thấy mình có tri âm.
Nhưng cuộc đời không để ông yên. Hai người con của ông chết sớm, trong đó có Thế Sơn là một diễn viên vững vàng của Sân khấu Hoàng Thái Thanh, là chồng của diễn viên Ngọc Duyên từng đoạt giải nhất cuộc thi Kịch cùng bolero. Con chết, ông đau đớn vô cùng, nhưng vẫn cố giữ giọng bình tĩnh. Một lần tôi đi công tác chung xe với ông, ông cười rổn rảng rất vui, không ai biết ông đang gặp khó khăn. Và có lẽ chính sự lạc quan ấy đã giúp ông vượt qua nỗi đau trong đời. Ông lại bị tai biến mấy năm nay, sống nương vào cô con gái duy nhất.
Giờ thì Trùm Sò cũng đã buông tay. Sân khấu mất đi một bóng dáng thân quen.
Hoàng Kim
Bài viết khác
Bình luận
Bài viết nổi bật
-
Tây Thiên Vũ Khúc
26/05/2023.130223 -
30 nghệ sĩ nổi tiếng tham gia MV ca cổ “Sài Gòn, ngày vui trở lại” của NSƯT Hữu Quốc
11/09/2021.98791 -
Vũ Luân: 2 lần định kết hôn bất thành và cuộc sống độc thân tuổi 51
10/07/2023.95586 -
Phương Cẩm Ngọc đạt nhất tuần đầu tiên Sao Nối Ngôi mùa 4
04/04/2019.94028
Để lại một bình luận