Vinh danh những nghệ sĩ gạo cội

Vinh danh những nghệ sĩ gạo cội

Chưa phân loại
01/08/2019
568 Lượt xem

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 54/NQ-CP về việc phong tặng, truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND), Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) lần thứ 9.

Nghị quyết nêu rõ, trong khi chưa sửa đổi Nghị định số 89/2014/NĐ-CP ngày 29-9-2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, Chính phủ đồng ý đề nghị xét phong tặng, truy tặng danh hiệu NSND cho 50 cá nhân; phong tặng, truy tặng danh hiệu NSƯT cho 149 cá nhân.

1. Trong số cá nhân được đề nghị phong tặng danh hiệu NSND lĩnh vực âm nhạc có 11 người, lĩnh vực điện ảnh có 8 người, lĩnh vực phát thanh – truyền hình có 2 người, lĩnh vực sân khấu có 25 người (trong đó ở loại hình nghệ thuật Cải lương có 7 người, nghệ thuật Chèo có 11 người, nghệ thuật Dân ca kịch có 1 người, nghệ thuật Kịch nói có 3 người và nghệ thuật Tuồng có 3 người.

Có 4 cá nhân được đề nghị truy tặng danh hiệu NSND gồm NSƯT Nguyễn Đăng Toàn, diễn viên Đoàn Cải lương Hải Phòng; NSƯT Bùi Văn Cường, đạo diễn, Hãng phim Truyện Việt Nam; NSƯT Đoàn Anh Tuấn, diễn viên nhạc, Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam; NSƯT Trần Ngọc Châu – diễn viên công tác tại thành phố Hồ Chí Minh.

Lần này, những cái tên được công chúng quan tâm như nghệ sĩ Trần Hạnh, Minh Vương, Thanh Tuấn đã có tên trong danh sách phong tặng danh hiệu NSND.

Các nghệ sĩ vẫn miệt mài cống hiến cho nghệ thuật.

Các nghệ sĩ vẫn miệt mài cống hiến cho nghệ thuật.

Những năm gần đây, giới nghệ sĩ đã nhiều lần lên tiếng về những bất cập trong vấn đề xét tặng danh hiệu dẫn đến việc nhiều nghệ sĩ gạo cội, có những đóng góp không nhỏ trong các lĩnh vực nghệ thuật đã không được nhìn nhận xứng đáng, thậm chí bị “áp” vào những quy định quá chặt chẽ và khuôn mẫu. Năm nào đến mùa phong tặng danh hiệu cũng có những nghệ sĩ bị rớt lại do thiếu huy chương, giải thưởng dù tên tuổi và sự cống hiến của họ thì không thể phủ nhận.

Có nhiều nghệ sĩ tâm huyết với nghề, dành cả cuộc đời cống hiến cho nghệ thuật như Trần Hạnh, Minh Vương, Thanh Tuấn đến bây giờ mới được đề nghị phong tặng NSND. Thậm chí, có nhiều nghệ sĩ đã mất mới được đề nghị truy tặng danh hiệu.

Câu chuyện về hai cố nghệ sĩ Văn Hiệp, Bùi Cường đã được báo chí và giới nghệ sĩ lên tiếng nhiều lần khiến chúng ta không khỏi ngậm ngùi. Với những nghệ sĩ đó, chúng ta không thể nhìn nhận họ đóng khung trong các giải thưởng hay huy chương bởi họ đã cống hiến cả cuộc đời cho nghệ thuật. Danh hiệu lớn nhất mà họ có đó chính là những nghệ sĩ nhân dân ở trong lòng công chúng.

Lần này, trước khi chờ sửa đổi những bất cập trong Nghị định 89 về xét tặng danh hiệu, các nghệ sĩ đang được công chúng yêu quý đã được vinh danh.

Nghệ sĩ Trần Hạnh.

Nghệ sĩ Trần Hạnh.

2. Nghệ sĩ Thanh Tuấn và nghệ sĩ Minh Vương, hai gạo cội của làng Cải lương Việt Nam chia sẻ, nhận tin họ được đề nghị phong tặng danh hiệu NSND lần này “buồn vui lẫn lộn”. Nghệ sĩ Thanh Tuấn nói: Danh hiệu đến sớm hay muộn với chúng tôi cũng không quan trọng vì chúng tôi vẫn làm nghề, vẫn còn ca cho đến lúc nào không ca được nữa, còn hơi thở, còn khán giả yêu thương thì tôi vẫn sống chết với cải lương”. Họ là những người đã gắn bó cả cuộc đời mình với cải lương, hơn 50 năm với những thăng trầm, buồn vui.

“Tôi và anh Minh Vương có rất nhiều điểm cùng nhau, cùng vào nghề từ năm 14 tuổi, cùng học một thầy, cùng nổi tiếng và cùng về đoàn cải lương Kim Chung. Bây giờ chúng tôi cùng được đề nghị phong tặng danh hiệu NSND sau khi giới làm nghề, báo chí và khán giả ủng hộ. Tôi nghĩ danh hiệu cũng quan trọng đối với nghệ sĩ nhưng có lẽ, qua lần này, điều tôi cảm động hơn là sự ủng hộ của tất cả anh em nghệ sĩ, báo chí và khán giả, họ đã phản ứng rất mạnh mẽ về việc tôi và nghệ sĩ Minh Vương không được phong tặng danh hiệu NSND năm 2018.

Trong việc xét tặng danh hiệu, huy chương, giải thưởng chỉ là một phần thôi, nó chưa đánh giá hết được sự cống hiến, tận tâm với nghề của người nghệ sĩ. Vì thế, chúng ta không nên cứng nhắc chỉ căn cứ vào số lượng huy chương mà quên đi sự cống hiến miệt mài của các nghệ sĩ trên nhiều lĩnh vực thầm lặng như nghệ thuật truyền thống”.

Nghệ sĩ Minh Vương.

Nghệ sĩ Minh Vương.

Với nghệ sĩ Minh Vương, khi tôi hỏi đến danh hiệu NSND, ông cười: “Với tôi, danh hiệu chỉ là sự công nhận từ phía nhà nước mà thôi, chứ với công chúng, họ đã đồng hành cùng chúng tôi một chặng đường rất dài, kể cả giai đoạn cải lương khó khăn nhất, chúng tôi cũng có những khán giả trung thành của mình. Họ cảm nhận được rằng, chúng tôi đã sống chết với cải lương như thế nào”.

Nghệ sĩ Minh Vương 14 tuổi đã trở thành người nhỏ tuổi nhất đoạt giải Khôi nguyên vọng cổ. Từ đó đến nay, hơn 50 năm ông vẫn bền bỉ với nhiều vai diễn để đời trong các vở “Đời cô Lựu”, “Nửa đời hương phấn”, “Tô Ánh Nguyệt”, “Rạng ngọc Côn Sơn”, “Tiếng sóng Rạch Gầm”, “Máu nhuộm sân chùa”…

Với chất giọng trữ tình, khỏe khoắn và điêu luyện, ông và NSND Lệ Thủy đã trở thành cặp đôi đào kép cải lương huyền thoại. Có thể nói không có khán giả ghiền cải lương nào mà không biết đến ông. Năm 2008, ông và NSND Lệ Thủy còn đứng ra thành lập Sân khấu vàng, với tiêu chí mỗi suất hát một căn nhà tình thương. Thời điểm đó, ở tuổi 60, họ vẫn miệt mài dàn dựng, tập luyện biểu diễn phục vụ khán giả, sau mỗi suất hát cùng ngồi lại tính toán rồi đi đến những vùng sâu vùng xa trao nhà cho bà con nghèo.

Nghệ sĩ Thanh Tuấn trong một vai diễn.

Nghệ sĩ Thanh Tuấn trong một vai diễn.

Còn nghệ sĩ Trần Hạnh, ở tuổi 90, ông mới được đề nghị phong tặng danh hiệu NSND. Muộn, nếu không nói là quá muộn, nhưng điều đó cũng ghi nhận sự cầu thị từ phía Hội đồng xét tặng giải thưởng. Hơn 60 năm gắn bó với nghiệp diễn, ông đóng khung với những vai diễn khắc khổ, chịu đựng.

Tên tuổi của ông len lỏi đến các hang cùng ngõ hẻm bởi sự cống hiến và làm nghề tận tụy. Cả cuộc đời sống thanh sạch, giản dị, thậm chí vất vả, nghèo khó trong ngôi nhà nhỏ ở ga Trần Quý Cáp, nhưng nghệ sĩ Trần Hạnh vẫn an vui. Mấy năm trước, còn sức khỏe, ông vẫn đi đóng phim, đó là niềm vui của ông. Nhưng gần đây, mắt ông mờ dần, tuổi 90 chậm chạp, hằng ngày ông ra quán tạp hóa của con dâu phụ việc cho con.

Hai năm trước, nghệ sĩ Chí Trung kêu gọi đồng nghiệp và khán giả giúp đỡ, phải thật khéo thì ông mới chịu nhận để sửa sang lại ngôi nhà xuống cấp. Hơn 60 năm cống hiến cho nghệ thuật ông vẫn giữ lối sống đó và với ông, danh hiệu không quá quan trọng.

Ông chưa bao giờ trực tiếp lên tiếng về việc mình chưa được danh hiệu NSND trong khi nhiều bạn bè, đồng nghiệp trẻ tuổi hơn ông đã được phong tặng từ lâu. Ông nói: “Cả một đời theo nghệ thuật, tôi thấy điều quan trọng là ở mỗi vai diễn mình đã làm tốt chưa, có thực sự hết lòng với từng vai diễn đó không và được khán giả yêu quý hay không.

Có thể, với nghệ sĩ Trần Hạnh, hay nghệ sĩ Minh Vương, nghệ sĩ Thanh Tuấn… và nhiều nghệ sĩ được đề nghị phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT đợt này, danh hiệu chưa bao giờ là mục đích làm nghề của họ, nhưng việc phong tặng cho những con người cả cuộc đời gắn bó, cống hiến cho nghệ thuật đó sẽ làm sang, làm cho danh hiệu giá trị hơn.

Hy vọng việc xét tặng danh hiệu đợt này sẽ nhìn nhận đúng đắn những đóng góp, cống hiến của nghệ sĩ trong một hành trình dài làm nghề để danh hiệu thực sự có ý nghĩa và giá trị.

Lan Tường


Đánh giá bài viết

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *