Vở thể nghiệm “Nhật thực” – khát khao tìm kiếm con đường mới cho cải lương

Vở thể nghiệm “Nhật thực” – khát khao tìm kiếm con đường mới cho cải lương

Chưa phân loại
07/05/2019
588 Lượt xem

Vở diễn có đưa một chút rock, một chút world music… vào nhưng không tạo sự khó chịu bởi có những bài bản, tiếng mộc của đờn kìm vang lên trên nền nhạc giao hưởng nhẹ nhàng, nghe thật lạ nhưng thật hài hòa. Nhật thực là vở cải lương hiếm hoi của khu vực phía Nam tham gia Liên hoan Sân khấu thể nghiệm quốc tế lần 3.
Đêm công diễn vở cải lương thể nghiệm Nhật thực ngày 5-5 tại rạp Công Nhân TPHCM do sân khấu Thể nghiệm Thế Giới Trẻ phối hợp cùng với Sân khấu Sen Việt thực hiện vừa khép lại trong sự xúc động của nhiều khán giả, giới mộ điệu.

Một cảnh trong vở Nhật thực

Một cảnh trong vở Nhật thực


Vở diễn bắt đầu với khoảnh khắc nhật thực. Mặt trời tượng trưng cho ánh sáng, cho chân lý cũng có lúc bị áng mây phủ che mờ. Trong khoảnh khắc u u minh minh đó, người nghệ sĩ bỗng ngưng lại mà nhìn vào bản thân, nhìn lại khát vọng cho con đường nghệ thuật của mình, nghẹn ngào nuối tiếc: “Nếu như sân khấu cải lương không còn nữa, thì người nghệ sĩ họ sẽ làm gì? Họ sẽ đi đâu và về đâu?”
Người nghệ sĩ đã cất lên câu hát trong vở cải lương như chính tiếng lòng của mình gửi đến khán giả: “Tôi yêu quê hương, bởi khi có lòng tin thì sẽ có tất cả, tôi tự hào chọn ánh đèn sân khấu. Cải lương chính là tâm hồn dân tộc trong tôi”.
Một cảnh trong vở Nhật thực

Một cảnh trong vở Nhật thực

Nhật thực là vở cải lương hiếm hoi của khu vực phía Nam tham gia Liên hoan Sân khấu thể nghiệm quốc tế lần 3, diễn ra tại Hà Nội vào tháng 10 sắp tới.

Kịch bản Nhật thực do tác giả Lê Duy Hạnh chắp bút, sau được chuyển thể bởi Nguyên Phương, chàng đạo diễn trẻ của trường Đại Học Sân Khấu Điện Ảnh TPHCM.

Kịch bản được chuyển thể và thay đổi so với kịch bản gốc và phải trải qua hơn 10 lần thay đổi nội dung, góp ý và chỉnh sửa cuối cùng Nhật thực đã hoàn thiện và đến với công chúng.

Đời người nghệ sĩ chỉ có thế, chỉ muốn sống trọn cho từng vai diễn, khi màn nhung kia khép lại, ánh đèn sân khấu tắt đi, chỉ còn lại những hàng ghế trống, người nghệ sĩ lại cởi bỏ trang phục, cởi bỏ lớp son phấn và trở về với cuộc sống thường ngày. Luyến tiếc thấy buồn, rồi nán lại đôi chút để hát nghêu ngao và trước khi ánh đèn tắt lịm hẳn.
Nhật thực với sự tham gia diễn xuất của NSƯT Lê Trung Thảo, nghệ sĩ Thành Tây, nghệ sĩ Hoàng Quốc Thanh đã đưa khán giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Tuy có ba diễn viên nhưng chỉ có một nhận vật. Các nhân vật với các tính cách khác nhau, nhưng tất cả tính cách đó có khi có sẵn trong một con người. Lý trí nào, lựa chọn nào để ta phân định nhân cách cho riêng ta?…
Đạo diễn Lê Nguyên Đạt chia sẻ vở có nhiều thể nghiệm, làm mới, tuy nhiên sẽ không phải là “nồi lẩu thập cẩm”, mà cái mới đưa vào sẽ hợp lý, hiện đại nhưng cố gắng không làm mất đi chất truyền thống.

Một cảnh trong vở Nhật thực

Một cảnh trong vở Nhật thực


Không chỉ đặc sắc về mặt nội dung, mà âm nhạc cũng đóng góp một phần quan trọng đối với sự thành công lần này của Nhật thực.
Về phần âm nhạc, nhạc được thu sẵn và mời các danh cầm như danh cầm Út Tỵ, Huỳnh Tuấn, nhạc sĩ Văn Môn, nghệ sĩ Hải Phượng, Văn Sơn, Trọng Trí… tham gia thu âm. Nhạc sĩ Thanh Liêm đảm nhiệm hòa âm tân nhạc.
Vở diễn có đưa một chút rock, một chút world music… vào nhưng không tạo sự khó chịu bởi có những bài bản, tiếng mộc của đờn kìm vang lên trên nền nhạc giao hưởng nhẹ nhàng, nghe thật lạ nhưng thật hài hòa. Các bài bản cải lương được xử lý 1, 2 câu phù hợp trong mỗi trường đoạn để tạo điểm nhấn, tránh sự lê thê.
Nhạc sĩ Võ Thanh Liêm chia sẻ: “Trong tác phẩm nhật thực lần này, chúng ta sẽ được thưởng thức sự hòa trộn giữa âm nhạc cổ truyền dân tộc và âm nhạc hiện đại Phương Tây, chúng tôi mong muốn rằng sẽ thu hút người xem bằng một cách nhìn mới lạ và đặc biệt người trẻ cũng có thể nghe cải lương”.

Đạo diễn Lê Nguyên Đạt chia sẻ: “Tôi cho rằng nghệ thuật cải lương của mình là mở và động, sẽ tiếp tục thay đổi theo thời đại. Nên với những thể nghiệm trong vở diễn, chúng tôi vẫn mong nhận được nhiều đóng góp để tiếp tục hoàn thiện”.

Như câu “Cải cách hát ca theo tiến bộ – Lương truyền tuồng tích sánh văn minh”, cải lương là cải cách, làm mới do đó cần lắm những vở tuồng thể nghiệm mới mẻ như Nhật Thực để cải lương sẽ ngày càng đổi mới và phát triển, cái cốt lõi làm sao để cải lương có thể đến với nhiều khán giả đặc biệt là những người trẻ cũng có thể nghe cải lương.

HUY PHẠM


Đánh giá bài viết

Bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *